Trang chủ Blog chùa HT.Thích Bảo Nghiêm với 45 năm vẹn nguyên ước nguyện hành trì...

HT.Thích Bảo Nghiêm với 45 năm vẹn nguyên ước nguyện hành trì Ngũ Bách Danh tại động Hương Tích

Giữa những tháng ngày nhân loại đang căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, bão lũ tàn phá khắp khúc ruột miền Trung, vạn loại dường như điêu linh giữa những thử thách quá đỗi khắc nghiệt của vũ trụ bao la, có một vị Thầy đã trở về động Hương Tích – Hà Nội, hành trì lạy ngũ bách danh với tấm lòng chí thành chí kính hướng về Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu nguyện thiên tai dịch bệnh không còn trên khắp thế gian, người người sống trong khúc ca an bình hạnh phúc.

455

Năm nay, ngày 08 tháng 11 năm 2020, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN đã lên đường trở về động Hương Tích để tiếp tục thực hiện hạnh nguyện của mình. Điều đặc biệt lần này Người lặng lẽ đi vào trung tuần tháng 9 âm chứ không phải tháng Giêng như mọi năm, và cũng không có đoàn Phật tử nào biết lịch trình cùng theo. Như thể sự âm thầm không báo trước đó của Người nhằm chiêm nghiệm lại hành trình 45 năm vẹn nguyên ước nguyện hành trì lễ ngũ bách danh tại động Hương Tích – Nam Thiên Đệ Nhất Động.

Được biết, hạnh nguyện này được bắt đầu từ khi mới về học tại chùa Quán Sứ vào năm 1975, có một Phật tử pháp danh Khánh Tường – Nguyễn Thị Thành là đệ tử của Đại lão HT.Thích Đức Nhuận – Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN có tâm nguyện muốn về động Hương Tích lễ lạy Ngũ bách danh.

Từ đó, Hòa thượng đã đồng ý việc này, mỗi năm vào dịp đầu xuân đều cùng hàng Phật tử hành hương chiêm ngưỡng, cũng như đỉnh lễ những hạnh nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm.

Đã 45 năm trôi qua, dù nắng hay mưa, Người chưa bao giờ vắng mặt tại Thánh tích này. Với tâm nguyện gửi trọn đức tin vào Bồ Tát Quán Thế Âm, Hoà thượng thiết tha gửi trọn năng lượng tu tập để cầu nguyện chúng sinh được an lành, vượt qua mọi khổ nạn của kiếp người. Đặc biệt, Người luôn hướng về người dân miền Trung đang oằn mình chống chọi với sự tàn phá của những cơn bão lũ vừa qua, để cầu nguyện năng lượng từ tâm của Bồ Tát, xoa dịu mọi bất an và mang lại yên bình cho đồng bào miền Trung ruột thịt.

Theo lời kể từ chính Hòa thượng cũng như của các Phật tử đã có duyên lành được theo hầu Hòa thượng trong 45 năm qua, có nhiều sự ứng nghiệm nhiệm mầu đã đến với Hoà thượng cũng như các Phật tử khi thực hiện lễ ngũ bách danh tại động Hương Tích. Bởi ngay từ lúc lênh đênh trên dòng suối Yến ngắm nhìn cảnh sóng nước mênh mang xanh ngát một màu dịu mát, bước vào chùa Thiên Trù linh thiêng tĩnh mặc, cho tới khi lên động Hương Tích nhìn xung quanh là núi non hùng vĩ, người con Phật đều cảm thấy hân hoan, sự an bình thanh tịnh khởi lên thật khó tìm giữa kiếp sống nhân sinh vội vã. Trong suốt chặng đường hành đạo 45 năm qua, Hòa thượng và các Phật tử theo tháp tùng đều luôn luôn gặp thuận duyên ngày về lễ Bồ Tát Quán Thế Âm, không gặp bất kì chướng duyên nào, vạn sự đều hanh thông cát tường.

Đặc biệt, các hành giả theo tu tập cùng Hoà thượng đều thiết tha đặt trọn đức tin vào Tam Bảo, mà đức tin đó ngày càng lớn mạnh thì phúc báo ngày càng thêm viên mãn. Nhờ hành trì hạnh nguyện ngũ bách danh mà tất cả ai ai cũng khoẻ mạnh. Vô cùng dễ dàng để thấy trong đạo tràng lễ ngũ bách danh của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trong suốt những năm qua, có hình ảnh những người trẻ tín tâm và cả những cụ già ngoài 80 tóc bạc trắng như mây nhưng vẫn lạy đủ 500 lạy với nét mặt rạng ngời niềm hỷ lạc, tất cả đều cùng chung sự nhất tâm chí thành chí kính, tin sâu vào oai lực của Bồ Tát Quán Thế Âm, không phân biệt độ tuổi hay giai cấp. Qua đó để thấy được rằng, công đức tu tập là không thể nghĩ bàn. Nhờ hành trì nghiêm túc mà phúc báo ngày càng tròn đầy, nghiệp lực càng được vơi dần, từ đó đi vào cuộc đời vạn sự đều được hanh thông và thuận lợi.

Hoà thượng dạy rằng “Tu tập theo hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm, người con Phật phải chuyển hoá mọi năng lượng ích kỷ, hẹp hòi, bất an và tiêu cực để mang đến cho những người xung quanh năng lượng bình an, năng lượng của thương yêu, sẻ chia và tha thứ. Đó chính là tinh thần bố thí sự vô uý hay là bố thí sự không sợ hãi lo âu, một hạnh nguyện cao thượng nhất của Bồ tát Quán Thế Âm.”

 

Diệu Tường