Trang chủ Blog chùa Hàng vạn người dự Đại lễ Phật đản 2018 tại chùa Phật...

Hàng vạn người dự Đại lễ Phật đản 2018 tại chùa Phật Quang

1912

Hòa chung trong niềm hân hoan của mọi người con Phật trên toàn thế giới và khắp mọi miền đất nước đón mừng ngày Phật đản PL.2562 – DL.2018, từ ngày 14 – 15/04/năm Mậu Tuất (nhằm ngày 28 – 29/05/2018).

Theo đó tại Thiền Tôn Phật Quang đã long trọng cử hành đại lễ Phật đản, với sự tham dự của Chư Tăng, Ni tại Bổn tự, cũng như Chư tôn đức Tăng, Ni các Tự viện trong, ngoài tỉnh và trên hai vạn phật tử, khách thập phương, các văn sĩ, nghệ sĩ, các giới trí thức thuộc các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra còn có 1600 sinh viên thuộc các trường Đại học tại Tp.HCM, Đồng Nai, Thủ Đức, Tiền Giang tham gia công quả phục vụ đại Lễ.

Được biết, chương trình Đại lễ Phật đản tại Thiền Tôn Phật Quang đã diễn ra nhiều hoạt động tâm linh – văn hóa nhằm chào mừng kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh như: : Tụng kinh cầu an, cầu siêu, lễ Phật, tọa thiền, tổ chức lễ quy y, thuyết Pháp, giao lưu nhân vật, văn nghệ, v.v…

Chương trình nào cũng mới lạ, hấp dẫn, mang tính giáo dục cao. Thông qua các chương trình của đại Lễ, các phật tử được cơ hội tu học tinh tấn, được mở mang kiến thức xã hội, được tu dưỡng đạo đức và trưởng dưỡng đạo tâm. Đây là mục đích chính mà Thượng tọa Trụ trì đã định hướng khi tổ chức một buổi Lễ lớn của Phật giáo, thu hút hàng vạn người tham dự.

Theo đó, đúng 8h00” sáng ngày 14/04 (AL), tại Chánh điện, khóa lễ tụng kinh Cầu an diễn ra thật trang nghiêm với sự tham dự của đông đảo phật tử. Tiếp theo là khóa lễ Cầu siêu và sau đó Chư Tăng Thiền Tôn Phật Quang thay mặt Thượng tọa Trụ trì truyền Tam quy Ngũ giới cho hơn 800 thiện nam tín nữ phát tâm Quy y Tam bảo chính thức trở thành phật tử.

Kế đến, 14h00” cùng ngày, theo thông lệ, cứ mỗi đại Lễ của Phật giáo, Thượng tọa Trụ trì đều tổ chức buổi giao lưu nói chuyện của những nhân vật có một đời sống cảm động, mẫu mực, tận tụy, cống hiến để cho các phật tử được mở rộng tầm nhìn trong mọi lĩnh vực và có tấm gương sáng cho mọi người soi rọi, học tập theo, đặc biệt là giới trẻ – là những công dân trụ cột cho đất nước trong một tương lai gần.

Mùa Phật đản này, nhân vật được mời đến là Tiến sĩ  Nguyễn Đông Hải – Lá cờ đầu giáo dục đạo đức trong dạy Vật lí. Tiến sĩ là giảng viên chuyên ngành Vật lí tại Mỹ. Vô cùng tâm huyết trong việc truyền dạy đạo đức, anh đã lồng ghép các nội dung này vào trong những tiết dạy của mình một cách đầy mới lạ và hợp lý, khiến những sinh viên hết sức cảm động và được thuyết phục.

Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải sinh ra và lớn lên tại Đồng Nai, bén duyên với đạo Phật theo truyền thống gia đình từ nhỏ. Tuy nhiên, đạo Phật mà anh tiếp cận khi ấy mang nặng tính nghi lễ, chú trọng niềm tin. Cho nên trong khoảng thời gian rất dài, khoảng 20 năm kể từ ngày quy y, anh cũng loay hoay có lúc tin Phật, có lúc không tin. Có lần anh đã nói với mẹ: “Làm sao con có thể ngồi đây tụng kinh, trong khi ngoài kia có bao nhiêu người đang chết đói”.

Duyên lành đến vào năm 2010, khi anh tình cờ được nghe những bài pháp do Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng. Từ đó, anh hiểu rằng mình phải sống rất tử tế, rất trách nhiệm với cuộc đời vì lòng thương yêu, mà cũng để nâng cái phước của mình lên. Mà phước là nền tảng cho tu tập tâm linh, không có phước thì không ai tu tiến nổi.

Lý thuyết này như chạm đến những điều mà anh đã boăn khoăn trăn trở trước đó. Anh bắt đầu tin hiểu, thực hành theo lời Phật dạy và gặt hái những kết quả đáng kể cho cuộc đời mình.

Khi đang là nghiên cứu sinh tại Mỹ, dần dần anh nhận thấy mối liên hệ giữa đạo lý trong Phật giáo với những hiện tượng vật lý. Đến năm 2012, anh bắt đầu chia sẻ với sinh viên về mối liên hệ này.

Nói đến nhân quả, TS Nguyễn Đông Hải cho rằng nhân quả là nền tảng của đạo Phật mà cũng là nền tảng của khoa học. Bởi vì từ xa xưa các nhà triết học khi nghiên cứu về thế giới tự nhiên đã kết luận rằng “không có gì được phát sinh từ cái không có gì”, tức là một hiện tượng là kết quả của một quá trình nào đó trước đó, và chính nó sẽ là nguyên nhân cho quá trình nào đó về sau.

Như vậy, mỗi suy nghĩ, hành động, lời nói của chúng ta cũng là kết quả của một cái nhân mình đã gieo từ trước, và cũng sẽ tạo ra quả báo cho mình về sau.

Tuy nhiên vì khoảng thời gian từ lúc gieo nhân đến khi gặt quả cách quá xa, có thể một năm, vài mươi năm, có thể qua đến vài kiếp, nên người ta không thấy mối liên hệ giữa hai sự kiện và không tin có nhân quả.

Theo anh, đường đi của nhân quả vô cùng phức tạp mà khoa học ngày nay chưa đủ sức chứng minh. Tuy nhiên như vậy cũng có cái hay, bởi con người sẽ làm việc thiện vì lòng thương yêu thật sự, thay vì cái tâm mong cầu quả báo. Chính vì luật nhân quả “giấu mặt” nên đạo đức con người mới được thử thách, mà có thử thách rồi thì mới tăng trưởng.

Vậy có nên tin nhân quả không, trong khi khoa học chưa chứng minh được? Anh cho rằng, với những điều khoa học chưa chứng minh được, ta chia làm hai loại. Nếu tin điều nào giúp mình trở thành con người đạo đức thánh thiện hơn thì hãy tin, dù cho khoa học chưa thể chứng minh. Còn nếu tin vào điều nào khiến mình trở thành con người mê tín, tệ bạc, lười biếng, hèn nhát hơn thì đừng tin.

Đến đây, Thượng tọa Thích Chân Quang đã dành lời khen ngợi đối với những chia sẻ cực kì sâu sắc trí tuệ của TS Nguyễn Đông Hải.

Tiếp theo, TS Nguyễn Đông Hải nói về vô thường. Theo khoa học, tất cả vật thể trong vũ trụ này, từ những thứ siêu vĩ mô như thiên hà, cho đến những thứ siêu vi mô như các điện tử, các hạt cấu tạo nên hạt nhân nguyên tử… đều luôn luôn chuyển động không ngừng. Mà chuyển động thì chắc chắn phải biển đối. Và sự biến đổi đó cũng chính là trạng thái vô thường của vật chất.

Kể cả trong những thứ nằm yên không chuyển động, ví dụ ly nước nằm yên, thực ra bên trong đều có nhiều hạt phân tử đang chuyển động hỗn loạn không ngừng.

Hoặc một cơ thể đang ngủ thì máu huyết vẫn đang lưu thông, hơi thở vẫn luân chuyển ra vào. Hoặc khi một sinh vật chết đi, những phân tử cấu thành cơ thể đó cũng rời bỏ để đi cấu thành nên những cơ thể sống khác. Đó là sự vô thường của thân xác.

Những tòa nhà rất đẹp rồi sẽ cũ nát, những vật dụng rồi sẽ hao mòn, mọi thứ đều vô thường biến hoại theo thời gian. Tuy nhiên có hai thứ không bị thay đổi, thậm chí được tăng lên, đó là tội  – phước.

Ví dụ số tiền mà tên cướp cướp được sau hai mươi năm sẽ biến mất, nhưng cái tội của hắn thì không đổi, chỉ có lớn lên theo thời gian mà thôi. Vậy bài học rút ra là, nếu chúng ta làm những điều sai trái để được vật chất, danh lợi thì ta tạo ra cái tội. Mà vật chất, danh lợi sẽ tan hoại theo thời gian, còn cái tội thì còn mãi theo thời gian.

Qua phân tích của anh, chúng ta thấy rõ ràng là khoa học hoàn toàn không khô khan, mà khoa học và tâm linh luôn luôn có thể song hành cùng nhau, bổ sung cho nhau.

Anh cũng có những chia sẻ hết sức thú vị về vô ngã, về cống hiến – phụng sự mà trong phạm vi bài viết này không thể chuyển tải hết. Cuối cùng, anh kể về những may mắn kì lạ trong đời mình mà chỉ có thể dùng nhân quả để giải thích. Trước đó anh đã gây tạo những cái nhân đúng, để rồi gặt hái quả ngọt ngay trong đời này.

Sau buổi giao lưu, TT Thích Chân Quang nhận định: Chúng ta thật may mắn có được buổi giao lưu hôm nay với TS Nguyễn Đông Hải. Anh là người trí thức, có trí tuệ, có đạo tâm, có hiểu biết, hiểu đạo lý… Nói chung, một người tổng hòa được nhiều lợi thế nên mới có thể nói những điều nãy giờ ta được nghe và truyền bá vừa là kiến thức vừa là đạo lý cho rất nhiều thế hệ học sinh, đây cũng là một điều may mắn cho thế giới này, cho thế hệ này có một người như Đông Hải.

Chúng tôi mong rằng làm sao có nhiều bản sao như TS Đông Hải – những con người có trí thức, có đạo đức, có đạo lý như vậy nối truyền đi vào trong xã hội, đem truyền đạo đức, kiến thức cho hết người này tới người kia. Dĩ nhiên trong mỗi hoàn cảnh mỗi con người có cách nói khác nhau, có bản lĩnh khác nhau, có hiểu biết khác nhau nhưng bắt đầu từ bản gốc này.

Hôm nay, các con ngồi đây, rất nhiều người cũng là giáo viên hoặc không là giáo viên nhưng mình đều có thể bắt chước TS Đông Hải gài đạo đức vào trong kiến thức chuyên môn hết, biến cả cuộc đời của mình dù làm việc nhưng đều toả ra được giáo dục đạo đức cho mọi người xung quanh mình. Vậy ta cũng là bản sao của TS Đông Hải.

Tại buổi giao lưu, Thượng tọa đã thay mặt tất cả Tăng Ni, phật tử Thiền Tôn Phật Quang trao tặng một món quà tinh thần – là kỷ niệm chương vinh danh TS Nguyễn Đông Hải bằng 4 chữ “NGỌN LỬA NIỀM TIN”.

Thật sự trên thế giới hầu như chưa ai thiết lập được những định đề, công thức để cho Luật nhân quả, để đạo đức được đưa vào nhà trường cả. Tiến sĩ Nguyễn Đông Hải có thể được xem như một người tiên phong trong lĩnh vực này.

Suốt buổi nói chuyện, những phân tích của anh về sự liên quan giữa khoa học với đạo đức, hay với đạo lý Phật dạy đã hoàn toàn thuyết phục thính chúng. Hi vọng trong tương lai sẽ tiếp tục có những nhà giáo mà cả cái tâm và cái tầm đều sáng ngời như anh, để mở ra niềm hi vọng về một tương lai không xa, khi đạo đức được đưa vào trường học, được truyền dạy một cách hết sức logic, trí tuệ và thuyết phục.

Buổi giao lưu còn diễn ra với nhân vật GS.TSKH Vũ Minh Giang. Nhắc đến GS.TSKH Vũ Minh Giang là nhắc đến một ngọn núi trong đào tạo, trong nghiên cứu khoa học, cống hiến xã hội và Phật học Việt Nam. Ông có nhiều công trình khoa học được công bố trong và ngoài nước. Ngoài công việc giảng dạy trong nước, ông còn được mời thỉnh giảng tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Ông thông thạo 4 thứ tiếng là Nga, Anh, Pháp, Trung.

Ông sinh năm 1951 tại Quảng Ninh, từ 1972 – 1974 ông tham gia phục vụ trong quân ngũ ở mặt trận phía Nam, sau đó về học tập và giảng dạy tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.  Hiện nay ông đang giữ chức vị Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Liên ngành Lịch sử, Khảo cổ và Dân tộc học.

Ông chia sẻ bản thân đã từng tham dự nhiều cuộc giao lưu, tiếp xúc nhưng chưa bao giờ đứng trước số lượng người nghe đông như tại Thiền Tôn Phật Quang. Tuy nhiên ông rất ấn tượng trước cái trật tự nề nếp trong một Lễ hội đông đến hàng chục nghìn người như vậy.

Là người dành hơn nửa cuộc đời của mình để nghiên cứu về lịch sử, khi được MC Thu Quỳnh mời chia sẻ quan điểm của ông về hiện trạng học sinh hiện nay không mặn mà với môn Lịch sử, trong buổi giao lưu, GS Vũ Minh Giang đã chủ động gửi lời xin lỗi đến phụ huynh học sinh. Theo ông, cái lỗi đầu tiên thuộc về các nhà sử học, rồi sau đó đến những người quản lý giáo dục. Môn sử đã có một thời gian rất dài được thiết kế làm người học phải ghi nhớ quá nhiều, đa phần khô khan trong cách dạy, trong khi đáng lẽ lịch sử phải gắn với di tích, văn hóa, với những trải nghiệm…

Theo GS Vũ Minh Giang, lịch sử là những điều đã diễn ra trong quá khứ, tuy nhiên không phải là những sự kiện vô tri vô giác buộc chúng ta phải ghi nhớ. Lịch sử phải giúp cho con người của một quốc gia nhận thức về chính mình, về nguồn gốc, ưu, nhược điểm của dân tộc mình. Qua lịch sử, chúng ta có thể nhìn vào quá khứ mà rút ra bài học cho tương lai.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã nói rằng: “Lịch sử giúp chúng ta hiểu hiện tại, và dự báo tương lai”. Hay một Tổng thống Pháp từng nói: một công dân mà không biết sử nước mình thì cũng giống như đứa trẻ mồ côi không biết cha mẹ, gia đình mình ở đâu”. Vì thế ở rất nhiều quốc gia văn minh, người ta luôn coi việc am hiểu lịch sử là dấu hiệu của trí tuệ, của sự thông thái.

Trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, GS Vũ Minh Giang đã cho ra đời một loạt bài viết mang tính chiến đấu cao, đặc biệt phải kể đến công trình “Cơ sở học về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao.

Theo GS, Việt Nam là một dân tộc mà lãnh thổ, chủ quyền còn cao hơn từ “quý giá”, phải dùng từ “thiêng liêng” mới lột tả hết.

Ngoài những nghiên cứu về sử học, GS Vũ Minh Giang còn là con người vô cùng tâm huyết với Phật giáo. Suốt 5 năm vừa qua GS đã nỗ lực không ngừng để đề xuất lên TW Đảng và Chính phủ về việc đưa Viện nghiên cứu và đào tạo Phật giáo vào trong trường học. Cuối cùng, vượt qua bao khó khăn, ông cùng các chuyên gia đã thành công khi Viện Trần Nhân Tông được ra đời tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo GS, nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam thì chắc chắn phải nghiên cứu về Phật giáo, bởi Phật giáo có một đóng góp, một ảnh hưởng rất lớn đối vói lịch sử dân tộc, với văn hóa truyền thống dân tộc.

Ông chia sẻ thêm, giữa một thế giới đang bấn loạn, các phe phái, quốc gia mâu thuẫn gay gắt, xung đột tôn giáo, sắc tộc, bệnh dịch thế kỉ, ô nhiễm môi trường… Người ta đang cần một chữ “tĩnh”, mà để giúp con người tĩnh tâm thì có không một lý thuyết nào ưu việt hơn Phật giáo.

Và Phật giáo không chỉ là bốn chữ “từ bi hỷ xả” như chúng ta thường nghe, mà còn tạo nên sức mạnh cho cả một dân tộc. Tại nước ta, những triều đại xem Phật giáo gần như là quốc giáo lại lập nên những chiến công hiển hách, điển hình là triều Lý, triều Trần. Như vậy Phật giáo không chỉ đồng hành, mà còn là chỗ dựa, là chất keo liên kết để một dân tộc đồng lòng đứng lên đẩy lùi những kẻ thù hung bạo.

Bản thân Giáo sư cũng rất tâm đắc lý nhân quả, theo ông, đó là quy luật tự nhiên của trời đất của vũ trụ mà Phật giáo đã phát hiện ra, chứ không phải sáng tạo ra. Hiểu được nhân quả rồi chúng ta có được thái độ sống lạc quan bình thản, ví dụ không oán trách khi bị vô ơn bội phản, vì biết cái không may của mình là quả báo của cái nghiệp nhân xấu ác nào đó mình đã gieo trong quá khứ.

Giáo sư cho rằng, nếu không có đạo lý nhân quả, con người không màng tội phước thì cái ác sẽ ngự trị khắp nơi. Ngược lại, tin hiểu nhân quả giúp thế giới trở thành một nơi hiền thiện hơn, vì con người biết kiểm soát hành vi, lời nói, cả suy nghĩ của mình không dám gây nên ác nghiệp.

Ông cũng rất tâm đắc về triết lý bao dung vị tha, quên đi mọi hận thù quá khứ. Hoặc về lý vô ngã, ông cho rằng bản ngã bé xuống chừng nào, những ước muốn vị kỉ cho bản thân ít đi chừng nào thì con người lại càng hạnh phúc chừng nấy.

Cuối buổi giao lưu, TT Thích Chân Quang có lời cảm thán trước những chia sẻ của GS.TSKH Vũ Minh Giang. Theo Thượng tọa, từng lời từng chữ của Giáo sư đều là vàng ngọc, vừa logic hợp khoa học mà cũng cực kì phù hợp với Phật học. Cuối cùng Thượng tọa đại diện cho Thiền tôn Phật Quang trao tặng GS.TSKH Vũ Minh Giang kỉ niệm chương ghi 4 chữ “NÚI CAO ĐỨC CẢ” với tất cả tấm lòng ưu ái, biết ơn.

Tiếp đến, đúng 18h30”, ĐĐ Thích Tánh Khoan thay mặt cho Ban Tổ Chức đọc lời khai mạc và hướng dẫn toàn thể phật tử ngồi thiền 30 phút.

Và chương trình được tiếp nối là buổi thuyết Pháp của TT.Thích Chân Quang. Dịp này, Thượng tọa tản mạn về đạo lý sống với góc nhìn vô cùng thú vị.

Bài, ảnh: Tâm Trụ