Trang chủ Tuổi trẻ Khoá học hè tại chùa Phật Quang: Bài học Luật Nhân quả

Khoá học hè tại chùa Phật Quang: Bài học Luật Nhân quả

204

Vào bài học, Đại đức kể những câu chuyện có video clip trình chiếu hình ảnh để minh họa cho lời giảng dạy của mình làm các em dễ tiếp thu. Sẵn sàng đón nhận bài học giáo lý đầu tiên của khóa học hè.

Để dẫn dắt các em vào bài, Đại đức nêu lên một số câu hỏi gợi ý. Ví dụ: trong cuộc sống của mỗi con người chúng ta, các em có biết tại sao một người sinh ra trong một gia đình giàu có, một đứa trẻ sinh ra lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, có người sinh ra thì đẹp, có người sinh ra thì dung mạo xấu xí. Có người đi đến đâu cũng được người ta thương yêu, kính trọng, nhưng cũng có người mới gặp lần đầu mà ta đã thấy ghét họ. Lý do tại sao như vậy? 

Hoặc cũng có những người siêng năng làm phước, làm những điều có lợi và có ích cho cộng đồng, nhưng tại sao trong đời sống họ vẫn gặp những điều khó khăn, bất lợi đến với họ. Ngược lại có người rất ác nhưng họ lại giàu. Còn có những người luôn sống một đời lương thiện, thật thà, thẳng thắn, thì lại nghèo khó? Lý do tại sao? Muốn hiểu rõ vấn đề này thì hôm nay chúng ta sẽ học bài Luật Nhân Quả. Vậy Nhân quả là gì? 


Sự thật, chúng ta giàu có, thông minh, xinh đẹp, đáng yêu hay nghèo khó, xấu xí, ngu dốt đều do nhân quả đã gieo trồng. Tức là, ta gieo nhân tốt thì gặt quả báo tốt, gieo nhân xấu thì gặp quả báo xấu. Tuy nhiên, những yếu tố khác như thời gian, quá trình chăm sóc cũng tác động rất lớn. Nhiều người làm việc tốt nhưng vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống là vì vậy.

Theo đó, thầy đưa ra các câu hỏi để các em tự trả lời: ví dụ: “Nhân quả là gì?” Rất nhiều cánh tay giơ lên, thầy cho các em phát biểu, rồi sau đó tổng hợp lại ý kiến của các em. Để làm rõ vấn đề “Nhân quả”, thầy định nghĩa “Nhân” là nguyên nhân, cái mình đã gây tạo, “Quả” là kết quả, cái mình sẽ nhận lấy. Hiểu đầy đủ thì “Nhân quả” là quy luật tự nhiên, mang tính chất khách quan, công bằng của vũ trụ, nó chi phối tất cả chúng sinh. Ngoài ra, nó còn phản ánh mối quan hệ giữa những gì ta gặp phải trong cuộc sống với những gì ta đã gây tạo.

Kế đến, thầy giới thiệu cho các em biết “Nhân quả” có 5 đặc tính riêng biệt: 

Thứ nhất là công bằng tuyệt đối, không trừ bất kì ai. Nhân quả có quy luật riêng, không giống với các quy luật khoa học khác nên ta gieo nhân gì thì gặt quả đấy. Dù là người nghèo hay giàu, người xinh hay xấu, người cao hay thấp,… đều chịu sự chi phối của nó. Ngay cả Đức Phật cũng không ngoại lệ. Vì 500 kiếp trước, do lỡ tay giết bọn cướp trên tàu để cứu 20 hành khách, nên khi Ngài đang ngồi cùng đại chúng thì bị lưỡi dao vàng từ trên rơi xuống cắt đứt chân.


Thứ hai, một nhân không thể sinh ra quả. Ta thấy, khi gieo bất kì một hạt giống nào cũng cần phải có đất, nước, khí hậu thuận lợi, thời gian chăm sóc thì mới nảy mầm được. Cái nhân ta gieo cũng vậy. Cái nhân thiện muốn nảy mầm được thì phải đúng với đạo lí, mang lại lợi ích lâu dài cho nhiều chúng sinh. Không muốn quả báo xấu xuất hiện thì đừng gieo cái nhân ác, kể cả là một hành động nhỏ nhất hay một suy nghĩ thầm kín.

Thứ ba, trong nhân có quả, trong quả có nhân. Quả hiện tại hàm chứa nhân quá khứ, nhân hiện tại hàm chứa quả tương lai. Chúng ta sống trong luân hồi, tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác. Cái chúng ta mang theo qua mỗi kiếp chính là phước và nghiệp. Vậy nên mới có chuyện người đầu thai vào nhà giàu, người đầu thai vào nhà nghèo; người sinh ra được yêu thương, người sinh ra bị ghét bỏ,..

Tuy nhiên, con đường từ nhân đến quả dài ngắn khác nhau. Có quả báo xuất hiện ngay trong kiếp này, có quả báo phải vài kiếp sau mới đến. Thế nên, nhiều người chủ quan, không tin vào nhân quả, chuyện gì hay thì nghĩ do mình giỏi, chuyện gì xấu thì đổ thừa cho số phận. Nên biết, dù biết đạo hay không, chúng ta vẫn phải tin rằng nhân quả là có thật. Để làm rõ điều này, thầy chỉ ra bốn lí do:

Thứ nhất, dù con người có tin hay không thì nhân quả vẫn là quy luật của tự nhiên, tự xuất hiện và tồn tại một cách khách quan. Vậy nên, Đức Phật là người phát hiện và giảng dạy về nhân quả, và bằng thiên nhãn Ngài đã thấu suốt Nhân quả của tất cả chúng sinh.

Đức Phật đã từng khẳng định rằng vũ trụ này cùng tất cả muôn loài chúng sinh được hình thành và tan biến đi là do cộng hưởng bởi nhân duyên, nghiệp báo của từng chúng sinh gây tạo, chứ hoàn toàn không có thượng đế thần linh nào sáng tạo ra cả. Các vị thần linh và thượng đế cũng là những chúng sinh như con người, nhưng phước báo và uy lực cao hơn con người. 

Nếu họ tiếp tục làm phước tu tập thì sẽ được sinh lên cõi giới cao hơn. Ngược lại họ hưởng hết phước thì cũng trở lại làm người. Nếu con người tạo những điều lành thì thế giới sẽ bình yên và phát triển an lành tốt đẹp, ngược lại nếu làm những điều ác độc giết hại lẫn nhau thì thế giới này hủy diệt.

Thứ hai, ta tin vào nhân quả để tin vào sự công bằng, tránh mê tín dị đoan hay tin vào thần quyền.

Thứ ba, tin vào nhân quả để bình thản trước mọi hoàn cảnh dù tốt hay xấu. Tin nhân quả, ta biết tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết thỏa đáng trước mọi tình huống.

Thứ tư, tin nhân quả để bản thân không dám làm việc xấu, cố gắng làm nhiều việc thiện để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đồng thời, biết ủng hộ cái thiện, biết lên án, bài trừ, phê phán cái ác. Hễ ta nói điều ác, làm điều ác gây tổn hại đến sự sống của muôn loài chúng sinh thì quả báo ác sẽ đến trong hiện tại và tương lai. Ngược lại, nếu ta nói điều thiện, siêng làm điều thiện, thương yêu giúp đỡ con người, mang lại sự lợi lạc an vui cho chúng sinh thì ta sẽ được kết quả an vui hạnh phúc.

Thầy cho rằng: việc các em biết từ bỏ các cuộc vui chơi để đến chùa tham gia khóa hè, học hỏi các kĩ năng sống, đạo đức làm người cũng như Phật pháp chính là một biểu hiện của việc tin nhân quả. Đây là các em đang gieo một cái nhân lành cho mình. Nếu biết thực hành, vận dụng những điều học được hôm nay vào cuộc sống, chắc chắn các em sẽ thu được rất nhiều thành quả tốt đẹp cho bản thân và xã hội.

Bên cạnh đó, thầy cũng chỉ ra rất nhiều cái nhân lành, giúp các em có nhiều phước báu, thông minh, được mọi người yêu quý như: biết tôn kính Phật, biết khiêm hạ, biết yêu nước, biết tôn trọng thầy cô giáo, hiếu kính với cha mẹ, biết tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tuân thủ luật giao thông, v.v…

Đi sâu hơn chút, thầy giảng cho các em biết: người nói sai luật nhân quả thì sao? Theo đó thầy kể cho các em nghe câu chuyện: thời Tổ Bá Trượng có một ông già, kiếp xưa là một vị Tăng, vì hiểu sai và nói sai Luật Nhân Quả mà bị đọa 500 kiếp làm chồn. Nhờ Tổ Bá Trượng khai thị cho, ông mới bừng ngộ và thoát kiếp chồn. Qua câu chuyện này, các em được hiểu thêm rằng: Ngay cả những vị tu hành đắc đạo cũng bị Luật Nhân Quả chi phối, nhưng các vị đó đủ trí tuệ để thấy rõ đường đi của Luật Nhân Quả.


Để các em hiểu rõ hơn về nhân quả và biết cách tạo phước, thầy dạy cho các em biết điều thiện cao đẹp nhất trong tâm là lòng tôn kính Phật. Nhân đây, thầy dẫn dắt các em bằng cách hỏi Đức Phật có những nét đẹp nào? khi mình tôn kính đức Phật thì được quả gì? Thế là các em tự liệt kê: “Đức Phật có 32 tướng tốt, có lòng từ bi vô lượng; có trí tuệ vô biên; lòng khiêm hạ tột cùng…”.

Tiếp nối, thầy giải thích cho các em nghe: Đức Phật có trí tuệ vô biên. Ngài được mệnh danh là “Thế gian giải” nghĩa là biết hết mọi điều trên thế gian, sâu thẳm trong tâm từng chúng sinh. Đức Phật có thần thông quảng đại. Không ai có được thần thông phi thường như đức Phật. Điều này đã được thể hiện rõ trong Đỉnh Núi Tuyết – Tập 22. Ngài còn có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp của một bậc Thánh giác ngộ… Qua đó nhấn mạnh: theo nhân quả, khi chúng ta khởi được lòng tôn kính Phật thì chúng ta được thông minh, trí tuệ, lòng từ bi tăng trưởng, và có diện mạo khả ái, được nhiều người quan tâm, yêu quý, giúp đỡ, v.v…


Sau cùng, thầy kết thúc bài giảng bằng cách tóm lược lại những ý chính. Và chúc các em Khóa sinh luôn nhìn ra được nhân quả một cách thấu đáo, sâu sắc, tin sâu nhân quả, đồng thời dẫn dắt bạn bè cùng tin vào Luật Nhân Quả, để nhiều kiếp về sau tất cả mọi người đều có được nhận thức đúng đắn về nhân quả, ai cũng biết bỏ ác làm lành, cùng xây dựng cuộc đời trở nên hiền lương, thánh thiện.

Tóm lại, bằng rất nhiều ví dụ gần gũi, Đại đức đã giúp các em hình dung và hiểu được những đạo lí cơ bản nhất của Luật Nhân Quả. Từ đây, các em biết nhận diện từng hành vi của mình, tích cực thực hành những điều thiện, tránh xa những điều ác. Đồng thời, biết giúp đỡ các bạn khác để cùng nhau tạo dựng một môi trường thân ái, tốt lành./.