Trang chủ Thời đại Xã hội HT. Chủ tịch: “Muôn kiếp uy nghi người liệt sĩ, Khói vẽ...

HT. Chủ tịch: “Muôn kiếp uy nghi người liệt sĩ, Khói vẽ nên hình bóng vĩ nhân”

264

Đại lễ có sự tham gia của hàng vạn Phật tử trên khắp cả nước. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS) GHPGVN quang lâm chứng minh và ban đạo từ tại Đại lễ. Sau đây, chúng tôi xin lược trích đăng nội dung Đạo từ của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN tại Đại lễ:

“Chúng ta đang đứng đây, mảnh đất của hơn 40 năm về trước là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa. Bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân ta chống trả những đợt phản kích tái chiếm của địch trong suốt 81 ngày đêm năm 1972 để bảo vệ Thành Cổ và Thị xã Quảng Trị.

Sự kiện lịch sử đó đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn hội nghị Paris tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để làm nên trang lịch sử ấy, hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi đây.

Các anh hy sinh nhưng hình hài các anh không còn nguyên vẹn nữa, máu và xương thịt của các anh đã hòa vào lòng đất cho non sông đất nước có ngày độc lập, nhân dân được ấm no hạnh phúc. Với những giá trị lịch sử đã được đúc kết bằng sự hy sinh to lớn của hàng ngàn chiến sỹ, cụm di tích Thành Cổ Quảng Trị được Bộ Văn hoá xếp hạng là di tích Quốc gia.

Đến đầu năm 1994 được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng. Hôm nay chúng ta đến với Thành Cổ Quảng Trị, không những đến với một di tích lịch sử mà chúng ta còn đến với một nghĩa trang, một nghĩa trang không có nấm mồ. Khác với nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 hay các nghĩa trang khác thì liệt sỹ nào có mộ liệt sỹ đó, cho dù biết tên hay chưa biết tên.

Nhưng khi đến với Thành Cổ Quảng Trị các anh chỉ có một ngôi mộ tập thể chung, một nấm mồ chung mà thôi. “Đài tưởng niệm trung tâm” là biểu tượng của nấm mồ chung, của ngôi mộ tập thể đó. Trận chiến đấu bảo vệ Thành cổ đã lùi xa, những dấu tích về trận đánh không còn nhiều, các nhân chứng sống dần một ít đi, nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy mãi mãi được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị đã trở thành một công viên văn hóa tưởng niệm; là nơi khắc dấu những chiến công bất tử của quân dân Quảng Trị anh hùng; nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau”. 

Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam mãi mãi nhớ ơn những anh linh anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo tỉnh Quảng Trị trong hơn 35 năm thành lập, đã không ngừng phát triển trang nghiêm và vững mạnh trong khối đại đoàn kết dân tộc góp phần dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh theo hướng phát triển hiện đại.

Đồng thời qua Đại lễ tưởng niệm kỳ siêu này, cũng là thông điệp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi đến Tăng Ni, Phật tử, các cơ sở tự viện trong toàn quốc lời nhắn nhủ mọi người hãy cùng với cộng đồng xã hội, chung tay xây dựng đất nước, xã hội ngày một văn minh, giàu đẹp, nghĩa tình, bằng những hành động, việc làm cụ thể, đầy ắp nghĩa tình trong tinh thần tri ân báo ân của Đạo Phật, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

Để thể hiện lòng tri ân và báo ân của người con Phật, nhân mùa Vu lan – Báo hiếu Phật lịch 2561 và nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Trị, Ban Liên lạc Thành Cổ Quảng Trị và các đơn vị tài trợ tổ chức Đại lễ Kỳ siêu, tưởng niệm anh linh anh hùng Liệt sĩ, những người có công với Tổ quốc và đồng bào tử nạn tại Cổ Thành Quảng Trị một cách trang nghiêm và trọng thể, trong ý nghĩa: “Người đang sống nhớ thương người đã khuất, Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời”, “Muôn kiếp uy nghi người liệt sĩ, Khói vẽ nên hình bóng vĩ nhân”/.