Trang chủ PGVN GHPGVN HT. Thích Giác Toàn (*): Ban Kinh tế – Tài chính sẽ...

HT. Thích Giác Toàn (*): Ban Kinh tế – Tài chính sẽ có những chuyển biến tích cực và năng động hơn

57

Thưa Hòa thượng, được biết ngay sau Đại hội nhiệm kỳ VI (2007-2012), Ban  Kinh tế-Tài chính (KT-TC) Giáo hội đã mời thêm nhiều nhân sự mới, nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế PG, xin HT hoan hỷ cho biết rõ hơn về việc này?


HT.Thích Giác Toàn: Nhiệm kỳ này, Ban có 46 thành viên chính thức và 22 thành viên dự khuyết. Về số lượng thì nhiệm kỳ VI thành viên đông hơn nhưng điểm đặc biệt của Ban KT-TC là ngoài quý tôn đức Tăng Ni chuyên trách gắn với ngành từ Trung ương đến các tỉnh, thành; lần này, Ban đã mạnh dạn mời những doanh nhân Phật tử tham gia như cư sĩ Lê Trần Trường An (Tổng Giám đốc Trung tâm sách Vietbooks); cư sĩ Phạm Nhật Vũ (Giám đốc Công ty Thương mại Du lịch Hòn Tre), chị Huỳnh Long Ngọc Diệp, Giám đốc Nhà hàng Việt Chay, chị Nguyễn Thị Ái Trinh (Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Âu Lạc); chị Diệu Lạc (Giám đốc Cty TNHH Lạc Thông) v.v… Đây là những nhân tố mới sẽ góp phần đưa hoạt động kinh tế PG đạt hiệu quả hơn trong nhiệm kỳ mới.


Hội nghị Ban KT-TC lần thứ nhất vừa qua cũng đã vạch ra định hướng như thế nào nhằm đẩy mạnh hoạt động của ban trong thời gian tới?


– Chúng tôi đã đề ra 4 nhiệm vụ chính: Nghiên cứu các mô hình kinh tế phù hợp với từng tỉnh thành từ đó có kế hoạch thành  lập cơ sở kinh doanh ổn định lâu dài; Khuyến khích các hoạt động kinh tế tự túc các tự viện, tổ chức các hội thảo, tọa đàm về kinh doanh để rút kinh nghiệm hoạt động kinh tế; Vận động các các cơ sở, xí nghiệp, hội đoàn, các Phật tử hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp vật chất, tài chính giúp cho GH phục vụ công tác xây dựng và phát triển các Phật sự quan trọng; Có kế hoạch cụ thể đối với Tăng Ni, các tự viện về công tác ủng hộ công đức phí, niên liễm cho các Phật sự của GH  và các tỉnh, thành hội Phật giáo.


Trong đó, nỗ lực khai thác tiềm năng đặc trưng tại các tỉnh hội PG và khuyến khích tạo điều kiện cho các tỉnh thành tham gia mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất. Nghiên cứu khai thác các thế mạnh của từng tỉnh thành để có mô hình kinh tế phù hợp, mở thí điểm các lớp dạy nghề cho Tăng Ni, Phật tử tại một số tỉnh, thành Phật giáo.


Ngoài Công ty Thiện Tài, một số công ty đang kinh doanh tại TP.HCM cũng đã tham gia vào Ban KT-TC. Đây có phải là một chuỗi công ty của Ban nhằm đa dạng hóa dịch vụ cho giới Phật giáo?


–  Chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển Công ty Cổ phần Thiện Tài về dịch vụ du lịch, văn hóa phẩm Phật giáo. Trong năm 2009, doanh nghiệp thực phẩm Âu Lạc, Nhà hàng Việt Chay chính thức tham gia cùng với Ban. 


Hướng tới, chúng tôi sẽ mở thêm hệ thống 5 nhà hàng Việt Chay tại các khu vực: Chùa Bái Đính (Ninh Bình), TP.Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM và TP.Cần Thơ. Đồng thời, chính thức hình thành khoảng 20 quán cơm chay bình dân trong năm 2009.


Ban KT-TC sẽ đầu tư toàn bộ kinh phí ban đầu, hỗ trợ các tự viện quảng bá và cung cấp vốn, hướng dẫn tài chính để mở hệ thống quán cơm chay nhằm phục vụ đồng bào lao động bình dân tại địa phương.


Bên cạnh đó, Ban cũng đã thành lập Công ty Thiện Việt Phát chuyên phân phối để đưa các dự án nghiên cứu xây dựng mạng lưới bán hàng thực phẩm chay vào các khu vực tự viện trên toàn quốc với hình thức hệ thống siêu thị hàng tiêu dùng Phật giáo.


Dự kiến, Ban sẽ triển khai hoạt động Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Thiện Phúc nhằm hỗ trợ các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường trong vấn đề xây dựng và thiết  kế. Nhằm đa dạng hóa dịch vụ, chúng tôi cũng sẽ hình thành siêu thị văn hóa Phật giáo tại 3 khu vực, phục vụ các sản phẩm văn hóa PG đến các tự viện.


Dự kiến các siêu thị văn hóa Phật giáo sẽ được hình thành đưa vào hoạt động năm 2009. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động, các ban ngành có liên quan xin quỹ đất để thực hiện công trình Đài hỏa táng và công viên nghĩa trang cho giới Phật giáo.


Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng.


(*) HT. Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Kinh tế – Tài chính Trung ương GHPGVN