Trang chủ Văn học Làng Cói

Làng Cói

464

Từ ngã ba Kỳ Lý rẽ về hướng biển, thong thả rảo bước hết khúc quanh cổ bầu, cảnh quan mộc mạc nửa tỉnh nửa quê, cư dân san sát. Cuối con đường bỗng dưng không gian trở nên rộng mở đa chiều, ngan ngát hương quê.

Đồng lúa mênh mang vàng ươm trĩu hạt, ngút tầm mắt đã ẩn hiện xa mờ những cánh cò lay động lũy tre xanh. Bức tranh thiên tạo càng thêm diễm kiều bởi dòng sông quê tĩnh lặng, hiền hòa điểm trang. Do đặc tính lưu lượng trung hòa, dòng sông chảy qua miền đồng bằng lững lờ chậm rãi, rất thuận lợi về mặt giao thông thủy, dòng nước còn có chức năng điều hòa thanh lọc không khí. Bất chợt từ mặt sông thoảng qua làn gió hồn nhiên mát dịu lòng người; ngọn lúa, cỏ hoa liêu diêu chải chuốc. 


Dòng sông thắng cảnh đã chảy qua chiều dài thời gian thịnh vượng, miền xuôi kẻ chợ giao thương Ba Kỳ – Phố Hội rộn rã thanh cảnh phong lưu “trên bến dưới thuyền”. Ngày nay cuộc sống gấp gáp bộn bề, luân chuyển bằng các phương tiện tân thời nhanh chóng, thuận tiện hơn; bởi vậy chẳng còn mấy ai để ý đến “con đường tơ lụa” nên thơ này. Thời gian và sự hoán ngôi theo xu thời lịch sử đã làm cho bến sông trở nên thưa vắng đìu hiu.

Chùa Linh Bửu khuất nẻo như trò chơi trốn tìm trên quãng đường quê. Nếu như không có biển chỉ dẫn tại các ngã rẽ thì khó mà biết được ngôi Linh tự tọa lạc ở phương nào.

Có lần theo chân những phật tử khiêng thạp cá “phóng sinh” nhằm giải thoát cho những sinh linh “mắt cạn” trong ngày rằm tháng bảy, từ đó tôi mới vỡ lẽ một bất ngờ lý thú.


Phía sau chùa là một đồng đất tốt tươi trồng đậu trồng mè, tiếp nữa là ruộng cạn thâm canh hai vụ. Xanh thẳm xa xa bát ngát ruộng đồng, cứ ngỡ là ruộng lúa đang thì trỗ đòng, hỏi ra mới biết đây là ruộng trồng cây Cói. Vùng đệm của dòng sông thượng nguồn bao giờ cũng hằng hà cát sỏi, bãi bồi trãi dài. Riêng ở đây cây lác, cây cói ken dày mọc lấn ra tận chân nước. 

Qua đây, tôi cũng đã tường tận về điểm đến của một con đường : Đường quê thanh vắng râm mát bóng tre; phương tiện giao thông rất thuận lợi, vậy mà chỉ có những em bé dắt trâu, lùa bò đủng đỉnh ngang qua, thi thoảng mấy bác nông dân vác cày, vác cuốc, quãy gánh lẵng lặng đi về hướng ấy.

Đã đôi lần tự hỏi : miền quê duyên hải Thạch Tân sao mà nghèo quá, người người đi bộ chẳng sắm nổi xe. Có câu “gần đường xa ngõ”, thì ra chùa Linh Bửu thuộc xóm ven sông, nếu từ đây nhìn qua theo đường chim bay thì rất gần quốc lộ, nhưng ngặt một nỗi con lộ bên hông chùa là đường cùng, ra đến sông là hết, không có cầu mà chẳng có đò, lội qua chẳng được vì sông sâu. 

Giọt mồ hôi nào cũng mặn như nhau, ngọn lúa, cộng cói thấm đẫm nỗi nhọc nhằn. Năm nào được nắng thì cộng cói khô chối, dẽo dai trắng trẻo. Qua hàng loạt công đoạn kỹ nghệ từ sáng sớm đến đêm hôm khuya khoắc, cộng cói thành phẩm làm sợi ngang, dây đay làm sợi dọc, kỳ công đan đát, tỉ mẫn tỉa tót, chấm vẽ phẩm màu những khuôn hình mang tính an lành hạnh phúc như đôi phượng quyện, rồng chầu, song hỷ…


Thuở trước trên đường quê, tôi thường thấy những người bán chiếu, đa phần là trung niên, một đòn xóc dài, hai đầu hai bó, nhặt khoan tiếng rao “chiếu đây, chiếu đây, ai mua chiếu không”, một hồi lẵng lặng ngóng nghe, nếu không có ai gọi mua thì người gánh chiếu lại cắm cúi bước tiếp trên quãng đường mưu sinh.

 Cũng từ việc kỳ ngộ với những bạn trẻ này mà tôi càng thấu hiểu hơn về một làng nghề quanh chùa Linh Bửu, dẫu biết rằng người Việt từ tầng lớp thượng lưu, trong các khuê phòng đài các, đến từng mái nhà tranh tre dột nát đều phải dùng đến chiếu cói, hèn mọn chiếu trắng, giàu sang chiếu hoa, đều khắp đại trà, đâu đâu cũng có nhu cầu rất lớn, thế nhưng người làm chiếu muôn đời vẫn nghèo khổ nhọc nhằn.

Thế rồi cơn mưa đầu mùa năm nay đến sớm và bất ngờ, gió gào dữ dội, cây cối oằn mình thi sức, cuộc phong tẩy đã quật cho rác rêu, ký sinh tơi tả; lá vàng, cành sâu lượt lần lìa cội. Sau đêm mưa bầu trời trở nên thanh khiết, trong xanh vời vợi, quang cảnh buổi tinh mơ sắc màu mới lạ: nước lõa tràn bờ, ngọn cói lắt lay; tầng không, mặt nước én lọ đan dày. Đường quê rộn rã tiếng gọi mời, ngổn ngang thau chậu và rỗ rá, cá tôm giãy nảy trắng phau trong các “phiên chợ gió”. Trên con đường dẫn tới bến sông còn hằn những “vết chân một chiều”, chiếc xuồng mong manh như giọt đen rơi giữa mênh mông sông trắng, cơn gió vô tình xa khơi ào ạt xô nghiêng vành sóng bạc, chiếc tam bảng chỏng chao và rồi úp hẳn về “thế giới bên kia”.

Một lần nữa, lời khấn cầu siêu độ lại thống thiết ngân hồi.


Hình ảnh người bán chiếu giờ đây đã xa mờ theo tháng năm diệu vợi. Dẫu vậy, niềm luyến lưu một khi đã hằn vào ký ức thì có dễ gì mờ nhạt phôi pha; chiều nay cánh diều tuổi thơ đã chập chờn trên cánh đồng phất phơ ngọn Cói, “tức cảnh sinh tình” hay nhớ nhung hờn trách cố nhân mà ai đó đã ngân lên khúc hát tân cổ giao duyên “Tình anh bán chiếu” nghe mà da diết, ngọt ngào như thể lời ru, nhưng có lẽ lẫn khuất đâu đây “tình người làm chiếu” lại càng sâu nặng hơn bội phần.    

Chốn Già Lam Linh Bửu chưa xây được cổng Tam quan, khuôn viên, rào dậu tạm thời. Đường vào chùa để ngõ, “ranh giới mềm” với cộng đồng dân cư. Chùa cũng chưa có điều kiện thông thoáng với lộ chính, bởi một vạt rừng che phủ.

Trước sân chùa, đã tạc tạo một pho tượng Quán Thế Âm vẫy cành Dương chi độ thế, phong thái thanh thoát, an nhiên; tín ngưỡng tin rằng Quán Thế Âm là vị Bồ tát gần gũi chúng sinh nhất, nếu ai gặp tai ách, hoặc cầu mong điều gì hợp lẽ thì Ngài sẽ hiển linh hóa giải rất vi diệu.

Khi màn đêm buông xuống, khắp đó đây bừng lên ánh điện, tiếng chuông chùa tha thiết ngân vang, từng tốp người thong thả tới chùa cầu kinh lễ Phật. Nhanh nhẹn và sớm hơn một chút là các em thiếu nhi, rồi đến những bạn trẻ nam thanh nữ tú cũng lần lượt đến đây. Không rõ bọn trẻ có thấu hiểu ngọn ngành tương tuyền từ bi của Quan Âm Bồ tát hay không, có điều tối nào cả nhóm cũng hội ngộ về quanh chân tượng để vui chơi, chuyện trò thỏ thẻ với nhau những gì đố ai mà biết được, một hồi chúng lại nhìn nhau cười rạng rỡ.


Tôi đã may mắn có dịp nhìn thấy và chuyện trò với những em học sinh chăm học trong thời bao cấp, hằng ngày các em thường đến những ngôi chùa tĩnh lặng để ôn luyện, nhiều em không về trưa, chỉ mang theo mấy củ khoai qua bữa. Đó là hình ảnh chuyên cần tại miền quê cằn cỗi, mặt cát hun hừng hực, cụm gai xương rồng nhũn trong sóng nắng; con Tắt kè độc diễn vũ điệu đổi chân tránh phỏng; chòm lá cuốn co chẳng thể râm mát gốc tre đài; vậy mà con người vẫn cứ dẽo dai bách nhẫn vươn lên. 

Thời gian lặng lẽ trôi mau, mới đó mà đã hơn 3 năm kể từ ngày Thầy trụ trì chùa Linh Bửu tốt nghiêp Đại học Phật học Sài gòn, thầy tự nguyện nhận lãnh quán xuyến ngôi am tự heo hút này. Nếu cái gì đã qua, người ta gọi là quá khứ hoài niệm thì quả đúng như vậy, một ngôi nhà nhỏ cấp 4 rộng chừng vài chục thước vuông, không gian ẩm thấp, bóng rợp che phủ, rêu phong, meo mốc lèn lấn, cảnh tượng trông thật thâm u, cô tịch đến xót dạ nao lòng.

Cạnh ngôi am tự vẫn còn sinh tồn một cây Đa đại thụ thuộc giống cổ rất quý hiếm, người già nhất trong làng cũng không rõ cây Đa có tự bao giờ; ngôi am tự đã trải qua bao mùa mưa nắng chẳng mấy ai còn nhớ, nhưng thực thể cả hai cùng tồn tại song hành qua bao biến cố thăng trầm của thời cuộc, điều ấy minh chứng cho tinh thần trọng vọng của bà con cộng đồng đối với di sản biểu tượng của làng quê “cây Đa, giếng nước, sân đình”. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, nằm sâu trong lòng đất còn có một đường hầm xuyên dưới gốc cây Đa, đây cũng là một trong những chi lộ quan trọng của Địa đạo Kỳ Anh. Với lòng yêu nước và tinh thần quả cảm, quân và dân nơi đây đã chiến đấu bền bỉ, kiên cường, gây dựng thành công phong trào đấu tranh cách mạng ngay trong lòng đất – địa đầu tuyến lửa, đó quả là một kỳ tích.


Đến nay khuôn viên chùa Linh Bửu thêm phần rộng rãi, ngôi Hậu tổ đã dựng xây, quy mô tuy còn nhỏ bé nhưng khá khang trang, không gian bái đường thoáng mát nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tín ngưỡng dâng hương lễ Phật. Nếu như trước đây tu tập kinh pháp vào lúc 7 giờ tối thường rất thưa vắng, thì đến nay bà con tín hữu tranh thủ chút thời gian vào chùa hành lễ rất đông. Rất kính vì: kinh pháp nhà Phật rất uyên thâm, rộng mở và linh hoạt. Tinh thần bác ái, nguyện ngộ được đề cao hàng đầu và gần như bất biến, xuyên suốt từ lời giáo huấn của đức Phật ngày xưa, cho đến hậu thế tăng lữ, phật tử hôm nay được trọn giữ như một “Tam Bảo thiêng liêng”, ai ai cũng hòa đồng tự nguyện, tùy theo hoàn cảnh mà dụng, không hề ép uổng ràng buộc điều gì, vậy mà công việc cứ suông như trúc chẻ. Phải chăng trong mỗi con người đều có “khoảnh lặng” của tinh thần tự giác, cần có một tấm gương quang minh soi sáng thì mới đánh thức nhân tâm và “lý trí cơ bản” ấy được.

Người ta thường ví như : Giới xuất gia tu hành là người đi ngược dòng sông, tự nguyện kham nhẫn để thực hiện chu toàn các giới luật, toàn tâm toàn ý thực hành thiện nghiệp. Làm sao phòng và điều trị cho được căn bệnh khổ trầm kha của “Tứ diệu đế”, đó một điều vô cùng nan giải, hai mươi lăm thế kỷ về trước, chính đức Phật Thích Ca cũng đã vương vào tâm trạng dằn vặt khổ đau bởi nhân gian còn chìm trong bể khổ. Vòng xoay “chuyển pháp luân” mấy ngàn năm qua vẫn quay không ngừng nghỉ; xem ra “bến an lạc” tuy rất gần mà cũng rất đỗi xa xăm. 

Nhân gian vốn muôn màu, hòa hợp và xung khắc tồn tại song song, tham lam và sân si lòng người ít nhiều ai cũng có. “Muốn hết khổ thì đừng làm điều ác, muốn sung sướng thì phải làm thiện”, triết lý có tính nhân quả ấy đâu phải là duy tâm, mà đó là phép biện chứng hiện hữu mọi lúc mọi nơi. Nếu chúng ta cùng đồng lòng hành thiện, mỗi người nhường nhau một ít thì tất mọi ách trở bất đồng sẽ được hóa giải, sắc màu cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nhiều.

Quãng đường trải qua càng gian nan thì điểm đến càng huy hoàng, tỉ lệ thuận ấy cũng vậy thôi, đối với người nghèo thì ước mơ, nguyện vọng của họ càng ít ỏi nhỏ nhoi, nhưng khi đạt được kết quả ngoài sự kỳ vọng thì lại càng vui lên bội phần. Với những người lương đạo như tôi cũng lấy làm mừng, tuy tuổi đời còn trẻ nhưng Thầy trụ trì chùa Linh Bửu tỏ rõ là người kỷ cương, ham học hỏi, nhiệt tình với công tác Phật sự; anh em huynh đệ, tín hữu và bà con chòm xóm đều tin yêu bởi tính tình hiền hậu thật thà; kính trọng Thầy bởi tấm lòng quảng đại bao dung. 

Thật thà lại thua thiệt, người ta nói chẳng có sai, để tôi kể chú nghe một chuyện nhiêu khê chẳng biết nên vui hay buồn.


Hôm ấy có người hớt hải chạy đến gọi Thầy, tự xưng đạo hữu phật tử. Với lý do gây ra tai nạn giao thông để mượn tiền. Xóm quê đầu thôn cuối xóm đều biết mặt nhau, nhưng sao người này xa lạ quá, Thầy chưa gặp bao giờ. Dẫu vậy, trước bi cảnh này Thầy đã đưa hết số tiền dành dụm bấy lâu để giúp ngặt. Một thời gian sau, sự việc lặp lại nhiều nơi, bà con phát giác “lừa đảo”. 

Thầy điềm nhiên nói với mọi người:

Mất tiền tuy là mất đi phương tiện sống, nhưng mình lại được cái phúc lớn hơn, bởi vì trưa hôm đó trên giao lộ này không có một tai nạn nào xảy ra, không có người chết mà cũng chẳng có người nào bị thương.

Mọi người nhìn nhau lần lượt gật đầu. 


 “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” luôn đúng như một chân lý, tuy nhiên “thiên thời” phải do con người tư duy nắm bắt, duyên cơ may mắn sẽ đến với những người siêng năng tích cực. Hy vọng trong cuộc canh tân lấy khoa học kỹ thuật làm đầu, công – nông – thương chân kiền vững chắc, vùng đất Quảng Nam sẽ khởi sắc trong thời hội nhập. Dòng sông Trường Giang hồi sinh rộn rã như ngày nào, chiếc cầu xinh đẹp nối đôi bờ sinh thái. Thành phố Tam Kỳ sẽ mở ra hướng biển, làng Thạch Tân, xã Tam Thăng hội đủ yếu tố để phát triển công nghiệp – tiểu công nghiệp bền vững, rồi sẽ một ngày làng cói lại lên ngôi.

Rất tiếc câu chuyện của tôi và cụ già trong làng đang còn dang dỡ thì lễ chùa đã mãn. Cụ nắm lấy tay tôi mà rằng: uổng thiệt chú ơi, hàn huyên còn dài, đường về còn xa; thôi phải đành, xin hẹn chú lần sau.

Mặt cát đẫm hơi sương, ánh đèn pin quét vẹt đường mòn khúc khuỷu, hai hàng bách thảo hoang dại ken dày, trắng đen lấp loáng, bước chân lao xao, dáng cụ già lom khom khuất dần sau bóng cây Đa, giọng nói tiếng cười rộn vang trên quãng đường về…