Trang chủ PGVN Nhân vật Đức Pháp chủ- Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận

Đức Pháp chủ- Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận

158

Cũng như cha tôi, người sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho phong, nếp nhà thanh bạch, lấy sự giáo dục đạo đức nhân nghĩa trung hiếu cho con cháu làm đầu.


 


Là truyền thống gia đình mà cũng là truyền thống văn hoá Việt Nam, phụ thân Người vẫn thường dẫn Người đến nghe kinh lễ Phật ở Tổ đình Đồng Đắc, giống như ông nội tôi vẫn thường dẫn con cháu đi xem lễ ở đại danh lam Đội Sơn Sùng Thiệu Diên Linh và đàm đạo triết lý hoà dung tam giáo cùng các bậc Đại lão Hoà thượng chùa Đọi. Những hàng nhãn tiến dọc đường lên chùa Long Đội là do chính ông nội tôi, một nhà Nho đã trải nhiều phen lận đận lều chõng chốn trường quy và đã lấm bụi trần trên đường hoạn lộ khi về hưu trí chốn quê nhà đã cùng người nhà ươm giống từ Phố Hiến- Hưng Yên đem về trồng, cúng đường Tam Bảo…


 


Đó là lẽ vì sao, sau này, cũng như ông tôi và cha tôi, Đức đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận lại “dung tam tế”, tinh thông Nho- Phật- Lão.


 


Cũng như ông tôi, Người luôn giáo hoá quần sinh “minh tâm kiến tính”, quan tâm việc mở trường học huấn luyện lớp hậu sinh đầu xanh tuổi trẻ giữ gìn “tính bản thiện” và ứng xử “vô ngã vị tha” “tự giác giác tha”, theo gương Đức Khổng Tử nói nhân nghĩa, làm nhân nghĩa, noi gương Đức Phật lấy “bố thí” làm con đường sinh đạo, “cho tức là nhận”.


 


Ông tôi là một nhà nho và một nhà giáo mến cảnh Phật – Tiên:


“Ngán đời quỷ- mị hồn thiêng lánh


Vui thú Thần – Tiên giấc mộng dài”


 


Ngài đệ nhất Pháp chủ từ tuổi 15 đã “xuất gia đầu Phật”, lấy việc “hoằng dương Phật pháp” làm lẽ sống ở đời, suốt đời giáo dục, huấn luyện tăng tài. Song cũng như các bậc chân tu- đại Thiền sư thời Lý – Trần, Người không hoàn toàn thoát tục, xuất thế mà vẫn cứ “vì nước non”. Khi đất nước bị thực dân xâm lăng quấy nhiễu thì cảnh Phật nơi Người trụ trì, chùa Đồng Đắc cũng như biết bao tự viện khác, kể cả Tổ đình Pháp Vân (chùa Dâu – Khương Tự), Tổ đình Kiến Sơ (Phù Đổng – Tiên Du) v.v…đều trở thành cơ sở Cách mạng- kháng chiến.


 


Và khi nền hoà bình đã được lập lại, nước nhà đã được thống nhất thì Người lại cùng chư vị Tôn túc đứng ra gánh vác trách nhiệm nặng nề thống nhất các hệ phái Phật giáo để mưu cầu hạnh phúc cho số đông dân chúng “lạc lợi quần sinh”


Công đức của Người không thể chỉ đo bằng mấy tấm huân chương- mặc dù người rất xứng đáng với những tấm huân chương cao quý ấy của Nhà nước. Mấy lần tôi được gặp và hầu chuyện Người ở Tổ đình Quảng Bá, Hoè Nhai, mấy lần tôi được thuyết trình về “truyền thống nhân bản của đạo Phật Việt Nam”, về “Phật Giáo dân gian Việt Nam” ở trụ sở Trung ương Hội tại chùa Quán Sứ trước sự hiện diện chứng minh của Người, tôi vẫn thấy Người vẫn luôn luôn khoác áo nâu sồng, giản dị như người dân quê chốn thôn dã của Người, “không huân chương trên ngực”, nào cần chi khi ở trong Người đã đỏ thắm trái tim vàng vì Đạo, vì Đời…


 


Đã nhiều lần, tôi đã được viếng thăm vùng đất quê hương Người- Quần Anh- Quần Phương miền Hải Hậu, Nam Hà.


 


Quần Anh nổi tiếng từ xưa


Biển đình Phong Lạc, bia chùa Phúc Lâm


 


Đấy là nơi vua Lê ban tặng cho đình, cho dân tấm biển “Mỹ tục khả phong”.


 


Đấy là nơi tiên tổ của Người – họ Phạm cùng các ông Tổ khai sáng các họ Trần, Vũ, Hoàng và 9 dòng họ khác, dăm trăm năm về trước đã hội tụ về Quần Anh, Quần Ấp để khai hoang lấn biển, trải bao gian nan vất vả lập nên những xóm làng trù mật, phát triển trăm nghề, mở rộng địa bàn sinh sống… để trở thành huyện Hải Hậu ngày nay. Sách Quần Anh địa chí chép 4 câu thơ (tạm dịch như sau):


Đây nơi Quần Ấp


Dấu Tổ tiên xưa


Chùa Lương- Cầu Ngói


Đẹp như bài thơ


 


Không gian khai hoang lấn biển đã trở thành không gian văn hoá Việt Nam miệt biển Nam Hà, ở đó đan xen các cảnh Phật, các Văn chỉ Khổng môn, “cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”, và đan xen cả các nhà thờ Thiên Chúa Giáo.


 


Truyền thống dân gian bảo:


“Địa linh nhân kiệt”


 


Ngài giáo sư Vũ Nam Hà lão phu, diễn đạt bằng hai câu thơ:


Địa linh nhân xuất kiệt


Thiên bảo bút sinh hoa!


 


Tấm bia cổ Thái Hoà (Lê Nhân Tông 1453) ở Chùa Bối Khê “Tiền Phật hậu Thánh” thì triết lý:


“Tinh hoa trời đất tụ thành sông núi


Tinh hoa sông núi hun đúc thành Thánh Thần”.


 


Cũng như thánh Bối đại Bồ tát chân nhân Đức Minh là tinh hoa của vùng Đỗ Động, đức Pháp chủ Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận là tinh hoa trong vùng ấp Quần Anh.


 


Đức Pháp chủ Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận là một vị Bồ tát với bi nguyện cứu khổ cứu nạn”. Người sinh ra trong thời Pháp thuộc và cũng là thời Pháp nạn. Do vậy Người chăm lo tu dưỡng Tâm Bồ đề và Trí tuệ Bát nhã để “tự giác giác tha”. Biết bao vị Thiền sư- cư sĩ đã từng là môn đệ của Người.


 


Người rất biết ứng biến trong một thời đại đầy biến động xã hội và chiến tranh, cách mạng. Tâm Bồ đề ngát toả giới hương, thành sự thành tâm yêu nước, yêu dân, cho dù có lúc một vài người hay giới lãnh đạo, cai trị địa phương chưa thực hiểu Tâm bồ đề của Người, chưa thực hiểu tính nhân bản hiếu sinh của Phật giáo mà Người là một vị đại diện hiện sinh.


 


Người thành tâm khuyến cáo chư Phật tử và các vị đồng đạo ơn Đảng và Chính phủ ban hành chính sách “tự do tín ngưỡng” và Người cũng đã đề nghị chính quyền các cấp tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của Tăng Ni Phật tử, đề đạt với Chính phủ cho phép Giáo hội mở trường Phật học, cho phép mọi chùa có người thừa kế xứng đáng và có một tối thiểu nhân sự làm việc trong chùa.


 


Đến như “Vài lời để lại” của người viết từ năm 1987 thì…. về cơ bản là xuất phát từ cái Tâm Bồ đề và Trí tuệ bát nhã của Người. Đã có lần Người ban bảo tôi rằng Cụ Hồ tuy là Đảng viên Cộng Sản và phục vụ lý tưởng của Đảng song Cụ Hồ cũng là một bậc đại nho với đầy đủ các đức tính đại trí, đại dũng, đại nhân của nhà Nho…


 


Tôi hiểu rằng Đức Đại lão Hoà Thượng Thích Đức Nhuận kính phục Cụ Hồ Chí Minh. Tôi cũng hiểu rằng xưng tụng Cụ Hồ như thế bởi vì Người cũng muốn và đã tự thân thể hiện một bản sắc của văn hóa Việt Nam: Đó là sự hợp dung tôn giáo, hoà quyện Đạo Đời.


Nam Mô A Di Đà Phật.


 


Hà nội, ngày Phật đản, Phật lịch 2538, rằm tháng 4 Giáp Thân 25/5/1994