Trang chủ Thời đại Xã hội Kinh tế PG: Nhẫn nại, can đảm vượt qua trở ngại đi...

Kinh tế PG: Nhẫn nại, can đảm vượt qua trở ngại đi tới thành công

95

Kính bạch chư Tôn đức.

Kính thưa chư vị Khách quý lãnh đạo các cơ quan TW và các tỉnh thành.

Kính thưa toàn thể đại biểu Tăng ni và Phật tử.

Dù nói thế nào thì vấn đề kinh tế Phật giáo vẫn là điều còn mới mẻ đối với đại thể quần chúng và Tăng ni Phật tử. Bởi từ lâu, phần đông mọi người trong xã hội đều nghĩ rằng: Phật giáo là tổ chức tôn giáo tiêu biểu cho tinh thần tín ngưỡng mang tính thiêng liêng và tâm linh; tức để mọi người hướng đến sùng bái, kính ngưỡng, cầu nguyện và tu hành.

Trong thực tế, ngay khi còn tại thế Đức Phật cũng đã chủ trương Tăng Ni là phải có đời sống phạm hạnh thanh cao. Một khi đã xuất gia rồi thì mọi việc liên hệ trong thế gian như tình, tiền, danh lợi đều buông xuống, giải thoát. Và đời sống Tăng Ni là phải thọ học, hành trì giới định tuệ để tự thanh lọc các dư nghiệp nhiều đời còn ẩn náu nơi thân tâm của chính mình, từng bước thân chứng, an trú đạo quả. Cho nên mọi sinh hoạt liên hệ đời sống Tăng Ni đều do Phật tử tại gia cúng dường ủng hộ.

Nhưng sau khi Đức Phật nhập diệt một trăm năm, rồi năm trăm năm, một ngàn năm… Giáo pháp Đức Phật ngày càng được truyền bá đến nhiều nước trên thế giới. Phong tục tập quán mỗi nơi, mỗi quốc độ địa phương đều có phần khác nhau.

Có nơi, chư Tăng có thể mỗi sáng ôm bát đi trì bình khất thực, ngày ăn một ngọ trai. Nhưng cũng có nơi chư Tăng tu học chung trong một ngôi chùa, tu viện, thiền viện hàng ngàn vị, lại không thể ôm bát đi trì bình khất thực để độ nhật.

Cho nên, từ đây ý tưởng chư Tăng nên làm một cái gì đó để chia sẻ một phần gánh nặng trong đời sống của hàng Cư sĩ tại gia, mà khởi xướng mạnh mẽ nhất là từ thời Tổ sư Bách Trượng – Tổ sư đời thứ ba sau lục Tổ Huệ Năng, vị Tổ sư nổi tiếng của Phật giáo Thiền Tông Trung Hoa với phương châm bất hủ “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (Một ngày không làm, một ngày không ăn).

Đây là câu thiền ngữ độc đáo, đặc sắc, là tư tưởng chủ đạo cho việc làm kinh tế tự túc trong giới Tăng ni, Phật tử.

Nối tiếp ngay sau đó, thời Tổ Quy Sơn, hình ảnh Thượng tọa Ngưỡng Sơn và nhiều vị Thiền sinh khác mỗi ngày cày ruộng dưới chân núi Quy Sơn, dần dần quen thuộc trong giới Tăng Già ở Trung Hoa và ở cả Việt Nam cùng nhiều nước khác trên thế giới.

Các ngôi đại già lam ở Việt Nam cũng như ở Trung Hoa trải qua các triều đại vua chúa đã chu cấp hoặc do các đại thí chủ Phật tử tạo sắm cúng dường, hàng chục, hàng trăm mẫu đất ruộng để chư Tăng ni có thể lao động tạo ra sản phẩm lúa gạo, chia sẻ một phần gánh nặng với Phật tử. Đây gọi là kinh tế tự túc của nhà chùa. Chư Tăng Ni làm kinh tế nhưng không tách rời thanh quy nhà chùa, không lao theo thế sự, không để tiền, tình, danh lợi chi phối.

Đến hậu bán thế kỷ 20, rồi đầu thế kỷ 21 ngày nay, thời đại văn minh tiên tiến, xã hội tiến lên một tầm cao mới – công nghiệp, công nghệ khoa học điện tử, Phật giáo tại các nước giàu có như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Hoa), Anh, Pháp, Đức, Mỹ cũng đã có những bước chuyển mình thích nghi với xu hướng tiến bộ của xã hội. Các tổ chức Phật giáo cũng hình thành những công ty kinh doanh để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động của Giáo hội, nhất là những hoạt động từ thiện và hỗ trợ phát triển hoằng pháp đưa đạo vào đời.

Giáo hội từ ngày thành lập đến nay tròn 26 năm (1981 – 2007). Đến nhiệm kỳ II (1987 – 1992) chúng ta mới đưa vào hoạt động – Ban kinh tế tự túc nhà chùa và Ban từ thiện xã hội. Đến nhiệm kỳ III (1992 – 1997), chúng ta mới xác lập, phân định ra làm 2: – Ban Kinh tế Tài chính và Ban Từ thiện xã hội. Giáo hội đã cung cử Hòa thượng Thính Thanh Kiểm làm Trưởng ban. Trong hai nhiệm kỳ III và IV (1992 – 2002) Hòa thượng trưởng ban đã cho trồng thử nghiệm 20 hecta bạch đàn để tạo nguồn lợi ủng hộ Giáo hội. Nhưng đến năm 2000 Hòa thượng viên tịch, Giáo hội đã thỉnh cử Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HD9TS kiêm nhiệm đến hết nhiệm kỳ. Sau đó, khu rừng bạch đàn được thu hoạch đạt hiệu quả tương đối, trừ hết mọi chi phí, phần lãi ròng khoảng hơn 30 triệu cúng dường vào quỹ hoạt động Giáo hội.

Đến Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ V (2002 – 2007), Giáo hội chỉ định chúng tôi nhận trách nhiệm Trưởng ban. Tròn 5 năm hoạt động, Ban kinh tế tài chính dù cố gắng hết sức mình cũng chỉ tổ chức thành lập được Công ty Cổ phần Thiện Tài. Công ty Thiện Tài hoạt động trên tinh thần vừa học vừa làm, trải qua một đời giám đốc (không hiệu quả). Sau đó, Ban đã mời TT. Thích Tấn Đạt (Phó Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội) kiêm nhiệm gánh vác làm Giám đốc Công ty, đã từng bước dò dẫm đạt kết quả, tạo nên những bước đi mới rất khả quan.

Hiện nay, Công ty mới chỉ làm được một vài công việc. Một là mở cửa hàng phát hành Kinh sách và văn hóa Phật giáo, hai là tổ chức các chương trình hành hương tâm linh chiêm bái  các các Phật tích, thắng tích Phật giáo trong nước và quốc tế (kèm theo mở phòng phục vụ vé máy bay).

Ban Kinh tế Tài chính có dự kiến ngay sau Đại hội VI, Công ty Cổ phần Thiện Tài sẽ mở rộng thêm cổ đông và một vài loại hình kinh doanh gắn liền sinh hoạt Phật giáo như: Tổ chức một hệ thống nhà hàng Việt Chay nhằm phục vụ Tăng Ni Phật tử và khách du lịch hành hương quốc tế; mở phòng khám đa khoa đến khi đủ điều kiện xin thành lập bệnh viện, trường học, đồng thời lập thủ tục tiến hành xây dựng một công viên nghĩa trang và đài hỏa táng có tầm vóc quy mô để phục vụ tín đồ Phật tử sau khi qua đời.

Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa quý Đại biểu.

Cách nay hơn nửa thế kỷ, một cao tăng của Phật giáo Việt Nam trên đất Bắc – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải đã từng có những phác họa về những phương thức làm kinh tế thương mại và du lịch, tạo ra của cải và tài chính ủng hộ các hoạt động Phật giáo vô cùng đặc sắc. Nhưng lúc bấy giờ dường như rất ít người để ý.

Nay, nhân Đại hội lần thứ VI chúng tôi xin được mạo muội kính trình và rất mong được chư Tôn đức cùng toàn thể quý đại biểu liễu tri, có nhận xét góp ý giúp Ban Kinh tế Tài chính Trung ương Giáo hội đúc kết làm định hướng xây dựng nền kinh tế Phật giáo ngày càng thêm phát huy vững mạnh.

Có lần có người hỏi: – Về ngành thượng mại sẽ tổ chức thế nào?

– Hòa thượng đáp: Mở cửa hàng bách hóa khắp nơi trong nước. Nếu được sẽ mở cả ra nước ngoài, nhất là các nước có người theo Phật giáo để buôn bán, giao dịch trao đổi hàng hóa với nhau. Thứ gì mình đủ cung cấp cho toàn dân dùng rồi còn dư sẽ bán ra để mua vào những thứ mình chưa có, chưa đủ như máy móc chẳng hạn.

Một lần khác lại có người hỏi: – Thế trong Phật giáo cũng có các ngành nghề này sao?

–    Hòa thượng đáp: Không những có đủ mà còn có cả các kỹ sư, họa sĩ nghiên cứu, tìm ra các kiểu, các màu sắc đẹp và thích hợp với tinh thần dân tộc, có ý nghĩa về Phật giáo để người trong nước dùng luôn luôn nhớ đến dân tộc và Phật giáo để người trong nước dùng luôn luôn nhớ đến dân tộc và Phật giáo. Không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài nhất là đối với những nước có người theo đạo Phật, để các gia đình ấy mỗi khi trong thấy những vật dụng này lại nhớ đến người đồng đạo ở Việt Nam là anh em một nhà, thương nhớ nhau, mong được gần gũi để làm việc đạo, lợi ích cho nhân loại trên toàn cầu, cùng dắt tay nhau đi trên con đường từ bi, bình đẳng, chân chính, trí tuệ mà Đức Phật đã vạch ra, để cùng tiến tới nơi hoàn toàn hạnh phúc, an vui vĩnh viễn.

Về vấn đề mở rộng ngành nghề, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch hành hương. Có lần có người hỏi, được Hòa thượng giải đáp:

–    Thí dụ như chùa Một Cột, các chùa, tháp hoặc những nét điêu khắc chạm trổ trong các chùa, phong cảnh các nơi danh lam cổ tích, hoặc khắc những bài kệ, câu văn để cảnh tỉnh trong mọi trường hợp. Thí dụ, khi cầm bát ăn cơm thì nhớ câu:

“Xét trong một miếng ăn này,
Bao công khó nhọc đắng cay của người.
Ăn không chẳng ích cho đời,
Nợ này khôn để ai người trả thay.”

Mấy câu này trích đại ý trong bài quán tưởng mà chư Tăng thường niệm khi thọ trai. Cầm cái chén, cái tách, cái cốc uống nước có thể nhớ câu:

“Nước là nước của toàn dân,
Ai ai đều cũng có phần ở trong.
Phải nên tạc dạ ghi lòng,
Giữ sao trọn vẹn non sông mới là.”

Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa quý Đại biểu.

Ngày nay đi đâu trên thế giới hay trong nước, chúng ta thích vào các siêu thị để mua sắm hay như việc Nhà nước khuyến khích tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp… phát huy kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu… để làm giàu cho đất nước.

Thiết nghĩ, những điều này không nằm ngoài ý tưởng mà hơn năm mươi năm trước là niềm mong ước của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải về nhiều vấn đề liên quan: Văn hóa , xã hội, kinh tế, thương mại, tiền vốn, du lịch v.v… Mong rằng, thế hệ chúng ta sẽ không phụ lòng, hoài bão thiêng liêng của các bậc tiền nhân. Chúng ta sẽ thể hiện xứng đáng nhất ý chí và tâm nguyện của thế hệ chúng ta bằng hành động dấn thân thực tiễn.

Cuối cùng, chúng tôi xin thưa, Giáo hội chủ trương làm kinh tế là thể hiện trách nhiệm lòng từ bi của người con Phật, tạo ra phương tiện để chia sẻ gánh nặng với đời, với thời duyên cuộc sống, góp phần ủng hộ Giáo hội thực hiện các công tác từ thiện xã hội và hoằng pháp độ sinh. Nhất định không vì mưu cầu lợi dưỡng hay lợi ích cá nhân riêng tư.

Một điều chúng ta cần nên tâm niệm, không có một công việc nào đưa đến thành công to lớn, bền vững mà không trải qua những gian nan thử thách, nhất là làm kinh tế Phật giáo. Do đó, lời di huấn của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải vẫn như một lời khuyên nhủ vô cùng quý báu trong sự nghiệp gầy dựng nền tảng kinh tế Phật giáo trong hiện tại và mai sau: “Phàm là người, làm việc cần phải có chí khí, nhẫn nại, phấn đấu, dũng cảm, can đảm mới mong vượt qua trở ngại đi tới thành công”.

Xin chân thành cảm ơn chư Tôn đức, chư vị khách quý và toàn thể đại biểu Tăng ni Phật tử trong niềm hỷ lạc, hòa kính thân thương.”

Đánh máy: Nguyễn Thanh Phong