Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Không nên xây tháp thờ trái tim Bồ tát Quảng Đức ở...

Không nên xây tháp thờ trái tim Bồ tát Quảng Đức ở vùng hẻo lánh – Bài 1

134

1) Xây tháp thờ trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tại trung tâm Phật giáo mới ở Bình Chánh là một kế hoạch có vẻ hợp lý

Vừa qua, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã thông qua kế hoạch xây dựng bảo tháp thờ phượng trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức tại trung tâm văn hóa Phật giáo, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM. Đây sẽ là bảo tháp Phật giáo cao nhất trong số các tháp chùa tại TPHCM, tất nhiên sẽ được đầu tư tối đa trong việc trang trí để trở thành một trong những công trình kiến trúc Phật giáo đẹp nhất tại TPHCM, và cũng là của cả nước.

Xây tháp thờ xá lợi Phật là điều được chỉ dẫn rất rõ trong Kinh Phật. Tại trung tâm giáo dục Phật giáo đang xây dựng tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM, Phật giáo Việt Nam xây dựng một bảo tháp bề thế, nguy nga, lộng lẫy, tôn thờ quả tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức, một dạng thức xá lợi, là điều có vẻ hợp lý. Kiến trúc bảo tháp Hòa thượng Thích Quảng Đức, với giá trị cao của nó, sẽ bổ sung vào quần thể kiến trúc mới gồm chánh điện, học viện… đang được xây dựng tại đây, sẽ làm nâng giá trị chung của quần thể kiến trúc Phật giáo, thu hút khách chiêm bái thập phương, góp phần tạo nên một danh lam thắng tích mới của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo TPHCM nói riêng.

2) Tuy nhiên, sẽ phát sinh một số vấn đề

Xét vấn đề ở 2 nội dung chính: địa điểm và kiến trúc tháp, chúng tôi thấy cần trao đổi một số ý kiến như sau:

2.1 Địa điểm:

Trước đây một vị tôn đức giáo phẩm Phật giáo TPHCM có nói đến dự kiến xây dựng bảo tháp Hòa thượng Thích Quảng Đức ở trung tâm TPHCM. Nay một vị tôn đức giáo phẩm khác lại đề xuất một địa điểm ngoại thành, hẻo lánh, cách biệt khu trung tâm, xa các trung tâm trục giao thông chính, một thời được xem là vùng sâu, vùng xa, khi kinh tế mới của thành phố. Tuy nhiên, kế hoạch này lại được chấp nhận.

Trong 2 đề xuất địa điểm hoàn toàn trái ngược nhau như trên, phải có một cái là ưu việt hơn, và tất nhiên phương án còn lại là không nên. Chúng tôi nghĩ rằng xây dựng bảo tháp được coi là công trình kiến trúc Phật giáo cao nhất thành phố và thuộc loại đẹp nhất thành phố, đương nhiên cũng thuộc vào loại công trình Phật giáo quy mô nhất nhì cả nước, tại một vùng nông thôn ngoại thành hẻo lánh, xa các quốc lộ, vắng vẻ, heo hút, là vùng kinh tế mới trước đây của thành phố, là một điều lãng phí rất lớn.

Xu hướng xây dựng tượng Phật, tháp Phật, chùa Phật ở nơi vắng vẻ, heo hút, hoang sơ là điều bình thường trong quá khứ của Phật giáo Việt Nam. Nhưng đó là điều thường diễn ra trong giai đoạn suy thoái của Phật giáo Việt Nam (thế kỷ XIV-XIX). Trong khi đó, thời Phật giáo hưng thịnh, thì những công trình Phật giáo quy mô đã được xây dựng ở trung tâm kinh thành Thăng Long. Chùa Một Cột nơi vùng đất trái tim Ba Đình, Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu.

Đưa các công trình Phật giáo vào khu trung tâm là xu thế của chấn hưng Phật giáo. Vì thế Sài Gòn có chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Quảng Đức ở khu trung tâm, trong giai đoạn những thập niên sau của chấn hưng Phật giáo.

Nhận thức đưa chùa chiền vào khu trung tâm, khu đông dân cư để thuận tiện cho việc hóa độ, hóa độ có hiệu quả số đông, là một bước tiến mới của chấn hưng Phật giáo, là nhận thức theo kịp tầm thời đại của tăng ni Phật tử. Những ngôi chùa khu trung tâm và khu đông dân cư TPHCM rõ ràng đã giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoằng pháp. Tọa lạc ở khu trung tâm, ngoài chức năng tạo thuận lợi cho việc tu học đối với tăng ni Phật tử, kiến trúc Phật giáo còn có giá trị biểu tượng cho Phật giáo Việt Nam, mang lại không những lợi ích về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Người Phật giáo chúng ta nghĩ sao về nhận định sau đây của linh mục Thiện Cẩm trong sách “Giáo hội giữa dòng đời”, Câu lạc bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình, không thông tin xuất bản thường quy, trang 59: “Tôn giáo nào cũng tìm cách đưa thần thánh vào trong đền thờ và đền thờ thường đặt ở những nơi hẻo lánh, trên cao, xa dân. Đạo của chúa-làm-người đưa Thiên chúa vào giữa lòng thế giới, và là thế giới của những kẻ nghèo hèn, tội lỗi nhất…”. Chúng ta chú ý, cụm từ “Chúa-làm-người” có gạch nối ở giữa hàm ý nhấn mạnh, đề cao, đối lập với thần thánh khác, không làm người, xa con người (?)

Trong Phật giáo, tư duy đưa cơ sở tôn giáo về nơi hẻo lánh, xa dân… chỉ còn là tư duy của một thời. Vì vậy, những người theo các tôn giáo khác đừng tự phụ và khinh thường, nghĩ rằng Phật giáo Việt Nam chỉ có tư duy “hẻo lánh”, “xa dân” của thời suy thoái, mà với kết quả của chấn hưng Phật giáo, đã có không ít ngôi chùa lớn, mang tính biểu tượng, được xây dựng ở khu trung tâm các thành phố, giữa lòng dân cư.

Nay nếu xây một công trình Phật giáo lớn vào loại bậc nhất cả nước ở khu thôn quê hẻo lánh, dân cư thưa thớt, thì e là đã đi ngược lại với tinh thần chấn hưng Phật giáo.

Khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, có thể coi là địa phương hẻo lánh trắc trở nhất của TPHCM, chỉ hơn Cần Giờ, chia cách bằng đường phà. Ở khu thôn quê vắng vẻ, hoang hóa, cằn cỗi, chua phèn, thực vật chính chỉ là cây bạch đàn, loại cây mọc được trên đất xấu, cách xa quốc lộ này, thì có thể xây dựng trường học nội trú biệt lập hay tu viện cách ly, hoàn toàn không thích hợp cho một công trình biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay, tượng Phật công cộng ở TPHCM chỉ có duy nhất tượng Bồ tát Thích Quảng Đức được dựng ở khu trung tâm, nhưng lại không phải do Phật giáo xây dựng, mà do nhà nước cung hiến. Điều đáng buồn này cũng là điều đáng mừng, vì qua việc xây dựng như thế, nhà nước đã tạo một hình mẫu cho Phật giáo, là nên xây dựng công trình biểu tượng ở nơi đông dân, trung tâm. Tiếc rằng, nếu đưa tháp Bồ tát Thích Quảng Đức ra vùng hẻo lánh là hoàn toàn đi ngược lại tư duy xây dựng tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức, mà chúng ta đã có mẫu mực, và tác dụng của nó quá rõ ràng, hiển nhiên.

Số lượng người đến chiêm bái ở một nơi là công viên trung tâm quận 3, trên một giao lộ 2 trục đường chính thành phố chắc chắn sẽ vượt xa một công trình dù có đẹp cách mấy nhưng cách trung tâm thành phố hơn 20km, xa quốc lộ dân cư thưa vắng.

Bồ tát Thích Quảng Đức không chỉ là một vị Phật, mà còn là một người hùng. Sự hy sinh của ngài là một điều mầu nhiệm, mà di vật trái tim bất diệt là một minh chứng. Nên nghĩ đến điều này khi xây tháp thờ ngài. Đây không chỉ là chuyện bàn thờ, hương khói, lễ lạy, cúng bái, hoa quả. Nếu chỉ nghĩ như thế thì e rằng chỉ đến tầm thầy cúng.

Tư duy cần có ở nhà lãnh đạo Phật giáo là thấy được ở Bồ tát Quảng Đức tác động mạnh mẽ, thiêng liêng, nhiệm mầu đối với xã hội, với cộng đồng, với hậu thế. Huyền thoại và phép mầu ở ngài có thể đưa rất nhiều người đến với đạo pháp, tạo hiệu ứng hoằng pháp cao độ, nâng cao vị thế Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, đây không chỉ là chuyện thờ Phật, cúng bái, mà là làm sao tạo được tác động tinh thần đến với số đông. Vì thế, vấn đề trước hết là địa điểm, là số đông người có thể được tác động từ kiến trúc đó. Không có tầm tính đến tác động tinh thần của một biểu tượng linh thiêng như vậy, chính là đã hủy hoại đi sự linh thiêng đó.

Chúng ta có thể hình dung một tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức quy mô hơn, hoành tráng hơn, lộng lẫy hơn, không nhỏ hẹp như hiện nay, nhưng ở đâu đó huyện ngoại thành Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi… xa lắc xa lơ, thì liệu có cảnh sáng chiều không chỉ người theo đạo Phật đến lễ bái, dâng hương, mà còn đông đảo người dân đến tĩnh tâm, lắng lòng tìm về một cõi siêu thoát linh diệu, huyền nhiệm. Và cũng sẽ là điều thiệt thòi cho hàng trăm ngàn người qua lại hàng ngày không được ngắm pho tượng Bồ tát đại hùng đại lực, đại từ bi.

Phụng thờ Bồ tát Thích Quảng Đức trang nghiêm, đủ lễ thì chỉ là nhiệm vụ thầy cúng. Trách nhiệm của nhà lãnh đạo Phật giáo là duy trì và phát huy ảnh hưởng từ tinh thần Bồ tát Thích Quảng Đức, đưa sự hy sinh vĩ đại vào sự nghiệp hoằng pháp hôm nay. Do đó, ngôi tháp phụng thờ bảo vật thiêng liêng là quả tim bất diệt phải là biểu tượng tâm linh tác động đến số đông, đến toàn xã hội, như một minh chứng cho sức mạnh thiêng liêng của Phật giáo. Như thế không thể xây ngôi tháp như vậy ở vùng hoang vắng, hẻo lánh xa trung tâm.

Mai kia vùng thôn quê hẻo lánh đó sẽ là nơi dân cư đông đúc. Vậy thì phải chăng xây dựng bảo tháp Hòa thượng Thích Quảng Đức ở đó là một bước đi trước thời đại? Sẽ có ý kiến như vậy.

Câu trả lời là cho dù xã kinh tế mới Lê Minh Xuân trở thành một khu dân cư mới hiện đại như Phú Mỹ Hưng đi nữa, thì đó vẫn là khu ngoài trung tâm. Đó không phải là diện mạo tiêu biểu của TPHCM mà có phát triển lắm thì cũng chỉ là vùng ven, vùng vệ tinh, không thích hợp cho biểu tượng tầm vóc Phật giáo Việt Nam.

2.2 Tháp

Như đã nói, thờ xá lợi Phật bằng cách xây tháp là điều được hướng dẫn rõ trong kinh điển. Vì thế, sao lại đặt vấn đề đối với việc xây tháp thờ Bồ tát Thích Quảng Đức?

Chúng ta cần lưu ý đến trường hợp viên tịch đặc biệt của Bồ tát Thích Quảng Đức, một vị thánh tăng xả thân vì đạo Pháp và khi tự thiêu có những dấu hiệu phi thường. Xá lợi của ngài cũng rất đặc biệt, mà thế gian gọi là phép lạ: một quả tim lửa thiêu không cháy.

Nếu được xây dựng ở một nơi trung tâm, thuận tiên giao thông, đông dân cư, thì quả tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được rất nhiều người chiêm bái, cả trong lẫn ngoài nước.

Hình thức bảo tháp, với nơi tôn trí xá lợi ở đỉnh tháp, đương nhiên sẽ không dành một diện tích đủ để đông người chiêm bái, đảnh lễ.

Tháp cao, nếu dùng thang máy thì không phù hợp với tháp thờ, lại chiếm thêm diện tích. Còn dùng thang bộ, thì ngay như tháp Việt Nam Quốc Tự, người lớn tuổi, người bệnh vẫn không lên những tầng cao được.

Tháp cao là trở ngại đương nhiên cho khách chiêm bái, từ việc đáp ứng số lượng người đến phương tiện đi lên.

Xây bảo tháp để cho người chiêm bái, nhưng lại tạo những trở ngại khác, hạn chế số khách thăm viếng, thì đó là điều nên cân nhắc. Tầm nhìn của những nhà lãnh đạo Phật giáo cần dự kiến tất cả tình huống.

Ngoài ra một bảo tháp quy mô đồ sộ, hoành tráng, lộng lẫy, chăm chút trang trí vươn cao lồng lộng giữa một vùng nông thôn nghèo khó, dân cư phần lớn là người đi kinh tế mới, đất đai cằn cỗi, sinh hoạt khó khăn, cũng là điều cần thấy trước. Sự tương phản có tính chất giàu nghèo như thế không có lợi cho Phật giáo Việt Nam, không có lợi cho hoạt động hoằng pháp.

Hiện trạng biểu trưng tôn giáo ở trung tâm TPHCM, một thành phố có đông tín đồ Phật giáo nhất nước và Phật giáo là tôn giáo đa số, hiện vẫn là biểu trưng của đạo Ca tô La Mã (nhà thờ Đức Bà), là yếu tố cần xem xét, khi đổ dồn tiền của vào xây dựng kiến trúc quy mô bậc nhất của Phật giáo Việt Nam ở vùng nông thôn ngoại thành hẻo lánh.

Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức là bảo vật của Phật giáo Việt Nam, và còn là quốc bảo. Điều kiện an ninh bảo quản ở khu nông thôn hẻo lánh ngoại thành chắc chắn không thể tốt như ở giữa trung tâm thành phố, gần các công sở, cơ quan an ninh chấp pháp trung ương và thành phố. Tôn trí quốc bảo và vật thánh Phật giáo ở nơi nông thôn ngoại thành vắng vẻ, vốn vùng kinh tế mới, nếu có xảy ra điều bất trắc, người đề xuất phương án sẽ tự nhiên gánh vào mình trách nhiệm lớn đối với toàn xã hội và tăng ni Phật tử. Nếu bảo toàn quả tim quốc bảo của Bồ tát Thích Quảng Đức để an toàn 100% bằng cách cứ để yên trong két sắt ngân hàng là một cực đoan, thì việc đưa về nơi thôn quê ngoại thành vắng vẻ tôn trí lại là một cực đoan khác, mà nếu xảy ra bất trắc thì sẽ ân hận vô cùng.

Phương tiên chữa cháy, ứng cứu an ninh, theo dõi, bảo vệ ở nông thôn ngoại thành chắc chắn không thể bằng khu trung tâm thành phố.

Tưởng cũng cần nhắc lại là tại TPHCM, xá lợi Phật từng bị đánh cắp. Riêng đối với quả tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức, áp lực xảy ra bất trắc lớn hơn nhiều, vì các thế lực hoài vọng Ngô Đình Diệm vẫn rêu rao hiện tượng quả tim bất diệt là không có thật và họ sẽ ra sức tìm cách đánh vào sự linh thiêng đó khi có thể.
Thiết nghĩ, các vị tôn đức lãnh đạo Phật giáo không nên đưa mình vào tình thế khó xử bởi áp lực trách nhiệm, khi đưa quốc bảo và thánh bảo về vùng nông thôn ngoại thành hẻo lánh, chất lượng an ninh chắc chắn là thấp so với trung tâm thành phố.

Chúng tôi coi việc góp tiếng nói vào tiến trình xây dựng bảo tháp tôn thờ một vị Bồ tát của Phật giáo Việt Nam hiện đại là một cơ hội tích lũy công đức, đồng thời là quyền và nghĩa vụ của người Phật tử có trách nhiệm. Vì vậy, chúng tôi sẽ thường xuyên trở lại tiếp tục đề tài này.

Nếu bảo tháp tôn thờ Bồ tát Thích Quảng Đức cứ vẫn được xây tại vùng nông thôn ngoại thành xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM, thì loạt bài viết của chúng tôi sẽ là một trong những cơ sở để mai này, khi những điều bất trắc đáng e ngại xảy ra trong thực tế, mà nghiêm trọng nhất là vấn đề bảo quản tuyệt đối an toàn, thì công chúng Phật tử có thể dễ dàng kết luận trách nhiệm đối với những người soạn thảo đề án.

(còn tiếp)

MT

Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh