Trang chủ Blog chùa Hưng Yên: Vu Lan thắm đượm tình yêu thương cha mẹ tại...

Hưng Yên: Vu Lan thắm đượm tình yêu thương cha mẹ tại chùa Sùng Khánh

813

Tối ngày 6/8/2019 ( nhằm ngày 6/7 Kỷ Hợi), tại chùa Sùng Khánh, thôn Đa Quang, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đã long trọng diễn ra lễ cài hoa hồng và cúng dàng trai tăng nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu PL. 2563 – DL. 2019.

Quang lâm chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Giác Hạnh – Giảng sư Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN, chứng minh Ban trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chư tôn đức Hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni đến từ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Bình, tỉnh Nam Định, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hưng Yên và một số tỉnh thành lân cận.

Tham dự buổi lễ còn có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương, gia đình Phật tử Đào Văn Chấp PD: Minh Phước và Phật tử Phạm thị Hà PD: Diệu Hạnh – Trưởng Ban tổ chức đại lễ, ca sỹ Quách Beem, ca nương nhí kỷ lục gia Tú Thanh…, cùng đồng bào Phật tử, nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Chùa Sùng Khánh là ngôi chùa ở vùng thôn quê do chưa có quý thầy về trụ trì, chùa được gia đình Phật tử Đào Văn Chấp PD: Minh Phước, Phạm thị Hà PD: Diệu Hạnh đang sinh sống, làm ăn tại Hưng Yên đứng lên phục dựng để bà con Phật tử, nhân dân địa phương có nơi tu học, lễ bái, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, tâm linh. Vào những ngày lễ trọng trong Phật giáo, gia đình Phật tử Hà Cường lại thỉnh mời chư tôn đức tăng ni một số tỉnh thành về để chứng minh, tham dự đại lễ. Những năm gần đây cứ tới mùa Vu Lan Báo Hiếu, để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, tổ tiên trên tinh thần tri ân báo ân của nhà Phật, gia đình Phật tử Hà Cường lại cùng nhân dân địa phương tổ chức chương trình lễ cài hoa hồng, cúng dàng trai tăng nhân Vu Lan Báo Hiếu và lễ cầu siêu bạt độ cho anh linh các anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ trận vong, đồng bào tử nạn trong các cuộc chiến tranh bảo vệ cho độc lập chủ quyền của Đất nước, cũng như cầu siêu cho cửu huyền thất tổ được siêu sinh về miền Cực Lạc.

HT. Thích Giác Hạnh ban đạo từ tại buổi lễ

Trước khi chính thức bước vào buổi lễ, ca sỹ Quách Beem và ca nương Tú Thanh đã thể hiện các ca khúc mang đầy tình nhân văn về tình mẫu tử, tình phụ tử để kính dâng lên Tam Bảo, kính dâng lên 2 đấng sinh thành nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu. Ca nhạc sỹ Quách Beem đã thể hiện các ca khúc ngọt ngào, xúc động, sâu lắng do chính anh sáng tác như ca khúc: Đạo Làm Con, Mẹ Yêu Ơi, Gánh Mẹ, Cha…  Ca nương Tú Thanh với ca khúc: Biển trời tình cha, Mong cha mẹ an vui, Con nợ mẹ, Bông hồng cài áo… Thông qua các ca khúc này, Ban tổ chức chương trình mong muốn gửi tới đại chúng thông điệp hãy biết yêu thương cha mẹ khi cha mẹ còn sống, đừng để khi cha mẹ mất đi rồi mới thấy hối tiếc thì lúc đó đã quá muộn màng. Bên cạnh đó, cũng phải hướng đạo cho cha mẹ, khuyên cha mẹ tinh tấn tu học để tìm cầu giác ngộ, giải thoát…

Giây phút quan trọng nhất, cũng là linh hồn của buổi lễ, khi các em trong đội cài hoa hồng cài lên ngực áo của chư tôn đức Tăng Ni những bông hoa hồng màu vàng, tượng trưng cho sự thoát tục, sự giải thoát, giác ngộ của những bậc xuất trần thượng sỹ. Bông hồng màu đỏ dành cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời, bông hồng màu hồng cho những người còn mẹ mất cha và bông hồng trắng dành cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời…Sở dĩ chọn hoa hồng là biểu tượng trong ngày lễ Vu Lan là bởi bông hoa hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực hoa hồng cao quý là tình cảm đẹp nhất, kính trọng nhất của con cái đối với hai bậc sinh thành.

Nghi thức Bông hồng cài áo

Ban đạo từ tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Giác Hạnh đã nói lên nguồn gốc của ngày lễ Vu lan Báo hiếu và Lễ cài hoa hồng. Theo đó, Lễ cài hoa hồng xuất phát từ một chuyến đi hoằng pháp của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh tại Nhật Bản. Khi tham dự một buổi lễ, thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng màu trắng. Sau khi tìm hiểu thì thiền sư mới biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này. Chính vì lẽ đó, thiền sư đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan Báo hiếu trong nhà Phật và ngay sau khi tham dự buổi lễ Ngài đã lên ý tưởng và cho xuất bản ấn phẩm mang tên: “Bông Hồng Cài Áo” vào năm 1962. Kể từ đó, Lễ cài hoa hồng ra đời và được duy trì cho đến ngày hôm nay. Nhân dịp này, Hòa thượng chứng minh cũng tán thán công đức của gia đình Phật tử Hà Cường đã tổ chức một chương trình Vu lan đầy ý nghĩa và Ngài đã sáng tác một bài thơ dành tặng cho đại chúng với niềm xúc động vô biên khi nghĩ nhớ về công ơn cha mẹ.

Xin giới thiệu hình ảnh ghi nhận:

Thành Trung