Trang chủ Tết Việt Trò chuyện Hội xuân Yên Tử 2007 – tiềm lực và nguy cơ

Hội xuân Yên Tử 2007 – tiềm lực và nguy cơ

183

Từ lịch sử 700 năm trước


Mùa Đông năm 1308, ngày 18 tháng 10 âm lịch: ” Vua Trần Nhân Tông lại đi bộ lên chùa Tú Lâm ở trên ngọn núi An Sinh Kỳ Đặc. Thấy mình đau đầu, Vua bảo hai nhà sư Tử Man và Hoàn Trung rằng:


– Ta muốn lên ngọn núi Ngọa Vân, nhưng chân không bước nổi, biết làm sao đây?


Hai nhà sư nói:


– Đệ tử xin hết sức giúp đỡ.


Vừa lên đến núi Ngọa Vân, Vua cảm tạ hai nhà sư và bảo:


– Thôi, xuống núi ngay đi, chăm chỉ tu hành, chớ coi sinh tử là việc chơi!


Ngày 19, Vua sai người hầu là Pháp Không lên núi Tử Tiêu gọi ngay Bảo Sái đến. (…..)


Ngày 21 Bảo Sái đến Ngọa Vân. Vua thấy đến bèn cười hỏi:


– Ta sắp đi đây, sao ngươi tới muộn thế? Trong Phật pháp có chỗ nào chưa hiểu thì hỏi ngay đi!


Bảo Sái thưa:


– Phật mặt trời, Phật mặt trăng ý nghĩa như thế nào?


Vua lớn tiếng bảo:


– Tam Hoàng Ngũ Đế là gì?


Đáp:


– Chỉ là những rừng hoa chói lọi, những cuộn gấm rỡ ràng, những khóm trúc ở miền Nam, những cây gỗ ở đất Bắc, chứ còn là gì?


Vua bảo:


– Chọc mù mắt của ngươi, giết chết mới xong!


Mấy ngày liền, trời đất tối om, gió giật dữ dội, mưa tuyết phủ kín cây cối, khỉ vượn chạy quanh am, chim chóc hót thê thảm, Đêm mùng ba tháng Mười một, bỗng nhiên sao sáng đầy trời, Vua hỏi:


– Giờ này là giờ gì?


Bảo Sái thưa:


– Bây giờ là giờ Tý.


Vua lấy tay đẩy cánh cửa sổ, trông ra ngoài mà nói:


– Đây là giờ của ta đó!


Bảo Sái hỏi:


– Vua đi đâu bây giờ?


Vua nói:


– Hết thảy pháp không sinh, hết thảy pháp không diệt. Hiểu được thế thì chư Phật thường hịên ra trước mắt, còn gì là đi, còn gì là đến!


Nói xong, Vua liền nằm như sư tử và tịch ở am trên núi.


Pháp Loa theo lời di chúc, hoả thiêu thi hài, nhặt được một nghìn viên xá lợi đem về. Vua Anh Tông đem một phần xá lợi táng ở Đức lăng, một phần thì để ở Kim tháp trong núi [Yên Tử] và cho sửa chữa lại tất cả các chùa trên núi ấy, đặt tượng vàng để thờ phụng.” [Theo Tam Tổ hành trạng]


Đến cảm nhận hôm nay


Năm nay, nhờ sự phát triển của đất nước, đời sống của nhân dân được cải thiện; nhờ sự tăng cường đầu tư nhiều mặt của Nhà nước và Giáo hội vào trung tâm di tích Yên Tử, đặc biệt là sự khánh thành ngôi chùa Đồng hoàn mỹ trên đỉnh non thiêng, nên lượng khách tới đây đã tăng đột xuất, dự kiến sẽ có khoảng hơn nửa triệu lượt người sẽ hành hương về Yên Tử trong suốt cả tháng Giêng này.


Ấn tượng đầu tiên khi đến Yên Tử của chúng tôi là dòng chảy nườm nượp hướng tới Yên Tử của hàng chục km các loại xe cộ; cờ phướn rợp trời và người thì đông như “kiến”, ngút ngàn là các bãi gửi xe ô tô và xe máy. Đường xá, bến bãi, nhà nghỉ, dịch vụ,… tất cả đều quá tải, đều phải “gồng mình” lên để gánh trách nhiệm phục vụ khách hành hương.


Tôi không thể trả lời nổi vấn đề, sự quá tải đó có “tốt” hay “không” đối với khu di tích và sự phát triển của du lịch Quảng Ninh(!)


Suốt cả chặng đường tôi cứ ước sao, giá như hơn nửa triệu lượt người này đều đều tới đây trong  5 – 3 tháng thì hay biết bao!


Là Phật tử, căn cứ vào các dấu hiệu ăn mặc, nói năng, ăn uống, lễ bái, lễ vật, v.v.  tôi nhận ra, mọi người tới đây phần nhiều là khách hành hương theo “tín ngưỡng phong trào”, số Phật tử theo nghĩa tôn giáo ở trong  đó không nhiều,


Có thể nói, Lễ hội mùa xuân Yên tử thực chất là một lễ hội truyền thống dân gian, có gốc gác lịch sử mà ít màu sắc tôn giáo.


Và suy tư


Không biết  bệnh nghề nghiệp của tôi – Công nghệ môi trường – có quá nặng không, mà sao tôi đến nơi đất Phật mà không thấy nhiều an tâm và thanh thản vì Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG: rác tràn ngập, xú uế vệ sinh và mất an toàn ăn uống…


Dâng hương ở chùa Suối Tắm (phía ngoài trung tâm vài km), tôi không tin nổi ở mắt mình: vào chùa, Chính Điện thực sự là một nhà RÁC. Phủ kín từ trên các ban thờ cao nhất cho tới gầm ban thờ, nào hoa lá, bánh trái, tiền thật giả, vàng mã, hương, túi ni lông,  v.v. Hương khói nghi ngút, mù mịt, khét lẹt.


Xung quang các Chùa, các đường mòn, trên các sườn núi ngập tràn rác. Đêm đến, thấy có một số lao công dọn rác vào các bao tải, nhưng không xuể, không thấm vào đâu so với lượng rác được thải ra, và không biết số rác được thu gom đó sẽ được xử lý ra sao?


Khắp nơi, từ Chùa Cả Hoa Yên, Chùa Đồng, Chùa Vân Tiêu, cũng đều như thế. (Có chăng nơi ít rác hơn cả là khu nhà ga cáp treo và Chùa Bảo Sái.)


Dẫu vẫn biết là động vật, nên con người có nhu cầu vệ sinh: đại tiện, tiểu tiện, tắm rửa… nhu cầu đó là bình thường và đòi hỏi phải được thỏa mãn. Nhưng đến đây, tôi thấy “xấu hổ lắm” vì mình có nhu cầu đó. Trong các nhà nghỉ, quanh chùa tháp, bên lối đi… mùi xú uế nồng nặc.


[Cứ thử làm một phép tính số học: 600.000 người  x  số chất thải (từ vệ sinh cá nhân, túi ni lông, hương, hoa, vỏ đồ hộp, mẩu thuốc lá, v.v.) = N ]. Mà phần lớn đều tự nhiên! Để rồi tự nhiên sẽ  tàn tạ đến chết mất thôi!


Rồi vấn đề ăn uống, các nhà hàng đều quá tải và ít chuyên nghiệp… Giá cả đắt đỏ, ở một chừng mực nào đó có thể chấp nhận, song sự an toàn đến sức khỏe khách hành hương thì không yên tâm chút nào. Dạo qua gần một chục nhà hàng “đa di năng” dưới sườn núi chùa Hoa Yên thì mới thấy  được phần nào sự “nguy hiểm”, nhức nhối của nó.


Để đòi hỏi một sự bứt phá


Mỗi chúng ta khi đến Yên Tử hôm nay, với tình yêu thiên nhiên và lịch sử của đất nước mình, chắc hẳn đều không thể không nghe thấy tiếng kêu cầu than vãn của MÔI TRƯỜNG đang bị xâm hại (?)


Nếu trang sử ghi lại sự kiện vua Trần Thái Tông bị các Thiền sư “mời khéo” xuống núi vì sợ lối sống đô hội  làm bẩn mất cảnh thanh u nơi non thiêng Yên Tử xác thực, thì chắc chắn CHƯ TỔ thiêng liêng không thể hài lòng với chúng ta –  cả khách hành hương và ban quản lý – gồm cả Chính quyền và Giáo hội trong việc giữ gìn cảnh quan, môi trường ở Yên Tử hiện nay.


Nếu không khéo, chúng ta trở thành “có tội” với Tổ tiên và con cháu mai sau.


Đông đúc, chen chân nhau của hơn nửa triệu lượt người ở Yên Tử trong những ngày hội xuân năm nay, mừng đấy mà lo lắm đấy (!)


Đầu xuân, chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số hình ảnh ở “mảng sáng” của Yên Tử hôm nay.



Tại sân ga cáp treo Yên Tử luôn có đội văn nghệ biểu diễn các tiết mục đậm màu sắc truyền thống như Chèo, Ca trù, chầu văn phục vụ khách hành hương khi chờ cáp treo



Các nghệ sĩ đang biểu diễn Chầu Văn – Một nghệ thuật truyền thống vùng Bắc Bộ



So với cáp treo chùa Hương, cáp treo ở Yên Tử có nhiều điểm hơn hẳn: Kiến trúc đậm chất truyền thống, cảnh quan Yên Tử vẫn được bảo tồn, đường lên xuống được bố trí khoa học, hiện đại, thuận tiện



Tháp mộ vua Trần Nhân Tông



Sân chùa Hoa Yên đông chật thiện nam tín nữ




Tượng An Kỳ Sinh