Trang chủ Tin tức Hội nghị tọa đàm Phân ban Ni giới Phật giáo thành phố...

Hội nghị tọa đàm Phân ban Ni giới Phật giáo thành phố Hà Nội

71
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Nhã – Ủy viên Thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực Ban nghi lễ TW, Phó trưởng ban BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Thanh Chính – Ủy viên Thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng Ban Pháp chế TW, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Chiếu Tạng – Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Phó BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội.
Hội nghị đặt dưới sự chứng minh của quý Trưởng lão Ni trưởng: Ni trưởng Thích Đàm Kim, Ni trưởng Thích Đàm Hán, Ni trưởng Thích Đàm Đức và dưới sự chủ tọa của quý Ni sư lãnh đạo thuộc Ban thường trực GHPGVN Thành phố Hà Nội đặc trách Ni giới: Ni sư Thích Đàm Thành, Ni sư Thích Đàm Lan. Ni sư Thích Đàm Khoa và quý Ni sư đại diện Ban trị sự Phật giáo các quận huyện

  
  
  
  
  
  
  

Trong lời phát biểu khai mạc, Ni sư Thích Đàm Thành – Ủy viên HĐTS TW GHPGVN đã có lời phát biểu khai mạc nhấn mạnh “Buổi tọa đàm nhằm đánh giá các hoạt động trong suốt thời gian qua, tìm ra những điểm đã đạt được, những điểm còn hạn chế trên các phương diện và đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động Phật sự của Phân ban Ni giới ngày càng viên mãn hơn trong nhiệm kỳ tới”. 
Đặc biệt, toàn thể hội nghị đã dành phút tưởng niệm tới chư tôn đức Giáo phẩm Giáo hội cũng như hai vị Cố Trưởng lão Ni trưởng Thích Đàm Hảo và Ni trưởng Thích Đàm Phương.

  
  

Tiếp theo, toàn thể Ni chúng đã được nghe lời đạo từ của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội. Trong lời đạo từ, Hòa thượng đã nhắc lại về sự hình thành và phát triển của Giáo đoàn Ni nhờ ân đức của Đức Kiều Đàm Di Mẫu đã bạch Phật tới 3 lần và thỉnh cầu Phật qua sự cầu khẩn của Đức Đa Văn Đệ Nhất A Nan Tôn Giả. Hòa thượng nhấn mạnh “Trong giới luật của Ni, Đức Phật chú trọng tới luật Bát Kính. Hôm nay Phật giáo thủ đô Hà Nội, các quý Ni đã vân tập về đây để có hội nghị Tăng sự riêng. Đây là một sự kiện rất trọng đại và trong hội nghị này, các vị đã cung thỉnh chư tôn Hòa thượng, thượng tọa vừa là lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Thành phố, đồng thời cũng là đại diện cho Tăng để có lời chỉ đạo tới Ni. Đây là điều ghi rõ trong luật mà Đức Phật đã chỉ đạo trong việc bố tát kiết giới cũng như trong luật an cư. Như vậy, trong việc hội họp của Ni đều phải có bóng dáng Tăng”.
Hòa thượng cũng đã chia sẻ vài ý kiến về vấn đề Tu – Học và việc duy trì truyền thống của Tổ tới hội nghị tọa đàm Phân ban Ni giới hôm nay: “Kính mong chư tôn đức Ni Trưởng chỉ đạo cho các Ni sư và quý sư Ni làm sao để giữ được mối hòa hợp đoàn kết nhất, trên cung kính Tam Bảo và luôn nương tựa vào Tăng để hành trì Giới luật. Thứ hai là hiện nay, chùa chiền phần lớn do quý Ni trụ trì, trong đó có cả các chốn Tổ đình lớn, cho nên nề nếp thiền gia quy củ của Tổ để lại phải đặc biệt giữ gìn, đừng để mai một mất truyền thống. Muốn được như vậy trước nhất phải nghiêm thân tiến đạo tu học, giữ gìn giới luật, oai nghi phép tắc thiền môn, nhưng chúng ta cũng không quên hành hạnh Bố thí, thương chúng sinh và phải thương sao cho phải lẽ. Thứ ba, điều chúng tôi muốn nói đó là sự tu học. Quý vị hãy cố gắng duy trì lớp học mở ra do chư tôn đức Tăng chỉ dạy. Nếu làm tốt điều đó, chúng ta đã hơn hẳn Ni giới các nơi khác”.
Sau lời đạo từ, Hòa thượng cùng chư tôn đức Tăng chứng minh đã giao trách nhiệm cho quý Trưởng lão Ni trưởng và quý Ni sư lãnh đạo thuộc Ban thường trực GHPGVN Thành phố Hà Nội đặc trách Ni giới làm chủ tọa hội nghị tọa đàm.

  
  
  
  
  
  

Sau đó, đại chúng đã được hội họp trong hòa hợp dưới sự chứng minh của quý Ni trưởng và sự điều hành của Ban tổ chức do các Ni sư Ban thường trực GHPGVN Thành phố Hà Nội và Phó Ban của Phân Ban đặc trách Ni giới điều hành.
Tại hội nghị, Ni sư Thích Đàm Quang Thụy – Chánh thư ký Phân Ban Ni giới thủ đô đã đọc báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2012 – 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 – 2022 của Phân ban Ni giới Hà Nội. Bản báo cáo nêu rõ:
Phân ban Ni giới Hà Nội là một tiểu ban thuộc Ban Tăng sự chuyên trách về công tác Ni giới, đặt dưới sự chỉ đạo của Chư tôn thiền đức lãnh đạo Giáo hội. Phân ban có địa bàn phụ trách rộng lớn, dân cư đông đúc và có nhiều di tích văn hóa – lịch sử cùng nhiều lễ hội truyền thống phong phú.
Không những vậy, đội ngũ Ni giới cũng rất đông đảo, chiếm tỷ lệ lớn trong hàng ngũ tu sĩ Phật giáo trên địa bàn. Hiện nay, Ni giới toàn Thành phố có khoảng trên 1000 vị chư tôn đức Ni sinh hoạt tại gần 900 ngôi chùa thuộc 30 quận huyện, trải rộng trên các khu vực từ thành thị đến nông thôn.
Một số thành tựu nổi bật nhất mà Phân ban Ni giới đã đạt được trong thời gian qua đó là:
1.Về mặt tổ chức: ngoài việc kiện toàn nhân sự là then chốt hàng đầu, trong tháng 3/2014 vừa qua Phân ban Ni giới đã tổ chức lớp học bồi dưỡng Luật học cho Ni giới trong một tuần nhằm nâng cao trình độ Giới luật cho Ni giới với sự tham gia của 100 vị chư Ni, dưới sự giảng dạy của giảng sư Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Phó Ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, Trưởng Khoa Luật học – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Kết quả lớp học thu được rất tốt, góp phần tăng thêm kiến thức giới luật để vận dụng vào công tác Ni giới.
2.Về Tăng sự: Hiện nay Ni giới trong thành phố có khoảng 1050 Tỳ Khiêu Ni, 150 Thức Xoa Ma Na, Sa Di Ni, khoảng 60 Hình đồng Ni sinh hoạt tại nhiều ngôi chùa thuộc 30 quận huyện trên toàn thành phố. Hàng giáo phẩm có khoảng 10 Ni trưởng, 150 Ni sư, 4 vị Tiến sĩ, 3 vị đang là nghiên cứu sinh, khoảng gần 20 vị là thạc sĩ các chuyên ngành, trên 500 cử nhân Phật học, 300 vị tốt nghiệp Trung cấp Phật học, 50 vị tốt nghiệp Cao đẳng Phật học, hiện nay có 160 vị đang theo học Trung cấp Phật học, 75 vị Ni đang theo học lớp sơ cấp Phật học.
3.Về hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử: Vào mùa Phật Đản nhiều chùa tổ chức thuyết giảng giáo lý cơ bản, tích cực đổi mới các phương pháp truyền giảng, đa dạng hóa các hoạt động, mở nhiều khóa tu dành cho Phật tử và thanh thiếu niên về chùa tham gia tu học.  Đáng chú ý, trong suốt nhiệm kỳ qua hiệu quả công tác Hoằng pháp đã được chứng minh bằng thành tựu có trên 200 tín nữ xin xuất gia tu học.
Đó là một số mặt tiêu biểu nhất trong số tất cả các mặt mà Phân ban Ni giới Thủ đô đã hoàn thành trong thời gian vừa qua. Ngoài ra còn có các thành tựu trong lĩnh vực giáo dục, từ thiện, nghi lễ, tài chính kinh tế .v.v…

  
  
  

Cũng trong hội nghị tọa đàm này, toàn thể Ni giới đã lắng nghe các bài tham luận của đại diện quý Ni các quận huyện thị về giáo dục, hoằng pháp, giới luật đối với Ni giới cũng như việc giữ gìn thiền gia quy củ của Phật giáo phía Bắc.
Với bản tham luận về công tác giáo dục, Ni sư Thích Đàm Pháp – huyện Thanh Oai chia sẻ “Không những tích cực tham gia tu học lễ nghi, nội điển, nhiều Chư Ni Thành phố còn nỗ lực tham gia các trường, lớp thế học mở rộng thêm các kiến thức ngoại điển về y tế, văn hóa, xã hội, chính trị, pháp luật và tôn giáo. Hiện Ni giới Hà Nội chúng con có rất nhiều quý Chư Ni đã và đang theo học các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học và Sau đại học thế học với nhiều chuyên ngành khác nhau ở cả trong và ngoài nước. Đến nay đã có những Chư Ni đỗ đạt có được học vị cao. Trong đó có 2 Chư Ni có trình độ Tiến sĩ Tôn giáo học và 2 Chư Ni có trình độ tiến sĩ triết học, 2 vị hiện đang làm Nghiên cứu sinh chuyên ngành Tôn giáo học. khoảng trên 10 vị trình độ thạc sỹ các chuyên nghành.
Sự mở rộng nội dung giáo dục của Ni giới gồm cả nội và ngoại điển đã và đang góp phần hình thành nên thế hệ các Chư Ni vừa am hiểu Phật pháp lại vừa am hiểu các kiến thức xã hội. Đây cũng là tiền đề để tạo ra những chuyển biến về chất lượng của giáo dục Ni giới hôm nay, để Ni giới có thể tiến hành hội nhập sâu, rộng hơn với xã hội trong bối cảnh hiện đại hóa của đất nước, của Giáo hội và xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. 
Mặc dù có những thành tựu ý nghĩa như trên, nhưng đến nay công tác giáo dục Ni giới vẫn là một trong những công tác mà Phân ban chúng con có nhiều ưu tư nhất. hiện nay ni giới Thủ đô mạnh về số lượng, nhưng chất lượng tu học thì vẫn còn hạn chế, nhất là trong số ni giới trẻ, còn một số chưa tuân thủ giới luật, do bản lĩnh tu tập chưa vững vàng,đôi lúc biểu hiện tính kiêu căng, thiếu khiêm tốn, ý thức ham học chưa cao,dễ bị ngoại cảnh tác động và chi phối. Ở đâu đó vẫn còn có những câu chuyện đáng buồn về phẩm hạnh của người tu hành, về quan hệ mâu thuẫn giữa Thầy-Trò, giữa các Chư Ni và Phật tử, mà nhức nhối nhất là thầy và trò nuôi chung một đệ tử, sau xẩy ra bất hòa, có những trường hợp dụ dỗ đệ tử chùa này đến chùa kia, đệ tử kết hợp với chính quyền để dành phần hơn về mình, một số các cụ và các ni sư đã già yếu mà không có đệ tử trông nom vv… một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do quá trình dưỡng dục, tu học và thực hành theo những gì đã được giáo dục của một số vị Ni chưa được tuân thủ theo giới luật. 
Tinh thần  Bát kính pháp “Tôn Sư Trọng đạo” uy nghi tế hạnh, cũng cần được nâng cao hơn nữa trong một số thành phần thuộc hàng ngũ Ni chúng.  Ngược lại, cũng có những vị Thầy chưa gương mẫu, chưa chú trọng tới công tác giáo dục và khuyến khích các đệ tử  tinh tiến hơn trên con đường tu học, tham gia nghiên cứu sâu nội điển và ngoại điển, trau dồi các kiến thức xã hội. 
Ngoài ra, nhiều vị đệ tử trẻ khi được Thầy mình chỉ dạy, tạo điều kiện cho tu học nhưng khi đỗ đạt lại có tâm lý không muốn quay về, muốn cách ly thầy để được tự do, hoặc có những biểu hiện không đúng chuẩn mực với Thầy của mình.mặc dù có trình độ, kiến thức cao, nhưng  lại không  chú trọng đến đạo hạnh. Đó là chưa kể tới còn có những vị Ni tham gia các trường lớp chỉ mang tính hình thức, chưa ý thức đến sự phấn đấu nỗ lực để làm sao có được kiến thức thực sự, trình độ thực sự để phục vụ Ni giới và Giáo hội. 
Chúng con thiết nghĩ rằng, trong thời gian tới, công tác giáo dục của Ni giới cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được hơn nữa, nhưng cũng cần chú trọng tới những biểu hiện còn hạn chế. Đặc biệt chú trọng tới việc tăng cường nội dung giáo dục giới luật, uy nghi phép tắc và phẩm hạnh. Đồng thời cần có chính sách khuyến khích, phát triển các chư Ni có tài năng và đức hạnh“. 
 
  
  
  

Với bài tham luận về công tác Từ thiện, sư cô Thích Minh Trang – huyện Mê Linh đã nhấn mạnh “Bên cạnh những thành quả đã đạt được, chúng con nhận thấy công tác từ thiện của Ni giới Hà Nội vẫn còn có một số hạn chế nhất định. Hoạt động từ thiện chưa thực sự được tổ chức đồng đều và có hệ thống trong Ni giới.
Sự liên kết, tương trợ nhau giữa các chùa Ni, giữa các Chư Ni trong lĩnh vực này còn chưa được phát huy một cách tối đa. Kết quả đã đạt được vẫn còn khiêm tốn so với Ni giới một số tỉnh thành khác trong cả nước. Hoạt động từ thiện-xã hội đôi khi còn thiếu các kỹ năng cần thiết cũng như sự am hiểu về các lĩnh vực khác trong xã hội. Nhân dịp hội nghị tọa đàm lần này, chúng con mong rằng trong nhiệm kỳ mới của Phân ban, hoạt động từ thiện sẽ được các Chư Ni ủng hộ nhiệt tình hơn. Ngoài đặc điểm riêng của mỗi Tự viện, còn có thể tăng cường liên kết, thống nhất để phát huy sức mạnh tập thể của Ni đoàn đưa công tác thừ thiện phát triển hơn nữa.
Đồng thời,Giáo hội có thể mở các lớp tập huấn mời hội chữ thập đỏ, các tổ chức chuyên về công tác từ thiện để truyền đạt kiến thức chuyên môn, kỹ năng và am hiểu về xã hội, luật pháp cho chư ni chúng con hoạt động từ thiện–xã hội được bài bản hơn.
Ngoài ra, cùng với việc tổ chức tặng phẩm vật chất, các hoạt động từ thiện có thể kết hợp với việc tuyên truyền, phổ biến chân lý của đạo Phật, góp phần khai mở trí tuệ cho nhân dân, đóng góp những kiến thức cần thiết để giúp những gia đình khó khăn thoát nghèo, vươn lên tốt hơn trong cuộc sống.

  
  

Cũng trong dịp này, Ni sư Thích Đàm Lan cũng đã chia sẻ về những năm tháng tu hành khổ hạnh không có đầy đủ cơ sở vật chất như ngày nay của chư Tổ xưa kia và của những bậc chư tôn thạc đức đi trước, nhằm khuyến tấn Ni giới ngày nay hãy biết nỗ lực tinh tiến tu học, trau dồi Giới – Định – Tuệ hơn nữa để đưa những hoạt động của Phân ban Ni giới ngày càng phát triển.

  
  

Với tham luận về vấn đề Hoằng pháp trong thời hội nhập, Ni sư Thích Đàm Hiếu – quận Hai Bà Trưng đã nêu rõ về sự đa dạng của các hình thức hoằng pháp hiện nay. “Ngoài việc thành lập các đạo tràng, các tổ tụng kinh, lễ sám hàng ngày, hàng tuần. Các Tự viện Ni đã mở nhiều khóa tu dành cho Phật tử và thanh thiếu niên về chùa tham gia tu học  các khóa tu mùa hè.
Đáng chú ý, trong thời buổi công nghệ số và internet đang phát triển mạnh như vũ bão hiện nay, nhiều chùa Ni đã biết áp dụng công nghệ và biến công nghệ trở thành một phương tiện hoằng pháp hiệu quả. Qua môi trường internet các chư Ni còn phổ biến Phật pháp bằng các thư viện kinh sách trực tuyến, truyền tải các thông tin Phật học, hướng dẫn Phật tử tu học trên trực tuyến, đăng tải các thông báo nhanh, rộng và kịp thời về các khóa tu học, để thu hút lớp trẻ, thanh thiếu niên đến tham gia các khóa tu và các buổi giảng pháp, nhiều chùa còn thành lập các thư viện, các tủ sách, phát hành băng đĩa. Kinh sáh về Phật giáo.  
Đến nay đã có nhiều chùa Ni thành lập các website Để thông tin các hoạt động Phật sự và làm phương tiện hoằng pháp như chùa Đình Quán (chuadinhquan.com), chùa Mía – Sơn Tây (chuamia.vn), chùa Tứ Kỳ- Linh Tiên tự (chuatuky.org)…vv và còn nhiều chùa khác nữa. Nhiều hội Phật tử ở các chùa, nhất là giới trẻ đã thành lập các trang mạng xã hội facebook để cùng nhau chia sẻ Phật pháp. Sự tương tác trong quá trình hoằng pháp qua môi trường mạng cũng được tăng cường. Các Phật tử có thể bày tỏ cảm xúc của mình về các bài giảng của các giảng sư, giúp cho các Chư Ni hiểu được hơn về đối tượng hoằng pháp và nâng cao hơn chất lượng thuyết giảng, điều chỉnh cho phù hợp hơn với từng giai tầng và lứa tuổi người nghe. 
Ở hầu hết các chùa Ni hiện nay đều được trang bị các phương tiện, công cụ hiện đại hỗ trợ đắc lực cho công tác hoằng pháp.  như loa, đài, micrô, máy tính để bàn và cầm tay nối mạng internet, máy tính bảng, điện thoại đi động làm phương tiện liên lạc kết nối, màn hình và máy trình chiếu,…Những phương tiện đó giúp cho quá trình truyền giảng được nhanh và thu hút được đông đảo giới trẻ. 
Tất nhiên để sử dụng hiệu quả các phương tiện này, các Chư Ni tại các Tự viện trên địa bàn Thành phố trong những năm qua cũng không ngừng đổi mới tư duy, học tập, nâng cao trình độ tin học, để hiện đại hóa hơn cách thức hoằng pháp cho phù hợp với thời đại mới. 
Sự linh hoạt trong hoằng pháp không chỉ thể hiện qua việc đa dạng hóa hình thức, phương tiện hoằng pháp mà còn được các chư Ni thể hiện ngay trong sự uyển chuyển của nội dung hoằng pháp. Nhiều chư Ni ngoài kiến thức  về Phật học đã tích cực tham gia các lớp, trường thế học, có những vị đã đạt đến trình độ tiến sĩ, thạc sĩ…vv. Nhờ vậy, sự am hiểu về lĩnh vực xã hội, con người nói chung cũng được nâng cao. Từ những kiến thức am hiểu đạo và đời đã giúp cho việc hoằng pháp được mềm dẻo, các nội dung giáo lý được lồng ghép vào với các ví dụ đời thườngkhông làm cho các bài thuyết giảng trở nên sinh động, dễ hiểu, dễ vận dụng hơn. Tất cả cho thấy, tinh thần nhập thế, “khế lí khế cơ” trong công tác hoằng pháp đang được các chư Ni vận dụng khá nhuần nhuyễn và đang đem lại những hiệu quả thiết thực cho sự nghiệp hoằng pháp trong bối cảnh mới hiện nay. 
Thế nhưng, trong bối cảnh mới, thời đại mới với nhiều yêu cầu và biến đổi mới cũng đã và đang đòi hỏi Ni giới Thủ đô phải không ngừng trau dồi tri thức cả về Phật học và Thế học mới có thể tiến hành hoằng pháp được hiệu quả hơn. 
Các Tự viện nên khuyến khích các Chư Ni, các đệ tử có khả năng đi theo học các kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ về công nghệ thông tin, về kiến thức văn hóa, xã hội để nắm bắt kịp thời với sự đổi mới của công tác hoằng pháp thời hiện đại.
Các chùa nên mở thêm các đạo tràng, các lớp giáo lý, các khóa tu nhiều hơn nữa cho các phật tử có điều kiện gần gũi với giáo lý của đức phật hơn.
Đặc biệt kính mong Chư tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội quan tâm hơn nữa, mở nhiều lớp hơn nữa để tập huấn và nâng cao khả năng hoằng pháp cho Ni giới. 
Hằng năm có thể Giáo hội nên khuyến khích, khen thưởng những cá nhân, cơ sở Tự viện Ni giới có thành tích xuất sắc trong công tác hoằng pháp“. 

  

  

Sau đó, các vị Ni đã đóng góp những ý kiến xây dựng, củng cố, phát triển cho GHPGVN nói chung và đặc biệt là sự giữ gìn giới luật cho Ni giới nói riêng.
Đặc biệt, Ni trưởng Thích Đàm Kim – Chứng minh Ban Ni giới thủ đô cũng đã nhấn mạnh trong buổi tọa đàm tuy ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa “Các bản tham luận của quý vị đã nói hết lên những điều chúng tôi muốn nói. Chúng tôi không mong gì hơn ngoài việc các vị hãy nỗ lực tu học, hết lòng xây dựng cuộc sống tốt Đời – đẹp Đạo“.
Hội nghị đã thành tựu viên mãn lúc 16h30 trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, hoan hỷ của Ni chúng.