Trang chủ Blog chùa Lễ kỷ niệm ngày Phật thành đạo và 21 năm thành lập...

Lễ kỷ niệm ngày Phật thành đạo và 21 năm thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc

Sáng ngày 13 tháng 01 năm 2019, nhằm ngày 08 tháng 12 năm Mậu Tuất, hàng nghìn Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa khắp các tỉnh miền Bắc đã vân tập về chùa Bằng (Linh Tiên tự) hân hoan đón mừng Đại lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Đạo và kỷ niệm 21 năm thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.

365
Ngay từ sáng sớm, Trưởng lão Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ GHPGVN tiếp tục làm lễ thọ y, mở y và lên y nâu cho các Phật tử của Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc sau khi các Phật tử đã trải qua kỳ khảo kinh sát hạch. 
  
  
  
  
Đúng 7h30 phút, toàn thể đại chúng chắp tay búp sen, niệm hồng danh Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật để cung đón chư tôn đức quang lâm lễ đài, bắt đầu chương trình kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo và kỷ niệm 21 năm thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.
Chứng minh buổi lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ kiêm Đệ nhất giám luật HĐCM GHPGVN, bậc tôn sư của Đạo tràng Pháp Hoa; Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng ban tổ chức chương trình; Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Phó trưởng ban thường trực Ban Hoằng pháp TW; Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ –  Ủy viên HĐTS, Phó Ban Hoằng Pháp TW, Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng tọa Thích Tâm Hải – Phó tổng biên tập báo Giác Ngộ cùng chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa, tự viện trong và ngoài địa bàn Hà Nội.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Mở đầu chương trình là lời phát biểu khai mạc của Hòa thượng trưởng ban tổ chức Thích Bảo Nghiêm. Theo Hòa thượng: “Hàng năm cứ vào thượng tuần tháng chạp, tất cả Phật giáo đồ trên toàn thế giới tu theo pháp đại thừa nương vào hán tạng đều trang nghiêm kỉ niệm sự kiện thứ ba của cuộc đời Đức Phật đó là ngày Đức Thế Tôn thành đạo Vô Thượng Bồ Đề. Lần này, tiếp nối truyền thống đó, trong 8 năm qua, đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc cùng chư tăng chùa Bằng kết hợp với đạo tràng Tịnh Độ và chư tăng chùa Hoằng Pháp – thành phố Hồ Chí Minh trang nghiêm tổ chức chuỗi ngày kỉ niệm Phật thành đạo, đêm hội hoa đăng tối 7/12 âm lịch và tụng kinh Pháp Hoa thông tiêu, tưởng nhớ Đức Phật. Sáng nay, cũng theo truyền thống hàng năm là lễ kính mừng ngày Phật thành đạo và đồng thời cũng để đánh dấu sự kiện kỉ niệm 21 năm ngày thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc cho đức Tôn sư thượng Trí hạ Quảng thành lập. Cho tới ngày nay, các đạo tràng đang càng ngày càng được phát triển đông về số lượng và thu được kết quả tu tập ổn định. Trên tinh thần ý nghĩa đó, Ban Hoằng pháp TW dưới sự chỉ đạo của đức Tôn sư và chư tôn đức đã hướng dẫn các Phật tử tu tập”.
 
  
  
  
  
  
  
Sau nghi thức dâng hương cúng dường Tam Bảo, Phật tử Pháp Thiện Nội đã thay mặt cho Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc báo cáo tổng kết một năm tu học của Đạo tràng Pháp Hoa toàn miền Bắc. Trong bài phát biểu, Phật tử Pháp Thiện Nội đã điểm lại vài nét hoạt động trong năm Mậu Tuất của Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc: 
-Từ đầu tháng 3 đến tháng 5: lập đoàn gồm Ban điều hành và các vị lãnh chúng – nòng cốt trong các đạo tràng ở Hà Nội. Tháp tùng Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Trưởng Ban cố vấn đi kiểm tra các đạo tràng. Tổng thể đã đi thăm 11 đạo tràng, 4 tịnh thất tại 8 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định và Hà Nam.
-Tại Vị Xuyên, Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc đã trợ duyên được 21 ngôi nhà, trợ giúp cho các trường mẫu giáo, trường cấp I, trường nội trú, quần áo đồng phục, vở viết, gạo mỳ, chăn len, kẹo bánh cho các cháu. Từ hiện trạng thực tế, nhiều đạo hữu đã rộng lòng phát tâm tịnh tài để làm trần nhà, lát sân, xây cổng, làm đường cho khu trường mẫu giáo thôn Nậm Đăm. Đạo tràng A Nan Phụng Thánh cùng Bộ Lao động thương binh xã hội cứu trợ đồng bào ở rẻo cao Phú Thọ và nhiều đạo tràng khác luôn có ở các nơi khó khăn khổ đau như bệnh viện trại dưỡng lão, chất độc da cam và vùng bị thiên tai.
-Quan tâm trợ duyên các khóa tu và làm từ thiện của các cháu thanh thiếu niên Phật tử.
  
  
  
  
  
  
Tiếp đến, toàn thể hội chúng đã được lắng nghe lời đạo từ  vô cùng ý nghĩa của Hòa thượng ân sư Thích Trí Quảng. Hòa thượng tán thán thành quả mà Đạo Tràng Pháp Hoa miền Bắc đã làm được trong năm vừa qua. Đồng thời, Hòa thượng cũng chúc mừng Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm vì đã mở thêm được hai đạo tràng ở Hà Tĩnh và Thái Nguyên, nâng tổng số lên thành 60 đạo tràng ở phía Bắc. Theo Hòa thượng Phó Pháp chủ, đây là tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo Việt Nam chúng ta, bởi “điều đó chứng tỏ rằng ánh sáng trí tuệ của Đức Phật Thích Ca luôn soi rọi vào tâm của những người có căn lành và có niềm tin nơi Đức Phật”. Hòa thượng chỉ dạy “theo kinh điển Nguyên Thủy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân từ cung vua Tịnh Phạn vào ngày rằm tháng Vesak. Ngày thành đạo và ngày vào Niết Bàn cũng là ngày rằm tháng Vesak. Cho nên chúng ta gọi là Tam Hợp. Ta cũng sắp làm lễ Vesak tới đây tại Hà Nam. Nhưng theo tinh thần Đại thừa, ánh nhìn của những người có con mắt Đại thừa lại thấy khác hơn. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật có nói loài người chúng ta thấy Đức Phật xuất thân từ cung dòng họ Thích đến cội Bồ Đề mà thành Chính Đẳng Chính Giác. Nhưng từ ta thành Phật đến nay trải qua vô lượng vô biên A Tăng kì kiếp, thường ở Ta Bà thị hiện sinh thân trong nhiều quốc độ, thuyết pháp giáo hóa vô số chúng sinh, thọ mạng sai khác tùy theo loại hình mà khai phương tiện để chỉ bày chân thật thậm thâm vi diệu. Cho nên dưới nhãn quan Đại thừa, chúng ta nhìn thấy hoàn toàn khác. Vì nếu Đức Phật xuất thân từ cung dòng họ Thích, tức là một con người mà tu hành thành Phật, tại sao đến nay trải qua mấy nghìn năm mà không có vị Phật thứ hai xuất hiện? Căn cứ trên kinh Nguyên Thủy thì Đức Phật nói “bao giờ mà ta nhập diệt thì Đức Di Lặc mới ra đời”. Nhưng trên thực tế, Đức Phật đã vào Niết Bàn ở Sa La song thọ. Cho nên người tu theo Đại thừa, dưới con mắt Đại thừa thì lại thấy Đức Phật chưa nhập diệt, Đức Phật không nhập diệt. Cho nên Đại Tuệ thiền sư mới nói không sinh không diệt, đó là chân Phật. Nếu có sinh có diệt là Phật ứng hóa thân. Tại Ngài ứng thân, hóa thân tùy theo duyên mà giáo hóa chúng sinh. Chứ thực ra Đức Phật không sinh không diệt. Ý nghĩa đó vô cùng quan trọng với chúng ta. Cho nên Đức Phật hiện thân vào cung dòng họ Thích, mang tên Sĩ Đạt Ta. Ta nhìn thấy con người đó có cấu trúc cơ thể rất đặc biệt. Bên ngoài có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, ai nhìn thấy cũng phát tâm quý trọng. Bên trong Ngài có một sức mạnh vô cùng lớn, có một trí tuệ vượt hơn tất cả. Cho nên ta biết bên trong con người thái tử Sĩ Đạt Ta đã có một ông Phật ở trong đó. Vì vậy, tiên A Tư Đà nhìn thấy thái tử còn nằm nôi mà đã nói rằng “người này bảo đảm trong tương lai nếu đi tu là làm Phật”. Cho nên con người như thế thì mới thành Phật. Còn chúng ta là những người có niềm tin ở Đức Phật, nhờ sự hộ niệm của Đức Phật mà được an lành, được sáng suốt. Chúng ta tiếp nối ngọn đèn trí tuệ của Đức Phật rọi vào nhân gian, làm an lạc cho mọi nhà, mọi người, mọi giới. Khi nào đầy đủ tâm đại bi, đầy đủ hạnh Bồ Tát thì chúng ta cũng sẽ thành Phật như Đức Phật Thích Ca”.
Sau cùng, Hòa thượng mong tất cả Tăng Ni, Phật tử miền Bắc luôn tinh tấn trên đường đạo nhằm mang lại lợi lạc, an vui cho bản thân và cho xã hội, giúp Phật pháp ngày càng phát triển hơn nữa.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Lời đạo từ quý báu của Trưởng lão Hòa thượng đã khép lại chương trình kỉ niệm Phật thành đạo và kỉ niệm 21 năm thành lập đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.
 
  
  
Buổi sáng cùng ngày, toàn thể đại chúng đã trang nghiêm thanh tịnh lắng nghe thời pháp thoại của Hòa thượng Thích Quang Nhuận – Phó trưởng Ban thường trực Ban hoằng pháp TW với chủ đề “nhớ lời Phật dạy”.
Hòa thượng chia sẻ “Đêm hôm qua, nhìn ngọn nến lúc đêm hội hoa đăng, chúng tôi cảm xúc thật sự. Khoảnh khắc thật thiêng liêng. Rồi đại chúng cùng nhau tụng thông tiêu bản kinh Diệu Pháp Liên Hoa như một nét đặc trưng của chùa Bằng. Trải bao biến thiên của thời gian, chùa Bằng còn lại những dấu tích, bây giờ hiện lên Bảo tháp Báo Ân, hiển bày giữa tuế nguyệt khiến chùa Bằng ngày nay đã thật sự là nơi trở về của những người con Phật, tiến tu đạo nghiệp. 
Ngày nay, nhân loại đang trong cơn băng hoại và suy thoái đạo đức trước sự cảm dỗ cuả vật chất hiện đại. Đã đến lúc mọi người cần phải quay lại chính mình và nhớ lời dạy của Đức Phật để ứng dụng vào trong đời sống thường nhật. Đây là con đường duy nhất để mọi người cùng thăng tiến đạo đức tâm linh và tránh xa nạn hủy diệt văn hóa, văn minh và sự sinh tồn của nhân loại. Cho nên, Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, Bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.
Hòa thượng nhấn mạnh với đại chúng:
Có 4 ý nghĩa quan trọng về sự thành đạo của Đức Phật:
– Đức Phật đã chiến thắng Ma quân.
– Đức Phật đã khai mở cửa bất tử cho tất cả chúng sanh.
– Chứng minh mọi chúng sinh đều có khả năng giác ngộ giải thoát.
– Con người là chủ nhân của chính mình.
Và có 3 giá trị thực tiễn về sự thành đạo của Đức Phật:
– Đức Phật dạy phương pháp tu tập mang lại an lạc ngay trong hiện tại
– Đức Phật là nhà cách mạng đầu tiên về nhân quyền và bình đẳng
– Giáo lý Đức Phật có giá trị miên viễn.
Mỗi tôn giáo đều có những ngày kỷ niệm và những thánh tích về vị Giáo tổ sáng lập ra giáo phái hoặc tôn giáo đó. Phật giáo là một tôn giáo lớn, ngày nay được mọi người trên thế giới biết đến qua giáo lý và cuộc đời Đức Phật Thích Ca, vị Chính đẳng giác ra đời tại nước Ấn Độ cách đây trên 25 thế kỷ.
Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng “nhân kỷ niệm ngày Thế Tôn thành đạo cũng như nhập Niết-Bàn, chúng ta hãy thành kính đê đầu đỉnh lễ Đấng đại giác và xin ghi nhớ lời dạy của Phật, tinh tiến tu tập và hành trì theo những lời Ngài dạy để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, an lành“.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Cũng nhân dịp này, hơn 1000 Phật tử sau khi được Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng trao pháp y đã được Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm làm lễ truyền thụ Tam quy ngũ giới. Quy y Tam bảo là điểm khởi đầu đánh dấu cho một sự chuyển hướng tâm hồn về nẻo thiện, sau khi quy y thiện nam tín nữ chính thức trở thành người con Phật. 
Tại buổi lễ, Đại đức Thích Thanh Tâm – Ủy viên Ban hoằng pháp TW, Giáo thọ sư chùa Bằng đã giảng giải về ý nghĩa của việc quy y Tam Bảo tới toàn thể đại chúng. Đại đức đã nói rõ ý nghĩa và lợi ích của việc thọ trì Tam quy – Ngũ giới. Tam quy giúp mỗi người có chỗ dựa tinh thần thù thắng, vững chắc, tránh bị đọa vào ba đường dữ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ngũ giới là phương pháp thiết thực và cụ thể giúp chúng ta ngăn ngừa những hành động sai trái nơi thân, khẩu, ý, từ đó mà đạt được sự an vui trong hiện đời và vị lai. Tam Bảo là điểm nương tựa khởi đầu, là nền tảng căn bản rất quan trọng mà tất cả Phật tử tại gia cần ý thức và thể hiện tốt đẹp trong cuộc sống. 
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Sau đó, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã đăng đàn truyền thụ Tam quy Ngũ giới cho gần 1000 quý thiện nam tín nữ. Đại chúng đều thành kính nhất tâm nguyện thọ trì những lời Phật dạy, thực hiện giữ gìn 5 điều giới và 3 phép quy.
 
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
  
Buổi chiều là đàn lễ cúng mông sơn thí thực, khép lại chương trình thành tựu viên mãn.