Trang chủ Tin tức HT. Bảo Nghiêm thuyết giảng tại lễ húy nhật Đức Pháp Chủ...

HT. Bảo Nghiêm thuyết giảng tại lễ húy nhật Đức Pháp Chủ đệ Nhất

108
Trong thời pháp thoại, Hòa thượng đã ôn lại cùng đại chúng lời di chúc tối hậu của Cố Trưởng lão Đệ Nhất Pháp Chủ, cũng như lời đề nghị của Ngài tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo toàn quốc ngày 7/11/1981.
 
Từ đó, Hòa thượng nêu lên những thành tựu nổi bật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực hiện được theo lời di huấn cũng như lời đề nghị của Ngài về việc mở trường đào tạo Tăng tài, tiếp chúng độ nhân, hoằng dương Phật pháp cho tín đồ Phật tử nhân dân.
 
Sau đây, BBT xin được thành kính trích lục lại 2 văn bản trên của Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận.
 
————————————————————————————————————–
 
ĐỀ NGHỊ*
 
Nam Mô A Di Đà Phật
 
Kính thưa Đại hội,
Để đáp ứng nguyện vọng chung của Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo, trước khi nhận chức vụ này, tôi trân trọng đề nghị Đại hội chấp thuận, đồng thời đề đạt lên Chính phủ cho phép Giáo hội được thực hiện mấy điểm đại khái sau đây:
1.Vấn đề Trường Phật học:
Trường Phật học được thiết lập trên cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Tại thủ đô Hà Nội được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại thành phố Huế được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại thành phố Hồ Chí Minh được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Ngoài ra, các tỉnh trong toàn quốc, mỗi tỉnh cũng đều được phép thành lập một Phật học viện, tùy theo khả năng nhu cầu mỗi tỉnh, nếu có thể làm được.
2.Vấn đề người thừa kế và làm việc trong chùa:
Để có thể tiếp tục hành Đạo và làm các việc trong chùa, tôi xin đề nghị Chính phủ cho phép mỗi chùa được chính thức cư trú, tiêu chuẩn từ hai đến năm người tùy theo chùa lớn hay nhỏ mà quy định.
3.Vấn đề tín ngưỡng của tín đồ:
Vấn đề tự do tín ngưỡng, tuy đã được Nhà nước đề ra sau khi nước nhà giành được quyền độc lập, nhưng được biết vẫn còn bị hạn chế ở nhiều địa phương, nhất là ở thôn quê. Do đó, hôm nay tiện dịp, tôi đề nghị Đại hội đạo đạt lên Chính phủ cho phép các tín đồ Phật giáo từ thành thị đến nông thôn được tự do tới chùa lễ Phật, nghe giảng giáo lý.
“Ba vấn đề này xin được ghi vào Nghị quyết Đại hội”. Mấy nguyện vọng tối thiểu và chính đáng trên, nếu được Đại hội chấp thuận, Chính phủ cho phép, thì tôi mới dám nhận chức vụ mà Đại hội đã có nhã ý đề cử, bằng không thì tôi xin phép được từ chối chức vụ này. Vì tôi nghĩ rằng: nếu không đáp ứng được nguyện vọng của Tăng, Ni và Phật tử thì tôi e rằng không làm tròn trách nhiệm của mình đối với Phật giáo; vậy mong Đại hội thể tất cho…
Tôi xin thành thật cám ơn Đại hội và chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
 
TẠI ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT LẦN I
THỦ ĐÔ HÀ NỘI Ngày 7/11/1981
 
(*)Ngày 7/11/1981: Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật Giáo Việt Nam thành tâm cung thỉnh Đại lão Hòa Thượng Thích Đức Nhuận đảm nhận ngôi vị Pháp chủ. Ngài từ chối 3 lần. Nhưng do sự thỉnh cầu tha thiết của toàn thể đại biểu, Ngài chấp nhận cùng với những lời Đề nghị dưới đây. Khi Ngài đọc lời Đề nghị này, toàn thể đại biểu đều đứng lên trang nghiêm, trân trọng thọ lãnh những lời Đề nghị của Ngài. Ngay sau đó, cố Hòa thượng Đệ nhất Chủ tịch Thích Trí Thủ hứa sẽ đề đạt lên Chính phủ và đã đưa vào Nghị Quyết những Đề nghị này. Nghị Quyết của Đại hội (bao gồm những lời Đề nghị này) đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ là cụ Phạm Văn Đồng tán thành và hứa thực hiện.
 
————————————————————————————————————–
 
VÀI LỜI ĐỂ LẠI
 
Đã có sinh thời có diệt, mọi duyên hành chuyển đều thuộc vô thường, sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt là vui. Nay tôi tuổi đời vừa tròn chín chục, tâm trí vẫn minh mẫn, nhưng theo thời gian thấy mỗi sát sa, mỗi sát na, cái già cứ đi qua nhanh, nên tôi tạm có vài lời để lại.
Trước tiên là ơn Đảng và Chính phủ ban hành chính sách “Tự do tín ngưỡng”, tạo nhiều phương tiện giúp tôi tiến tu Đạo nghiệp, và ơn các bác sĩ, y tá, hộ lý, các lương y đã tận tình chăm sóc tôi những khi thân tứ đại bất hòa; ơn Đại hội chư Hòa thượng, Tăng, Ni toàn quốc ngày 7 tháng 11 năm 1981 đã suy tôn tôi làm Pháp chủ Giáo hội Tăng già cả nước; ơn chư Tăng Ni, Thiện – tín Bắc, Trung, Nam đã có nhiều nghĩ đến tôi, đã có rất nhiều nghĩ đến tôi. Vậy xin quý ngài nhớ những lời tôi đã dặn mà giữ gìn thân ngữ ý cho thanh tịnh, lấy giới luật của Phật làm thầy, luôn luôn giữ Lục hòa, chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra, ủng hộ lập trường hòa bình thế giới, thân thiện đoàn kết với các tôn giáo bạn, quyết tâm tu học vượt mọi khó khăn, duy trì Phật Pháp, hướng lên Tam Bảo, nêu gương chính – tín, bài trừ mê tín, không đồng bóng, đốt vàng mã, không xóc thẻ xin âm dương… là những thứ của đạo khác xen lẫn vào đạo Phật.
Chú ý: Khi mà tôi sắp xả báo thân này, dù sao sở kiến cũng thấy rõ phần nào, nhưng muốn được có thêm trợ duyên để chư căn duyệt dự, thế tính khinh an, vậy xin chớ hỏi han, ép thụ quế sâm, ép dùng cơm cháo; xin chớ phiền các thày thuốc cầm tay án mạch, dùng cách nghe tim, di chuyển nơi này nơi khác mà làm tôi mất cánh “lâm chung chính niệm, tịch diệt vi lạc”.
Sau khi tôi xả báo thân này về nơi an dưỡng, tang lễ cần đơn giản tiết kiệm, tuyệt đối không nhận tiền bạc của  chư Tăng Ni, các tuần tiết và ngày giỗ hàng năm cũng vậy. Có lòng nghĩ đến tôi, chỉ nên tụng Kinh niệm Phật, cầu cho quốc thái, dân an, hồi hướng các Tiên Tổ và tứ ân, lục đạo, tin sâu, hành đúng, nguyện thiết cầu vãng sinh Cực – lạc thời sẽ được cùng tôi và các Thượng – thiện – nhân cùng ở một nơi.
Pháp môn tu trì có hàng 8 vạn 4 nghìn, như Pháp môn “Phản văn văn tự tính” (nghe cái tính nghe của mình)v.v… Pháp môn nào cũng chỉ là tịnh trừ hiện nghiệp lưu thức mới xong. Riêng Pháp môn “Tịnh Độ” cũng là Pháp môn Thượng thượng thừa tin thực sâu, hành thực đúng, nguyện thực thiết, cầu vãng sinh Cực Lạc rất là tiệp kính, cũng là Pháp môn viên dung đủ: Ngũ – đình – tâm, Tứ – niệm – xứ, Thất – giác – chi, Bát – chính – đạo, Vô – ngã – vị – tha… Nếu không tu theo Pháp môn này thời phải tu theo “Hàng – Bá” lần lượt như sau:
10 Ngôi Thập – tín
10 Ngôi Thập – trụ
10 Ngôi Thập – hành
10 Ngôi Thập – hồi – hướng
10 Ngôi Thập – địa cho chí Đẳng – giác, mới thành Diệu – giác. 
Nói chung, tất cả đều là phương tiện, cũng như: “Do chỉ kiến nguyệt” để minh tâm kiến tính.
Phần an táng, nên ở vườn chùa Quảng Bá. Khi tiễn đưa, xin miễn có những vòng hoa. Vì rằng: nào vun trồng, nào tưới bón, nào ngắt hái, nào vận chuyển, nào uốn kết thành vòng trang sức tinh nghiêm, chưa kể vai mang tay sách, biết bao nhiêu là công sức, rồi chỉ sớm chiều, mưa thì hủ nát, nắng thì héo khô, lại làm phiền cho người thu dọn xúc đi. Tôi tu hành chưa được là bao; muốn kiệm đức, xin vô cùng cảm tạ những tấm lòng quý mến thương tiếc tôi khi tiễn biệt.
Theo cổ truyền, mai sau muốn xây tháp, thì xây ở vườn tháp Chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai) là nơi tôi hiện trụ trì.
 
Viết tại chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai) Hà Nội
PL.2531, Ngày Canh Thìn 15 – 2 – năm Đinh Mão (1987)
 
Sa Môn Thích Đức Nhuận