Trang chủ Diễn đàn Hãy kịp thời xin thành phố dành đất xây dựng chùa ở...

Hãy kịp thời xin thành phố dành đất xây dựng chùa ở ven sông Thủ Thiêm

872

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có phải Minh Thạnh đã quá vội vàng cho rằng hồn của Thủ Thiêm, hồn của trung tâm TPHCM sẽ là hồn Công giáo?

Tin đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng Online, Chủ nhật, 13/5/2018: “Bí thư TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm cơ sở tôn giáo ở Thủ Thiêm” có cho biết “Đối với các cơ sở tôn giáo còn lại, các ngành, các cấp thành phố và Quận 2 tiếp tục vận động, thuyết phục bàn giao mặt bằng để phục vụ dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm” (http://plo.vn/thoi-su/bi-thu-nguyen-thien-nhan-tham-co-so-ton-giao-o-thu-thiem-770215.html).

Như vậy, chủ trương của chính quyền vẫn là di dời tất cả các cơ sở tôn giáo, không riêng của tôn giáo nào. Khi các cơ sở tôn giáo ở Thủ Thiêm di dời hết, thì đâu có hiện trạng hồn Thủ Thiêm, hồn trung tâm TPHCM là hồn Công giáo như ông đặt vấn đề?

MINH THẠNH: Hiện nay ở Thủ Thiêm, chỉ trừ tổ hợp kiến trúc Ca tô La Mã gồm nhà thờ giáo xứ, tu viện, trường học (mà Ca tô La Mã tự nhận có sở hữu), còn lại đình, chùa, thánh thất đều tự di dời hoặc bị cưỡng chế. Cho nên, cụm từ “các cơ sở tôn giáo còn lại” đương nhiên là dùng để chỉ tổ hợp kiến trúc Ca tô La Mã.

Nội dung được Báo Sài Gòn Giải Phóng tường thuật như trên cho thấy sự thay đổi ở chính quyền trong cách thức xử lý.

Về nguyên tắc, các cơ sở phải di dời, nhưng nếu không tự di dời, thì sẽ có quyết định cưỡng chế tháo dỡ, và sau đó là việc thực hiện quyết định cưỡng chế tháo dỡ, tức là chính quyền điều động lực lượng đến cưỡng chế như đối với một ngôi chùa.

Theo logich đó, trong trình tự thực thi pháp luật đương nhiên, đã cưỡng chế tháo dỡ chùa, đương nhiên chính quyền phải cưỡng chế tháo dỡ “các cơ sở tôn giáo còn lại”.

Những bây giờ, với nội dung đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng như vậy, thì xin hỏi lại, có còn phương án cưỡng chế tháo dỡ hay không?

Tôi cho rằng ở đây đã có việc điều chỉnh chính sách, từ quyết tâm cưỡng chế tháo dỡ đối với “các cơ sở tôn giáo còn lại”, sang “vận động, thuyết phục”.

Xin hỏi, ông nghĩ là nếu chính quyền vận động, thuyết phục thì các chức sắc Ca tô La Mã có tự nguyện chấp hành di dời không?

Vấn đề “các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” là ở chỗ, đối với chùa thì cưỡng chế một cách mạnh mẽ, quyết liệt, cứng rắn, còn bây giờ đối với “các cơ sở tôn giáo còn lại” thì “vận động, thuyết phục”.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tôi nghĩ là các cha và nữ tu sĩ không bao giờ nghe lời vận động thuyết phục để tự di dời đâu. Đã bao nhiêu năm rồi, họ vẫn đeo bám mảnh đất vàng đó. Bây giờ, đã có cục diện mới, chẳng lẽ nào họ lại không biết khai thác. Nhưng chủ trương đó không phải đã lập thành văn bản hành chính, chưa phải thu hồi quyết định cưỡng chế tháo dỡ, nên Minh Thạnh không thể nói là chính quyền thay đổi chủ trương?

MINH THẠNH: Trong thực tế, khi xin chủ trương thì có thể chỉ nhận được chỉ đạo miệng. Ở đây, vẫn là lời nói,  nhưng việc được báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tải trong chuyến thăm cơ sở tôn giáo ở Thủ Thiêm của lãnh đạo thành phố, thì ý nghĩa chủ trương của nó không hề nhỏ.

Hơn nữa, không hẳn trong các trường hợp không còn chủ trương cưỡng chế tháo dỡ, chính quyền đều thu hồi quyết định cưỡng chế tháo dỡ, hay quyết định cho phép tồn tại.

Đối với linh mục tu sĩ ở Thủ Thiêm, họ chỉ cần không cưỡng chế tháo dỡ là được rồi. Trong lập luận về tài sản của Giáo hội Ca tô La Mã Việt Nam, họ chỉ chú trọng đến những giấy tờ về quyền sở hữu nhà đất có từ thời Pháp thuộc.

Như vậy, theo tôi, đạo Ca tô La Mã đã thành công trong việc duy trì tổ hợp kiến trúc Ca tô La Mã ở Thủ Thiêm.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Minh Thạnh có mong “các cơ sở tôn giáo còn lại” ở Thủ Thiêm sẽ tồn tại?

MINH THẠNH: Đã di dời, cưỡng chế tháo dỡ hết đình, chùa thì để bảo đảm nguyên tắc các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, cũng nên giải quyết bình đẳng cùng một cách đối với mọi cơ sở tôn giáo.

Trường hợp có điều chỉnh chủ trương, thì nên xác định tình trạng pháp lý của “các cơ sở tôn giáo còn lại” một cách rõ ràng, dứt khoát, minh bạch, không để lập lờ, để từ đó có quyết sách thích hợp sao cho Khu Đô thị mới Thủ Thiêm không là biểu tượng của chỉ riêng một tôn giáo nào đó.

Cụ thể, là nếu cho phép nhà thờ tồn tại, thì cấp lại đất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây chùa ở ngay điểm ven sông kế bên nhà thờ.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Bản tin đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn trên cho biết những lô đất ở Thủ Thiêm đang được đấu giá?

MINH THẠNH: Thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải nhanh chóng kiến nghị với chính quyền theo đúng pháp luật về đất đai và về tín ngưỡng, tôn giáo, để xin được cấp đất xây chùa.

Nếu không, thì dưới thời thực dân Pháp đô hộ, hồn cốt tôn giáo ở khu trung tâm TPHCM là hồn cốt Công giáo La Mã với Nhà thờ Đức Bà đã đành, mà đến ngay cả, dưới chính quyền xã hội chủ nghĩa, hồn cốt tôn giáo của khu trung tâm TPHCM mở rộng cũng vẫn là hồn cốt Công giáo La Mã!

Điều đó, chúng ta đang thấy khi đứng trên đường phố trung tâm TPHCM, nhìn sang bên kia sông, Tu viện Nhà thờ Thủ Thiêm chói sáng trong ánh đèn neon sign và đèn rọi. Chỉ chờ cầu đi bộ bắc qua sông thôi, là hồn Công giáo cho trung tâm TPHCM hiện hình hoàn toàn.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trên mạng xã hội, người ta nói đó là do ý Chúa, do Chúa đã làm phép màu bảo vệ tu viện nhà thờ Công giáo Thủ Thiêm?

MINH THẠNH: Việc này để bàn luận sau. Nhưng trước hết, kết quả như hôm nay, ở Thủ Thiêm, cơ sở Ca tô La Mã còn nguyên, hơn nữa, đến cả ngôi trường bỏ hoang còn không đụng đến được, trong khi chùa bị xóa trắng, là thử thách lớn đối với chính quyền Quận 2.

Chúa có thể giữ nhà thờ tu viện Ca tô La Mã Thủ Thiêm, nhưng chính quyền có thể cấp đất để xây chùa cạnh bên nhà thờ để giữ gìn cục diện hài hòa tôn giáo.

Chúng ta còn hy vọng ở sự sáng suốt của lãnh đạo chính quyền TPHCM.