Trang chủ PGVN Cửa thiền Mái ấm tình người chùa Bình An (Bình Tân, TP. Hồ Chí...

Mái ấm tình người chùa Bình An (Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh)

1478

1. Sư cô Huệ Bình – người gần 20 năm gắn bó với chùa – giới thiệu với tôi về thành viên mới nhất của đại gia đình chùa Bình An. Đó là cụ bà Nguyễn Ngọc Lệ, 76 tuổi. Run run trong tiếng nấc nghẹn ngào, cụ kể về cuộc đời bất hạnh của mình: Chồng con lần lượt qua đời, cụ bán vé số kiếm sống qua ngày. Bôn ba khắp nơi, cụ nghe nói có một ngôi chùa tiếp nhận người vô gia cư nên tìm đến. Chùa nhận cụ chỉ với một điều kiện duy nhất: Không đi bán vé số nữa. Cụ Lệ đã khóc trong niềm vui sướng: “Giờ đã có cái ăn, cái mặc, có bạn bè…”. 

Trong ngôi chùa an bình này, còn có 54 cụ già khác. Họ tìm đến chùa từ lời chỉ dẫn của những người đi đường hảo tâm. Tất cả chỉ có một mong muốn: được ăn, ở và được chăm sóc những ngày cuối đời. Mẹ con cụ bà Đỗ Thị Vệ đã gắn bó với chùa hơn 10 năm qua. Cụ Đỗ Thị Vệ, 98 tuổi, mới mất cách đây hơn một tháng còn bà Nguyệt – con gái cụ, tuổi ngoài 60 ngày ngày vẫn dậy sớm, phụ các sư cô nấu cháo, pha sữa cho các cụ. Bà Nguyệt cảm động: “Hơn 10 năm sống ở đây, khi mẹ tôi mất, được các sư cô trong chùa lo chu toàn, tôi cảm kích vô cùng…”.

Sư cô Huệ Bình nhớ về những ngày đầu mới thành lập mái ấm: “Hồi đó, chùa nghèo lắm, ban đầu nhận các cụ về ở không có nổi mái nhà che nắng che mưa. Các sư cô trong chùa phải đến từng nhà dân, xin từng tấm lá về làm mái, làm nhà”. Tiếng lành đồn xa, các cụ tha hương cầu thực khắp nơi tìm về chùa nương tựa. “Ai đến đây cũng đều bất hạnh và chùa Bình An đã trở thành chỗ dựa cho họ”. 

Ở đây, các cụ sống khá tươm tất. Ngày ba bữa cơm chay, tuy thanh tịnh nhưng đầy đủ dinh dưỡng. Mỗi cụ sáng sáng còn được bồi bổ khi hộp sữa, khi ly nước cam… Khi rảnh, các cụ tập dưỡng sinh, xem ti vi và đọc kinh, niệm Phật…   

2. Chùa Bình An còn là mái ấm của 24 em nhỏ bất hạnh. Phần đông trong số đó là những đứa trẻ bị người đời chối bỏ, có em còn đỏ hỏn đã bị ném vạ vật ở ngoài đường, ai đó nhìn thấy lại đem các em về chùa chăm sóc. Em Đỗ An Thanh mới 5 tuổi nhưng cũng ngần ấy năm sống ở chùa. Mới 2 ngày tuổi, người qua đường tìm thấy em đang nằm khóc trên một vạt cỏ ở huyện Bình Chánh. Em được đưa tới chùa trong tình trạng đói và lạnh. Các sư cô trong chùa cho em uống sữa, ủ ấm, dần dà em lớn lên trong vòng tay yêu thương của các sư cô. Bây giờ, Thanh đã được nhập hộ khẩu, được lấy họ của sư trụ trì và đi học mẫu giáo gần chùa. Em kháu khỉnh và xinh xắn lạ thường.

Niềm tự hào của chùa Bình An là hai cô sinh viên Đại học KHXH-NV TPHCM Đỗ Thị Hồng Thi và Huỳnh Thị Hà Vy, đều đã 20 tuổi. Hà Vy quê ở Bình Thuận đã ở trong chùa được hơn 8 năm. Cha bỏ mẹ và hai chị em Vy lăn lóc không nơi nương tựa. Thật may mắn khi một người quen đã đưa Vy và em gái vào chùa nương náu. Thật lạ là hai chị em Vy học rất giỏi, năm nào cũng được trường khen thưởng. Hai năm nay, mẹ Vy là chị Hà Thị Châu từ Bình Thuận vào thăm con, thấy hoàn cảnh quá khó khăn, chùa đã giữ chị Châu lại, phần để chăm sóc con, phần để giúp đỡ mấy việc lặt vặt trong chùa…

Ngoài Thi, Vy, chùa còn nuôi dưỡng 21 em nhỏ khác từ lớp 1-11. Tất cả các em đến tuổi đều được đi học văn hóa đầy đủ. Không ít trong số đó là những con ngoan, trò giỏi nhiều năm liền…







Chùa Bình An được xây dựng từ hơn 30 năm trước, trong đó, hơn 20 năm, chùa tiếp nhận những người già neo đơn, trẻ em mồ côi. Hiện nay, mái ấm tình thương chùa Bình An đang nuôi dưỡng 55 cụ già không nơi nương tựa và 24 em nhỏ từ 6 tháng đến 20 tuổi.


3. Mấy ai biết, để xây dựng được 2 gian nhà gạch tươm tất cho các cụ già, em nhỏ sinh hoạt bấy lâu nay, các sư cô trong chùa đã mất cả năm trời lao động cật lực, dành dụm xây nên. Ngày ấy, các sư cô phải thức từ 12g đêm cật lực xay bột, làm nhân, chiên bánh để đến 6g sáng có 1.500 cái bánh cam đem bỏ mối tại các chợ trong quận. Bánh ngon miệng lại nhiều người biết chùa đang nuôi dưỡng người già trẻ nhỏ nên hôm nào cũng bán sạch.

Tuy nhiên vẫn còn những nỗi lo khác mà sức chùa e không giải nổi. Sư cô Huệ Bình tâm sự: Chùa mới nhận 2 em 6 tháng tuổi về nuôi. Vậy mà lên quận xuống phường cả chục lần không ai chịu cho các em nhập hộ khẩu. Mấy trường hợp trước, làm hộ khẩu cái một, vậy mà… Không hộ khẩu, các em sẽ không có bảo hiểm y tế miễn phí, không được đi học… Mới hôm qua, có người đem đứa bé chừng 2 tháng tuổi đến nhưng chùa không dám nhận vì sợ không làm được hộ khẩu thì các em sẽ thiệt thòi. Hiện nay, chùa còn phải trả học phí cho 22 em trong độ tuổi đến trường, đó là một gánh nặng quá sức với khả năng của chùa. Nhiều nhà hảo tâm biết, giúp đỡ nhưng cũng chả thấm vào đâu.

Con đường để duy trì mái ấm chùa Bình An còn nhiều khó khăn. Thế nhưng các sư cô trong chùa vẫn hy vọng… Bình An sẽ mãi trụ vững, trở thành nơi ươm mầm của những mảnh đời bất hạnh…