Trang chủ Tin tức Ghi nhanh Hội thảo Hoà thượng Thích Tố Liên : Người về...

Ghi nhanh Hội thảo Hoà thượng Thích Tố Liên : Người về lưu dấu chân xưa

174

Một nhân vật mà người ta không thể không nhắc đến khi nói về Quán Sứ trong diễn trình đó,  không ai khác hơn Hoà Thượng thượng Tố hạ Liên – Một thạch trụ sừng sững, “không biết cúi đầu trước bất cứ quyền lực nào”, đầy bi tráng trong lòng Tăng Ni Phật tử Việt Nam và Thế giới. Ngài đã kiến tạo diện mạo – cơ sở vật chất và hơn nữa, của Quán Sứ trong gần 100 năm qua.


 


Và hôm nay, 30/3/2007 – 12/2/ Đinh Hợi, một sự kiện quan trọng nữa lại được ghi tiếp vào lịch sử đầy bi tráng của Quán Sứ : Hội thảo khoa học Hoà thượng Tố Liên (1903 – 1977) trong sự nghiệp xây dựng Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Thế giới.


 


I. Hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương


 


Bảy giờ sáng, tại một quán trà “cóc” vỉa hè trước cửa khu nhà số 74, đối diện chùa Quán Sứ. Có 5 -7 vị khách đang suỵp soạp chén trà nóng giãy trong khói thuốc lào, thuốc lá. Một vị, chạc 40 tuổi, chắc là dân xe ôm, quan sát bên cổng chùa rồi hỏi vu vơ: “Bên chùa lại có việc gì mà phông bảng nhiều thế?”. Bà bán nước, chạc ngoài 70, dừng tay rót nước, cũng vu vơ trả lời: “Cụ mất đã 30 năm rồi, Mai nhà chùa làm giỗ lớn đây, thấy dậm dịch chuẩn bị đã mấy hôm nay.


 


Dân cũ phố này ai cũng nhớ Cụ. Kì dị lắm”. Một thanh niên, nhìn trang phục chắc là sinh viên, thêm vào: “Cụ ấy là ai?” – “Chậc! Không nhìn pa-nô kia à, Cụ Tố Liên, người xây chùa Quán Sứ. Áo nâu, răng đen, mà nghe nói đã đi khắp Thế giới thuyết pháp. Lúc về già, có ý kiến này khác về Cụ. Nhưng thật ra là người chu toàn lắm, Lúc còn sống, khoảng năm 76-77, Cụ vẫn nhặt hoa đại rụng, bảo bà Mạn mang sang cho ông cụ nhà tôi phơi khô chữa bệnh đó.” – Một ông già cũng ngoài 70 gắt trả lời.


 


Tôi tò mò hỏi: “Thế ở đây, nhiều người nhớ Cụ Tố Liên thế à?”. Bà bán trà bảo: “Thì ai chả biết, 30 – 40 năm trước, phố này vắng lắm, chùa to cảnh lớn mà ít người. Khi đó, dân thuần tuý lắm. Bên chùa thi thoảng có việc gì, chúng tôi vẫn sang chấp tác. Chỉ có mấy chị em gọi là hàng xóm với nhà chùa thôi. Nghe nói hôm nay còn có họp để đánh giá công lao của Cụ. Chúng tôi vẫn biết, từ xưa Cụ đã là người tốt, yêu nước hết lòng, nhưng có chính kiến riêng, cương cường lắm. Hạnh Đại Bồ tát đấy. Phật diễn để thử lòng người ấy mà”.


 


II. Tưởng niệm và tri ân


 


Bảy giờ ba mươi phút, từng đoàn xe nối đuôi nhau dừng trước cổng chùa trả khách. Ai nấy trang nghiêm, phấn khởi, khẩn trương. Trong phòng khách đã thấy chư Tôn đức Giáo phẩm trong Giáo hội:


 


Nhị vị Đại lão Hoà thượng trên 90 tuổi, răng đen, áo nâu sồng theo lối cổ, Tổ Ráng Thích Phổ Tuệ và Tổ Hội Thích Thanh Bích đến từ Hà Tây; Hoà thượng Thích Đức Nghiệp đến từ thành phố Hồ Chí Minh; Hoà thượng Thích Thanh Tứ – Trụ trì tại chùa Quán Sứ; Chư vị Thượng tọa: Thích Thanh Nhiễu, Thích Gia Quang, Thích Bảo Nghiêm, Thích Thanh Đạt, Thích Chân Quang, Thích Đồng Bổn, v.v.


 


Chư Đại đức Thích Minh Hiền, Thích Đức Thiện, Thích Thanh Thắng, v.v.; Các nhà nghiên cứu: Lê Mạnh Thát, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Đại Đồng, v.v. Cùng các vị quan chức: Phó Ban thường trực phụ trách Ban Tôn giáo chính phủ Nguyễn Thế Doanh, Vụ trưởng Vụ Phật giáo Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo Trần Khánh Dư, v,v.


 


Cả Tùng lâm Quán Sứ trang nghiêm cờ phướn, biểu ngữ, người, hoa và sách vở, tài liệu. Đặc biệt, có sự xuất hiện đông đảo thanh niên sinh viên.


 


Tới đây, người viết thấy cần phải nhấn mạnh một điểm rằng, hiếm có cuộc hội thảo nào được chuẩn bị công phu và hoàn hảo như cuộc hội thảo về Cụ Tố Liên. (Chữ Cụ mà tôi dùng ở đây còn theo  nghĩa của chữ Hán: Tài năng, đầy đủ, hoàn toàn, kính phục). Riêng tài liệu, đều được phát rộng rãi:


 


·    Toàn bộ chương trình và nguyên văn 23 bài tham luận, đóng thành tập trang trọng, hơn 300 trang A4.


 


·    Năm tập Di cảo của Cụ:


 


1. Ký sự phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Ấn Độ và Tích Lan, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2007, 300 trang, 16×23 cm. In trên giấy cao cấp, bìa giấy lụa, phát hành 1.000 bản.


 


2. Sự lý lễ tụng, NXB Tp. HCM, 1997, 310 trang, 16×23 cm. In trên giấy cao cấp, bìa giấy lụa, phát hành 5.000 bản.


 


3. Tịnh độ sám nguyện, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2000, 80 trang, 16x23cm. In trên giấy cao cấp, bìa giấy lụa, phát hành 3.000 bản, 16×23 cm.


 


4. Nguyên nhân tục đốt vàng mã, (bản copy), NXB Đuốc Tuệ, Hà Nội, 1952. (Có lời giới thiệu của Phân viện Nghiên cứu Phật học Hà nội, 2007), 12 trang, 16×23 cm.


 


5. Tập Trích lục những bài viết của Hoà thượng Thích Tố Liên (từ 1950-1953) do Thư viện Phật học Chùa Quán Sứ sưu tầm, ấn tống 3/2007, 70 trang, 16×23 cm.


 


·    Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 3 (45) 2007, số chuyên đề về Hoà thượng Tố Liên.


 


·    Tạp chí Văn hoá Phật giáo số 30, 4/2007, số chuyên đề về Hoà thượng Tố Liên.


 


Hội trường hội thảo được bài trí tại Đại Giảng đường, tầng 1 dưới Tổ đường. Thật rực rỡ, trang nghiêm, hiện đại. Các phương tiện truyền âm, truyền hình đã chuẩn bị hoàn hảo. Loa truyền thanh và màn hình lớn được bố trí bên ngoài sân để đại chúng đông đảo  có thể theo dõi.


 


Được biết, đã có ý kiến nên bố trí hội trường ở đâu đó cho tiện nghi và rộng rãi hơn bên ngoài Quán Sứ, nhưng Đại chúng, đặc biệt là HT Thích Thanh Tứ và ĐĐ. Thích Minh Hiền thì nêu nguyện vọng nên tổ chức tại Quán Sứ, đồng thời với lễ Kỵ nhật lần thứ 30 của Ngài.


 


Tham gia hội thảo, người viết bài này mới thấy được một phần của thâm ý đó. Tất cả các ý kiến trong hội thảo, của Cụ Phổ Tuệ, HT Đức Nghiệp, HT Thanh Tứ, GS Lê Mạnh Thát, TT Bảo Nghiêm, v.v, đều có câu: “ Ngày…tháng… năm…, tại Chùa Quán Sứ này, tại Giảng đường này, Hoà Thượng Thích Tố Liên đã…”, những câu đó vang lên có chút nghèn nghẹn, xúc động sâu thẳm, đánh mạnh vào tiềm thức của mọi người, đặc biệt là những nhân chứng và  lớp Phật tử trẻ. Giác Linh của Cụ  đang lan toả ở đây. Là một Tỳ kheo Bồ tát giới chân chính, nguyên nghĩa Phật tử, chắc hẳn Cụ đang vẳng lặng, tịch diệt, trong suốt, bất động như thần thái của Pháp hiệu Tố  Liên mà Cụ đã mang thuở sinh thời.


 


Tám giờ ba mươi phút, Chư Tôn túc Trưởng lão Giáo phẩm và các đại biểu long trọng làm Lễ niêm hương Cầu Gia bị tại Đại hùng Bảo điện Quán Sứ.


 


Chín giờ, hội thảo khai mạc. Đại đức Tiến sĩ Thích Đức Thiện – Chánh Văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học giới thiệu Ban Chứng minh, Ban Điều hành, Đại biểu, Chương trình, Lịch trình hội thảo. (xem tin đã đưa).


 


Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ – Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký HĐCM GHPGVN, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã phát biểu khai mạc chỉ đạo cuộc hội thảo. Trong đó có đoạn:


 


“Từ ngày Hoà thượng Thích Tố Liên từ trần tới nay đã 30 năm. Trong 30 năm đó, nhiều sự thay đổi lớn đã diễn ra, đặc biệt trong sự nhận thức, chuẩn mực đánh giá các nhân vật, các sự kiện lịch sử. Và sự thay đổi đó ngày càng đem đến cái nhìn gần thật tướng, gần chân lý hơn. Tâm tĩnh thì chân tự hiện, vọng tự tan.


 


Hoà thượng Thích Tố Liên là bậc xuất trần Thượng sĩ, hành Bồ tát đạo. Ngài đi ra Thế giới trong các chuyến Tây du và Đông du một cách bình thản và tự tin đến kinh ngạc người đời, với tâm lực vô ngại, vô uý thí của bậc thiện tri thức. Ngài ứng xử với đời, đi vào xã hội theo tâm thế và tư thế của Tăng già. Chỉ tuyệt đối, mội lòng một dạ không thoái chuyển, cang cường, tin tưởng vào Giáo pháp của Phật tổ, tin vào Tứ chúng. Chưa  bao giờ Ngài nghiêng ngả, thoả hiệp, mềm yếu trước bất cứ một sức mạnh nào, ở bất cứ thời điểm nào. Đó là tinh thần Bồ tát mà những người con Phật cần tu dưỡng.


 


Nay chúng ta hội thảo về Ngài là để phục vụ cho chúng ta, để chuyển biến chúng ta là cơ bản. Còn Ngài, với Tâm, Nguyện, Hạnh của bậc Đại Bồ tát, đã tịch tĩnh không vướng bận bởi những sự đã làm, những cảnh đã trải.


 


Hội thảo này là để “ôn cố nhi tri tân” (điểm lại việc cũ để mà biết việc mới) và nhắc nhở đạo lý “ẩm thuỷ tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn). Hy vọng là sau hội thảo này, chúng ta sẽ trưởng thành hơn, tiếp bước vững vàng hơn trên con đường mà chư Phật, chư Tổ đã, đang và sẽ đi”.


 


Tiếp theo, HT Thanh Tứ, HT Đức Nghiệp đã phát biểu. Trong đó có truyền lại những kỷ niệm, những điều mà các Thầy đã được mắt thấy, tai nghe và trực tiếp tham gia khi Cụ Tố Liên còn tại thế.


 


Trong cả buổi sáng và buổi chiều, hội thảo đã diễn ra theo đúng chương trình đã chuẩn bị. (xin xem các tham luận có tải trên website này). Tốt hơn thế là có nhiều phát biểu thêm mới, đưa ra nhiều tư liệu mới, thông tin mới chưa dược công bố. Không khí thật hoan hỉ, xúc động, gắn kết, xây dựng. Và không ai bảo ai, do sự gia hộ của Giác Linh Ngài chăng, mà tất cả đều nhất trí, hoan hỷ, tự tâm thấy Hoà thượng Tố Liên, với tâm nguyện, hành trạng, công nghiệp, trước tác, di đức, tiếp dẫn hậu lai, và hơn thế nữa, đích thật là Tố Liên – Hoa sen Phật không màu, tinh khiết, vô nhiễm mà ngát Đạo hương của Phật giáo Việt Nam và thế giới.


 


Đối với Thời đại và dân tộc, Căn cứ vào các tư liệu gốc và các bài phát biểu với tư cách Công báo của Ban Tôn giáo Chính phủ do các ông Phụ trách Ban Nguyễn Thế Doanh và Vụ trưởng Vụ Phật giáo Bùi Hữu Dược công bố, cho thấy rằng, Hoà thượng Thích Tố Liên, trong suốt cuộc đời mình, thực sự là một công dân chân chính, một nhà yêu nước lớn, có nhiều đóng góp, trên các phương diện khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, cho công cuộc giải phóng dân tộc và có lợi cho cách mạng Việt Nam. Di sản mà Ngài để lại, đặc biệt là các di sản tinh thần, thực sự là một nguồn tài sản vô giá cho Phật giáo, dân tộc, cần được khai thác và sử dụng để phục vụ Đạo Pháp, dân tộc và quảng đại nhân dân.


 


Hội thảo đã kết thúc trong niềm hoan hỉ, viên mãn vào lúc 4 giờ 30 phút buổi chiều. Chư vị Hoà thượng, chư Đại Đức Tăng Ni và các nhà nghiên cứu Phật học đã hoan hỉ cùng chụp hình kỷ niệm với Đại chúng tại sân trước Đại Điện Tùng lâm Quán Sứ trong sự lan toả, thấm nhuần bởi Giác Linh Hoà thượng Tố Liên – Đại danh Tăng, ngôi sao sáng trong lịch sử Phật giáo Việt nam thế kỷ XX.