Trang chủ Quốc tế Khám phá Myanmar

Khám phá Myanmar

98

Tại đây, chúng tôi không thể không xem hai trận chung kết lượt đi và lượt về giữa Việt Nam – Thái Lan. Cả hai lần, sự có mặt của chúng tôi – những du khách phương Tây – đều được những người hâm mộ bóng đá Myanmar chào đón khá dè dặt và lạ lẫm. Chỉ tới khi họ thấy chúng tôi hò reo, cổ vũ đội tuyển Việt Nam, không khí mới trở nên thân thiện. Người Myanmar ủng hộ đội tuyển VN.

Trận chung kết lượt đi giữa Thái Lan và Việt Nam, chúng tôi ngồi xúm đông xúm đỏ với những người hâm mộ Myanmar ở trong một nhà hàng nhỏ bên đường, ngay gần nhà ga Yangon. Trận lượt về, tôi xem trong một phòng TV đặc biệt ở bờ bắc của hồ Inle vùng Shan Hills thuộc thị trấn Nyaungshwe. Để vào xem trận này, phải trả tiền. Cả hai trận, người Myanmar đều hò reo, cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam.

Đó là những cảm giác đầu tiên của một người phương Tây sống lâu năm ở Hà Nội như tôi, khi thực hiện chuyến khám phá vòng quanh Myanmar, lần đầu tiên, trong vòng 1 tháng. Là người đã chứng kiến tốc độ phát triển nhanh của VN cả về kinh tế, chính trị xã hội, sau khi mở cửa ra thế giới, tôi không khỏi có những so sánh giữa Việt Nam và Myanmar.

Ấn tượng đầu tiên khi tới đây, tôi nghĩ rằng mình đang thăm lại Việt Nam của những năm 1990, với cơ sở hạ tầng xiêu vẹo, nghèo đói và cô lập với thế giới bên ngoài.
 






Cuộc sống ven sông của người Myanmar.

Chúng tôi lên xe buýt, thực hiện chuyến chu du 17 tiếng đồng hồ để tới hồ Inle. Trên xe có một chiếc màn hình. Suốt từ 2 giờ chiều đến 10 giờ tối, chiếc TV liên tục phát đi các bản nhạc đủ loại. 3/5 trong số đó là các ca khúc phương Tây có từ cách đây 30 năm hoặc lâu hơn. Ở Myanmar, người ta không hề để ý rằng, các ca khúc mà họ nghe trên đài, trên TV, hay nghe đĩa CD là do ai sáng tác.

Một cặp bạn trẻ người Anh mà chúng tôi gặp hơn một lần trong suốt hành trình quanh Myanmar kể lại rằng, họ đã tham dự một buổi biểu diễn văn nghệ công cộng lớn ở Yangon, với sự trình diễn của nhóm nhạc được yêu thích nhất trong tháng, với tên gọi Iron Cross.

Tại buổi biểu diễn này, hàng ngàn người địa phương nô nức tới dự. Họ nhảy múa theo điệu nhạc. Cặp bạn trẻ người Anh cũng vừa nhảy múa, vừa hát lời bằng tiếng Anh hoà theo các ca khúc đang được những nghệ sĩ Myanmar trình diễn trên sân khấu. Ngay lập tức, người dân địa phương tỏ ra rất ngạc nhiên. Họ dừng lại hỏi: “Làm sao các vị lại biết các ca khúc “của Myanmar”?

Sự cô lập được tạo ra do không có Internet, không có báo chí nước ngoài, không có cả điện thoại di động và rất ít điện thoại bàn. Nghèo đói được thể hiện ở chỗ, mất điện xảy ra hàng ngày. Ở thành phố lớn nhất nước như Yangon, có những hôm nửa ngày không có điện. Thật khó tưởng tượng vào năm 2009, lại có một quốc gia Châu Á lâm vào tình trạng khó khăn như vậy.

Myanmar là nước Đông Nam Á duy nhất chung biên giới với cả Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia có ảnh hưởng nhiều tới khu vực ASEAN. Tại đất nước này, luồng văn hoá Ấn Độ thổi vào khắp mọi nơi. Chúng tôi xem một trận đấu cricket của học sinh phổ thông được chơi ngay gần chùa Shwedagon nổi tiếng ở Yangon.

Sau trận đấu, các bạn trẻ vui vẻ tâm sự rằng, thần tượng của họ là một cầu thủ của Ấn Độ mà họ thường xem trên TV. Cái lắc đầu đặc trưng cho ngôn ngữ cơ thể của Ấn Độ cũng được thấy ở khắp Myanmar.  


Có mặt tại Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 1990, Terry Hartney đã được chứng kiến tốc độ đổi thay nhanh chóng của VN.
Những ngày đầu năm mới 2009, Hartney thực hiện chuyến khám phá Myanmar trong 1 tháng. Ông khá ngỡ ngàng thi thấy cơ sở hạ tầng và điều kiện sống của người Myanmar còn nhiều khó khăn. Hartney không khỏi có sự so sánh giữa Việt Nam và Myanmar.


Tại Myanmar, ngoài sự hiện diện của văn hoá Ấn Độ, chúng tôi dễ dàng nhận thấy ảnh hưởng của nước láng giềng Trung Quốc rộng lớn ở đây. Tại khu nghỉ dưỡng Ngapali nằm trong vịnh Bengal, nhiều du khách Trung Quốc lớn tuổi đang tắm mát trong làn nước trong vắt, cùng với các du khách phương Tây – chủ yếu là người Đức.


Trên đường, ngư dân Myanmar đang bán những gì họ đánh bắt được cho một công ty của Trung Quốc. Công ty này sau đó xuất khẩu đồ hải sản đông lạnh sang Trung Đông, hoặc đưa về bán tại thị trường Trung Quốc. Một người địa phương cho biết, không phải chỉ riêng đồ hải sản của Myanmar được thu mua và đóng trong những gói ghi “Made in China”, mà cả hoa quả tươi và rất nhiều sản phẩm khác nữa.


Vượt qua đồi Shan vào thành phố nhỏ Taunggyi, chợ và các phố thương mại xuất hiện toàn người Trung Quốc. Họ tới vùng đất nóng và bụi này để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Xa hơn nữa về phía bắc, các công trình cơ sở hạ tầng xây dựng bằng vốn viện trợ của Trung Quốc. Trung Quốc còn viện trợ quân sự và giúp xây dựng phần lớn thủ đô hành chính mới của Myanmar tại thành phố miền Trung Naypyidaw.


Việt Nam cũng có những quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc. Nhưng sự thực là, những cấm vận kinh tế và chính trị mà phương Tây đang áp dụng với Myanmar khiến nước này lệ thuộc nhiều vào viện trợ phát triển của Trung Quốc. Trong khi đó, Hà Nội đã thực thi chính sách ngoại giao cân bằng và mở rộng với hầu hết các nước trên thế giới. Chính sách nổi tiếng đó đã đưa Việt Nam vào ASEAN năm 1995.


Nhờ có sự gia nhập của Việt Nam, những cuộc vận động được tiến hành để Myanmar, Lào và Campuchia cùng gia nhập ASEAN ngay sau đó. Vào ASEAN, Việt Nam tận dụng được nhiều sự trợ giúp từ các thành viên phát triển hơn trong khối như Thái Lan, Malaysia, Singapore và các nước khác.


Có nhiều người cho rằng, lệnh cấm vận mà phương Tây áp dụng để chống chính quyền quân sự Myanmar chẳng giúp ích gì cho người dân nước này. Thực tế, nó còn khiến Myanmar bị cô lập thêm và tách biệt khỏi quá trình hội nhập toàn cầu. Trong số những người tán đồng quan điểm này có cháu của cựu Tổng Thư ký LHQ U Thant là Thant Myint-U – hiện cũng đang là quan chức LHQ và còn là một nhà viết tiểu thuyết ở Myanmar.


Xét về phương diện lịch sử, tộc người Barmese chiếm đa số ở Myanmar luôn có xu hướng lo ngại người ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Họ đã xây dựng nhà ở của mình ở địa điểm dọc đồng bằng Irrawaddy – nơi có các dãy núi lớn bao quanh. Sự tự cô lập đó tiếp tục thể hiện đến tận bây giờ.


Những hoạt động tuyên truyền chính thức ở Myanmar vẫn thường có cái nhìn ngược lại về lịch sử, để che chắn và đổ lỗi cho tình hình kinh tế, an ninh của đất nước hiện nay là do hậu quả của chủ nghĩa thực dân Anh để lại. Trong khi đó, Việt Nam – nói như lời của một cựu nhà báo – là biết học từ quá khứ và hướng về tương lai.


Tại Myanmar, Phật giáo là tôn giáo chính thức. Phật giáo có mặt ở mọi khía cạnh đời sống của người dân nước này. Từ sáng sớm, người ta đã dậy để chuẩn bị thức ăn, đặt vào bát cho các nhà sư khất thực đứng xếp hàng lặng lẽ và trật tự. Một nhà sư lớn tuổi ở Yangon nói với tôi rằng, văn hoá nào cũng cần có tôn giáo. Phật giáo cho phép người Myanmar cảm thấy thư thái và tự do trong lòng, tránh khỏi những điều phiều toái từ thực tế đang vây quanh họ.


Nhiều lúc, tôi có cảm giác, lựa chọn tốt nhất đối với thanh thiếu niên nông thôn ở Myanmar là hoặc trở thành nhà sư, hoặc là nhập ngũ. Trở lại thị trấn Nyaungshwe – nơi trận đấu chung kết giữa Việt Nam và Thái Lan đang diễn ra. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên với chiến thắng thuộc về đội tuyển Việt Nam, người đàn ông bình luận: “Chúng ta không giành chiến thắng bởi vì chúng ta không có một đội tuyển như Việt Nam”.


Terry Hartney từng là biên tập viên tiếng Anh cho tờ Vietnam News. Hiện ông đang là Giám đốc dự án cho Chương trình quản lý tăng cường pháp luật khu vực Châu Á, chuyên gia giao tiếp đa văn hoá, Đại học RMIT.