Trang chủ Người thời nay “Đường Tăng” phố núi hết lòng vì học sinh nghèo

“Đường Tăng” phố núi hết lòng vì học sinh nghèo

817

Trong một lần tình cờ đến thăm Tổ đình Linh Quang – Tp. Đà Lạt, tôi có dịp được gặp lại thầy Thích Chơn Pháp, thầy là một tu sĩ trẻ đầy nhiệt huyết và có tấm lòng nhân hậu. Chỉ mới 22 tuổi nhưng thầy đã tham gia các công tác thiện nguyện đã hơn 5 năm, thầy luôn đau đáu trong mình trước những học sinh nghèo và những mảnh đời bất hạnh.

Giàu lòng nhân ái và tình yêu thương

Nhớ lại cách đây hơn 3 năm, khi tôi có dịp được về Đơn Dương từ thiện và được mọi người giới thiệu về thầy, tôi đã ghé thăm ngôi chùa Giác Sơn (H. Đơn Dương, T. Lâm Đồng) là ngôi chùa thầy xuất gia tu học. Khi ấy, chùa đang xây dựng, đất đá ngổn ngang, mỗi người một việc, trong số những người thợ đang đẩy gạch và trộn bê tông, tôi thấy chỉ có một thầy còn khá trẻ bận bồ đồ nâu đã xỉn màu, tôi đoán đó là thầy vì khi ấy chùa chỉ có sư ông, thầy và hơn 5 chú tiểu.

Khi trông thấy tôi, thầy chạy đến gần và hỏi tôi tìm ai và cần gì, tôi trả lời thầy là tôi đi tham quan, tiện đường ghé qua chùa thắp nhang lễ Phật.

Khi tiếp xúc với thầy, tôi đã kể cho thầy nghe về những điều mà mọi người nói về thầy, thầy chỉ cười, nụ cười của thầy luôn đầy sự hoan hỉ, từ bi.

Trước sự từ tốn của thầy, tôi càng tò mò hơn về các việc làm của thầy, may sao thầy đã kể cho tôi nghe và các việc làm thiện nguyện của thầy, thầy đã tổ chức rất nhiều chương trình tặng quà cho học sinh nghèo nhân dịp năm học mới, phát quà tết cho bà con đồng bào khó khăn, tặng quà cho người già neo đơn,…, đa số kinh phí đều là của gia đình thầy cho và thầy dành dụm được, chỉ một số ít là của Phật tử biết về việc làm của thầy trên Facebook mà đóng góp.

Giờ đây, khi gặp lại thầy ở nơi Tổ đình này, tôi thật sự vui vì đã hơn 3 năm rồi tôi mới có dịp tiếp xúc và trò chuyện lại với thầy.

Với nụ cười tỏa nắng ấy trên môi, tôi đã nhận ra thầy ngay lập tức, thầy luôn như vậy, cũng không thay đổi gì nhiều, vẫn màu áo nâu và chiếc nón lá.

Tôi ngạc nhiên khi thầy ở đây, thầy chỉ cười và nói “ nhân duyên,… Phật gọi mình đi đâu thì mình đến đấy thôi, ở đâu cũng tu mà,..”.

Nỗi niềm

Khi trò chuyện với tôi, thầy đã tâm sự vì đang trong thời gian học tập, nên các công việc thiện nguyện của thầy cũng ít lại, chúng tôi thấy ánh mắt của thầy đượm buồn, thầy nói các công việc ấy là niềm vui của thầy.

Thầy thấy vui khi các em học sinh nghèo được đến trường đầy đủ như các bạn khác, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng được ấm cúng vì những món quà nhỏ thầy dành cho họ để có một cái tết đầm ấm và đong đầy.

Thầy luôn mong rằng mình học cho nhanh, cho xong để có thể đủ thời gian, tiếp tục công việc thiện nguyện của mình, với ước mơ sau này có nhân duyên mở được một cô nhi viện và viện dưỡng lão để thầy có thể mở rộng tấm lòng hơn đón nhận những tuổi thơ bất hạnh và người neo đơn không nơi nương tựa để chăm sóc, phụng sự xã hội. Tôi nhận thấy đó là một ước mơ, một nỗi niềm lớn nhất của thầy.

Tôi ra về khi trời Đà Lạt đã nhá nhem tối, thầy tiễn tôi ra đến cổng và vào chuẩn bị cho thời kinh tối. Tôi luôn ấn tượng về thầy bởi thầy là một Tu sĩ trẻ đầy nhiệt huyết và câu nói của thầy: “Khi mình cho đi, nó vẫn còn đó, không mất đi đâu cả,…”

Thật vậy, “Không một hương hoa nào, bay ngược chiều của gió, chỉ hương người đức hạnh, bay tỏa khắp muôn phương”.

Kim Yến