Trang chủ PGVN Cửa thiền Mái ấm nơi cửa thiền Bát Phúc (Đan Phượng, Hà Nội)

Mái ấm nơi cửa thiền Bát Phúc (Đan Phượng, Hà Nội)

114

Người “bảo mẫu” giàu tình thương


Việc trở thành “mẹ” của sư thầy Thích Diệu Bản như duyên nợ. Sáng ấy như mọi lần, khi vừa mở cổng chùa thì sư thầy trông thấy một bé trai, áo quần đẫm sương đứng co ro một mình. Hỏi tên tuổi, địa chỉ, con cái nhà ai, cháu bé chỉ lắc đầu và khóc. Trong túi áo cháu lộ ra một tờ giấy trong có ghi mấy dòng chữ nguệch ngoạc: “Kính gửi thầy, con bị nhiễm HIV. Con sắp xa rời trần thế không thể chăm sóc cho cháu. Xin thầy mở lòng từ bi để cháu không phải bơ vơ giữa đời”. Bức thư vẻn vẹn chỉ có vậy, không có tên người gửi cũng không có địa chỉ. Kinh Phật dạy “cứu giúp chúng sinh là cúng dường tam bảo”, không sao cầm lòng trước sinh linh bị bỏ rơi, sư thầy Diệu Bản đã giữ cháu bé lại chùa chăm sóc.


Cũng từ đó, sư thầy đã xin chính quyền địa phương cho phép nhà chùa được nhận nuôi trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tìm đến gửi con, các cụ già không nơi nương tựa cũng được sư trụ trì đón về nuôi dưỡng.


Vốn là đứa trẻ mồ côi có tuổi thơ đầy sóng gió, sư thầy Diệu Bản thấu hiểu những “truân chuyên” mà “sinh linh” nhỏ bé không gia đình phải gánh chịu. Trong chùa mỗi trẻ một tính nết khác nhau nên thầy phải lựa cách dạy bảo với từng em. Nhiều em do vào đời kiếm sống sớm đã quen với cảnh màn trời chiếu đất sinh ra bướng bỉnh, quậy phá. Cũng có em do mặc cảm với số phận của mình trở nên lầm lì, hay cáu gắt… Chỉ về phía bé gái ôm con gấu bông đang cười đùa cuối khuôn viên chùa, sư thầy cho biết: “Cháu là Đàm Kim Phượng, 10 tuổi, quê ở Lạng Sơn. Cha mẹ bỏ nhau rồi ai nấy đi biệt, cháu và bà ngoại phải lang thang xin ăn khắp nơi. Lúc mới vào chùa cháu còn mặc cảm với số phận của mình nên lầm lì không nói, cũng chẳng chơi với ai. Giờ đã vui vẻ và sống hòa nhập với những đứa trẻ khác trong chùa”…


Hằng ngày, các em được nhà chùa giáo dục từ điều ăn đến nếp ở. Được sư thầy Diệu Bản dạy làm những công việc nhẹ nhàng như quét sân, nấu cơm, thỉnh chuông, lau tượng Phật, nghe giảng kinh để tu dưỡng tâm đức… Dần dần mọi khoảng cách được lấp đầy bằng tình yêu thương. Chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho các em, “người mẹ” ấy âm thầm hy sinh để những mảnh đời bất hạnh được “hồi sinh”.


Nơi chắp cánh những ước mơ


Hầu hết các em vào đây từ khi còn rất nhỏ. Nói là ở chùa, nhưng cũng giống như bao đứa trẻ đồng trang lứa khác tất cả đều được cắp sách tới trường. Hiện nay, chùa có hơn 30 em đang theo học các trường từ mẫu giáo đến THPT.


Mỗi khi mùa tựu trường, cả một gánh nặng đè lên đôi vai của sư thầy Diệu Bản. Những lúc ấy, thầy cặm cụi đóng từng tập sách, mua từng cây bút và tất tả ngược xuôi vận động phật tử quyên góp ít nhiều lo học phí cho các em. Có thời điểm sư thầy phải đi hành khất để việc học của bọn trẻ không phải dở dang. “Chẳng lẽ trẻ có cơ duyên đến với mình mà mình lại không cố gắng chăm lo, đùm bọc cho chúng. Dù khó khăn đến đâu nhà chùa quyết không để em nào phải thất học để chúng có đủ tự tin bước vào đời”-sư thầy tâm sự.


Để khuyến khích các em siêng năng học hành, sư thầy Diệu Bản có nhiều hình thức thưởng, phạt rất công bằng. Ngoan ngoãn, học giỏi trẻ được đi tham quan Lăng Bác, vườn bách thú, mua quần áo mới…, không nghe lời, quậy phá thì chịu phạt chấp tác, thỉnh chuông, tưới cây… Nhờ sự chăm sóc tận tình, chu đáo của sư thầy Diệu Bản, từ mái chùa Bát Phúc này đã có nhiều “đứa con” khôn lớn, trưởng thành. Nhiều đứa đã công thành danh toại, công ăn việc làm ổn định, nhiều đứa đi làm ăn xa và xây dựng gia đình… tất cả chúng đều nhớ về nơi nương tựa thuở ấu thơ, nhớ đến công ơn “dưỡng dục” của sư thầy Diệu Bản. Nhiều đứa đã trở lại thăm “tổ ấm”, còn tặng tiền, quà giúp nhà chùa nuôi dạy các em.


Không chỉ giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh và nuôi nấng trẻ mồ côi, đầu năm 2007, sư thầy Thích Diệu Bản đã cho mở phòng khám đông y Đức Thọ Đường, chữa bệnh từ thiện cho nhân dân quanh vùng. Lương y Phan Khánh Thành, một người làm việc kê đơn bốc thuốc ở phòng khám cho biết: Sáng nào chùa cũng có rất đông bệnh nhân đến bắt mạch, châm cứu, bốc thuốc. Việc khám, chữa bệnh tất cả đều miễn phí”.


Mặc dù đã cứu giúp rất nhiều mảnh đời bất hạnh, nhưng sư thầy Thích Diệu Bản luôn xem đó chỉ là việc làm nhỏ bé. Sư thầy Diệu Bản tâm sự: “Tôi tin ai gặp hoàn cảnh ấy cũng sẽ làm như vậy, các em không có lỗi. Chỉ tiếc rằng, điều kiện trong chùa hiện còn thiếu thốn rất nhiều, mong rằng những việc làm tình nghĩa của nhà chùa sẽ được sự chung tay của tất cả cộng đồng”.