Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Hiểu thương có mặt cho nhau

Hiểu thương có mặt cho nhau

306

Thành Nam chiều nay xác xao trong cái hanh hao của những ngày đầu đông tê tím. Bước vào phòng thiền con lại thấy nắng tràn về trong tim. Ngày tiếp nối của thầy đã qua được tròn một tuần rồi nhưng con thở vào cũng thấy thầy trong con.

Những bước chân và hơi thở chánh niệm cũng là sự tiếp nối của thầy. Buông bỏ ý niệm sinh diệt để luôn luôn nở nụ cười trên môi cũng là sự tiếp nối của thầy. Bước chân của thầy đã qua những cao nguyên bạt nắng bạt gió, những đồng bằng au đỏ phù sa, những vùng đất hoang vu hay chốn thị thành đầy náo nhiệt để gieo hạt từ bi, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau cho biết bao cuộc đời.

Và bài học Hiểu-Thương mà thầy đã cho con là một trong rất nhiều điều làm cho mảnh đất tâm con được tưới tẩm để một ngày chồi nhú một mầm xanh Thầy đã gieo mầm thiện tri thức trong con, cho con tỏ tường về bài học nhân sinh mà học suốt đời không hết.

Trích lời của vị Thiền Sư Nhất Hạnh: “Thương phải hiểu, hiểu phải thương”, con đã hiểu rằng trái tim con từ đây, trí tuệ con từ phút này được ánh hào quang của Phật Pháp chiếu rọi, mà thầy là người dẫn đường tận tụy cho con gửi trọn một niềm tin.

Hiểu và Thương – hai viên ngọc lung linh giữa biển ngọc tình người cho yêu thương chưa bao giờ vắng mặt. Nhưng cuộc sống không chỉ màu hồng bởi mỗi chúng con còn nắm chặt bản ngã, vô minh, đó là mảnh đất tốt cho những sầu đong hiện hữu Chớp mi trong chánh niệm, con nhớ những bài pháp thoại của thầy…

Hiểu và thương – tuy hai khái niệm nhưng bao hàm một ý. Hiểu là nhận thức. Thương là hành động. Điều đặc biệt trong Đạo Phật là đề cao trí tuệ của con người, từ bi gắn liền với trí tuệ.

Thứ nhất, hiểu-thương xét ở phương diện tình yêu và hôn nhân: Lòng phải hiểu được lòng thì thương yêu cho nhau mới là chân thật. Hiểu chính là nền tảng của thương bởi ẩn dấu trong mỗi hình hài là cả một vũ trụ chứa đầy bí mật. Những cung bậc, những nỗi niềm chôn sâu trong mỗi cuộc đời mà nếu không hiểu được thì chẳng thể nào xẻ chia. Khi không thể xẻ chia thì tình thương của ta trao người sẽ là ngột ngạt, là khởi đầu cho mọi phiền khổ.

Vì vậy những yếu tố làm nên một tình yêu lứa đôi-chất liệu đầu tiên là sự hiểu nhau. Hiểu những tâm tư, những nghĩ suy, những cội nguồn từ quá khứ, những sắp xếp cho hiện tại, những dự định cho tương lai. Hiểu để cùng xếp lại nỗi đau, cùng mỉm cười, cùng hướng về phía trước. Hiểu để không bao giờ buông tay và thương nhau nhiều hơn.

Tình thương được xây đắp từ trí tuệ từ đó mà tròn đầy, viên mãn. Vì vậy đại thi hào Tago đã nói: “Yêu là tên gọi khác của sự hiểu nhau”. Hiểu và thương như điều kiện cần và đủ không thể tách rời như con người cần nước và không khí. Hiểu nhau tuyệt nhiên không phải là sự kiểm soát nhau, thuộc lòng thời gian biểu của nhau, cũng tuyệt nhiên không nên lo sợ hiểu nhau quá sẽ gây nên nhàm chán.

Hiểu nhau để không nghi ngại ngờ vực, để son sắt một niềm tin trước những biến động của cuộc đời có nguy cơ chia rẽ. Khi có một người thực sự hiểu mình, thương mình, ta sẽ thấy cuộc đời thật bình yên, trái tim vốn hay lo được mất cũng sẽ tìm được sự vỗ về. Như vậy “thương phải hiểu, hiểu phải thương”

Thứ hai: hiểu – thương xét ở mối quan hệ con người-con người. Có hiểu mới có thương, không hiểu mà thương thì tình thương ấy sẽ rất hời hợt và có thể là giả tạo. Mà muốn hiểu nhau thì cần phải lắng nghe nhau, phải biết ngọn ngành tâm tư, trình trạng khó khăn của nhau để dần tháo gỡ. Bởi đôi khi ta phải kiên nhẫn lắm mới lắng nghe nổi, hoặc ta phải khuyên lơn hay nài nỉ thì người kia mới chịu nói ra hết những niềm đau chôn giấu.

Ngoài ra, ta còn phải đón nhận những năng lượng rất nặng nề từ những lời kể lể, khóc than hay đầy sân hận của họ mà không để bị tổn thương. Vì vậy, thiện chí phải là thái độ biết nghĩ cho người kia hơn là nghĩ cho mình (thương), mà cũng phải biết cách nghĩ sao cho đúng đắn (hiểu) thì mới có thể giúp được.

Cho nên nếu đã thật sự thương nhau thì ta phải luôn biết và hiểu được những gì đang xảy ra trong nhau mà không cần phải dùng nhiều ngôn từ…

Đâu cần làm điều gì quá lớn lao mới gọi là thương yêu. Có những khi chỉ một ánh nhìn ấm áp, một cái nắm tay xiết chặt, một sự lặng im chìa vai để người khác tựa đầu…đó là tất cả hiểu và thương. Những lời thầy dạy đã tạc vào tư duy, nếp nghĩ của con. Con hiểu đúng để con thương đúng. Sống quanh ta có biết bao cuộc đời lúc nào cũng cần ta hiểu, ta thương.

Ấy là bố mẹ ta luôn mong mỏi cho ta bao điều tốt đẹp mà hy sinh không tính tháng kể ngày, cho nên đôi khi sự đòi hỏi hay áp đặt quá sức lại làm ta đau khổ. Ta hiểu được điều này để thương và đáp đền bố mẹ nhiều hơn.

Ấy là bạn bè ta đang rất thành đạt trong công danh nhưng bế tắc trong kiếm tìm hạnh phúc lứa đôi.

Ấy là những người vì mải mê vun vén lợi ích cá nhân mà giành giật với ta từng thành tích nhỏ.

Ấy là những cụ già đã gần đất xa trời, lưng còng gối mỏi mà vẫn phải sống đơn độc, đói nghèo. Những em bé mới chỉ là những mầm sống non nớt biết cựa quậy trong một mảnh vải, cuộc sống cơ cực tủi hờn khi các em bắt đầu mưu sinh giữa cuộc đời ô trọc. Trước tất cả những hoàn cảnh như vậy ta có hiểu để rồi thương?

Phải đi đến tận cùng, để đau cùng nỗi đau của họ, soi thấu tâm can họ nghĩ gì, mong gì, khát gì để xẻ chia, vui cùng niềm vui của họ, độ lượng thứ tha khi họ mắc lỗi lầm với ta, ấy mới là tình thương chân thật tự đáy lòng, vô điều kiện, không chút vị kỷ mưu toan.

Nếu cuộc sống đã vẹn tròn như vậy, đầy hiểu, đầy thương thì sẽ không còn những ngang trái khổ đau, những bi kịch cuộc đời, những tự ti, dày vò không lối thoát.

Từng giọt Cam Lồ hiện lên trong veo. Như vậy xóa bỏ vô minh là sự đề cao trí tuệ trong đạo Phật (hiểu). Hiểu đi liền với thương, lòng từ gắn liền với trí tuệ. Không hiểu không thể yêu thương sâu sắc và đích thực. Không yêu thương thì không đủ kiên nhẫn để hiểu. Mạng sống của con người được tính trong hơi thở. Ta không có thời gian để oán trách giận hờn. Hãy sống bằng cả trái tim chân thành, biết lắng nghe, biết cảm thông để cuộc đời ngập tràn hạnh phúc.

Kính thưa thầy, con đang thở cùng thầy, đang mỉm cười cùng thầy, và hơn nữa, con đang cùng thầy: thực tập hiểu và thương. Con trở về trong ngôi nhà Miền Yêu Thương để sống nhiều hơn nữa: đau tận cùng, hiểu tận cùng, thương tận cùng rồi thở nhẹ trong an lạc vì biết rằng: TA CÒN ĐÓ CHO NHAU.