Trang chủ PGVN Nhân vật Đức Pháp chủ là biểutượng đoàn kết của các Hệ phái Phật...

Đức Pháp chủ là biểutượng đoàn kết của các Hệ phái Phật giáo

85

Chính hình ảnh đáng tôn kính của Ngài khiến cho Hoà thượng Siêu Việt cảm kích, tán thán: “Tôi là tu sĩ thuộc Phật giáo Nam tông nhưng nhìn thấy Hoà Thượng Đức Nhuận, tôi cũng cảm thấy kính trọng như đức Tăng Thống của hệ phái chúng tôi. Nếu Đại hội suy cử Ngài làm Pháp chủ, tôi chắc chắn các hệ phái bằng lòng”.


Sau khi Hoà thượng được suy tôn chức vị Pháp chủ, tôi được đề cử làm Trưởng ban Hoằng pháp. Tôi đến chùa Hồng Phúc đảnh lễ Hoà thượng, xin Ngài chỉ dạy những kinh nghiệm hoằng pháp trong nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì đất nước mới thống nhất, tôi ở miền Nam chưa hiểu rõ đường lối sinh hoạt như thế nào cho phù hợp. Giọng nói ôn tồn Ngài chỉ dạy còn văng vẳng trong tôi: “Ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mọi việc đều do Đảng lãnh đạo, Thượng toạ nên hoằng pháp trong phạm vi pháp luật cho phép thì Phật giáo mới có thể tồn tại được”.


 


Lời dạy của Hoà thượng tuy đơn giản nhưng tác động cho tôi phải suy nghĩ nhiều. Thật vậy, Hoà thượng đã sống trên 25 năm trong nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, suốt thời gian dài Ngài hành Đạo thật khéo léo, vừa không làm mất lòng chính quyền, vừa hướng dẫn Tăng, Ni, Phật tử tu hành, giữ vững được nếp sống Đạo. Vì vậy, lời Ngài nhắc nhở đã là kim chỉ nam hướng dẫn tôi hoạt động thật bình ổn trong lĩnh vực hoằng pháp suốt hai nhiệm kỳ. Nương theo ân đức chỉ đạo của Hoà thượng, ngành Hoằng pháp tiến triển từng bước an lành tuỳ lúc tuỳ nơi mà linh động thực hiện công việc truyền bá chính pháp, khi thì sôi nổi, lúc thì trầm lặng, dù dưới hình thức nào chăng nữa cũng cố tránh không để những chuyện đáng tiếc xảy ra.


 


Hôm nay Hoà thượng vắng bóng trên cuộc đời, tôi cảm nhận những lời dạy quý báu của Ngài vẫn sống mãi trong suy tư của riêng tôi cũng như của quý vị giảng sư trong ngành Hoằng pháp. Tôi thiết nghĩ, con đường truyền bá chánh pháp Hoà thượng vạch ra cho chúng ta làm cách nào đừng gây mâu thuẫn chống đối với bất cứ người nào hay thành phần nào. Trái lại, chúng ta nên uyển chuyển khéo léo hài hoà với mọi tầng lớp xã hội và đáp ứng được yêu cầu lợi ích cho người. Thành tựu như vậy mới thể hiện được mục tiêu cao quý của việc tuyên dương Phật pháp và đồng thời chúng ta mới tạo được sự an lạc cho bản thân mình tu học và an lạc cho cả cộng đồng sinh hoạt của Tăng Ni Phật tử.


 


Theo tôi, đức hạnh cao quý của Hoà thượng là chất keo gắn bó, kết hợp giới Phật giáo của cả 3 miền Nam, Trung, Bắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni Phật tử các hệ phái đều tôn kính Ngài là bậc phạm hạnh chân tu vì cuộc đời Ngài toả sáng hương đạo, hạnh an lạc mà đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Hoa. Tôi thiết nghĩ, trên bước đường hành đạo, chúng ta cần noi theo tấm gương mô phạm của Hoà thượng, dù ở trong tình huống nào, gặp phải cảnh ngộ nào, chúng ta vẫn phải cố gắng hoà hợp, giữ cho thân tâm an lạc và tốt hơn nữa, thể hiện các việc làm lợi ích cho đạo, mang an vui cho đời. Đó cũng chính là những gì Hoà thượng đã thành tựu trong giai đoạn lịch sử khó khăn nhất của Phật giáo Việt Nam, tạo được niềm kính trọng tin tưởng của mọi người trong công cuộc thống nhất Phật giáo, đưa đến kết quả suy tôn Ngài lên hàng giáo phẩm lãnh đạo cao nhất. Suốt thời gian dài ở ngôi vị Pháp chủ cho đến ngày viên tịch, uy tín của Ngài ngày càng thêm sáng tỏ, toả bóng mát an lành cho Tăng Ni Phật tử nương nhờ tu học.


Hình ảnh đạo hạnh của đức Pháp chủ mãi mãi sống trong tâm tôi, là ngọn hải đăng soi đường cho đàn hậu tấn trên lộ trình tiến tu giải thoát.