Trang chủ Tin tức Lễ kỷ niệm ngày Phật thành đạo và 20 năm thành lập...

Lễ kỷ niệm ngày Phật thành đạo và 20 năm thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc

137
Ngay từ sáng sớm, Trưởng lão Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ GHPGVN tiếp tục làm lễ thọ y, mở y và lên y nâu cho các Phật tử của Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc sau khi các Phật tử đã trải qua kỳ khảo kinh sát hạch. 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Đúng 7h30 phút, toàn thể đại chúng chắp tay búp sen, niệm hồng danh Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật để cung đón chư tôn đức quang lâm lễ đài, bắt đầu chương trình kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo và kỷ niệm 20 năm thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.
Chứng minh và tham dự buổi lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ kiêm Đệ nhất giám luật HĐCM GHPGVN, bậc tôn sư của Đạo tràng Pháp Hoa; Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng ban tổ chức chương trình; Thượng tọa Thích Giác Hiệp – Uỷ viên HĐTS GHPGVN, Phó ban trị sự GHPGVN tỉnh Lào Cai; Thượng tọa Thích Trí Chơn – Uỷ Viên HĐTS GHPGVN, Trưởng ban trị sự GHPGVN Quận 12 (TP. Hồ Chí Minh); Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ –  Ủy viên HĐTS, Phó thư ký Ban Hoằng Pháp TW, Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN Thành phố Hà Nội cùng Chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa, tự viện trong và ngoài địa bàn Hà Nội.
  
  
  
Trước khi quang lâm lễ đài, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng cùng Hòa thượng trụ trì và chư tôn đức Tăng đã thực hiện nghi thức khai chuông tại Tam quan mới xây dựng

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  

Mở đầu chương trình là lời phát biểu khai mạc của Hòa thượng trưởng ban tổ chức Thích Bảo Nghiêm. Hòa thượng chia sẻ “Ngược dòng lịch sử, trong Tam tạng thánh giáo của Hán tạng ghi lại sự nghiệp vĩ đại của Đức Thích Ca Mâu Ni trong 4 sự kiện đó là sự kiện đản sinh, sự kiện xuất gia, sự kiện thành đạo và sự kiện niết bàn. Trong kinh điển Nikaya, các nước Nam truyền gộp lễ đản sinh, lễ thành đạo, lễ niết bàn thành 1 lễ vào ngày trăng tròn tháng 4 gọi là lễ Vesak hay lễ Tam Hợp. Nhưng với truyền thống của Phật giáo Việt Nam, theo Hán tạng thuộc Đại thừa giáo cũng như của các Tổ đình ở Miền Bắc, hàng năm đều kỷ niệm sự kiện trong cuộc đời 80 năm ứng tích Sa Bà, trụ thế thuyết pháp độ sinh của Đức Bản Sư đều vào ngày 8/4 kỷ niệm lễ Đản sinh, ngày 8/2 năm 19 tuổi vượt thành xuất gia, 8/12 năm 30 tuổi thành đạo và ngày 15/2 năm 80 tuổi nhập Niết bàn. 4 sự kiện đó được chư Tổ và chư tôn đức Tăng hoằng truyền trong suốt chiều dài hơn 2000 năm lịch sử.
Kể từ ngày Phật giáo Việt Nam thống nhất – ngày 4/11/1981 tại trụ sở chùa Quán Sứ, 9 hệ phái tổ chức Phật giáo đã họp để thống nhất Phật giáo toàn quốc, thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong các vị lãnh đạo, cao tăng của giáo hội lúc đó còn lại đến ngày nay là Hòa Thượng Thích Trí Quảng, hiện là Phó Pháp chủ kiêm Đệ nhất giám luật HĐCM GHPGVN, bậc tôn sư của Đạo tràng Pháp Hoa, bậc thầy chuyên hoằng truyền kinh Pháp Hoa và cũng là bậc thầy của ngành Hoằng Pháp. Trong 5 nhiệm kỳ, với cương vị là Trưởng ban, ngài đã đưa chính pháp của Thế Tôn trong khắp 3 miền, Bắc, Trung, Nam và đặc biệt là ảnh hưởng tới Phật tử miền Bắc. Trong tinh thần kỷ niệm lễ thành đạo, cách đây tròn 20 năm, GHPGVN tổ chức Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 4, nhiệm kỳ 1997-2002, tại khách sạn Kim Liên, Hòa thượng đã thọ ký và truyền Pháp y cho 1 số Phật tử, con số không quá 10 người. Cho tới ngày nay, đã lan rộng trên khắp 13 tỉnh, với 58 đạo tràng và hơn chục nghìn Phật tử sinh hoạt. Do đó, kỷ niệm Phật thành đạo cũng là kỷ niệm ngày thành lập đạo tràng Pháp Hoa.
Kể từ năm 2010, GHPGVN kỷ niệm 1000 năm Phật giáo Thăng Long – Hà Nội, có nhân duyên với Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (TP. HCM). Chúng tôi đã xin phép Hòa thượng cho 2 đạo tràng kết hợp để tổ chức sự kiện đêm hội hoa đăng. Bắt đầu lần đầu tiên vào năm 2010 đến nay đã là năm thứ 7, cứ mỗi mùa đông về trong ngày thành đạo, ánh lửa sưởi ấm tâm hồn toàn thể chúng sinh, tâm hồn những người con Phật, trở về với Phật, mừng ngày Thế tôn chứng đạo quả dưới cội Bồ Đề. 
Trong ý nghĩa của buổi sáng hôm nay, toàn thể Phật giáo trên khắp hoàn cầu, đều hướng về cội Bồ Đề, đón nhận ánh sáng trí tuệ, từ bi, bình đẳng, tinh thần hòa bình của Phật mà Liên Hiệp Quốc đã công nhận lễ Vesak là 1 lễ kỷ niệm của tôn giáo để tôn vinh sự kiện của Đức Phật. Toàn thể chúng ta ngày hôm nay có mặt tại đây, tham dự sự kiện trọng đại này, thành kính đốt nén tâm hương cúng dàng Đức Thế Tôn, nguyện noi theo ánh sáng từ bi, trí tuệ của Đức Phật mà ngài đã hi sinh tất cả những dục lạc nhỏ nhoi của cuộc sống con người, của cung vàng điện ngọc, trở thành bậc đại giác. Để ngày hôm nay, 2643 năm kể từ ngày Đức Thế tôn đản sinh nhân loại vẫn đón mừng và càng ngày càng đông những người học theo ngài, hành theo những gì ngài dạy. Từ hạt giống của những người Phật tử đầu tiên, trong đó có bà Mão Duyên được Hòa Thượng tôn sư thọ ký, cho học giáo lý tại TP. HCM và tại Hà Nội, Hòa thượng đã truyền y pháp cho hơn chục người cho đến ngày hôm nay, hàng chục ngàn người ở 58 đạo tràng trên 13 tỉnh Miền Bắc đã thọ trì, học hành, hoằng truyền kinh Pháp Hoa. Tinh thần đó nói lên rằng giáo pháp của Phật đang luôn được hoằng truyền chỉnh bởi hòa thượng tôn sư. Bánh xe pháp của Phật đã không ngừng nghỉ bởi sự cố gắng không hề biết mệt mỏi của Ngài.

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  

Sau nghi thức dâng hương cúng dường Tam Bảo, Phật tử Pháp Thiện Nội đã thay mặt cho Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc báo cáo tổng kết một năm tu học của Đạo tràng Pháp Hoa toàn miền Bắc. Trong bài phát biểu, Phật tử Pháp Thiện Nội đã điểm lại vài nét hoạt động trong năm Đinh Dậu của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc: 
– Ngày xuân Di Lặc mùng 1 Tết cầu phúc lộc: về các chùa, các trụ xứ lễ Phật và khánh tuế Quý thầy, hành hương về các nơi thánh tích. 
– Ngày 11 tháng Giêng: Lễ động Hương Tích và lễ Ngũ Bách Danh.
– Đại lễ mừng thọ ngày 27/Giêng cho 1268 cụ, có 6 cụ 100 tuổi.
– Hàng tháng tu Bát quan trai một ngày và trợ duyên Phật sự cho các khóa tu tuổi trẻ của thanh niên – sinh viên và câu lạc bộ Thanh thiếu niên.
– Tham gia Đại lễ Phật Đản tại các trụ xứ, đi thăm và cúng dàng các Hạ trường tại Hà Nội và các tỉnh. 
– Ấn tống kinh sách – công đức xây chùa, đúc chuông, đúc tượng, giỗ Tổ tại các trụ xứ.
– Ngày 27/7, kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Đạo Tràng đã tổ chức về chùa Phục Quang, Vũ Thư, Thái Bình để cúng dàng và chia sẻ cùng 26 vị Ni sư. Trước đây, các vị đã là Thanh Niên xung phong, cống hiến tuổi xuân cho tổ quốc mà phải mang thương tật trên người.
– Tháng 6 âm lịch, Đạo tràng đã quyên tiền, quyên góp giường bệnh, trợ duyên cho 1 gia đình tại Sơn La chịu ảnh hưởng của trận lũ quét kinh hoàng, làm sập nhà và đè nát 2 chân của cháu Nguyễn Hồng Phúc 4 tuổi phải cắt bỏ. Mẹ cháu cũng gãy 1 tay và 1 chân.
– Trợ duyên cho các nơi bị thiên tai, bão lụt. Quyên góp cho các chương trình từ thiện của lớn nhỏ từ TW đến các địa phương tổ chức.
– Tặng 3 ngôi nhà tình nghĩa ở Hà Tĩnh, 2 ngôi ở Sa Pa, trong nhà đã có sẵn đầy đủ vật dụng sinh hoạt cho gia đình cũng như tiền trợ giúp thêm.
– Cứu trợ, thay tim cho cháu Xạ Quang Hiếu – dân tộc Tày ở Hòa Bình theo chương trình Trái Tim Cho Em.
– Cuối tháng 11, làm từ thiện tại trung tâm bảo trợ xã hội III rồi trợ cứu cho 1 em quê Nghệ An bị tai nạn cụt chân và bị lao xương, đang điều trị tại viện Lao TW.
– 641 Phật tử tinh tiến, đại diện cho Đạo tràng Pháp Hoa Miền Bắc đã hành hương chiêm bái TP. Hồ Chí Minh từ 16-21 tháng 9, đảnh lễ, tri ân và báo ân Hòa Thượng Tôn Sư. Dự đại lễ Khánh thành Việt Nam Quốc Tự, dự ĐHPG TP.HCM nhiệm kỳ thứ 9. Chiêm bái các thánh tích và cúng dàng các chốn già lam lại miền Nam.
– Tham dự các Pháp Hội: Vu lan báo hiếu – Pháp hội Dược Sư – Lễ vía Đức Phật A Di Đà… tại Trung tâm Hoằng Pháp phía Bắc, chùa Bằng A.
– Gửi các xuất cơm, cháo chia sẻ tới các bệnh nhân nghèo tại viện K, K3 Hà Nội và các bệnh nhân Bệnh viện các tỉnh vào chủ nhật, thứ ba, thứ sáu hàng tuần.

  
  
  
  
  
  

Sau đó, toàn thể hội chúng đã được lắng nghe lời đạo từ  vô cùng ý nghĩa của Hòa thượng ân sư Thích Trí Quảng. Hòa thượng tán thán thành quả mà Đạo Tràng Pháp Hoa miền Bắc đã làm được trong năm vừa qua. Hòa thượng chia sẻ:
“Phật tử Đạo Tràng Pháp Hoa Miền Bắc, trong 20 năm qua luôn luôn phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng. Ngày hôm nay, có hơn 1000 Phật tử làm lễ thọ y và cũng gần 1000 Phật tử được thọ Y Nâu và Y mở. Tôi tin tưởng, dưới sự hướng dẫn trực tiếp, sự nhiệt thành không mệt mỏi của Hòa Thượng Bảo Nghiêm, người kế thừa việc Hoằng Pháp của tôi trong suốt 10 năm qua, đã dìu dắt quý vị đi trên con đường giải thoát của Đức Phật mà không phạm phải những sai lầm. Đạo Tràng Pháp Hoa miền Bắc đã trải qua 20 năm nhưng cứ mỗi năm lại đông thêm, chứng tỏ con đường chúng ta theo đang là chánh đạo. Nếu cứ tiếp tục thì trong tương lai, chúng ta sẽ giải thoát.
Khi thành lập đạo tràng Pháp Hoa năm 1973, lúc đó tụng bộ Kinh Pháp Hoa, có bài kệ: 
Chư Phật lưỡng túc tôn
Tri Pháp thường vô tánh
Phật chủng tùng duyên khởi,
Thị cố thuyết nhất thừa
Lý do Đức Phật, ngài thuyết nhất thừa đạo, lý do thành lập đạo tràng Pháp Hoa cũng là đây. Trong 49 năm thuyết pháp của Phật, ngài dùng vô số phương tiện khác nhau. Có người chấp pháp này, pháp nọ nên tranh chấp và phá hoại lẫn nhau dẫn đến cùng nhau đều đọa. Ba đời Đức Phật đều thuyết nhất thừa đạo để đưa chúng sinh đến bến bờ giải thoát, trờ thành Phật. Còn lại mọi tông phái, phương pháp tu hành đều là phương tiện. Vì vậy chúng ta không bao giờ chịu sự phân hóa, chia rẽ lẫn nhau trong chính nội bộ Phật giáo. Tại TP. HCM lúc bấy giờ, có 16 tập đoàn Phật giáo khác nhau, thường hay tranh cãi, chống phá nhau nên cuối cùng bị suy yếu. Năm 1963, các hệ phái thấy rằng nếu không đoàn kết sẽ bị chính quyền Ngô Đình Diệm tiêu diệt. Vì vậy các nơi đã thành lập Ủy Ban Liên Phái bảo vệ Phật giáo. Lúc đó thầy mới có hơn 20 tuổi nhưng Ủy Ban Liên Phái giao cho thầy trách nhiệm quy tụ thanh thiếu niên Phật tử đứng lên đấu tranh theo ngọn cờ mà người phất lên chính là Hòa Thượng Thích Quảng Đức. Ngài đã trì tụng kinh Pháp Hoa suốt 49 năm và có nguyện năm 1963 sẽ tự thiêu để bảo vệ Phật giáo. Ngài từ tỉnh Khánh Hòa, đi khắp các tỉnh Miền Nam, rồi sang cả Cam-pu-chia, đi đến đâu ngài làm chùa, xây dựng đạo tràng rồi ngài lại đi nơi khác. Cuộc đời Ngài đi làm Phật sự không biết mỏi mệt đó chính là cả cuộc đời Ngài đã trì tụng và thực hiện theo đúng tinh thần của bộ Kinh Pháp Hoa, đem tình thương của Đức Phật với trí tuệ của chúng ta mà soi chiếu vào trong cuộc đời, làm cho mọi người phát bồ đề tâm.
Trong bản báo cáo của Phật tử Pháp Thiện Nội, chúng ta thấy rằng chúng ta đã làm rất nhiều việc Phật sự có ý nghĩa. Cái quan trọng nhất ở đây chính là cái tấm lòng thương tưởng, quan tâm của chúng ta. Còn giúp đỡ đến đâu cũng là vô lượng công đức. Có người làm từ thiện với số tiền rất lớn nhưng họ đi làm từ thiện với 1 tâm bất thiện, họ coi như họ ở cấp cao hơn, đang bố thí cho những người nghèo đói, như vậy Phước không sanh mà tội sanh, rồi mai kia, mất hết tiền của, để cho người khác khinh thường họ trở lại như ngày xưa lúc bố thí cho người họ cũng khinh thường những người đó. Như vậy, trì tụng kinh Pháp Hoa, hành Bồ tát đạo, không phải bố thí cho nhiều mà quan trọng chính là tấm lòng thương và nghĩ tới họ. Xuất phát từ lòng thương, ta làm được gì cho người khác, ta sẵn lòng làm, đó là cốt lõi của kinh Pháp Hoa, là bổn môn Pháp hoa.
Sau khi thành đạo, Đức Phật thấy rõ, con người vì những sai lầm mà khiến mình khổ đau. Vì vậy ngài mở đạo cứu khổ, để giải khổ cho con người. Ngày nay, chúng ta tiếp bước của ngài trên con đường tu tập. Đến nay Đạo tràng Pháp Hoa Miền Bắc đã được 58 đạo tràng. Ngày xưa, khi thầy truyền giới cho gần chục Phật tử tại Khách sạn Kim Liên, Hòa Thượng Thiện Duyên có thắc mắc: “Hòa thượng truyền pháp sao lạ quá? Bình thường truyền pháp phải làm ở chùa, sao Hòa thượng lại làm trong khách sạn?”  Thầy đáp lại: Tu theo kinh bổn môn Pháp Hoa, nơi nào có người phát bồ đề tâm, nơi đó có Phật, vậy nên khi quý vị phát tâm hướng về Phật thì cái Phật huệ liền rọi vào trong tâm mình. Phát tâm hướng về đạo, hướng về thầy thì đây chính là niềm tin, có công năng phá tan phiền não, nhiễm ô. Những người thực sự phát tâm, dần dần nghiệp chướng của họ sẽ bớt lại, sẽ không còn thấy ham muốn. Tuy không thấy ham muốn mà  còn thấy tự biết đủ, kiềm chế lòng tham trong mỗi chúng ta. Khi đó, cái sáng suốt bắt đầu lóe lên trong lòng. Trên bước đường tu, nếu ta sống dưới mức ta có thì ta tự nhiên thấy có hạnh phúc còn nếu ta khởi lên lòng ham muốn trên mức ta có thì ta sẽ gặp khổ đau. Qua câu chuyện về chủ tịch tập đoàn Hoa Sen, khi còn khốn khó đến mức muốn tự vẫn, ông đi qua chùa Vạn Đức, nghe tiếng tụng kinh Pháp Hoa, ông cũng vào, tụng theo và được 1 bà cụ chia sẻ cho phân nửa ổ bánh mì – khẩu phần ăn của cụ. Từ đó ông không còn tư tưởng chán đời, muốn chết nữa mà một niềm tin trong ông nảy nở. Sau này, từ niềm tin đó, ông vươn lên làm giàu cho chính mình và làm giàu cho xã hội. Trong cuộc sống khi chúng ta khởi một niềm tin, ta tu hành, thì từ niềm tin bé nhỏ đó, ta có thể đạt được kết quả rất lớn. 
Khi thầy còn nhỏ, thầy sống ở đất Củ Chi, ở đây, thầy được nung nấu nhiều tinh thần hận thù. Khi đi tu với Hòa thượng Thiện Hòa khoảng 60 năm trước, Hòa thượng dạy thầy 1 câu đó là “Trên cuộc đời có muôn chuyện, nhưng khi gặp việc bất vừa ý, ta nhớ đừng động tay, động chân, đừng động khẩu, chỉ nhất tâm Niệm Phật, ráng giữ Phật trong lòng thì phiền não sẽ bay đi mất”. Khi chúng ta gặp chuyện, có nói gì cũng đều là lời ác. Có làm gì cũng gây ra hậu quả không tốt. Ta nên chỉ giữ Phật trong lòng, nhất tâm niệm Phật. Làm như vậy cũng chính là ta đang tu theo kinh Pháp Hoa. 
Trải qua nhiều năm giữ Phật trong lòng, thầy nhìn lại thấy cuộc đời này sáng hơn, từ đó mất dần trần lao nghiệp chướng và người xung quanh sẽ nhìn mình có thiện cảm hơn. Nếu ta cứ giữ trần lao nghiệp chướng thì ta trở nên dễ ghét trong mắt mọi người. Ai nhìn ta cũng thấy ghét mà chính ta cũng không thể yêu thương nổi bản thân ta. Nhưng chỉ cần phát được tâm, đem Phật vào lòng, để hoa sen nở trong lòng ta thì dần dần cuộc đời mình tự thay đổi. Đó chính là ta tu theo Bổn môn Pháp Hoa. Thầy mong các Phật tử vừa thọ Pháp y ngày hôm nay phải nên làm được những điều đó, giữ Đức Phật ở trong lòng đừng đánh mất, đừng để vật chất cám dỗ làm mình quên đi. Về sau, khi không còn cơ hội thì chúng ta sẽ không còn gặp được Phật nữa. Do đó chúng ta phải biết giữ Phật tâm của mình, đừng để nó thui chột, đừng để nó mất đi mà phải biết mài giũa, tu tập hằng ngày để nối tiếp và phát huy theo con đường mà Phật đã bước.”

  
  
  
  
  
  
  
  
  

Cũng nhân dịp này, đáp ứng nhu cầu của những thiện nam tín nữ phát tâm thiện lành muốn quy y Tam Bảo, nương nhờ vào ba ngôi báu để sống đời tỉnh thức, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã làm lễ truyền thụ Tam quy ngũ giới cho gần 1000 thiện nam tín nữ. Quy y Tam bảo là điểm khởi đầu đánh dấu cho một sự chuyển hướng tâm hồn về nẻo thiện, sau khi quy y thiện nam tín nữ chính thức trở thành người con Phật. 
Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Giác Hiệp – Uỷ viên HĐTS GHPGVN, Phó ban trị sự GHPGVN tỉnh Lào Cai đã giảng giải về ý nghĩa của việc quy y Tam Bảo tới toàn thể đại chúng. Thượng tọa đã nói rõ ý nghĩa và lợi ích của việc thọ trì Tam quy – Ngũ giới. Tam quy giúp mỗi người có chỗ dựa tinh thần thù thắng, vững chắc, tránh bị đọa vào ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ngũ giới là phương pháp thiết thực và cụ thể giúp chúng ta ngăn ngừa những hành động sai trái nơi thân, khẩu, ý, từ đó mà đạt được sự an vui trong hiện đời và vị lai. Tam Bảo là điểm nương tựa khởi đầu, là nền tảng căn bản rất quan trọng mà tất cả Phật tử tại gia cần ý thức và thể hiện tốt đẹp trong cuộc sống. 

  
  
  
  
  
  
  
  

Sau đó, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã đăng đàn truyền thụ Tam quy Ngũ giới cho gần 1000 quý thiện nam tín nữ. Đại chúng đều thành kính nhất tâm nguyện thọ trì những lời Phật dạy, thực hiện giữ gìn 5 điều giới và 3 phép quy.

  
  
  
  
  

Buổi chiều là đàn lễ cúng mông sơn thí thực, khép lại chương trình thành tựu viên mãn.

  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Nguyễn Bảo Trinh - Biên tập viên phụ trách Phật sự Phật giáo Hà Nội, Hà Tĩnh và Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc