Trang chủ Thời đại Giáo dục Giáo dục xã hội: PGVN đang đứng trước sự lựa chọn khắc...

Giáo dục xã hội: PGVN đang đứng trước sự lựa chọn khắc nghiệt

110

Các bài viết  Hoạt động giáo dục: con đường đưa đạo pháp đến với giới trẻ Hệ thống trung tiểu học Bồ đề và Viện Đại học Vạn Hạnh là để chuẩn bị cho bài viết này.

Nội dung dưới đây sẽ phân tích vì sao, đối với lĩnh vực giáo dục, Phật giáo Việt Nam đứng trước sự  lựa chọn, và sự lựa chọn này là khắc nghiệt.

Vì vậy, bài viết vừa có tính chất dự báo, vừa có  tính chất cảnh báo.

1. Trước sự lựa chọn

Bài  Hệ thống trung tiểu học Bồ đề và Viện Đại học Vạn Hạnh đã nêu lý do vì sao, từ năm 1964, hàng lãnh đạo Phật giáo tại miền Nam đã đi đến một quyết định quan trọng, là nhanh chóng đẩy mạnh việc phát triển trường trung tiểu học Bồ Đề thành hệ thống toàn quốc, đặc biệt là ở khu vực Sài Gòn Gia Định, và tích cực bắt tay xây dựng Viện Đại học Vạn Hạnh.

Cũng cần bổ sung, trong thời gian đầu thập niên 1960, tại miền Nam, Việt Nam đã có một đại học tư của  Đạo Thiên Chúa Ca tô hoạt động, bước đầu có hiệu quả, là Viện Đại học Đà Lạt. Cơ sở của Viện đại học này khá quy mô và khang trang, là cơ sở đào tạo giáo dục đại học ngoài công lập có uy tín bấy giờ.

Sau năm 1975, tất cả các trường học tư thục từ  cấp mẫu giáo cho đến đại học đều chấm dứt hoạt  động. Tất cả hoạt động giáo dục xã hội của các tôn giáo đều trở về cùng ở một vạch mức.

Tình trạng đó kéo dài đến thập niên 1990. Sau những bước khởi đầu đổi mới, hoạt động giáo dục ngoài công lập ít nhiều có chuyển biến.

Một số  tôn giáo nhanh chóng triển khai trong giới hạn hoạt  động giáo dục ngoài công lập. Một số các vườn trẻ, trường mầm non tư thục được mở ra ở các cơ sở tôn giáo, nhưng phần lớn không phải là Phật giáo.

Tham gia vào giáo dục xã hội không phải là chủ trương và cũng không phải thế mạnh của Phật giáo.

Trong khi đó, giáo dục xã hội lại là một nội dung chiến lược quan trọng và là một thế mạnh của một tôn giáo khác. Họ tự hào là đã xây dựng một hệ thống giáo dục tư thục “tốt nhất” thế giới. Nếu loại bỏ sự cường điệu quá đáng, thì có thể “nhất”, có thể chưa “nhất”, nhưng đó là một hệ thống giáo dục xã hội hoàn hảo, từ mẫu giáo đến đại học, đã góp phần đắc lực cho việc truyền đạo, nhất là hướng tầng lớp trí thức tinh hoa của xã hội.

Vì  nằm trong chiến lược phát triển, nên tôn giáo có  thế mạnh giáo dục luôn chờ đợi thời cơ để vận hành trở lại hệ thống giáo dục xã hội này. Bước khôi phục giáo dục mầm non chỉ là một bước nhỏ, thăm dò, tranh thủ thời gian, trong khi chắc chắn họ không dừng lại ở đó, mà mục tiêu là phục hồi toàn bộ hệ thống.

Ở bậc đại học, đã có những “quân cờ di động”. Người ta hợp tác tuyển sinh trong nước theo phương thức 2+2, nghĩa là đào tạo 2 năm trong nước phần cơ bản, phần chuyên sâu thì đào tạo tiếp ở một đại học do tôn giáo điều hành ở ngoài nước. Bằng tốt nghiệp sẽ do đại học ở nước ngoài cấp. Như vậy là việc tuyển sinh và đào tạo đã thực hiện một phần ở bậc đại học và nắm lấy khâu quyết định là khâu bảo vệ luận văn và cấp bằng.

Còn  hoạt động du học từ cấp phổ thông đã được triển khai. Học sinh ra ngoài nước, các trường tư thục do tôn giáo điều hành sẽ nhận ngay. Nhiều gia đình khá giả, kể cả gia đình những người có địa vị hành chính trong xã hội, cũng đưa con ra nước ngoài để được đào tạo từ bé theo cách này ở các trường tư tôn giáo. Giáo dục công lập miễn phí tất nhiên không dành cho kiều dân, còn các trường tư thục do các nhà tu điều hành thì luôn luôn mở rộng cửa, miễn là đóng học phí đủ.

Hiện nay, giáo dục tư thục là một hoạt động đang ngày càng rộng mở ở Việt Nam. Chúng ta quan sát điều đó không chỉ qua cơ sở trường lớp sang trọng, thậm chí có trường lắp đặt cả máy điều hòa không khí cho lớp học, qua đoàn xe đưa đón học sinh thuộc loại xe cao cấp…, mà có thể thấy rõ tỷ lệ nội dung quảng cáo qua tờ báo giấy có số lượng phát hành hàng đầu tại Việt Nam là tờ Tuổi Trẻ. Giáo dục đào tạo là một mục riêng trong ấn bản quảng cáo hàng ngày của tờ Tuổi Trẻ, mà giở ra là một xấp dầy, trong đó, đủ trường, đủ lớp, đủ cấp học, đủ hình thức đào tạo, trình bày quảng cáo đủ cỡ, có khi không ngần ngại chiếm trọn một trang lớn.

Giáo dục tư thục đang hướng đến việc mở rộng, trong xu thế ngày càng cởi mở hơn.

Vì  vậy, việc tôn giáo tham gia trở vào lĩnh vực giáo dục một cách toàn diện chỉ là vấn đề thời gian. Hiện nay, nhiều tu sĩ đã được đưa đi đào tạo nước ngoài trên lĩnh vực là thế mạnh của tôn giáo đó, là giáo dục xã hội.

Có  thể nói, việc chuẩn bị ráo riết để tái tham gia vào lãnh vực giáo dục xã hội của tôn giáo khác đã được chuẩn bị hết sức khẩn trương. Chỉ cần công tắc bật sang đèn xanh, là một hệ thống giáo dục xã hội đang chuẩn bị ngấm ngầm sẽ lộ diện và hoạt động trong chớp mắt. Mà tác động của hệ thống đó đối với việc cải đạo tín đồ Phật giáo như thế nào, thì trong quá khứ, chư tôn đức đã nhận thức và có biện pháp tích cực bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục của Phật giáo Việt Nam, thời những năm 1960.

Trong bối cảnh như vậy, Phật giáo Việt Nam hiện tại đã có bước chuẩn bị gì? Cấp độ khắc nghiệt nằm ở chỗ này.

Sự  lựa chọn khắc nghiệt.

Nếu tình trạng các tôn giáo phải đứng ngoài hoạt động giáo dục, thì hầu như không có vấn đề, không có thách thức nào đặt ra đối với Phật giáo Việt Nam cả.

Nhưng xu hướng đã định hình dần dần là không như  vậy.

Điều có thể dự đoán rằng, nếu hệ thống tôn giáo điều hành khi đã vận hành một cách hoàn chỉnh, thì trong 10 – 20 năm sau, tác động của nó lên thành phần trí thức tinh hoa sẽ có kết quả  bước đầu và kết quả đó sẽ tăng dần theo thời gian.

Vì lợi ích trăm năm trồng ngươi”: lời dạy này của Hồ Chủ Tịch vẫn còn nguyên giá trị.

Như  vậy, tính khắc nghiệt ở sự lựa chọn của Phật giáo Việt Nam là, để chấn hưng và phát triển Phật giáo, chỉ có lựa chọn là đẩy mạnh lãnh vực hoạt động giáo dục xã hội. Bằng ngược lại, không quan tâm gì đến lĩnh vực giáo dục xã hội, Phật giáo Việt Nam sẽ tự giới hạn trong hoạt động cầu cúng, nghi lễ, ma chay, và có đi xa hơn, thì chỉ là hoạt động từ thiện.

Hiện nay, ở lĩnh vực giáo dục xã hội, cụ thể là việc Phật giáo Việt Nam chuẩn bị cho hoạt động giáo dục tư thục, đã có bước chuyển biến gì? Đây là điểm cần lưu ý.

Ở một số địa phương, nhà chùa có lập ra một số ít vườn trẻ, lớp mẫu giáo trong một tình huống bị  động. Tức là, vì phụ huynh Phật tử không muốn đưa con cái mình gửi vào cơ sở giáo dục tư thục của tôn giáo khác để có thể bị cải đạo, nên Phật tử phải tha thiết đề nghị đồng thời tích cực góp tay cùng nhà chùa xây dựng các nhà trẻ, lớp học mầm non.

Điều gì xảy ra khi cái đèn xanh mà tôn giáo khác đang chờ  đợi bật sáng? Nguyện vọng đông đảo Phật tử muốn đưa con cái vào học các trường Phật giáo để thụ hưởng chất lượng giáo dục cao, đồng thời tránh việc con cái của họ chịu ảnh hưởng hoạt động cải đạo liệu có thể đáp ứng cấp học cao hơn, khi mà Phật giáo Việt Nam chưa có sự chuẩn bị đạt mức cần thiết cho lĩnh vực này.

Cái nghiệt ngã nằm ở chỗ Phật giáo Việt Nam có  thể đặt vào tình huống hoàn toàn bị động.