Trang chủ PGVN Nhân vật Lược sử Tổ sư Pháp Loa – Tổ thứ 2 Thiền phái...

Lược sử Tổ sư Pháp Loa – Tổ thứ 2 Thiền phái Trúc Lâm VN

155

Năm 21 tuổi, Ngài gặp Điều Ngự Giác Hoàng liền xin xuất gia. Sau đó Điều Ngự gởi Ngài thọ học với Hòa thượng Tánh Giác ở chùa Quỳnh Quán. Một hôm, nhân đọc kinh Lăng-nghiêm đến đoạn “Thất xứ trưng tâm” trong lòng chấn động, Ngài liền quay về yết kiến Điều Ngự. Thế là từ đó được hầu hạ bên cạnh Điều Ngự, ra vào đều thưa hỏi, lâu ngày càng thêm tỉnh. Ngài trình kệ, Điều Ngự dạy phải tự tham. Ngài vào phòng đầu óc nặng trĩu, thức đến quá nửa đêm, bỗng thấy bông đèn tàn rụng, chợt đại ngộ, bèn đem chỗ ngộ trình lên Điều Ngự và được ấn chứng. Từ đây, Ngài lập nguyện tu hạnh Đầu-đà. 

Đến niên hiệu Hưng Long thứ 13 (1305), Điều Ngự đưa Ngài lên liêu Kỳ Lân cho thọ giới Tỳ-kheo và giới Bồ-tát. Thấy chỗ tham học của Ngài đã thành đạt, Điều Ngự ban hiệu Pháp Loa.

Năm Hưng Long thứ 15, Ngài24 tuổi. Bấy giờ Điều Ngự trụ ở am Thiên Bảo Quan vì Ngài giảng Đại Huệ Ngữ Lục. Đến tháng 5, Điều Ngự lên ở am trên đảnh Ngọa Vân Phong. Ngày rằm làm lễ Bố-tát, sám hối tụng giới xong, Điều Ngự bảo mọi người xuống, lấy y bát và viết tâm kệ trao cho Ngài dạy khéo gìn giữ.

Ngày mùng 1 tháng Giêng năm Hưng Long thứ 16 (1308), Ngài vâng lệnh Điều Ngự làm lễ nối pháp Trụ trì tại nhà Cam Lồ chùa Siêu Loại. Khai lễ có vua Anh Tông và đình thần đến dự. Điều Ngự lên đàn thuyết pháp rồi nhường chỗ cho Ngài giảng đạo. Lễ xong, Điều Ngự đặt Ngài kế thế Trụ trì chùa Siêu Loại và làm chủ sơn môn Yên Tử, là đời thứ hai của phái Trúc Lâm. 

Tháng 11 năm 1308 Điều Ngự tịch, Ngài phụng mạng cung nghinh xá-lợi về kinh đô. Trở về núi, Ngài soạn lại những bài tụng của Điều Ngự lúc ở Thạch Thất làm thành quyển Thạch Thất Mị Ngữ.

Năm Hưng Long thứ 19 (1311), Ngài phụng chiếu tiếp tục khắc bản Đại tạng kinh, giao thiền sư Bảo Sát làm chủ việc này.Tháng 9 năm Hưng Long thứ 21 (1313), Ngài phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang định chức cho Tăng đồ. Chúng Tăng từ đây mới có sổ bộ. Về sau cứ ba năm một lần độ Tăng như thế.

Tháng 2, năm Đại Khánh thứ 4 (1317) đời Trần Minh Tông, Ngài bệnh nặng. Bấy giờ Ngài đem y của Điều Ngự và viết tâm kệ trao lại cho thiền sư Huyền Quang. Đồng thời pháp khí và gậy trao cho Cảnh Ngung, phất tử trao cho Cảnh Huy, gậy tre trao cho Huệ Quán, pháp thơ và pháp cụ trao cho Huệ Nhiên, linh vàng trao cho Hải Ấn, sử vàng trao cho Huệ Chúc. Sau ít hôm, bệnh được lành.

Năm đầu Khai Hựu (1329), đời Trần Hiến Tông, Ngài mở thêm cảnh Côn Sơn và Thanh Mai Sơn làm thành danh lam thắng cảnh. 

Ngày mùng 5 tháng 2, năm Khai Hựu thứ 2 (1330) Ngài phát bệnh trong hội giảng kinh Hoa Nghiêm tại An Lạc tàng viện. Đến ngày 11 bệnh trở nặng. Ngày mùng 1 tháng 3, Thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân đến thăm bệnh và gọi Thái y đến trị cho Ngài.

Đêm mùng 3 bệnh Ngài càng nặng hơn, thiền sư Huyền Quang thưa:

– Xưa nay đến chỗ ấy, buông đi là tốt hay nắm lại là tốt?

Ngài bảo:

– Thảy đều không can hệ.

Ngài Huyền Quang thưa:

– Khi thảy đều không can hệ thì thế nào?

Ngài bảo:

– Tùy xứ tát-bà-ha.

Đệ tử đồng đến thỉnh:

– Người xưa lúc sắp tịch đều có để kệ dạy đệ tử, sao riêng Thầy không có?

Ngài quở trách họ. Giây lâu bèn ngồi dậy viết một bài kệ:

Âm:

Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn,

Tứ thập dư niên mộng huyễn gian.

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,

Na biên phong nguyệt cánh man khoan.

Dịch:

Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn,

Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng.

Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,

Bên kia trăng gió rộng thênh thang.

Viết xong, Ngài ném bút an nhiên thị tịch, trụ thế 47 tuổi. Đệ tử theo lời phó chúc của Ngài, đưa nhục thể nhập tháp tại Thanh Mai Sơn.

Đến ngày 11 tháng 3, Thái thượng hoàng ngự bút ban hiệu Ngài là Tịnh Trí Tôn Giả, tháp tên Viên Thông và đề một bài thi vãn:

Thùy thủ trần hoàn dĩ liễu duyên,

Giác Hoàng kim lũ đắc nhân truyền.

Thanh Sơn mạn thảo quan tàng lý,

Bích thọ thâm sương xác thuế thiền.

Dạ yểm giảng đường kim cổ nguyệt,

Hiểu mê trượng thất hữu vô yên.

Tương đầu châm giới ta phi tích,

Trác tựu ai chương thế lệ huyền.

Đã hết duyên trần thõng tay đi,

Giác Hoàng kim tuyến được truyền y.

Thanh Sơn cỏ mọc che phần mộ,

Cây biếc trong sương để xác ve.

Đêm phủ giảng đường trăng kim cổ,

Ngày ngày trượng thất khói mờ che.

Thân mến biết bao, ôi luyến tiếc,

Nhớ công giáo hóa lệ đầy mi.

Tác phẩm của Ngài còn lưu truyền:

– Đoạn Sách Lục.

– Tham Thiền Chỉ Yếu.

– Kim Cương Đạo Tràng Đà-la-ni Kinh.

– Tán Pháp Hoa Kinh Khoa Số.

– Bát-nhã Tâm Kinh Khoa.

– Và một bài kệ thị tịch.

Tổ sưPháp Loa xuất thế với một phát tích kỳ đặc, kết duyên với Phật giáo Việt Nam, kế thừa và phát triển dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, mở ra trang sử Phật sáng chói với một giáo hội trang nghiêm, tăng già hòa hợp và một nền văn hóa Phật giáo vươn lên đến đỉnh cao nhất thời bấy giờ.

Phật giáo đời Trần bắt đầu mở ra một thời kỳ phát triển rộng khắp kể từ khi Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử có được cánh tay hỗ trợ đắc lực của Ngài. Có thể nói, ngoài việc nối nắm tông phong, lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử do Điều Ngự ủy thác, ngài còn hoàn thành xuất sắc các công tác Phật sự quan trọng như: Tổ chức giáo hội, in ấn Đại tạng kinh Việt Nam, cấp độ điệp cho tăng sĩ, tiếp độ hàng ngàn tăng chúng, thuyết pháp độ sinh…  Ngài quả thật là một tấm gương sáng cho tăng sĩ Việt Nam, tiếp bước Điều Ngự, suốt một cuộc đời hành đạo và hóa đạo không biết mệt mỏi.

Con người của Tổ sư là con người của tha nhân, đến đi tùy duyên, tự do tự tại, viên dung vô ngại. Ngày nay, thiền tông Việt Nam có cơ duyên phát triển cũng nhờ vào uy đức của lịch đại Tổ sư thuở trước. Nếu Đệ nhị tổ phát huy Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần như một tinh ba của Phật giáo nước nhà thì thiền tăng Việt Nam ngày nay cần phải nỗ lực học tập, hành trì và truyền nối dòng thiền tổ tông ngày càng tốt đẹp bền vững. Đây là sứ mệnh của tăng sĩ Việt Nam, chúng ta cần trân quý giữ gìn và phát huy. 

BAN KIẾN ĐÀN  ĐẠI GIỚI ĐÀN PHÁP LOA – 2017