Trang chủ Diễn đàn Đừng tự gây ra khủng hoảng truyền thông

Đừng tự gây ra khủng hoảng truyền thông

126

Gần đây, trên các trang web Phật giáo có đưa thông tin về một cuộc tọa đàm về văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là nội dung “Tại các buổi làm việc, đại diện Hiệp hội Dệt may và Viện mẫu thời trang Fadin cam kết sau khi màu sắc được Hội đồng Trị sự lựa chọn sẽ sản xuất và bảo vệ bản quyền cho Phật giáo Việt Nam”.

Nguồn ghi chú cho thông tin này Báo Đại Đoàn kết.

Bảo vệ bản quyền màu sắc đã là chuyện lạ. Hiệp hội dệt may và một viện mẫu thời trang “bảo vệ bản quyền cho Phật giáo Việt Nam” là một chuyện lạ hơn nữa.

Nói đến “bảo vệ bản quyền” là nói đến con đường vận dụng pháp luật dân sự. Vấn đề nằm ở chỗ này.

Tất yếu để bảo vệ bản quyền, không có lựa chọn nào khác ngoài tố tụng dân sự.Vì bảo vệ bản quyền là dùng pháp luật chống lại sự xâm phạm bản quyền. Nghĩa là, khi có người vi phạm bản quyền thì đương nhiên phải khởi kiện người xâm phạm đó ra trước tòa án, yêu cầu tòa án xét xử và trông cậy vào phán quyết mang tính cưỡng chế của tòa án để bảo vệ bản quyền. Nói bảo vệ bản quyền mà không tính gì đến việc tham gia tố tụng là ngớ ngẩn, không biết gì về pháp luật.

Nhưng đã kiện thì ai đứng đơn khởi kiện ra tòa về việc vi phạm bản quyền màu sắc Phật giáo được bảo vệ? Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay Hiệp hội Dệt may Việt Nam hay Viện mẫu thời trang Fadin?

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng nguyên đơn khởi kiện một vụ án tranh chấp màu sắc sẽ là việc mở đầu một vụ khủng hoảng truyền thông nhằm vào Phật giáo Việt Nam. Tranh chấp bản quyền màu sắc đã là điều đã nghe buồn cười.Càng buồn cười hơn nếu người khởi kiện là tổ chức Phật giáo. Thắng kiện ai đâu chưa biết, nhưng ngay từ khởi đầu, vụ án tranh chấp bản quyền màu sắc lập tức làm mất tôn nghiêm tổ chức tôn giáo đứng ở vị trí nguyên đơn. Một scandal sẽ nổ ra, thu hút dư luận vào đó bình phẩm, khen chê, chỉ trỏ, điều ong tiếng ve. Bất lợi nhãn tiền cho Phật giáo Việt Nam!.

Còn nếu hiệp hội dệt may hay viện mẫu thời trang theo cam kết “bảo vệ bản quyền cho Phật giáo Việt Nam” thì Phật giáo Việt Nam lại dây vào một vụ án… thời trang!.Thật là kỳ dị và khó coi. Hiệp hội dệt may hay viện thời trang gì đó đâu có sự tôn nghiêm tôn giáo để mà mất, nhưng để tôn giáo liên hệ tới một vụ kiện thời trang thì tôn giáo đó sẽ chẳng còn tôn nghiêm. Mà tôn giáo mất tôn nghiêm, đứng chung với viện mẫu thời trang, kéo nhau ra tòa để nhờ phân xử màu sắc thời trang, thì không còn ra sao hết, chẳng còn tư cách gì hết.

Trước nay, vẫn nghe đến chuyện bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ nhãn hiệu… chứ thực tình chưa nghe bảo vệ bản quyền màu sắc.

Một điều bảo vệ bản quyền kỳ lạ như vậy dẫn đến những tranh chấp khó chịu, rối rắm, vướng víu không lường như thế, mà lại cột Phật giáo vào đó thì thiếu tầm nhìn.

Để bảo vệ nhãn hiệu thì doanh nghiệp báo kiểm tra thị trường, công an kinh tế đến chỗ có bày bán hay nơi sản xuất tích trữ hàng hóa vi phạm để lập biên bản, thu giữ tang vật.

Còn không lẽ Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phân phối với đơn vị thời trang mà họ nói giúp bảo vệ bản quyền màu sắc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý bắt giữ khi có vụ việc xâm phạm bản quyền màu sắc, tức là khi có ai mặc áo hay quần hay đội nón có màu sắc đã bảo vệ bản quyền.

Khủng hoảng truyền thông không tránh khỏi sẽ xảy ra cho Phật giáo Việt Nam khi có sự việc như vậy, chưa nói gì đến việc khởi kiện, tố tụng, ra tòa, xử lý.

Theo thông lệ, những sản phẩm vi phạm bản quyền sẽ bị tịch thu. Trò cười cho cả xã hội xảy ra khi một doanh nghiệp thời trang yêu cầu tịch thu một cái hay nhiều cái quần hay cái áo màu vàng để “bảo vệ bản quyền cho Phật giáo Việt Nam”. Những thế lực bài Phật giáo Việt Nam chỉ chờ có thế để châm ngòi cho 1 cuộc khủng hoảng truyền thông “bảo vệ bản quyền” màu sắc cho Phật giáo Việt Nam.

Đó là chưa kể viễn cảnh Phật giáo Việt Nam bị lôi kéo sa lầy vào những cuộc tranh cãi khôi hài, vô bổ và triền miên khi lâm vào kiện tụng tranh chấp khi có những màu sắc gần giống với màu sắc đã đạt yêu cầu được luật pháp bảo vệ đi nữa, như trường hợp doanh nghiệp này tố doanh nghiệp kia vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, nhưng doanh nghiệp bị tố cho rằng có khác biệt trong nhãn hiệu hàng hóa.

Có những vụ cãi cọ sở hữu công nghiệp làm hao tổn công sức, tiền bạc, tâm trí nhưng rồi như xe Trung Quốc kiểu dáng y như xe Dream Nhật vẫn chạy ào ào phô phang trên đường phố.

Như vậy, nếu có tầm nhìn, chớ để cho Phật giáo Việt Nam tự vướng vào hay lôi kéo vào những trường hợp là ngòi nổ khủng hoảng truyền thông như vậy.Ông bà ta có câu “vô phúc đáo tụng đình”. Những việc tất yếu dẫn đến tụng đình như chuyện “bảo vệ bản quyền” màu sắc thì đừng để Phật giáo Việt Nam sa vào cũng như đừng để một nhà thời trang nào đó đến lôi kéo bằng cách để họ đứng ra bảo vệ cho.