Trang chủ Văn học Hà Nội trong tôi

Hà Nội trong tôi

83


Hai năm như cái chớp mắt, để đây là lần thứ thứ ba tôi lại đến Hà Nội. Trời vàng nắng nhưng gió vẫn mang cái lạnh xuyên qua từng lớp áo, cảm giác thật khoan khoái dễ chịu. Hà Nội hình như vẫn thế, vẫn đẹp, cổ kính và nhiều cây. Người ta vẫn xếp hàng ăn phở và đứng mút kem Tràng Tiền trong cái rét căm căm, cũng còn đó những quán cóc ven đường với bát nước vối vẫn chỉ năm trăm lẻ, những chiếc xe đạp với thúng hoa hồng vừa tươi vừa rẻ… tất cả vẫn thế để điểm tô cho cái đẹp đặc trưng và cổ kính của đất Hà thành . Một tuần công tác và một tuần đi chơi chắc đủ để tôi tô đậm thêm nét đẹp Hà Nội vào trong tâm khảm.



Nói là công tác cho ngắn gọn thế thôi chứ thật ra là tôi được đi học. Trong một tuần tôi có nhiệm vụ phải tiếp nhận được quy trình, nghiệp vụ Tài chính của Văn phòng Hà Nội. Thật xúc động khi được gặp lại các anh, được gặp lại Chị, và các em trai, em gái Tinh Vân. Mỗi người đã có thêm 2 nãm tuổi và tôi hạnh phúc khi tình cảm chúng tôi dành cho nhau cũng đong đầy chừng ấy thời gian, các em vẫn trẻ trung và đáng yêu như ngày nào, tôi thì vẫn thấy mình được bảo bọc khi các anh mắng nhỏ “Ranh con!”… Tinh Vân về trụ sở mới đẹp và khang trang hơn nhiều so với tưởng tượng, tôi được đi tham quan từng phòng, được khoe nụ cười miền Nam với các TinhVaner mới, thăm trụ sở của các bạn ERP, được Chị cho free cả buổi sáng trong lịch đào tạo để diện kiến mọi người. Tôi đã cố gắng tận hưởng hết từng cảm xúc “chào sân” hiếm có và quý giá này.


Kế hoạch đào tạo được Chị chuẩn bị thật chi tiết từ nội dung, giờ học, đến người hướng dẫn. Ðiều đặc biệt là luôn tặng cho tôi một khoảng thời gian trống đầu giờ và cuối giờ trong mỗi buổi học. Những điều này làm tôi cảm kích và quyết tâm hơn… Chị và hai cô giáo xinh (ThủyĐTH và GiangNTH) chỉ trêu yêu vài câu rồi bắt đầu “lên lớp”, có lẽ cũng thông cảm được sự đa đoan “tiếp khách” của cô học trò lâu ngày mới có dịp ra Bắc. Vì sự tận tụy của các cô từ việc dạy học cho đến dạy chơi mà một tuần thoắt cái đã qua nhanh trong sự nuối tiếc của học trò vì thấy mình vẫn chưa “học” hết.



õngff

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao”

Xếp lại tập vở, chia tay Công ty tôi bắt đầu một tuần “đi chơi”. Thay cho sự nuối tiếc vì vẫn chưa kịp triển khai hết các cuộc hẹn và sẽ bỏ lỡ 2 buổi tiệc cưới chắc chắn là vui tưng bừng của Tinh Vân, tôi chuẩn bị lại hành trang, gia nhập cùng đoàn hơn hai trăm Phật tử miền Nam nhóm Một để bắt đầu một chuyến hành hương về Yên Tử. Sự háo hức lại được khởi động vì chuyến hành hương này mang nhiều ý nghĩa về tinh thần cho chúng tôi lắm.


Là Thiền sinh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chúng tôi luôn mong một ngày được về đất Tổ. Bên cạnh việc leo núi Tây Thiên để tận mắt nhìn thấy những di tích chứng minh Phật giáo đã được truyền thừa từ thế kỷ III bởi các vị Thiền sư Ấn độ, thì điểm nhấn của chuyến hành hương này là chinh phục Ngọa Vân Am.


Ngọa Vân Am nằm trên ngọn núi phía Tây của dãy Yên Tử, độ cao chưa đến 2000m. Tuy nhiên để lên đỉnh chúng tôi phải đi vòng qua nhiều ngọn núi khác, nên tới được am Ngọa Vân phải qua hơn 7000m vừa đi bộ vừa leo dốc. Ðường đi quanh co, có những dốc thẳng đứng và vượt hơn chục con suối nhỏ để băng qua được rừng trúc thì mới lên đến nơi. Vì đây không phải là điểm du lịch, nên khác với đường lên đỉnh chùa Ðồng Yên Tử nơi này hoàn toàn rất hoang sơ, không có lấy một hàng quán, kể cả người bản địa cũng ít lui tới nơi này. Thầy dẫn đường đã cảnh báo trước chỉ những ai trẻ khỏe thì mới được tham gia, hành trang mỗi người phải có là một chai nước, một mẫu bánh mì và một chiếc gậy, càng gọn nhẹ càng tốt. Với đôi chân bị giãn tĩnh mạch và thể lực chẳng thể tự hào, tôi dũng cảm tạo dáng vẻ tự tin để Thầy phát cho chiếc gậy…



õifff

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử

Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông là vị Tổ đầu tiên sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Sau hai lần chống giặc ngoại xâm, đất nước thanh bình, ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, tìm về Yên Tử để thực hiện ước mơ tìm đạo. Thời gian đầu ngài tịnh tu ở Yên tử nhưng vì đường lên Yên Tử tuy xa nhưng ngựa xe vẫn có thể lui tới nên không khỏi tránh được sự thăm viếng của vua quan. Vì thế ngài tìm đến Ngọa Vân Am, nơi đây đường núi hiểm trở, rừng rậm hoang sơ, ngựa xe không thể nào lên được. Sau năm năm ẩn tu ngài sáng được chân lý đạo Bụt, xuống núi giáo hóa thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và sau đó quay về viên tịch tại Ngọa Vân Am. Giáo pháp của Ngài được thể hiện rõ nhất trong “Ðắc thú lâm tuyền thành đạo ca” và “Cư trần lạc đạo phú”. Trong đó có đoạn mà Thiền sinh chúng tôi ai cũng nằm lòng:




Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,


Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.


Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,


Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.


Tạm dịch:


Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,


Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.


     Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,


           Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.


Ðể lên được Ngọa Vân Am phải vượt qua hai con dốc gần như thẳng đứng là “Chạm hàm” và “Cổng trời”. Bước dần trên những mụ đá không đều, chúng tôi nối đuôi nhau leo trong “chánh niệm”, ai cũng tập trung trong từng bước chân vì chỉ cần một chút sơ suất một người trượt chân sẽ đẩy cả đoàn phía sau chồng lên nhau mà tự do trượt dốc. Không những chạm “hàm” mà cả mặt tôi cũng chạm vào dốc, có những đoạn muốn bò mà cũng không bò được vì dốc quá thẳng. Một cảm giác khó thở bằng gấp nhiều lần “sợ”, mắt tôi long lanh muốn chảy nước mà không được vì quá căng thẳng, không thể hèn nhát quay lại được mà tiến lên thì đôi chân đang dần kiệt sức, nhớ đến câu “Miễn cứ một lòng, thì rồi mọi hoặc” mà liều mình đi tiếp, chẳng dám ngoái đầu… Bù lại cho cảm giác sợ hãi của hơn một nghìn mét dốc đứng, chúng tôi được đi qua những triền núi tuyệt đẹp của “vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân”, những con suối trong vắt và mát lạnh, rừng trúc bạt ngàn xào xạc lá, những cánh lan rừng thơm ngát… tất cả như những phần thưởng vô giá thiên nhiên ban tặng cho những ai dũng cảm và có lòng hướng về chốn Tổ. Sau hơn sáu km đi có, leo có, trườn cũng có, cuối cùng chúng tôi cũng đến được am Mây Ngủ. Như chốn bồng lai thế này thì ai cũng muốn “Ngọa” chứ không riêng gì mây. Thỏa bao khó nhọc, ngồi riêng một góc ngắm nhìn mây nước, tôi hít đều bầu không khí tinh khiết, uống ngọt vào lòng hương thơm rừng trúc, tâm hồn nhẹ tênh như mây trôi triền núi, tôi mới thấy cảm thông được thế nào là:




Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người ðến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao…


Y áo chỉnh tề, ai nấy trang nghiêm trong buổi lễ đơn sơ nhưng đầy ấp tấm lòng thành kính của đệ tử miền Nam nhân ngày Giỗ Tổ. Ðứng bên tháp Tổ, trên thềm Ngọa Vân, thay vì tranh thủ tận hưởng tiếp cảm giác thanh nhàn tiên cảnh thì tôi lại rối bời những phương cách trở về “trần thế”, chạm mặt dốc “Chạm hàm” khi thấy đằng xa những làn mây xám cũng đang đua chen về “ngọa” Vân Am…


Trở lại Hà Nội, tôi lao xao triển khai nốt cũng buổi hẹn hò còn nợ để rồi đáp chuyến bay cuối cùng về Sài Gòn vào tối hôm sau. Sau hai tuần rong ruổi, Hà Nội đã thực sự trở thành một nơi thân thương mang nhiều ý nghĩa. Là đất Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà tôi đã gắn bó khi chưa đầy hai mươi tuổi, là nõi có những Thiền viện mới mà các Thầy tôi đang về đây lãnh trách nhiệm xiển dương Thiền tông Việt Nam, và hơn hết là Tinh Vân Hà Nội, nơi tôi được nhận nhiều nhất những tình cảm chân thành. Từ Tinh Vân, tình yêu thương của tôi đã đâm chồi ra nhiều cành nhánh, tôi hạnh phúc vì mình yêu và được yêu như cháu, như con, như chị gái, như em gái miền xa. Hành trang mang về nặng trĩu, nặng trĩu yêu thương của của người Hà Nội nên đã nặng trĩu nỗi nhớ khi chưa về đến miền Nam.