Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Hương sơn ca – sự đồng điệu trái tim

Hương sơn ca – sự đồng điệu trái tim

77

Âm nhạc là một điều gì đó kỳ lạ lắm, nó xuất hiện trên thế gian này (cho dù là buồn vui, sướng khổ) để vẽ thêm vào tâm hồn con người những sắc màu tươi đẹp, chính vì thế mà trong cuộc sống của mỗi chúng ta, dù là ai, ở cương vị và vai trò nào thì cũng không thể thiếu được nhu cầu cần âm nhạc tưới mát tâm hồn. Lẽ thường là vậy nhưng chẳng phải tác phẩm nào cũng có thể đến được với người nghe và nhận được sự đồng cảm từ họ. Như thế có nghĩa là, đối với âm nhạc không thể bắt người nghe phải thích cái này hay không thích cái kia? Cái “sự” thích hay không thích trong âm nhạc thật mong manh, nó chỉ cách nhau một ranh giới vô hình vừa có thể chỉ là khoảng trống của không gian có thể vô tư bước vào nhưng cũng có thể là một bức tường đá lớn không thể vượt qua. Và điều duy nhất để bức tường kia biến mất đó chính là tác phẩm âm nhạc phải chạm được vào trái tim người yêu nhạc. Và đương nhiên, muốn để chạm được tới trái tim khán giả thì người nhạc sĩ khi viết lên những tác phẩm ấy cũng phải viết bằng sự mách bảo, dẫn lối của trái tim. Dành tất cả tình yêu của mình với âm nhạc với nội dung chủ đề cần diễn đạt thì mới mong có thể từ trái tim của mình lan tỏa để rồi chạm vào trái tim của người nghe.

Hơn hai năm qua, tôi đã nghe và cảm nhận về tác phẩm trong Hương Sơn Ca của Cù Lệ Duyên theo cách của riêng tôi. Tất nhiên, nghe bằng trái tim nhưng đồng thời cũng bằng lý trí của một người hoạt động trong công tác lý luận phê bình âm nhạc, không thể dành những lời hoa mỹ một cách tùy tiện nếu tự trong tâm hồn mình những giai điệu ấy chưa chinh phục được. Và như vậy, mới hòng ngõ hầu giúp phần nào mở cách cửa âm nhạc Hương Sơn, mở cánh cửa tác phẩm âm nhạc của tác giả Cù Lệ Duyên khiến cho người nghe thêm một kênh để cảm nhận. Các tác phẩm của Cù Lệ Duyên viết về Hương Sơn hầu hết mang màu sắc trữ tình, giai điệu đẹp và gắn kết với nhau bằng một bố cục khúc chiết. Đặc biệt ấn tượng với tôi là phần ca từ đầy chất thơ, là sự hòa quyện giữa đời – đạo và phong cảnh tuyệt đẹp của núi rừng quê hương. Ở một góc độ nào đó Cù Lệ Duyên giống như viết thơ bằng âm nhạc. Tôi đã viết và đón chờ sự hồi âm của khán giả, tất nhiên là hồi âm của sự đón nhận tác phẩm âm nhạc của Cù Lệ Duyên. Một năm, rồi hai năm… Thật bất ngờ, đã có rất nhiều những hồi âm từ khán giả.

Có hồi âm từ một vị tu hành khiến tôi nhớ: “Tôi thích ca từ lẫn giai điệu của chị, như một sự chăm chuốt cho một đứa con bé bỏng. Cảm nhận được sự thành kính khi chị sử dụng ngôn từ,… tôi như đang bắt gặp được suối nguồn từ chị. Tôi muốn giới thiệu với quý vị như là tôi đang khoe cái vui, cái cảm nhận không thể nói mà chỉ có thể nghe mới hiểu hết được, nghe và biết ơn chị” (khán giả Thích Tử Dung ghi lại cảm nhận khi nghe tác phẩm Cung đàn Hương Sơn). Lại có bạn nhạc khi thưởng thức Sen vàng gót ngọc chia sẻ: “Ca từ tuyệt mỹ thanh thoát nhẹ nhàng, chan chứa tình đạo, mở rộng tin yêu, thơm ngát hương đạo vị. Giai điệu tĩnh không vi diệu, hướng người nghe từng nhịp hoa sen nở và kết quả cả đất trời rạng rỡ sắc sen vàng, hướng thượng vui tươi. Giọng hát nghe sao thánh thót cung đàn dạt dào cung bậc thành kính ngợi ca “Sen vàng gót ngọc” Đức Phật từ bi!” (cảm nhận của nhạc sĩ Chúc Linh).

Như cảm nhận được hồn cốt cô đọng sau khi thưởng thức album Hương Sơn Ca, khán giả Võ Hùng đã dành tặng mấy vần thơ mà ở đó, bỗng nhiên mở ra trong tôi hình ảnh một người tu hành với tấm áo cà sa, một chàng thi sĩ tài hoa bỗng không thốt được thành lời trước những cảnh đẹp của đất trời và sự linh thiêng của cõi đạo, trước hình ảnh một người con gái với tâm hồn đẹp phổ nhạc vào núi sông…:

 

Gió chải tóc trăng thơm bờ sông vắng

Mây về chưa ngây ngất vạt rừng hoang

Người lữ khách vỡ vầng trăng huyễn mộng

Sợi vàng rơi hương ngọt lịm muôn trùng

 

Khép vạt áo phủ cung trời nhật nguyệt

Lời kinh trầm khai thị một đường đi

Đem khúc nhạc phổ vào sông núi rộng

Nghìn giọt mưa ngôn ngữ bỗng vô cùng

Lại có độc giả còn cảm nhận được những điều gì đó thật to lớn toát ra từ những tác phẩm ấy, khán giả Trần Thế Long: “Trái tim con người là một nhạc cụ ẩn tàng, một bản hòa nhạc vĩ đại. Nó còn đang ngủ vùi nhưng nó là tiềm ẩn, đang chờ đợi thời điểm thích hợp để ngân vang, để được bày tỏ ca hát hay nhảy múa. Và chính qua tình yêu mà thời điểm này đã xảy ra, người mà không có tình yêu thì sẽ không biết mình đang mang trong trái tim âm nhạc gì? Chỉ duy nhất qua tình yêu mà âm nhạc bắt đầu cựa mình, thức dậy trải qua từ khả năng thành hiện thực…  Nếu nội tâm trong bạn bắt đầu trỗi dậy, thế thì tình yêu có đó, bỗng nhiên bạn cảm thấy một sự hài hòa thâm sâu tràn ngập bạn, bạn không còn lúng túng, bạn trở nên hòa điệu, bạn không còn hỗn mang, bạn trở thành vũ trụ, và cuộc sống bắt đầu khoác lấy một màu sắc mới, màu sắc của dân hoan, màu sắc của bài ca…”

Như vậy là Hương Sơn Ca với những tác phẩm của Cù Lệ Duyên đã bắt đầu có những khán giả riêng, những giai điệu ấy đã bắt đầu chính thức được lan tỏa từ trái tim tác giả đến với trái tim của người nghe. Và như thế, tôi tin rằng trong dịp trẩy hội Chùa Hương xuân mới này, bên cạnh lòng thành kính về chốn Phật, bên cạnh sự háo hức được vãn cảnh chùa vốn được coi là cõi tiên mộng lừng danh nước Việt, sẽ còn nhiều trái tim háo hức được nghe lại những giai điệu Hương Sơn Ca ấy ngay trong chính đất trời ấy. Và hơn thế, sẽ có nhiều trái tim đang chờ đợi để được đón nhận những tác phẩm mới về Hương Sơn của Phật tử Diệu Thiện – Cù Lệ Duyên sẽ được trình diễn vào ngày Khánh Đản Bồ Tát Quán Thế Âm sắp tới tại Thiên Trù. 

Nhạc sĩ lý luận phê bình Nguyễn Quang Long 

                          (Bài đăng tạp chí “Chùa Hương” Xuân Giáp Ngọ – 2014)