Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Làm sao về được?

Làm sao về được?

170

Hôm kia, tình cờ tôi đọc được chia sẻ của một chị bạn, viết về một kinh nghiệm của mình vài năm về trước, cũng vào mùa này, khi chị đang đối diện với một mất mát rất to tát trong đời mình, mà nhìn chung quanh sao thấy cuộc sống rất ư vô tình, vẫn cứ vui trôi…

“Tháng 12 của năm kia, một mùa đông khủng khiếp nhất trên đời: mỗi lần phải ra khu trung tâm chứng kiến không khí tưng bừng của mùa giáng sinh Sài Gòn, mình chỉ muốn lịm đi chỉ vì ý nghĩ, tại sao cuộc đời vẫn cứ xanh đỏ vô tình, tại sao mình cứ phải nhìn thấy những chòm ánh sáng, những màu sắc lung linh trong những ngày này,… các con ít buồn vì đã lớn, bắt đầu có chương trình riêng, còn mình chỉ ước đừng phải ra đường….

Tháng 12 năm rồi đã đỡ hơn, ‘đỡ thấy sự vô lý của một kiếp người’… một cảm giác rã rời không còn cách nào chống đỡ nổi, những ngày còn cặm cụi đi trực đêm ở báo TN… đơn độc, buồn tủi… Giờ lại phải nhìn thấy thiên hạ ăn chơi mùa noel, tết tây…”

Đọc những dòng ấy tôi chợt cảm thông được với những chia sẻ của chị. Trong đời chúng ta chắc ai cũng một lần có những kinh nghiệm hay cảm xúc tương tự như vậy bạn nhỉ?

Mà bạn biết không, có người cho rằng nếu ta tu học lâu năm rồi thì một ngày ta sẽ không còn có những cảm xúc nữa. Nhưng riêng tôi, tôi không nghĩ như vậy đâu bạn. Con đường tu học của chúng ta, tôi nghĩ là để mình nhận diện được những cảm xúc của mình, chứ không phải để chối bỏ hay diệt trừ chúng.

Tôi nhớ trong kinh có kể, không lâu sau khi hai vị học trò lớn của đức Phật là thầy Xá-lợi-phất và Mục Kiền Liên qua đời, vào một đêm trăng sáng, Phật trải tọa cụ ngồi trước đại chúng. Ngài đưa mắt im lặng nhìn khắp tất cả mọi người vây quanh rồi nói: “Này các thầy, nhìn hội chúng hôm nay tôi thấy một khoảng trống vắng lớn, khi Xá-lợi-phất và Mục Kiền Liên không còn nữa…”

Đọc bài kinh ấy tôi biết đức Phật vẫn là một người có cảm xúc. Phật vẫn có cảm xúc vì Ngài là một người Tỉnh Thức, mà một bậc tỉnh thức thì bao giờ cũng ý thức rõ được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Và mọi sự chuyển hóa khổ đau đều bắt đầu bằng một ý thức sáng tỏ ấy. Cảm nhận ấy chợt mang lại cho tôi một sự an ổn trong tâm, vì có cảm xúc nhưng đâu có nghĩa là có khổ đau, phải không bạn?

Giữa Bầu Trời Rộng

Khi bước vào một căn phòng ta nhìn thấy những gì? Có lẽ trong căn phòng ấy ta thấy có những bàn, ghế, hay đồ vật trang trí… Nhưng ta có nhìn thấy được cái khoảng không gian ở giữa những đồ vật ấy không? Trong cuộc sống cũng thế, chúng ta có những bận bịu, và đôi khi là những mất mát khổ đau, nhưng giữa những khó khăn đó cũng có những khoảng không gian rộng mở và bình lặng.

Cuộc sống cũng như một bài nhạc. Trong một bài nhạc bao giờ cũng có những khoảng cách giữa hai nốt nhạc với nhau. Thiếu những khoảng trống ấy, thì bản nhạc không thể là một bản nhạc, nó chỉ là một âm thanh kéo dài vô nghĩa mà thôi. Tôi nhớ có nghe một nhạc sĩ dương cầm tài danh, Artur Schnabel, đã chia sẻ như thế này về tài đánh đàn của ông: "Tôi không nghĩ là mình chơi đàn hay hơn bất cứ một nhạc sĩ nào khác, những nốt nhạc trong một bài nhạc đều giống như nhau, chúng cũng chỉ vậy thôi. Nhưng tôi biết cách sử dụng những khoảng cách giữa hai nốt nhạc. Mà nghệ thuật nằm ở những nốt nhạc nghỉ đó. Chúng làm cho bản nhạc nghe hay hơn.”

Trong một bài pháp thoại, có lần Trungpa Rinpoche lấy ra một tờ giấy trắng, ông vẽ lên đó một chữ "V" và hỏi các học trò, "Quý vị thấy gì?" Mọi người đáp, "Ðó là một cánh chim đang bay!" Trungpa nói, "Không phải! Ðó là một bầu trời thênh thang và có một cánh chim nhỏ đang bay qua!" Nhiều khi cũng vì chúng ta quá chú ý nhìn một cánh chim nhỏ bé mà quên đi cái bầu trời thênh thang chung quanh nó!

Bạn biết không, khi đối diện với những biến cố khổ đau trong cuộc sống, một cảm giác mất mát lớn lao sẽ khiến ta dễ có cảm tưởng rằng cuộc đời này chỉ toàn là những khổ đau và đổ vỡ. Và đôi lúc, ta có thể không còn khả năng nhìn thấy được bầu trời rộng mở chung quanh.

Tiếp Tục Bước Tới

Tiếp xúc với khổ đau thì mình sẽ có những cảm xúc bất an, tôi không nghĩ có cách nào khác hơn. Nhưng hãy để khổ đau ấy khơi dậy một tình thương lớn trong ta và giúp ta bước tới. Tôi nhớ có lần được nghe một bậc Thầy chia sẻ như thế này:

“Hồi tôi trở về Âu châu sau chuyến công tác cứu trợ, tôi có cảm tưởng sự sống ở xã hội Tây phương không phải là sự sống của tôi. Sau khi đã chứng kiến những đau thương và khổ nhục của người bị nạn…, về tới phi trường Paris, đi qua những phố xá và những siêu thị với các ánh đèn màu, tôi thấy tôi đang đi trong một giấc mơ.

Làm sao có thể có sự cách biệt lớn lao như thế giữa hai tình trạng, tình trạng của người đang đói khổ, bị nạn… và tình trạng của người đang tìm lạc thú nơi cốc rượu và ánh đèn màu. Cái ý thức về khổ đau trong tôi trỗi dậy đối kháng lại nếp sống quên lãng và vô tình ấy. Ðã đành bên xứ Phật có đức A-di-đà và các bậc Bồ-tát thánh chúng luôn luôn nhắc nhở về Tứ diệu đế, về Bát chánh đạo, nhưng làm sao pháp âm có thể thay thế được sự chứng nghiệm trực tiếp về khổ đau?

Chính ý thức về khổ đau luyện cho ta có được từ bi và ý chí bước tới. Theo chỗ hiểu biết của tôi thì từ bi và trí tuệ là một, bởi vì có thấy có hiểu mới biết thương. Nếu không thấy không hiểu thì cái thương đó chưa phải là thương.”

Trong cuộc sống này chúng ta hãy tập mở rộng lòng ra, cho khổ đau có không gian để chuyển hóa. Và nuôi dưỡng hạnh phúc trong mỗi bước chân đi tới. Nhưng bước tới đâu có nghĩa là ta chối bỏ quá khứ, mà chỉ có nghĩa là ta trở về với hạnh phúc mà thôi. Hạnh phúc đâu phải chỉ có ở phía sau lưng mình hay ở một nơi nào phía trước, mà có thể có mặt trong mỗi bước chân đi, bạn có nghĩ vậy không?

Tại nhà thờ Chartres Cathedral ở Pháp, được xây vào khoảng thế kỷ 12, có một kiến trúc labyrinth. Labyrinth là một kiến trúc cổ trong huyền thoại Hy Lạp, nó gồm có một con đường vòng vo, như một mê đồ, a maze. Nhưng trong Labyrinth chỉ có một con đường duy nhất mà thôi, tuy lối đi vòng vo, nhưng cuối cùng sẽ dẫn ta vào đến trung tâm của nó.

Mỗi năm có nhiều du khách đến đây, và họ bước đi vào kiến trúc labyrinth này. Trong khi đi theo con đường ấy, có nhiều lúc ta ngỡ mình sắp vào đến trung tâm rồi, nhưng nó lại mang ta đi ra xa tận ngoài bìa, như là mình đã đi lầm đường. Rồi khi đang ở tận bên ngoài, qua một khúc quanh, nó lại đưa mình vào thật gần. Và rồi cuối cùng thì ta vào được ngay đến bên trong. Ta cũng không nhớ chính xác là con đường mình đã qua như thế nào, nhưng chỉ nhớ là ta vào được đến bên trong là nhờ mình cứ việc an tĩnh và hạnh phúc bước tới. Con đường của labyrinth là một con đường tâm linh, nó biểu tượng cho sự tu học của ta.

Làm Sao Về Được?

Cuộc đời cũng thế phải không bạn, ta trở về được nơi an ổn, bằng cách mở rộng lòng ra, trước những vấn đề mà mình không thể nào có câu trả lời, với những ẩn số, unknown, và cứ tiếp tục bước tới. Tôi nghĩ con đường chúng ta đi không quan trọng bằng mỗi bước chân của mình. Mỗi ngày tôi tập đi những bước chân với hơi thở và một nụ cười. Nụ cười ấy giúp cho bước chân ta thêm khoan thai, tỉnh thức và an lạc. Các vị thiền sư thường nhắc nhở chúng ta hãy “bộ bộ thanh phong khởi”, hãy làm cho gió mát khởi dậy trong mỗi bước chân ta đi. Gió mát ở đây là niềm vui, hạnh phúc thổi bay đi hết tất cả mọi nóng bức, muộn phiền quanh ta.

Chị bạn tôi viết, “Tháng 12, làm sao ta về được…” Tôi thì nghĩ chúng ta có thể trở về bằng những bước chân và nụ cười làm khơi dậy làn gió mát. Hãy chấp nhận và tha thứ cho những muộn phiền trong mỗi bước chân ta đi. Chấp nhận không có nghĩa là buông xuôi đâu bạn, mà có nghĩa là mở lòng ra trước một thực tại mới với một niềm vui. Đâu dễ phải không bạn? Nhưng cuộc đời này tôi đâu thấy còn có gì khác là quan trọng hơn…