Trang chủ Quốc tế Hàn Quốc: Hội Thảo Quyền Động Vật Phật Giáo Châu Á Lần...

Hàn Quốc: Hội Thảo Quyền Động Vật Phật Giáo Châu Á Lần I

190

Tu sĩ Phật giáo nổi tiếng, Hòa thượng Hai Tao, đến từ Đài Loan, đã đọc bài diễn văn chính của hội thảo có tên “Compassion for All Beings” (tạm dịch: “Từ bi cho chúng sanh”). Hòa thượng Hai Tao cũng là một người ủng hộ thuần chay. “Nghiệp ác lớn nhất hiện tại của chúng ta đó là hằng ngày chúng ta đều tham gia vào mối thù với động vật như giết mổ và tiêu thụ cá, tôm, cua… Chỉ đến khi chúng ta đau ốm, khi chúng ta khổ não vì bệnh tật của chính mình hay đau buồn vì mất đi những đứa con thì chúng ta mới thực sự nhận thấy nỗi đau mà động vật phải chịu đựng”, Hòa thượng Hai Tao phát biểu với trang web Dharma Voices for Animals (DVA).

Do DVA và CARE (Coexistence of Animal Rights on Earth – “Quyền động vật cùng chung sống trên trái đất”) đồng tổ chức, sự kiện lần này là một trong số ít những hội thảo liên quan đến quyền động vật của Phật giáo trên thế giới. Cả hai tổ chức này đều mong muốn nâng cao nhận thức về tình trạng khổ cực của động vật trong ngành công nghiệp chăn nuôi toàn cầu thông qua các cuộc họp với nhiều thành phần khác nhau, sản xuất phim, tổ chức các hội thảo liên quan đến quyền và phúc lợi thường xuyên của động vật cũng như giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học.

Các chủ đề thảo luận tại hội thảo bao gồm việc thực hiện các phương pháp kiểm soát nhân đạo động vật, hoạn và thiến động vật, thí nghiệm động vật, nông nghiệp chăn nuôi và phát triển dinh dưỡng dựa vào thực vật. Hai workshop đã được tổ chức tại hội thảo lần này, workshop đầu tiên có tên “Thúc đẩy Sự nghiệp Quyền động vật trong Cộng đồng Phật giáo”, và workshop thứ hai có tên “Sống tốt hơn, Ăn tốt hơn – Sử dụng những gì được lĩnh hội từ hội thảo vì phúc lợi và hạnh phúc chúng sinh”.

Trong số những báo cáo viên của hội thảo có bác sĩ thú y Phật giáo người Sri Lanka, tiến sĩ Chamith Nanayakkara, đồng thời là người đứng đầu chi nhánh DVA ở Sri Lanka. Tiến sĩ Nanayakkara đã trình bày một tham luận có tựa đề “Tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp kiểm soát nhân đạo động vật ở thế kỉ 21”. Tiến sĩ Nanayakkara và nhóm của ông đã giúp hơn 50.000 động vật ở Sri Lanka. Trong khi đó, chủ tịch của DVA Bob Isaacson đã trình bày một báo cáo có tên “Các giáo lý của Đức Phật về vật hữu tình và làm thế nào để chúng ta có thể sống tốt hơn”.

Được thành lập cách đây 5 năm, DVA đã có 25 chi nhánh ở 9 quốc gia trên thế giới. Sứ mệnh của DVA đều dựa trên những giáo lý hạt nhân của Đức Phật, bao gồm giới luật đầu tiên, Bát chánh đạo và những nguyên tắc được nêu trong Kinh Karaniya Metta.

Isaacson đã phát biểu trên trang web của tổ chức rằng mục tiêu của DVA là “góp một tiếng nói về nỗi đau khổ của động vật, thu hút sự chú ý của các Phật tử, các quốc gia Phật giáo đối với tình trạng khốn khổ của động vật cũng như đề xuất những biện pháp để loại trừ hoặc giảm thiểu đau khổ của động vật. Họ sẽ hỗ trợ việc ban hành luật và/hoặc cập nhập pháp luật bảo vệ động vật tại các quốc gia Phật giáo”. DVA thực hiện những điều này bằng cách đưa những người cùng chí hướng ở các cộng đồng địa phương xích lại gần nhau và cùng hành động như một tổ chức nền tảng để nâng cao nhận thức đối với sự đau khổ của động trong các cộng đồng Phật giáo của họ.

Được thành lập năm 2002, CARE là tổ chức quyền động vật lớn nhất tại Hàn Quốc. Tổ chức này chống lại mọi hình thức khai thác động vật, bao gồm canh tác chăn nuôi, sản xuất và buôn bán thịt chó, giải phẫu động vật sống, săn cá voi và công nghiệp lông thú. CARE cung cấp các bài giảng quyền động vật cho các trường học trên khắp Hàn Quốc thông qua việc hợp tác với tổ chức Hội chữ thập đỏ và chính phủ Hàn Quốc.

Những người tổ chức cho biết hội thảo lần này chỉ là điểm bắt đầu và họ còn lên kế hoạch để tổ chức nhiều hội thảo khác trong những năm tới.