Trang chủ Tin tức Hướng tới ĐH ĐB PG TP. Hồ Chí Minh lần VII: “Làm...

Hướng tới ĐH ĐB PG TP. Hồ Chí Minh lần VII: “Làm văn hóa PG phải có tâm và có tầm”

79

Còn phim ảnh, CD, VCD, DVD,. những tác phẩm có giá trị về văn hóa Phật giáo đa phần có tính cách cá nhân tự phát, không phải do các tổ chức Phật giáo thực hiện. Chúng tôi tán dương những đóng góp của cá nhân đã thực hiện các ấn phẩm này nhưng đồng thời ngành văn hóa Phật giáo của  GHPGVN cần nhìn lại  về phương thức điều hành và hoạt động của mình. Phải chăng các ngành chuyên môn nói chung và văn hóa nói riêng bị hạn chế hoạt động do phân công không đúng người, đúng việc?


Ở đầu nhiệm kỳ, chúng tôi kết hợp với Báo Giác Ngộ tổ chức thử nghiệm một trại sáng tác văn học Phật giáo lần I, có thể nói đây là lần đầu tiên trong Phật giáo tổ chức mô hình này. Qua thực hiện, chúng tôi mong muốn tìm kiếm, phát hiện  các nhân tố Tăng Ni, Phật tử sáng tác truyện ngắn mang tính hiện đại. Từ đây, Ban Văn hóa cũng quy tụ được một số các nhà văn, nhà thơ có tâm huyết, hiểu và gắn bó với đạo Phật, trong đó có nhà văn Ngô Khắc Tài… Từ đó đến nay, anh gắn bó với Báo Giác Ngộ. Tuy vậy, kết quả của trại sáng tác không cao so với dự kiến. Điều băn khoăn, ray rứt cho đến hôm nay là hết một nhiệm kỳ, trại sáng tác đó vẫn chưa xuất bản được tập truyện ngắn như đã hứa với Tăng Ni Phật tử.


Các ngành chuyên môn trong Giáo hội cho đến nay vẫn còn nhiều nhập nhằng trong việc phân công phân nhiệm. Điều này trong buổi tổng kết cuối năm 2006 của THPG, ông Nguyễn Ngọc San, Trưởng ban Tôn giáo-Dân tộc đã phát biểu góp ý. Có thể nói đây là vấn đề mà GHPGVN cần phải suy nghĩ để cải tiến trong nhiệm kỳ mới, nếu không, các ngành chuyên môn chỉ dừng lại ở phong trào chớ không thể có sự sáng tạo và đầu tư lâu dài.


Trong nhiệm kỳ qua, Nhà Truyền thống – Văn hóa PG được xây dựng. Đây là trung tâm văn hóa Phật giáo, một trong những cơ sở lớn của Phật giáo TP.Hồ Chí Minh. Chư tôn đức lãnh đạo PG thành phố đã tập trung huy động sức người sức của,  kiến tạo giảng đường có sức chứa hơn 2.000 người, một tầng dùng để trưng bày hiện vật, tầng trệt dành cho ban ngành chuyên môn  hoạt động.


Tuy nhiên, nếu muốn thực hiện như đúng chức năng của nó, chúng ta phải nhờ đến các nhà tư vấn chuyên môn về bảo tồn bảo tàng văn hóa giúp sức để nơi đây trở nên một trung tâm trưng bày vật thể có giá trị về quy mô, hệ thống, khoa học. Nếu không thì đây chỉ là nơi để chứa những vật thể, không đúng với chức năng tên gọi của nó. Điều này không thể một sớm một chiều thực hiện ngay được mà phải có một kế hoạch lâu dài cùng với sự đóng góp tài lực, nhân lực mới có thể làm được.


Trong nhiệm kỳ qua, vì kiêm nhiệm nhiều nên chúng tôi còn bị hạn chế về mặt chuyên môn dù đã cố gắng hết khả năng của mình. Để thúc đẩy sự phát triển khởi sắc của ngành văn hóa Phật giáo thành phố trong hướng tới, chúng ta cần có phương hướng, quy hoạch sắp xếp và phân công khoa học cộng với lòng nhiệt tình đóng góp cho Phật giáo. Do đó, ngoài cái “TÂM” ra, cần phải có “TẦM”.  Thiếu một trong hai, sẽ không thể thành tựu được! Để bắt kịp trào lưu phát triển của xã hội, sự thành công còn phụ thuộc vào yếu tố “duyên” và biết tận dụng cơ hội, nếu không cũng chỉ là mơ ước “duy ý chí” mà thôi.