Trang chủ Bài nổi bật Hà Nội: Lễ khai pháp PL2563 tại trường hạ Bồ Đề

Hà Nội: Lễ khai pháp PL2563 tại trường hạ Bồ Đề

Thực hiện tinh thần thông tư của TW Giáo hội và công văn hướng dẫn của BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2019 (nhằm ngày 21 tháng 04 năm Kỷ Hợi), tại Tổ đình chùa Bồ Đề - phường Bồ Đề - quận Long Biên – Hà Nội, toàn thể Tăng Ni, quận Long Biên và huyện Gia Lâm đã long trọng tổ chức lễ Khai pháp an cư kết hạ PL2563 – DL2019.

919

Về chứng minh và chủ trì buổi giảng Pháp đầu tiên có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, Thủ tọa của trường hạ và 130 hành giả Tăng Ni cùng sự tham dự của đông đảo Phật tử.

Đúng 6 giờ, ba hồi chuông trống thượng đường được thỉnh lên, chư tôn đức trong ban kinh sư đã trang nghiêm lên trước Đại hùng bảo điện làm lễ cúng dường Tam bảo và trở về Tổ đường cúng dàng lịch đại tổ sư.
Đúng 7h00, toàn thể chư tôn đức Tăng Ni hạ trường đã trở về giảng đường lễ cầu gia bị và bắt đầu nghi thức khai pháp. Tại đây, Hòa thượng thủ tọa cùng đại chúng đối trước Pháp tòa vọng bái Đức đệ tam Pháp chủ, ngôi đường chủ của Trường hạ, cũng là chủ pháp để cầu pháp ngài. Sau đó đại chúng đã ra làm lễ Hòa thượng thủ tọa và ban giảng sư để cung thỉnh ban giảng sư thùy từ hứa khả giảng pháp cho 3 tháng hạ an cư tại tổ đình Bồ Đề. 
Điều đặc biệt, năm nay Phật giáo Hà Nội có tất cả 18 trường hạ an cư với hơn 1400 vị Tăng Ni, đều thống nhất tiền an cư (16/4 – 16/7 năm Kỷ Hợi). Như vậy, tất cả các trường hạ đều làm lễ khai pháp vào ngày 23/4 và sẽ tạ pháp vào ngày 8/7, tự tứ vào ngày 14/7/Kỷ Hợi. 
Tại buổi lễ, Hòa thượng thủ tọa Thích Bảo Nghiêm đã chia sẻ cho đại chúng hiểu về tầm quan trọng của việc an cư kết hạ đối với người đệ tử xuất gia, đồng thời giảng giải cho đại chúng hiểu về lời tựa cũng như nội dung sơ lược của bộ luận “Truy môn cảnh huấn”.
Phép hạ an cư được truyền trì bởi các bậc Tổ sư, đặc biệt Phật giáo phía bắc bao đời nay đều thực hành phép an cư tập trung. Cứ mùa hạ, chư tôn đức tăng ni trở về một Tổ đình trú xứ kết giới cấm túc an cư, hoặc 3 tháng tiền an cư từ 16/4 đến 16/7, hoặc 3 tháng hậu an cư từ 16/5 đến 16/8. Trong 3 tháng an cư đó có 2 nhiệm vụ tu Phúc và tu Tuệ. Tu Phúc là hàng ngày chư tôn đức Tăng Ni tòng tăng an cư, đều ngày đêm 6 thời chuyên tâm tu tập và làm các việc thiện phụng sự Tam Bảo. Tu Tuệ là khai giảng vô thượng Pháp Bảo là Kinh tạng – Luật tạng – Luận tạng để tuyên dương chính pháp, ngõ hầu chư tôn đức Tăng Ni nương vào Tam Tạng Thánh Giáo để tu học tam vô lậu học, phúc tuệ song tu là người Phật tử bước theo chân Phật. Truyền thống đó được truyền trì trong các trường hạ an cư, và cứ mỗi năm trường an cư của các tỉnh thành đều chọn một bộ trong Tam Tạng Thánh Giáo để giảng nhưng thông thường buổi sáng giảng đại trường (giảng cho tất cả thiền gia thất chúng được nghe), còn giảng Luật tạng riêng cho giới xuất gia thì giảng tiểu trường. Trường hạ Phật giáo Hà Nội cũng tuân theo quy củ thiền gia đó, hàng năm ban chức sự đều về đỉnh lễ Đức Đệ Tam Pháp Chủ để cầu xin Ngài chỉ thị giảng sách mùa hạ an cư năm đó. Năm nay, Ngài dạy cho Tăng Ni Phật giáo Hà Nội đọc “Truy môn cảnh huấn”.

Qua đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã giới thiệu cho đại chúng về bộ luận “Truy môn cảnh huấn”. Bộ sách này góp nhặt những lời dạy của các bậc cổ đức cho những người xuất gia, tương đương như lời dạy trong bộ “Thiền lâm bảo huấn”. Bộ sách này được biên tập do sa môn Không Cốc – Cảnh Long vào niên hiệu Thành Hóa thứ 6 (1470).  “Truy môn cảnh huấn” tức là lời vàng ý ngọc chỉ dạy cho những người xuất gia. 

 Bộ sách này là của các vị Tổ Trung Hoa, nhưng lâu ngày đã bị mất. Ngài Ngẫu Ích Trí Húc là bậc đại sư của thời nhà Thanh, là vị Tổ sư bên Thiền tông nhưng lại tu Thiên Thai Giáo. Ngài là Tổ thứ 13 của tông Thiên Thai. Tư tưởng của ngài là thiền tịnh song tu cho nên được mệnh danh là Tổ thứ 8 của tông Tịnh Độ. Ngài có nói bản sách này mất, nhưng chỉ biết rằng bản sách này được in lại, có vị thiền sư pháp hiệu là Cảnh Long viết bài tựa này vào niên hiệu Thành Hóa dưới thời nhà Minh năm thứ 6 (1470) rồi lưu truyền ở Trung Hoa. Mãi tới thế kỷ thứ 17, bộ sách mới được lưu truyền tới Việt Nam bởi ngài Tăng Phó tên là Hải Kiên – đệ tử của Tăng thống Chính Tông Hòa thượng. 
Qua việc giới thiệu lời tựa của bộ sách này, Hòa thượng mong muốn Tăng Ni, Phật tử hiểu và trân trọng bộ sách: “Nếu chúng ta là người tu thì phải học lời Phật, phải nghe ý Tổ. Phật truyền cho Tổ, cứ thế Tổ tổ truyền trì cho tới chúng ta ngày hôm nay. Mặc dù hơn 500 năm đã qua, 2563 năm từ khi Đức Phật nhập Niết Bàn cho tới nay, chúng ta vẫn đang truyền trì chính pháp của Đức Thế Tôn. Năm nay đã là năm 2643 năm ngày đản sinh của Đức Phật mà chúng ta vẫn kỷ niệm sự kiện đản sinh của Ngài. Mà không phải chỉ sự kiện ngày sinh, mà sự thành đạo là chỉ bậc giác ngộ xuất hiện, còn sự kiện Niết Bàn để chỉ sự viên mãn cứu kính. Tam Hợp – Vesak chính là như vậy“.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:
  
Chư tôn đức trong Ban Duy Na họp trước giờ khai pháp
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Diệu Tường