Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Thiêng liêng thời khắc đầu tiên của năm mới Canh...

Hà Nội: Thiêng liêng thời khắc đầu tiên của năm mới Canh Tý tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự)

Vào đêm giao thừa – thời khắc quan trọng nhất trong năm, thời khắc vạn vật thay áo mới, đất trời chuyển mình để sang một năm mới với những khát vọng mới, thành công mới, niềm vui mới. Thế nhưng, dù có hòa mình vào dòng người đón pháo hoa ngoài phố phường nhộn nhịp, hay những cuộc vui bên bạn bè, thì nhiều người Việt vẫn không quên lên chùa lễ Phật, cầu cho mình và người thân sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc trong năm mới. Cũng chính vì thế, tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mọi giai tầng của xã hội.

218
Tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự), khuya ngày 24 tháng 01 năm 2020, nhằm ngày 30 Tết, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã thực hiện nghi thức dâng hương, tụng kinh, cúng Phật cầu nguyện thế giới hòa bình, nhân dân an lạc ấm no.
Khi kim đồng hồ điểm 0h00’, bước sang ngày đầu tiên của năm mới Canh Tý, sau khi cùng gia đình, người thân, bạn bè đón giao thừa ngoài phố, ngắm nhìn những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu, dù trời mưa tầm tã nhưng nhiều người dân vẫn tiếp tục trở về chùa Bằng để cảm nhận được những giờ phút thiêng liêng nhất nơi cửa thiền, lễ Phật, vãn cảnh chùa và đón nhận quà mừng năm mới đầy ý nghĩa của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – một tấm card in hồng danh chư Phật và những lời Đức Phật dạy trong kinh, để mỗi người lấy đó làm phương châm sống thiện lành trong năm mới Canh Tý.
Đúng 8h00 sáng ngày mùng 1 Tết, đã thành thông lệ, Đạo tràng Pháp Hoa Hà Nội và nhân dân Phật tử thập phương đã trở về chùa Bằng kỷ niệm ngày Vía Đức Đương Lai Giáo Chủ Di Lặc Tôn Phật, lễ Phật, lễ Tổ, khánh tuế Hòa thượng trụ trì và lắng nghe Thầy giảng thời pháp thoại đầu tiên của năm Canh Tý. Đây cũng chính là điều như Chư Tổ đã dạy mỗi người Phật tử đó là “về chùa, lễ Phật, vãn cảnh, nghe thầy giảng kinh”.
Trong thời pháp thoại, Hòa thượng đã chia sẻ với đại chúng về tầm quan trọng của ngày Tết cũng như văn hóa đi chùa đầu năm trong nếp sống cổ truyền của người Việt. Theo Hòa thượng “Chúng ta không cần phải tính hôm nay đã đi được bao nhiêu chùa. Mà khi đi chùa phải cảm nhận được sự thiêng liêng ở tại ngôi chùa, phải cảm nhận được sự thanh tịnh yên tĩnh ở trong chùa, cảm nhận được đức tính Từ Bi của Đức Phật thương chúng sinh“. Qua đó, Hòa thượng mong rằng sang năm mới, đại chúng hãy cùng nhau làm nhiều việc thiện, cùng sống theo tinh thần tứ vô lượng tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả “Từ là ban vui, Bi là cứu khổ, Hỷ là hoan hỷ trước thành tựu của người khác, Xả là xả bỏ đi những phiền não đau khổ trong tâm mình” để cuộc sống luôn an vui, đầy đủ khi được ở trong nhà Phật pháp.
Nhân dịp này, mỗi người đều được Hòa thượng trụ trì tặng một tấm thiệp được thiết kế đẹp mắt, mang màu sắc văn hóa Việt và có nội dung là lời Phật dạy, hoặc các câu thi kệ ngắn gọn, hàm xúc, thú vị. Đó là những giá trị tâm linh, giá trị nội tại mà mỗi người phải tu tập và hàm dưỡng trong suốt đời tu của mình.
Diệu Tường