Trang chủ Diễn đàn Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói đúng!

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói đúng!

460

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Mới đây, tôi đọc trên mạng tin Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu ở Quốc hội, phê bình việc chặt cây xanh, coi đó là sát sinh.

Tuy nhiên, cũng có lần đọc trên một tờ báo Phật giáo, trả lời câu hỏi về việc nhà chùa dùng nhiều đồ gỗ, tất phải chặt cây mới có, thì người trả lời cho rằng hiện nay, các chùa dùng gỗ, có loại nhập khẩu, khai thác theo quy hoạch, gỗ có giấy phép.

Vậy theo ông thì thế nào là đúng?

MINH THẠNH: Theo tôi, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói đúng.

Đạo Phật là đạo sự thật, đạo chánh kiến, đạo nhìn thấy nhân duyên. Khi nhìn cái bàn gỗ, cái tủ gỗ, mà liên hệ đến việc chặt cây xanh lấy nguyên liệu, thì hoàn toàn phù hợp với tinh thần nhà Phật.

Còn việc chặt một cây lấy gỗ, dù có phép hay không phép, gỗ lậu hay gỗ hợp pháp, thì cũng đều có ảnh hưởng với nhiều mức độ khác nhau đối với môi trường sống của nhiều loại sinh vật. Thực tế đó là hiển nhiên. Chắc chắn có sinh vật chết ngay, có sinh vật chết lần mòn.

Cho nên, khi Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói chặt cây là sát sinh, ở đó không có việc cường điệu.

Ông thử quan sát một cây chỉ chừng 10 tuổi, không phải cổ thụ, bị đốn chặt, bao nhiêu sinh vật bị chết, dù không có bao nhiêu gỗ, để xem có đúng thế không?

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu tại diễn đàn của Quốc Hội Chuyện giáo dục kỹ năng sống trong trường học chưa được quan tâm đúng mức

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng nếu gỗ được khai thác hợp pháp, có phép, đúng quy hoạch, thì theo luật pháp thế gian, theo giới luật nhà Phật, đâu có vi phạm gì, đâu có vấn đề gì?

MINH THẠNH: Lời phát biểu của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm và việc nhà chùa dùng nhiều đồ gỗ là hai việc rất khác nhau.

Tuy nhiên, câu trả lời rằng nếu gỗ được khai thác hợp pháp thì không có gì bận tâm khi dùng đã đưa hai việc đến rất gần nhau.

Không vi phạm pháp luật, không sai luật Phật, không có nghĩa là hoàn toàn không có vấn đề gì đối với nhà Phật.

Trước hết, không phải chặt cây xanh có giấy phép thì không ảnh hưởng gì đến môi trường, đến cuộc sống, đến việc xảy ra sát sinh.

Cho dù có giấy phép thì cũng không thể làm sao cho rằng thiệt hại đến đời sống sinh vật không xảy ra. Nhìn như Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm mới là cái nhìn sâu sắc, tinh tế, đại từ bi.

Có những điều có giấy phép, đúng pháp luật, nhưng đạo Phật vẫn không chấp nhận.

Ông có nghĩ rằng, người theo đạo Phật chấp nhận việc giết heo “đúng quy trình” sản xuất thịt, thịt có giấy kiểm định, cơ sở giết mổ có giấy phép… thì đạo Phật chấp nhận? Còn sẽ ngược lại đối với việc giết mổ chui, thịt trôi nổi?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Việc sát sinh, bất luận đúng quy trình hay không, hợp pháp hay không, đạo Phật đều không chấp nhận.

MINH THẠNH: Chặt cây lấy gỗ, tuy có thể không trực tiếp giết sinh vật, nhưng phá tan chỗ ở của nó, thì người tu hành chân chính không làm sao an tâm hưởng thụ, sử dụng kết quả, sản phẩm của việc làm đó.


Tôi nghĩ là phát biểu của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm với nội dung như thế tại diễn đàn Quốc hội sẽ làm nhân dân và các đại biểu Quốc hội thêm kính trọng đức từ bi của đạo Phật.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng nhà chùa từ trước đến nay vẫn có tập quán dùng đồ gỗ?

MINH THẠNH: Nay Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã chỉ ra như thế rồi, thì Phật giáo nên xem lại tập quán này. “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”!. Tập quán chuộng dùng đồ gỗ là động lực để khai thác cây xanh. Điều đó đã quá rõ ràng. Nhiều chùa mới xây dựng trang trí ốp gỗ, dùng đồ nội thất gỗ là không thích hợp.Có thể dùng những đồ trang trí bằng những loại vật liệu khác thì không đẹp bằng, nhưng nên nghĩ đến hậu quả của việc phải chặt hạ cây xanh như Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã nghĩ.

Và tuyệt đối nên loại trừ tư duy cho rằng hễ có cấp phép là Phật giáo đều chấp nhận hết, đều yên chí hết.