Trang chủ Blog chùa Hà Nội: Trường hạ chùa Vạn Phúc khai pháp An cư Kiết...

Hà Nội: Trường hạ chùa Vạn Phúc khai pháp An cư Kiết hạ PL.2564 – DL.2020

Sáng ngày 14/06/2020 (nhằm ngày 23/04 nhuận năm Canh Tý), trường hạ chùa Vạn Phúc, thôn Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ khai pháp khóa An cư Kiết hạ PL.2564 – DL.2020.

570

Về chứng minh và tham dự lễ khai pháp có TT. Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.Hà Nội, Chánh Duy-na hạ trường; ĐĐ. Thích Viên Giác – Ủy viên BTS GHPGVN TP.Hà Nội, Trưởng BTS GHPGVN huyện Sóc Sơn, Phó Duy-na hạ trường cùng sự hiện diện của 60 hành giả an cư.

Về phía chính quyền có ông Đinh Văn Khóa – Phó ban Dân vận Thành ủy TP.Hà Nội; ông Nguyễn Hữu Trung Thành – Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo UBMTTQVN TP.Hà Nội; ông Dương Ngọc Kiên – Trưởng phòng Nội vụ 2 Ban Tôn giáo TP.Hà Nội; ông Lê Thanh Quản – Phó đội trưởng Đội an ninh Phật giáo phòng PA02 CA TP.Hà Nội; ông Trương Văn Nhung – Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Sóc Sơn; ông Nguyễn Sỹ Dũng – Đội trưởng Đội An ninh CA huyện Sóc Sơn. Ngoài ra còn có quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan ban ngành thành phố cùng địa phương sở tại và sự tham dự của đông đảo Phật tử gần xa.

Mở đầu lễ khai pháp, TT. Thích Chiếu Tuệ đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc an cư kiết hạ đối với người xuất gia qua bài phát biểu khai mạc. Theo đó, an cư kiết hạ là phương pháp xây dựng cộng đồng chư Tăng Ni để tiến lên thành tựu bậc Giác ngộ, làm cho mọi người được sống an vui, hạnh phúc đúng theo tinh thần Từ bi – Trí tuệ, rèn luyện bản thân để thành tựu Giới – Định – Tuệ, làm gương mẫu tốt đời đẹp đạo.

Hơn thế nữa, an cư kiết hạ còn là phương tiện thắng duyên, triển khai năng lượng của người tu sĩ để sống hòa hợp, đoàn kết, củng cố Tăng già, phát huy chính pháp, lợi lạc quần sinh. Tất cả những điều ấy cũng đều nhằm mục đích truyền trì mạng mạch Phật pháp, tiếp dẫn hậu lai, giữ gìn giới luật để trang nghiêm Giáo hội, tăng trưởng đạo hạnh cho mỗi hành giả trong sự nghiệp Hoằng pháp lợi sinh.

Nhân dịp này Thượng tọa cũng gửi lời tri ân đến quý thiện nam tín nữ Phật tử trong suốt những năm qua đã hộ trì Phật pháp bằng tất cả tinh thần và trách nhiệm của một vị Phật tử thuần thành. Thượng tọa cũng sách tấn hàng Phật tử tại gia tiếp tục phát tâm hộ trì Tam Bảo trong 3 tháng an cư, cũng như tạo mọi thuận duyên để quý Thầy an tâm tu học.

Nhân dịp này, TT. Thích Chiếu Tuệ cùng chư Tôn đức Tăng Ni hạ trường đã hoan hỷ đón nhận những lẵng hoa tươi thắm do đại diện Chính quyền các cấp và các đạo tràng dâng kính mừng mùa an cư kiết hạ PL.2564.

Tại đây, ông Trương Văn Nhung đã đại diện cho lãnh đạo Chính quyền phát biểu chúc mừng và tán dương công đức của chư Tôn đức Tăng Ni nói chung và Phật giáo huyện Sóc Sơn nói riêng trong việc đóng góp vào sự bền vững của khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, ông cũng mong Phật giáo huyện Sóc Sơn tiếp tục giữ vững và phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian tới, tham gia vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội, văn hóa của huyện nhà nói riêng và đất nước nói chung.

Tiếp đến là nghi thức khai pháp. Thượng tọa trụ trì cùng đại chúng đã đối trước Pháp tòa vọng bái Đức đệ tam Pháp chủ, ngôi đường chủ của Trường hạ, cũng là chủ pháp để cầu pháp Ngài. Sau đó, đại diện chư Tăng Ni, hành giả an cư đã ra làm lễ Thượng tọa trụ trì để cung thỉnh Thượng tọa thùy từ hứa khả khai pháp cho buổi lễ sáng nay.

Năm nay theo sự chỉ dạy của Đức đệ Tam Pháp chủ, bậc đường chủ của các trường hạ trong toàn thành phố, chương trình tu học tại các trường hạ đã thống nhất khai giảng bộ sách “Thiền Lâm Bảo Huấn”. Trong buổi khai pháp, Chánh duy-na trường hạ TT. Thích Chiếu Tuệ đã giới thiệu tóm tắt về nội dung bộ sách “Thiền Lâm Bảo Huấn” và giảng giải lời tựa của bộ sách đến chư Tăng Ni, hành giả an cư cùng quý Phật tử.

Theo Thượng tọa, an cư là bổn phận và trách nhiệm của người đệ tử Phật. Người tu tính tuổi đạo làm trọng, người tu hành có an cư kiết hạ thì mới có hạ lạp và được các tiêu chuẩn trong Tăng đoàn như bổ nhiệm trụ trì, nuôi độ đệ tử đều căn cứ vào hạ lạp.

Giáo pháp của Đức Phật có Tam Tạng giáo điển đó là Kinh – Luật – Luận, ngoài ra còn có những lời dạy của chư tổ. Những lời nói và công hạnh của chư vị Tổ sư, các bậc Cao tăng thời xưa đã được các bậc tiền bối đời trước ghi chép lại để lưu truyền lại cho thế hệ sau, gọi là Ngữ lục. Bộ sách “Thiền Lâm Bảo Huấn” chính là ngữ lục, nói một cách dễ hiểu là những lời dạy, răn nhắc, cảnh tỉnh của các bậc đi trước đối với chư Tăng Ni và đại chúng.

Bộ sách này được góp tập thành 4 quyển, có 292 thiên do ngài Tịnh Thiện đất Đông Ngô soạn. Nội dung quyển “Thiền Lâm Bảo Huấn” mong cho những người đệ tử của Đức Phật bỏ đi cái nhân ngã, danh lợi hướng về đạo đức, nhân nghĩa. Mỗi một thiên trong bộ “Thiền Lâm Bảo Huấn” là “kim ngôn khẩu ngữ” để răn dạy cho các đệ tử Phật xuất gia, chủ yếu là dạy cho các vị tỳ kheo, đương vi trụ trì hoặc đảm nhận các công việc tăng sai về cách tu tâm xử thế, và đây là cương lĩnh cho những vị trụ trì để hoằng pháp lợi sinh. Thượng tọa nhấn mạnh, trong 20 năm trở lại đây, bộ sách “Thiền LÂm Bảo Huấn” đã được tái giảng dạy 3 lần, điều đó khẳng định những lời dạy của chư Tổ tuy đã xa hàng thế kỷ nhưng giá trị vẫn còn đến tận hôm nay, đây chính là kim chỉ nam để giúp những hành giả an cư hôm nay tìm lại về bản nguyện ban đầu của mình, xây dựng Tăng đoàn ngày một hưng thịnh.

Buổi lễ đã kết thúc trong sự thành kính trang nghiêm của toàn thể đại chúng.

Thành Luân