Trang chủ Đời sống Tâm sự Hãy im lặng mở rộng vòng tay cảm thông

Hãy im lặng mở rộng vòng tay cảm thông

106

Tôi cảm thấy tội nghiệp cho tình cảnh của gia đình bạn, ông bố và bà mẹ tức giận vì nghĩ là họ bị coi không ra gì, còn đứa con gái thì cảm thấy không ai hiểu nó cả. Tôi làm gì để giúp họ cảm thông với nhau, không làm buồn khổ nhau thêm nữa?


 


Trước vấn đề bức bách của người bạn thân, cũng như mỗi khi không thể giải quyết tình huống khó khăn nào đó, tôi thường gọi điện thoại để nhờ mẹ tôi cho lời khuyên giải. Và bà đã nhắc lại tôi một lời khuyên mà nhiều lần tôi áp dụng đều thấy kết quả tốt đẹp. Tôi vội vàng viết thư cho cô bạn, chia sẻ lời khuyên của mẹ tôi rằng: Khi con cái gây ra chuyện rắc rối, hãy im lặng và mở rộng vòng tay cảm thông.


 


Khi các con tôi lớn lên, tôi đã cố gắng làm theo lời khuyên của mẹ mình. Không phải lúc nào tôi cũng thành công trong việc dạy dỗ theo cách này với năm đứa con liền trong sáu năm. Vì tôi có cái miệng rất to và thiếu lòng kiên nhẫn.


 


Hồi tưởng lại lúc đứa con lớn nhất là Kim lên 4 tuổi, cháu đã làm vỡ cái đèn ngủ. Khi thấy cháu không bị thương tích gì, tôi liền mắng xối xả rằng cái đèn đó là đồ cổ rất quý, rằng gia đình tôi đã nâng niu giữ gìn nó đến ba đời, rằng đáng lẽ cháu phải cẩn thận chứ, sao lại vô ý làm cho nó tiêu tan như vậy v.v… Bất giác, tôi thấy nỗi sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt bầu bĩnh của bé, mắt nó mở to, môi run và tái mét, đang định chạy trốn. Bỗng tôi nhớ đến lời dặn của mẹ mình, tôi liền “tốp” cái miệng lại ngay và mở rộng vòng tay cảm thông của mình ra.


 


Kim vội nhào vào lòng tôi, bật lên những tiếng khóc nức nở, “Con xin lỗi…”. Chúng tôi ngồi trên giường, ôm chặt lấy nhau rất lâu. Tôi cảm thấy mình phải vỗ về và xoa dịu bé, không được để cho bé nghĩ, dù chỉ thoáng qua, đối với tôi cái đèn quý hơn bé.


 


“Mẹ cũng xin lỗi con”, tôi thì thầm khi bé bình tĩnh lại. “Mẹ rất mừng vì con không bị chảy máu, con quan trọng hơn cái đèn nhiều”.


 


May là bé tha thứ cho tôi. Không còn lợn cợn gì trong vụ bể đèn này. Sau vụ này, tôi nhận ra rằng tốt nhất là nên im lặng, không nên để cho lời nói bùng nổ trong cơn giận dữ, thất vọng và thiếu sáng suốt.


 


Khi các con tôi, cùng lúc cả năm đứa, đến tuổi vị thành niên, chúng đã là tác nhân gây ra vô số việc để tôi có dịp thực tập lời khuyên của mẹ; khi thì cãi vả với bạn bè, khi bị phạt vì vi phạm luật giao thông, và kể cả trò làm thí nghiệm cho bom nổ nữa! Phải thú thật rằng lời khuyên của mẹ tôi không bao giờ xuất hiện trước tiên trong tâm trí tôi khi nhận được điện thoại của giáo viên hay thầy hiệu trưởng gọi đến nhà mắng vốn. Sau những lần bị giáo viên mắng vốn ở trường, có lúc tôi không thể nhịn được, đùng đùng trút cơn giận ngay trong xe hơi trên suốt quãng đường chở chúng về nhà…


 


Nhưng, những khi chợt nhớ lời dặn dò của mẹ mình, tôi liền ngừng ngay những lời mắng nhiếc, lời mỉa mai, lời xin lỗi, hay xóa bỏ những hình phạt không tốt.


 


Khi bạn ôm chặt con mình, dù là đứa con đã lớn cồ rồi, bạn sẽ cảm nhận được điều kỳ diệu đang biến chuyển. Giữ được cái lưỡi của mình nằm im, tôi nghe được nỗi sợ hãi, giận dữ và nhịp tim ăn năn hối hận của con mình. Chúng không cần tự vệ, vì tôi không mắng mỏ chúng. Chúng nhìn nhận rằng chúng sai lầm và biết rõ dù thế nào chăng nữa, chúng cũng được mẹ thật sự yêu thương.


 


Các con tôi nay đã khôn lớn, đã lập gia đình. Vài tháng có đứa về thăm tôi và tâm sự “Mẹ ơi, con đã làm một điều dại dột…”. Sau cái ôm chia sẻ, chúng tôi cùng ngồi vào bàn ăn. Tôi lắng nghe và gật đầu suốt câu chuyện của chúng cả tiếng đồng hồ, trong khi đứa con yêu quý của tôi thút thít khóc vì vượt qua được tình thế khó xử.


 


Khi chúng tôi đứng lên, con tôi ôm chặt lấy tôi: “Cám ơn mẹ. Con biết thế nào mẹ cũng giúp con giải quyết được việc này mà”.


 


Thật là kỳ diệu! Tôi đã sáng suốt và thanh thản vô cùng khi biết im lặng và mở rộng vòng tay cảm thông.