Trang chủ Diễn đàn Khất thực: Biến thái, lố bịch, xuyên tạc Phật giáo

Khất thực: Biến thái, lố bịch, xuyên tạc Phật giáo

385

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đạo hữu Minh Thạnh, đạo hữu có xem các video clip khất thực tập thể được tổ chức ở Kiên Giang với sự tham dự đông đảo tu sĩ và Phật tử không? Thật là hoan hỷ!

MINH THẠNH: Riêng tôi, tôi có quan điểm ngược lại. Đó là hiện tượng dị dạng của đạo Phật, thể hiện một đạo Phật suy thoái, bế tắc, lầm lạc, quái gỡ.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Mô Phật! Sao đạo hữu lại nghĩ vậy. Tất cả mọi ý kiến đều thống nhất là “lành thay”. Khất thực vốn là một truyền thống lớn của Phật giáo thế giới, đạo hữu không thể phủ nhận được.

MINH THẠNH: Xin hỏi lại đạo hữu, trong truyền thống Phật giáo thế giới, khất thực là xin ăn hay xin tiền?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Chữ “thực” trong “khất thực” là thức ăn, khất thực là xin ăn, không phải xin tiền.

MINH THẠNH: Ở các nước Phật giáo Nguyên thủy, như Lào chẳng hạn, cái mà Phật tử đặt vào bình bát của tu sĩ Phật giáo là đồ ăn hay tiền?


NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đặt bát là đặt thức ăn, không phải đặt tiền. Bình bát là dụng cụ của người tu hành Phật giáo, dùng để nhận và chứa thức ăn để dùng trước giờ ngọ (12 giờ trưa), không phải là dụng cụ để nhận tiền, như các thùng tiền từ thiện thường thấy khi người ta mang đi quyên góp.

MINH THẠNH: Như vậy, đạo hữu cho rằng nói đi khất thực, nhưng dùng bình bát Phật chế dùng thức ăn để nhận tiền, nhận quà, là đúng hay sai?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trong câu hỏi cụ thể này, đó là sai.

MINH THẠNH: Trong truyền thống khất thực Phật giáo, bình bát có phải làm càng to càng tốt để xin nhiều đồ ăn không?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Bình bát được làm với kích thước cố định. Trong Phật giáo Bắc tông, bình bát trở thành vật tượng trưng hơn là vật sử dụng hàng ngày, cho nên được làm càng nhỏ hơn nữa, chỉ lớn hơn cái tô một chút.

MINH THẠNH: Trong đạo Phật, mục tiêu của việc làm bình bát kích thước cố định là gì?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Theo Kinh Phật, đó là ăn có định lượng, nghĩa là mỗi ngày chỉ ăn một bữa và chỉ ăn giới hạn số lượng thức ăn chứa trong bình bát mà thôi.

MINH THẠNH: Đạo hữu cho là ăn mỗi ngày như thế có đủ không?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Cũng tùy người, nhưng Đức Phật dạy rất rõ về “tam thường bất túc” (ba loại thường không đủ). Trong ba loại đó có ăn không đủ.

MINH THẠNH: Trong truyền thống khất thực của đạo Phật, ăn một bữa nhưng nếu sáng ăn không hết, có để dành sang buổi chiều hay sang hôm sau không?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tuyệt đối không. Trong Kinh Phật có những chỉ dẫn nếu ăn thức ăn khất thực không hết, nhưng đều không cho phép vị  tăng để ăn chiều hay ăn hôm sau. Khất thực bữa nào thì độ bữa đó trước 12 giờ (ngọ).


MINH THẠNH: Như vậy, nếu nói đi khất thực, nhưng dùng bình bát nhận tiền, nhận quà (hiện vật), rồi lại có thêm người đi kèm, mang theo một cái bao, tiền quà đầy bình bát thì trút vào bao để lại trống bình bát mà nhận thêm tiền, thêm quà, thì đúng hay sai?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tôi nghĩ là sai. Vì Đức Phật dạy tăng đoàn khất thực để đối trị với tinh thần làm giàu, tích trữ tài sản. Nơi tu hành cho tăng đoàn thời Đức Phật không xây dựng bếp ăn, không tổ chức phân công nấu nướng để dồn thời giờ vào tu học.

MINH THẠNH: Trong truyền thống khất thực của đạo Phật, khi bình bát đã đầy thì làm sao?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Khi khất thực, bình bát đầy, người tu sĩ phải quay về thọ thực. Nếu xin nhiều hơn cũng không được phép để tới chiều hay qua đêm, thì tất nhiên không xin nữa để làm gì?

MINH THẠNH: Vậy, như không biết, nếu vị tu sĩ nhận phải đồ ăn không ngon, không vừa ý, thì xử trí ra sao?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Người tu hành ai cho gì ăn đó. Nếu thức ăn không ngon, không vừa ý, cũng phải ăn hết.

MINH THẠNH: Thế thì đạo hữu nghĩ gì khi thấy Phật tử cúng tiền vào bình bát.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trước khi nói chuyện với đạo hữu Minh Thạnh, tôi thấy hoan hỷ. Nhưng bây giờ, tôi cần suy nghĩ lại. Nhưng thường thì Phật tử đặt bát chỉ bằng tiền lẻ, có sao đâu? Có gì to tát đâu?

MINH THẠNH: Đạo hữu có thấy phản cảm trong việc để tiền lẻ vào bình bát, vốn là dụng cụ đựng thức ăn không?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Bây giờ tôi thấy có phản cảm, vì ngoài việc làm không đúng lời dạy của Đức Phật, việc đó trông dơ dáy, không hợp vệ sinh, như để tiền lẻ vào chén dĩa vậy. Nhưng nếu quý thầy nhận tiền cúng dường khi đi khất thực bằng một hình thức khác, như cho thẳng vào túi xách thì cũng được. Trong Phật giáo, mọi người vẫn cúng tiền như thế mà?

MINH THẠNH: Điều đó còn tùy vào việc giữ giới ở từng vị. Tôi là Phật tử Phật giáo Nguyên thủy Theravada, đã thấy nhiều vị Hòa thượng Theravada giữ giới nghiêm ngặt, bằng cách không giữ tiền, vàng bạc trong người, không trực tiếp xài tiền, mua bán vàng bạc, không đeo dây chuyền, nhẫn, thậm chí đồng hồ đeo tay cũng không.

Theo tôi, nhận cúng dường tiền mặt, quý kim… dù sao cũng là phá giới. Nếu buộc phải nhận vì hoàn cảnh tu tập bây giờ có khác, thì cũng phải kín đáo, không nên trình bày, thể hiện như một nghi lễ. Càng không nên quay phim, chụp ảnh rồi tổ chức truyền thông.


Cũng như đối với việc quý thầy đàn ca, hát xướng. Nếu quá thèm khát điều đó, thì bây giờ, có thể làm ở nơi kín đáo, không nên đưa lên hội trường, chính điện hình ảnh thượng tọa ngả nghiêng với đàn guitar, hòa thượng lả lướt trên phím piano, chụp hình, ghi hình chiếu đi, chiếu lại.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đạo hữu nói thế nhưng khi đi chùa Phật giáo Nguyên thủy, tôi vẫn thấy Phật tử cầm tiền, không phải tiền lẻ, đặt trước mặt vị giảng sư trên pháp tòa?

MINH THẠNH: Nhưng đạo hữu có thấy vị giảng sư thu tiền đó bỏ vào túi cầm đi?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Không. Một người khác, là cư sĩ bước lên thu.

MINH THẠNH: Tiền cúng đó cũng như bỏ vào thùng phước điền. Tu sĩ thuyết pháp không được nhận cho vào túi, cũng như tu sĩ khất thực không được nhận tiền bỏ vào bình bát. Điều đáng tiếc, là trong những video clip gởi cho tôi xem, việc đó diễn ra như một nghi lễ, tất cả mọi người đều nhất trí thực hiện, quay video, chụp ảnh truyền thông rộng rãi việc cho tiền vào bình bát, rồi chuyển vào túi cất đi.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Người trong Phật giáo, từ tăng ni cho đến Phật tử, đều thống nhất như vậy, đều hoan hỷ, ngợi ca, sách tấn nhau cùng làm việc đó, thì đâu có gì sai, đâu phải chui nhủi, lén lút gì đâu? Chỉ có một mình đạo hữu có ý kiến như thế mà thôi?

MINH THẠNH: Điềm không lành cho đạo Phật là việc thống nhất với nhau biến sai thành đúng đó. Lời dạy của Đức Phật đã bị thực hiện một cách biến tướng, dị dạng trong sự nhất trí cao độ, nhất trí tuyệt đối, nhất trí mạnh mẽ.

Hình ảnh tu sĩ Phật giáo dùng bình bát nhận tiền làm cho tôi liên tưởng với cảnh thu tiền thau trong nhà thờ. Nhưng thau, rổ, mũ…, vật đưa ra để thu tiền, nhận tiền trong nhà thờ không phải là vật có ý nghĩa thiêng liêng như bình bát nhà Phật, cũng không phải là vật được dùng sai chức năng, sai giáo lý. Hơn nữa, linh mục không bao giờ hạ mình đi thu tiền thau, mà người thu tiền cũng chỉ là con chiên.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đạo Phật cũng là tôn giáo, nên tu sĩ Phật giáo nhận tiền và hiện vật quyên góp cũng đâu có sai. Họ có thể dùng tiền, quà nhận được để giúp đỡ người nghèo?


MINH THẠNH: Nếu vậy thì sao lại nói là khất thực, lại dùng bình bát nhưng sai chức năng? Như thế thành ra phạm một giới khác nữa, là vọng ngữ. Có một chút đồ ăn nào đâu mà nói là khất thực?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Cũng có thể có mì gói, đồ hộp.

MINH THẠNH: Đạo hữu, thành tố “thực” trong từ khất thực đã được Đức Phật định nghĩa rõ ràng và đạo hữu đã xác định lại không để đến chiều, không để hôm sau ăn.

Chẳng lẽ bây giờ chư tăng Phật giáo Nguyên thủy khất thực mì gói, đồ hộp, thực phẩm chế biến để dành ăn từ từ?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: À không! Tôi thấy Phật tử cúng cơm, cúng xôi, có khi nhiều món, có cả canh đặt trong một cà mên nhiều ngăn.

MINH THẠNH: Đó mới là khất thực đúng với đạo Phật. Còn nếu tổ chức vận động quyên góp tiền bạc, vật phẩm ủng hộ trên đường phố, trong đó có đồ ăn chế biến công nghiệp thì nên chính ngữ, gọi đúng tên của việc làm đó. Tuyệt đối không gọi đó là khất  thực, không tiến hành trong hình thức khất thực, không dùng bình bát.

Khi đó, tăng chúng có thể dùng thậm chí một xe tải để chở theo thùng phước điền và nhận đủ loại hiện vật chư tăng quyên góp tiền bạc, vật phẩm, vào hoàn cảnh bây giờ vẫn đúng. Chỉ sai là ở chỗ gọi đó là khất thực!

Khất thực là một giá trị riêng của Phật giáo đã được xác định trong giáo lý, hoàn toàn khác với hoạt động quyên góp, vốn là hoạt động chung của các tôn giáo.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng đạo hữu lại nói việc các vị đại đức, thượng tọa, hòa thượng nhận tiền cúng dường nên kín đáo, tế nhị, vì vướng giới luật của Phật, mà bây giờ cho rằng có thể vận động quyên góp trên đường phố.

MINH THẠNH: Thực ra, chính vị tăng sĩ nhận tiền và vật phẩm chứ không ai khác. Nếu mình đứng ra xin và có mặt khi nhận, cũng như người cho tiền quà nói là cho mình, thì mình vẫn phải chịu trách nhiệm.

Nhưng vì vướng giới luật nên cần có một cách trình bày thích hợp, như Phật giáo Bắc tông gọi bữa ăn chiều là dược thực, hay dược thạch, coi như cực chẳng đã phải uống thuốc để chữa bệnh vậy.

Cụ thể, người tu sĩ vận động quyên góp nơi công cộng không nên trực tiếp tự tay nhận tiền, quà, mà người tiếp nhận, quản lý nên không phải là tu sĩ.

Đó là xét đến yêu cầu thực tế một cách toàn diện. Nhưng theo tôi, trong sự cân nhắc, tu sĩ Phật giáo không nên vận động quyên góp trên đường phố.


NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tại sao?

MINH THẠNH: Vì làm vậy là tạo môi trường để sư giả phát triển. Có khác gì đâu đối với những người trong y phục tu sĩ Phật giáo, đầu cạo trọc, xin tiền trên đường phố (đó là nói trường hợp không dùng bình bát, không gọi khất thực).

Còn nếu sư thật quyên góp trên đường phố, sư giả cũng quyên góp trên đường phố, nhưng sư giả mang bình bát, thì xem ra sư giả lại có ưu thế hơn.

Sự thật tổ chức quyên góp trên đường phố càng nhiều, thì môi trường quyên góp đối với sư giả càng rộng mở.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Nhưng hiện nay quý hòa thượng, thượng tọa, đại đức chỉ khất thực khi được cho phép. Nên chỉ sư giả mới sai thôi.

MINH THẠNH: Vậy xin đạo hữu chỉ ra pháp luật cụ thể quy định cấp phép khất thực, đơn vị cấp phép, mẫu giấy phép, quy định kiểm tra giấy phép?

Vì khất thực hay quyên góp, nếu thực hiện trên đường phố, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có thẩm quyền cấp phép đâu. Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp phép là vi phạm pháp luật, vì đường phố không phải đặt dưới sự quản lý của Giáo hội.

Có những địa phương đã ban hành quy định cấm người ăn xin trên đường phố, thì xin tiền, xin ăn, xin đồ vật dưới mọi hình thức đều bất hợp pháp.

Còn nếu xin chính quyền cấp phép, thì có lẽ, nếu có công văn cho phép, sẽ chỉ áp dụng cho từng trường hợp một. Thành ra, việc đi xin thành một việc hệ trọng.

Nhưng vấn đề là tạo môi trường cho sư giả, tức để cho họ trục lợi nếu làm như vậy, dù chắc chắn họ không có phép. Không lẽ, chính quyền quy định mỗi khi khất thực phải niêm yết giấy phép? Không thể làm điều đó, mà chính quyền cũng chỉ cấp phép khất thực hay quyên góp trong khuôn khổ một lễ hội Phật giáo, chứ không thể cấp phép riêng cho từng cuộc khất thực hay quyên góp, vì không có quy định pháp luật và làm như thế lại chẳng khác gì góp phần vận động cho việc xin đó (dù thức ăn, tiền, hay vật phẩm).

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Như đạo hữu nói, thì khất thực như chùa Sóc Xoài, Kiên Giang trong khuôn viên chùa, thể hiện qua video clip là tốt?

MINH THẠNH: Tốt, nếu đừng gọi khất thực, đừng thể hiện như khất thực, đừng dùng bình bát đựng tiền, đừng trải thảm đỏ.


NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trải thảm đỏ cho trang trọng cuộc lễ mà đạo hữu cũng ý kiến?

MINH THẠNH: Khất thực trong truyền thống đạo Phật không phải là cuộc lễ, mà là một phần sinh hoạt hàng ngày, là thực tiễn những quy định trong đời sống người tu sĩ, không nên thể hiện thành cuộc lễ, trái với nội dung giáo lý.

Điều chắc chắn là thời xưa, Đức Phật và tăng đoàn đi khất thực chân trần, trên nền đất, không trên thảm đỏ.

Nếu thể hiện khất thực chỉ như là việc biểu diễn một truyền thống tôn giáo, thì cũng không nên dùng thảm đỏ, vì điều đó xa lạ với truyền thống, không trung thực với truyền thống.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Trong đạo Phật hiện nay, không ai nói như đạo hữu cả, mà hãy xem đó, video thể hiện đến hàng ngàn người cúng tiền vào bình bát.

MINH THẠNH: Đạo hữu không thể bác ý kiến của tôi bằng thực tế và số đông, trong khi tôi căn cứ vào giáo lý. Thực tế hàng ngàn người đó, cả tăng ni và Phật tử đã thực hiện hành vi bác bỏ giáo lý nhà Phật. Đó là một biểu hiện của Phật giáo Việt Nam suy thoái, mạt vận.

Để chấn hưng Phật giáo thì phải trở về những nguyên tắc căn bản của giáo lý. Phật dạy thế nào thì thực hiện đúng như thế. Sửa đổi là không còn đạo Phật nữa.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ngày nay, ở Việt Nam, việc khất thực phức tạp khó khăn như vậy, thì lâu lâu tổ chức khất thực thì cũng tốt?

MINH THẠNH: Tốt, nhưng đó không phải khất thực, dù chỉ xin ăn và dùng bình bát để đựng thức ăn, mà chỉ là phục dựng hoạt động khất thực, là “show” khất thực, biểu diễn khất thực, không phải khất thực thật sự. Đức Phật không dạy khất thực một năm vài lần để quay phim, chụp ảnh.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Như vậy, đạo hữu cho rằng ngày nay ở Việt Nam không còn khất thực thật sự?

MINH THẠNH: Còn và vẫn có thể thực hiện trong hoàn cảnh nào đó, nếu điều kiện tín đồ cho phép.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Xin đạo hữu nói cụ thể hơn?


MINH THẠNH: Tôi thấy trong thôn xóm người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ, nhiều gia đình vẫn xớt bát cho lục (tăng sĩ, theo cách gọi của người Khmer), với những điều kiện y như giáo lý quy định. Nhưng đúng ra, không được cúng thức ăn bằng cà mên mà phải đặt vào bình bát.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Có một tiểu tiết nhỏ như vậy mà đạo hữu cũng phê bình!

MINH THẠNH: Vậy Đức Phật chế định ra bình bát làm chi và đến bây giờ chiếc bình bát vẫn lưu truyền làm gì? Tôi xem trên kênh TVK (Truyền hình Quốc gia Kampuchia) thấy Phật tử chở cả xe cà mên đến chùa cúng dường, vậy cũng không hợp giáo lý.

Cúng dường khất thực có thể tại nhà riêng, tại chùa, trên đường phố, nhưng đều phải đặt thức ăn vào bình bát.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Xem thế thì đối với Việt Nam, việc khất thực thật sự không thể thực hiện được, vì làm thế như đạo hữu nói, “tạo môi trường cho sư giả”.

MINH THẠNH: Thực hiện được, vì đâu phải khất thực là nhà sư sắp hàng một rồi đi vòng vòng ngoài đường, hay túa ra đi vào bến xe, vào chợ, để tạo hình ảnh làm môi trường cho sư giả.

Một vị tu sĩ Phật giáo hàng ngày có thể ôm bình bát đến những địa chỉ Phật tử nhất định nhận thức ăn hiến cúng.

Trước đây nhiều năm đi ngang chùa Kỳ Viên khoảng 10 giờ sáng, tôi vẫn thấy một vài vị sư ôm bình bát đứng khất thực ngay trên bậc thềm tam quan chùa. Vẫn thấy có Phật tử tới đặt bát. Rất đúng với tinh thần kinh Phật. Tất nhiên là phải làm mỗi ngày.


Còn vài năm, vài tháng, có một buổi sáng, các vị sư kéo ra đường, dùng bình bát nhận tiền, nhận quà, nhận đầy rồi đổ bình bát vào bao để nhận tiếp, là không phải khất thực mà chỉ là biến tướng.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Xin hỏi một câu cuối cùng. Khất thực là việc giữ giới của sadi, tỳ kheo, là tăng sự. Sao đạo hữu lại có ý kiến như vậy đối với tăng sự?

MINH THẠNH: Người cư sĩ là một thành tố trong hoạt động khất thực. Khất thực có thể tiến hành trên đường phố, tại nhà riêng cư sĩ Phật tử, nên không phải là việc thuần túy tăng sự.

Trong khất thực, nếu người nhận sai, nhận tiền, nhận vàng, bạc, hiện vật, người Phật tử có phần trách nhiệm. Đó là trách nhiệm của người tặng cho, người tham gia hoạt động cho – nhận.

Và nếu chính ngữ, thì đối với việc diễn ra trước mắt đã nhìn thấy, trực tiếp, qua hình ảnh, qua video…, thì không thể nói sai là đúng, hoặc im lặng cho rằng sao cũng được.