Trang chủ Tuổi trẻ Hải Phòng: Lễ Hằng thuận đầu tiên được tổ chức tại chùa...

Hải Phòng: Lễ Hằng thuận đầu tiên được tổ chức tại chùa Mét ( Thiên Hương tự)

399

Tối 16/03/2019 ( nhằm ngày 11/02/Kỷ Hợi), Đôi bạn trẻ tân lang: Trần Trọng Đạt ( Pháp danh: Thiện Minh) và Tân nương: Đỗ Thị Ngọc Lan ( Pháp danh: Chân Tâm) đã cùng hai bên gia đình vân tập về chùa Mét, xóm 1, xa Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng để tổ chức lễ Hằng Thuận. Đây cũng là lễ hằng thuận đầu tiên được tổ chức tại chùa Mét.

Quang lâm và chứng minh buổi lễ có HT. Thích Thanh Giác – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng; Đại đức Thích Giác Sơn – Phó trưởng Ban trị sự  GHPGVN quận Lê Chân, Tp. Hải Phòng; Đại đức Thích Giác Hiệu – Trưởng BTC buổi lễ, Chư tôn đức Tăng chùa Phổ Chiếu, cùng với đó là sự hiện diện của đại diện hai bên gia đình tân lang, tân nương, các vị quan khách và quý Phật tử, nhân dân địa phương.

Được biết đây là đôi bạn trẻ đầu tiên tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa Mét. Chùa Mét ( Thiên Hương tự) do ông Trần Khắc Trang – Thủy tổ của họ Trần xã Cổ Am đặt, đây một ngôi chùa cổ có di tích lịch sử từ lâu đời của huyện Vĩnh Bảo, đồng thời chùa Mét cũng là trường học đầu tiên của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, gắn liền với cụm di tích lịch sử Đền thờ Trạng trình Nguyễn Bình Khiêm, huyện Vĩnh Bảo.

Trước khi chính thức bước vào buổi lễ Hằng Thuận, đôi bạn trẻ đã được Hòa thượng chứng minh tổ chức buổi Lễ quy y Tam Bảo trong không khí trang nghiêm, thành kính và kể từ đây hai bạn trẻ đã có Pháp danh và chính thức trở thành những người Phật tử hộ trì cho Tam Bảo để duy trì mạng mạch Phật Pháp và để Phật Pháp được mãi mãi trường tồn.

Ngay sau buổi lễ quy y Tam Bảo, đôi tân lang, tân nương và hai bên gia đình đã được nghe Hòa thượng giảng về ý nghĩa của buổi lễ Hằng Thuận, đạo lý vợ chồng trong kinh Thiện Sinh mà đức Phật đã dạy. Trong kinh Phật dạy thì hạnh phúc ở đây là phải sống theo đúng chính pháp. Ngoài ra, Hòa thượng còn căn dặn đôi bạn trẻ phải sống sao cho thật tốt, nghe lời chỉ dạy của cha mẹ, sống đúng với bổn phận của người làm vợ và người làm chồng, bổn phận của người con trong gia đình, bên nội cũng như bên ngoại. Người chồng phải hết mực yêu thương vợ và người vợ cũng phải hết mực yêu thương chồng, cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào hay bất kỳ lý do gì thì vợ chồng cũng phải luôn sát cánh bên nhau, cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. Ngoài bổn phận đối với gia đình thì các bạn trẻ cũng cần phải chú ý tới bổn phận của mình đối với xã hội, đối với đạo pháp.

Trước sự gia hộ của mười phương Chư Phật và sự chứng minh của Chư tôn đức Tăng Ni, tân lang và tân nương đã làm lễ tạ ơn Tam Bảo, lễ dâng trà tri ân công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đồng thời, để thể hiện sự kính trọng, sự bình đẳng và sự tôn kính lẫn nhau khi đã nên vợ, thành chồng, đôi bạn trẻ đã lễ lạy nhau thông qua nghi lễ “ Lễ Bình Đẳng”.

Trước khi Chư tăng trao đôi nhẫn cưới cho đôi bạn trẻ để đôi bạn tự trao nhẫn cho nhau, Hòa thượng Thích Thanh Giác đã làm lễ chú nguyện vào đôi nhẫn cưới và giảng cho hai bạn trẻ hiểu về ý nghĩa của chiếc nhẫn cũng như ý nghĩa của chữ “Nhẫn” đối với hạnh phúc trong mỗi gia đình.” Nhẫn” ở đây là sự nhẫn nhịn, vợ chồng phải biết nhường nhịn, nhẫn nhịn nhau, tôn trọng nhau; “Nhẫn” ở đây chính là sự tu dưỡng đạo đức và tu dưỡng phẩm hạnh. Một gia đình có êm ấm, hòa thuận được hay không, phần lớn là do sự nhẫn nhịn quyết định.

Trước khi buổi lễ hằng thuận kết thúc, đôi bạn trẻ đã đối trước Tam Bảo, đối trước Chư Tăng dâng lên lời phát nguyện sẽ luôn yêu thương nhau, luôn tôn trọng nhau, luôn bảo vệ cho hạnh phúc của gia đình để hạnh phúc đó được trường tồn mãi mãi và đón nhận giấy chứng nhận Lễ Hằng Thuận và quà chúc phúc từ chư Tăng chứng minh và hai bên gia đình.

Sau đây là hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ: