Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Lễ kỷ niệm ngày Phật thành đạo và 23 năm...

Hà Nội: Lễ kỷ niệm ngày Phật thành đạo và 23 năm thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc tại chùa Bằng

Sáng ngày 20 tháng 01 năm 2021, nhằm ngày 08 tháng 12 năm Canh Tý, hàng nghìn Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa khắp các tỉnh miền Bắc đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên tự) hân hoan đón mừng Đại lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Đạo và kỷ niệm 23 năm thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.

228

Chứng minh buổi lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ kiêm Đệ nhất giám luật HĐCM GHPGVN, bậc tôn sư của Đạo tràng Pháp Hoa; Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng ban tổ chức chương trình; Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ –  Ủy viên HĐTS, Phó Ban Hoằng Pháp TƯ GHPGVN, Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Tâm Hải – Ủy viên thường trực BTS kiêm Trưởng Ban thông tin truyền thông GHPGVN thành phố Hồ Chí Minh, Phó tổng biên tập báo Giác Ngộ cùng chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa, tự viện trong và ngoài địa bàn Hà Nội.

Mở đầu buổi lễ là diễn văn khai mạc của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – trưởng ban tổ chức. Hòa thượng nhấn mạnh “Dấu ấn Thành Đạo là dấu ấn quan trọng trong lịch sử nhân loại, đánh dấu sự ra đời của đạo Phật, sự ra đời của sứ mệnh mang theo thông điệp hòa bình, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội với chất liệu từ bi hỷ xả, nhằm giúp cho con người sống yêu thương nhau bằng trái tim hiểu biết. Nhờ đó mà chúng ta ngày hôm nay mới biết được cách thức làm chủ bản thân, để sống đời vô ngã vị tha mà vẫn làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân và đóng góp lợi ích cho xã hội. Cho nên, hôm nay ngày mùng 8 tháng 12 năm Canh Tý, ngày Bồ tát Tất Đạt Đa thành đạo Vô thượng chính giác, cũng là nét son đánh dấu kỷ niệm 23 năm ngày thành lập đạo tràng Pháp hoa miền Bắc, tổ chức đại lễ kỷ niệm để cùng nhau trầm tư để chiêm nghiệm về ý nghĩa đích thực này”.

Đặc biệt hơn, hôm nay cũng là ngày kỷ niệm Đạo tràng Pháp Hoa đầu tiên được thành lập ở miền Bắc. Ngày nay đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng trong gia trì lực của chư Phật, chư vị Bồ tát, bát bộ Hộ pháp và trong bóng mát từ bi. Theo Hòa thượng, đây là dịp để chúng ta thành kính dâng lên cúng dàng Tam bảo những thành quả Phật sự, cũng như hoa trái của sự tu tập, đồng thời thành tâm cảm niệm ân đức và khánh tuế Hòa thượng Tôn sư, các bậc giáo thọ sư không ngại gian lao, không từ khó nhọc, gieo hạt từ tâm trên đất Bắc những mầm sen Pháp Hoa đã tỏa ngát hương từ. Đồng thời, nguyện đời đời kiếp kiếp làm hành giả Pháp Hoa, thọ trì đọc tụng Pháp Hoa kinh, quảng tuyên lưu bố Pháp Hoa bối diệp huyền văn, thăng hoa đời sống tâm linh, phụng sự cho đạo pháp và dân tộc, xây dựng thế giới Ta Bà thành Cực Lạc an vui.

Sau đó, Phật tử Pháp Thiện Nội đã thay mặt cho Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc báo cáo tổng kết một năm tu học của Đạo tràng Pháp Hoa toàn miền Bắc. Trong bài phát biểu, Phật tử Pháp Thiện Nội đã điểm lại vài nét hoạt động trong năm Canh Tý của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc. Năm vừa qua, do dịch bệnh Covid 19 khiến cả thế giới rơi vào trạng thái bất ổn định, tuy nhiên Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc vẫn tổ chức được nhiều hoạt động Phật sự “tốt đẹp – hạnh đức – an vui và giải thoát”. Đặc biệt là những chương trình từ thiện xã hội trong đại dịch, giúp đỡ khúc ruột miền Trung vượt qua khó khăn, xây dựng những căn nhà tình nghĩa, tặng quà động viên các hộ nghèo, thăm hỏi tri ân các đạo hữu cao tuổi của một số đạo tràng Hà Nội, xây dựng nhà dưỡng lão đầy đủ tiện nghi để chăm sóc sức khỏe cho người già cao tuổi…

Tại buổi lễ, Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng có đôi lời đạo từ tới toàn thể đại chúng, bày tỏ sự hoan hỷ và tán thán tinh thần tu tập của đạo tràng pháp Hoa miền Bắc trong năm 2020. Ngài suy niệm về sự thành Đạo của Đức Phật và phát hiện ra những điều mới lạ trong cuộc sống, Ngài chia sẻ và sách tấn Đạo tràng “khi học tụng kinh Pháp Hoa phải nhìn được xa hơn và sâu về Đại gia đình Pháp Hoa, không phải chỉ những người hiện diện trong đạo Tràng, hay những người có mặt trên cuộc đời này, mà phải nhìn xa hơn chút nữa là chúng ta thấy được những người đã khuất bóng, cũng như những người chưa sinh. Nếu chúng ta thực hiện theo những lời đức Phật dạy sẽ có chính niệm và chính định, từ đó bắt đầu có cái nhìn giống như đức Phật Thích Ca khi thành đạo. Đại gia đình Pháp Hoa là gồm có chư Phật và các vị Bồ Tát. Mỗi người chúng ta may mắn lắm thì chỉ làm quyến thuộc bồ đề của các Ngài, gọi là kết duyên với các Ngài thôi chứ chưa phải đứng vào đại gia đình của chư Phật và Bồ Tát được. Đức Phật Thích Ca chọn mùa đông rét buốt, tất cả cây cỏ đều khô héo và phủ đầy tuyết để thành Đạo. Cho nên mùa tu gia hạnh là mùa hướng nội, đi sâu vào tiềm thức của chúng ta, tìm về bản lai diện mục để thấy được tính sáng suốt muôn đời của chúng ta. Khi thấy và sử dụng được tính sáng suốt đó thì chúng ta thấy sự vật hoàn toàn khác. Ví dụ như Đức Phật Thích Ca trước khi thành đạo, sống chung với 5 anh em Kiều Trần Như mà họ cũng không bằng lòng, mặt này và mặt khác. Nhưng khi thành đạo rồi thì Ngài tới gặp họ, những người này đều hướng về đức Phật và đỉnh lễ tôn thờ Ngài là thầy. Trước khi Phật thành đạo, họ coi Sa Môn Cồ Đàm là một người tu mà thoái chuyển, nhưng sau khi thành đạo họ lại thấy Ngài là bậc thầy khả kính. Chúng ta phải nhìn và suy nghiệm chỗ đó thì may ra chúng ta hiểu một chút xíu về đạo. Đó là điều quan trọng, bởi những thành quả mà ta làm được trên cuộc đời này nếu so với chư Phật và chư Bồ Tát ở trong Pháp giới thì chẳng thấm vào đâu. Đó cũng là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Cho nên đức Phật khuyên chúng ta luôn luôn giữ chính niệm, tức là tập trung tư tưởng, không để cho phiền não tác động, quấy rầy. Đức Phật nhờ có chính niệm và chính định nên việc làm của Ngài dù nghịch hay thuận cũng đều là duyên để giáo hóa chúng sinh, dù chân thật hay là phương tiện cũng là pháp tu hành của các vị Bồ Tát, cho nên Ngài bắt đầu đi sâu vào chính định của Pháp Hoa gọi là “Pháp Hoa Tam Muội”. Bấy giờ, Ngài mới thấy từng kiếp của mình ở trong quá khứ dẫn tới hiện tại và cũng từng kiếp của mình ở trong hiện tại dẫn tới tương lai. Thế giới đó gọi là thế giới bất sinh bất diệt. Khi trải nghiệm được điều này, nhìn kĩ ta sẽ thấy những đạo hữu lớn tuổi tuy không còn trên cuộc đời, nhưng họ hiện hữu trong ta và xung quanh ta. Đó chính là thấy bằng tâm hay thấy bằng tuệ giác. Tại sao đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc chúng ta phát triển nhanh chóng như hôm nay? Quý vị nhìn kỹ lại trong những người đang hiện diện nơi đây có quan hệ với tất cả những người trong quá khứ phải không? Trong 2000 năm Phật giáo có mặt trên đất nước này, những người đó bây giờ ở đâu, ở trong ta và xung quanh ta, nếu chúng ta tu hành trong chính pháp thì đó là những người tác động tốt đẹp cho chúng ta. Tôi nghĩ tôi làm được một số Phật sự, nói một cách nào đó thì không phải là tôi làm mà nhờ Phật nhờ Bồ Tát, nhờ các bậc tiền nhân hộ niệm cho tôi mà tôi làm được. Vì vậy đạo tràng Pháp Hoa sẽ tồn tại miên viễn trong tương lai nếu chúng ta biết duy trì đạo mạch mà đức Phật dạy, đó là hoa sen trong kinh Pháp Hoa, gọi là kinh Hoa Sen. Từ một hạt sen mọc lên một cây sen, và từ một cây sen có thể tạo ra hoa sen, từ hoa sen đó sẽ rớt xuống những hạt khác và tiếp tục mọc lên những cây sen mới. Cứ như vậy, cây sen này truyền sự sống cho cây sen sau, trí tuệ của người trước tiếp tục truyền cho người sau và miên viễn ở trong Pháp giới. Cho nên thế giới của kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói “tất cả các Phật quá khứ và các Phật hiện tại rồi đến các Phật vị lai ở trong một ngôi nhà của Pháp Hoa“.

Qua đó, Hòa thượng mong rằng “tất cả các Phật tử hữu duyên hôm nay cùng nhau tìm được ngôi nhà chính Pháp của đức Phật, thấy cái cửa để chúng ta đi vào và được chung sống với tất cả các vị Bồ Tát, được hành đạo với các Ngài, được chư Phật hộ niệm, thì đó mới thực chất là bổn môn của Pháp Hoa Kinh“.

Cuối cùng, Hòa thượng chứng minh cùng chư tôn đức Tăng và Đạo tràng trang nghiêm thực hiện nghi thức dâng hương cúng dàng Tam Bảo, khép lại chương trình kỷ niệm Phật thành đạo và kỷ niệm 23 năm thành lập đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.

Cũng nhân dịp này, 1041 Phật tử sau khi được Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng trao pháp y đã được Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm làm lễ truyền thụ Tam quy ngũ giới. Quy y Tam bảo là điểm khởi đầu đánh dấu cho một sự chuyển hướng tâm hồn về nẻo thiện, sau khi quy y thiện nam tín nữ chính thức trở thành người con Phật. 

Tại buổi lễ, Đại đức Thích Thanh Tâm – Ủy viên Ban hoằng pháp TƯ, Giáo thọ sư chùa Bằng đã giảng giải về ý nghĩa của việc quy y Tam Bảo tới toàn thể đại chúng. Đại đức đã nói rõ ý nghĩa và lợi ích của việc thọ trì Tam quy – Ngũ giới. Tam quy giúp mỗi người có chỗ dựa tinh thần thù thắng, vững chắc, tránh bị đọa vào ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ngũ giới là phương pháp thiết thực và cụ thể giúp chúng ta ngăn ngừa những hành động sai trái nơi thân, khẩu, ý, từ đó mà đạt được sự an vui trong hiện đời và vị lai. Tam Bảo là điểm nương tựa khởi đầu, là nền tảng căn bản rất quan trọng mà tất cả Phật tử tại gia cần ý thức và thể hiện tốt đẹp trong cuộc sống. 

Sau đó, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã đăng đàn truyền thụ Tam quy Ngũ giới cho 1041 quý thiện nam tín nữ. Đại chúng đều thành kính nhất tâm nguyện thọ trì những lời Phật dạy, thực hiện giữ gìn 5 điều giới và 3 phép quy.

 

Diệu Tường