Trang chủ Văn học Mẫu hình con người lý tưởng trong sáng tác của Trần Nhân...

Mẫu hình con người lý tưởng trong sáng tác của Trần Nhân Tông

644

Trần Nhân Tông (1258-1308) là một tác giả quan trọng của văn học Việt Nam nửa cuối TK XIII. Sáng tác của ông tích hợp các vấn đề lớn của thời đại, trong đó có sự dung hợp Nho- Phật- Đạo.

Bài viết này xem xét hình tượng vị bồ tát trang nghiêm- trượng phu trung hiếu trong tác phẩm của Trần Nhân Tông từ góc độ sự ảnh hưởng của các hệ tư tưởng lớn của thời đại đến những hình dung về mẫu hình con người lý tưởng của ông.

Vị bồ tát trang nghiêm- trượng phu trung hiếu là mẫu hình con người lý tưởng theo quan niệm của Trần Nhân Tông. Cư trần lạc đạo phú có đoạn:

Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên bồ tát trang nghiêm

Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu

Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi ân

Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo

Mẫu hình này là sự kết hợp của một bậc bồ tát trang nghiêm theo kiểu Phật giáo và một đấng trượng phu trung hiếu theo kiểu Nho giáo. Bồ tát là cách gọi tắt của bồ đề tát đóa, có nghĩa là giác hữu tình (người có tâm cầu giác ngộ), đạo chúng sinh, đạo tâm chúng sinh (người có đạo tâm cầu đạo), còn dịch là: khai sĩ, đại sĩ, thủy sĩ, thánh sĩ, siêu sĩ, vô song, pháp thần… Mọi người còn gọi bồ tát là đại sĩ, chỉ hạng người từ bi dùng các pháp môn đạo Phật đi thành tựu cho những chúng sinh có được vô thượng giác ngộ. Trong Phật giáo chỉ đứng sau hàng Phật. Đức Thích Ca Mầu Ni khi chưa thành đạo, cũng từng được gọi là Bồ tát (1). Theo Từ điển Phật học: Bồ tát “viết tắt của danh từ dịch âm bồ đề tát đóa; nguyên nghĩa là giác hữu tình cũng được dịch là đại sĩ; trong Đại thừa, bồ tát là hành giả sau khi hành trì à ba la mật đa (lục độ) đã đạt Phật quả, nhưng nguyện không nhập à niết bàn, khi chúng sinh chưa giác ngộ”(2). Encyclopedia of Buddism định nghĩa bồ tát: “Thuật ngữ bồ tát đề cập đến sattva (người) trên con đường tìm đến giác ngộ để thành Phật, hoặc những người mà bản chất vốn đã là giác ngộ”(3). Nói cách khác, bồ tát là tiền thân của các vị phật tương lai. Bồ tát chia ra làm hai hạng: bồ tát đang sống trên trái đất và bồ tát siêu việt. Nhưng dù siêu việt hay ở trên trái đất thì bồ tát cũng là sự kết hợp của trí huệ là lòng từ bi. Đặc biệt với thiền, bồ tát liên hệ mật thiết với hiện thực đời sống, với cuộc sống hiện hữu của chúng ta trên trái đất. Kinh Hoa Nghiêm cho thấy một lý tưởng bồ tát: “Họ mang luôn cả Phật cho tham dự thiết thực trong đời sống cộng đồng của đại chúng. Ngài hết ngồi trên tòa cao trang điểm bảy báu, diễn thuyết những đề tài trừu tượng như vô ngã, tánh không, hay duy tâm. Trái lại, ngài nắm lấy cái cày trong tay, xới đất, gieo mạ, và gặt lúa. Xem dáng dấp bên ngoài, ngài không khác gì một người như mọi người mà chúng ta gặp trong nông trại, ngoài đường phố hay ở bàn giấy. Ngài y hệt như một người chăm chỉ như chúng ta. Phật, trong sinh hoạt thiền Trung Hoa của ngài, không khoa trương hoạt cảnh Hoa nghiêm ra ngoài, mà để nằm trọn vẹn trong mình. Chỉ có Phật mới nhận ra ngài”(4).

Trung và hiếu là hai phạm trù quan trọng của Nho giáo. Từ điển Nho Phật Đạo mục từ Trung: “Phạm trù luân lý của Nho gia. Chỉ thái độ chân thành, thành thực có trách nhiệm, hết lòng hết sức trong việc đối xử với mọi người. Chu Hy: “Trung là thành thực không lừa dối” (Chu Tử ngữ loại). Hàm nghĩa chính trị của chữ trung là chuẩn mực đạo đức cả bề tôi thờ vua, tức mọi suy nghĩ, lời nói, chức vị, sức lực đối với vua đều thành thực không giả dối. Luân ngữ – Học nhi: “Mưu sự với người khác mà không hết lòng hết sức ư?” (Vi nhân mưu nhi bất trung hồ). Luận ngữ – Bát dật: “Vua sai khiến bề tôi theo đạo lễ, bề tôi thờ vua bằng đạo trung” (Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung). Tả truyện – Thành công năm thứ 2: “Trung là sự bền vững của xã tắc” (Trung, xã tắc chi cố dã). Trong trung, hiếu, lễ, nghĩa, trung đứng hàng đầu, đủ thấy sự coi trong chữ trung của Nho gia”(5). Chữ trung được dịch ra tiếng Anh là devotion to duty, loyalty và được RoutledgeCurzon Encyclopedia of Confucianism định nghĩa: “Trong nhiều văn cảnh trong tiếng Trung cổ điển và thông tục, từ này có chức năng như một từ tương đương đơn giản trong tiếng Anh là loyalty (trung thành). Tuy nhiên, trong những văn bản có sức ảnh hưởng lớn của kinh điển Nho gia, nó có nghĩa bóng, và được dịch theo nghĩa là “ai đó cố gắng hết sức”, hoặc “cố gắng đến tột bậc”, phù hợp với chức phận của từng cá nhân trong các mối quan hệ xã hội theo lễ… Nghĩa trừu tượng hơn của thuật ngữ trung như là sự thực thi nghĩa vụ của một người trong mối quan hệ xã hội, hơn là trong nghĩa hẹp của trung thành về chính trị hay cá nhân, song song với việc dịch sâu hơn từ hiếu như là một nghĩa sâu sắc hơn là nghĩa đơn giản phục tùng cha mẹ. Và do vậy, hai thuật ngữ này thường sánh đôi với nhau ở cả hai nghĩa rộng và hẹp”(6).

Còn mục từ Hiếu được định nghĩa là: “Thuật ngữ Nho giáo. Khéo thờ cha mẹ thì gọi là hiếu. Hiếu là phạm trù luân lý cơ bản nhất của Nho gia. Nho gia cho rằng hiếu là gốc của nhân luân, là nguồn của đạo đức. Hiếu kinh: “Xét ra hiếu là gốc của đức, là nguồn sinh ra giáo hóa (phù hiếu, đức chi bản dã, giáo hóa chi sở do sinh dã)”(7). Hiếu được dịch ra tiếng anh là filial piety (lòng hiếu thảo) và được định nghĩa: “Hiếu thảo, một đức mục cơ bản của người Trung Quốc được ca tụng trong rất nhiều kinh điển Nho giáo, là sự phục tùng theo bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Việc sử dụng từ hiếu có từ đầu thời Chu, khi nó được sử dụng đầu tiên ở các nghi lễ cúng tế xuống đối với quan hệ với cha mẹ…”(8).

Vị bồ tát vì quảng đại chúng sinh và đắm mình nơi trần thế của Phật giáo Đại thừa, chính vì vậy mà ở một khía cạnh nào đấy hoàn toàn không mâu thuẫn gì với một đấng trượng phu trung hiếu của Nho giáo. Họ cũng đều nỗ lực hết lòng hết sức cho khát vọng được tu dưỡng bản thân với mục đích tối hậu là mang đến điều tốt đẹp cho nhiều người khác. Nếu bồ tát tu tập, trên thì cầu mong được giác ngộ, dưới thì ước nguyện đem giác ngộ đó reo rắc cho cả thế gian này thì đại trượng phu lại nuôi chí lớn mong tu thân để tề gia, trị quốc và bình thiên hạ, cái đích cuối cùng cũng chỉ là mong cho thôn cùng ngõ hẻm không một tiếng hờn giận oán sầu, mong cho thiên hạ được thái bình thịnh trị. Dù quan niệm của họ về cái gọi là điều tốt đẹp cho nhân gian khác nhau nhưng trên đại thể thì đều là vì cộng đồng chung rộng lớn mà hành động. Mặt khác, vì bồ tát tìm đến chân lý ở ngay trong cõi nhân gian này, để mong phá vỡ vô minh, thoát khỏi luân hồi ở chốn trần thế, mà người phải đắm chìm trong cuộc sống thường nhật, nên những nghĩa vụ, những bổn phận trong cuộc đời chẳng xa lạ gì với người cả. Thậm chí, gánh nước bổ củi còn là chuyện quen thuộc, huống chi là làm một đấng trượng phu trung hiếu giúp ích cho đời. Khi người tu hành ngoài không phạm điều răn về sắc tướng, trong đã xóa bỏ được mọi vọng niệm thì đã có thể trở thành một vị bồ tát trang nghiêm. Đồng thời khi ấy, ở vai trò của một con người thế tục, người thực hiện được việc ngay thẳng thờ chúa, hiếu thảo đối với cha mẹ, mọi hành vi đi đứng đều theo đúng lễ nghĩa thì cũng lại là một đấng trượng phu đầy kiêu hãnh.

Và đây là những điều mà mẫu hình bồ tát trang nghiêm – trượng phu trung hiếu đó phải làm:

Chưng ấy:

Chỉn xá tua rèn

Chớ nên tuyệt học

Lay ý thức chớ chấp trằng trằng

Nén niềm vọng mựa còn xóc xóc

Công danh mảng đằm, ấy toàn là những đứa ngây thơ

Phúc tuệ gồm no, chỉn mới khá nên người thực cốc

Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu

Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc

Rèn lòng làm bụt, chỉn xá tua một sức giồi mài

Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc

Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay

Trọng bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc

Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo

Rất thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi lọt lọc

Vì là một tác phẩm mang ít nhiều tính chất một bài thánh huấn của Nho gia, mẫu hình nhân vật lý tưởng, đạo đức lý tưởng này được coi như một biểu tượng để người đời noi theo. Xây dựng một mẫu hình bồ tát trang nghiêm – trượng phu trung hiếu như thế, Trần Nhân Tông đã mang Thiền và Nho, mang hai lý tưởng kết hợp lại trong một mẫu hình duy nhất. Và mẫu hình đó đã được hiện thực hóa qua chính hình tượng cái tôi tác giả – hình tượng một vị thiền sư tự do, vô ngã, vô ý và vô ngôn và ông vua vì nước vì dân. Đây là một hình tượng hiện lên trong tác phẩm của Trần Nhân Tông rất đậm nét. Đó không phải là hai con người tách biệt mà chính là hai mặt của cái tôi – tác giả. Hai mặt này đã tạo nên một diện mạo Trần Nhân Tông như chúng ta vẫn hình dung.

Vị thiền sư là một nhân vật điển hình của văn chương Phật giáo. Thơ Trần Nhân Tông cho thấy một hình tượng vị thiền sư đầy bản lĩnh, ung dung tự tại. Đó là con người tự do, không đến mức phóng cuồng như Tuệ Trung, nhưng cũng phá bỏ mọi ràng buộc để đạt đến cái tâm không như gương sáng vốn không đài để không vật gì có thể bám chấp vào được. Và cũng phải tâm không thì con người mới có thể đạt đến sự tự tại tột cùng, mới phá được sự sai lầm của cách nhìn nhị nguyên để đi đến chân như, phá bỏ mọi ràng buộc của sự vô minh u tối và đạt được sự giải phóng của trí tuệ siêu việt. Con người ấy không để những thứ tầm thường của đời sống vật chất làm cho vướng bận:

Đắc ý cong lòng

Cười riêng ha hả

Công danh chăng trọng

Phú quý chẳng màng

Tần Hán xưa kia

Xem đà hèn hạ

Yên bề phận khó

Kiếm chốn dưỡng thân

Khuất tịch non cao

Náu mình sơn dã

Vượn cười hủ hỷ

Làm bạn cùng ta

Vắng vẻ ngàn kia

Thân lòng hỷ xả

(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca)

Con người ấy phủ định hết mọi danh lợi phú quý của cuộc đời để kiếm chốn lâm tuyền xa cách hẳn nhân gian làm nơi náu mình. Để rồi người vui với hoa cỏ chim muông, để thực sự thấy tâm và thân đạt tới trạng thái nhàn hạ đến tột cùng. Nhưng đây mới chỉ là cấp độ đầu tiên của sự giải phóng của con người, vì khi vẫn còn bận tâm đến nơi thành thị hay miền sơn cước thì khi ấy con người vẫn còn lệ thuộc vào ngoại cảnh, vẫn bị ngoại cảnh chi phối, khi vẫn còn nói đến chuyện trần duyên hay thị phi nghĩa là cả trần duyên lẫn thị phi vẫn còn tồn tại. Con người thực sự đạt đến mức cao nhất của sự tự do tự tại phải là đây:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi

Khách lai bất vấn nhân gian sự

Cộng ỷ lan can khán thúy vi

(Trong khóm hoa dương liễu rậm, chim hót chậm rãi

Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay

Khách đến chơi không hỏi việc đời

Cùng đứng tựa lan can ngắm màu xanh mờ mịt ở chân trời)

(Xuân cảnh)

Bức tranh hiện ra vài nét chấm phá. Một tiếng chim hót chậm rãi trong khóm hoa dương liễu rậm rạp, dưới bóng thềm ngôi nhà, mây chiều nhẹ nhàng lướt bay. Thời gian, cảnh vật có vận động, có chảy trôi, nhưng trong sự thung dung như ngàn năm vẫn thế, như quy luật của muôn đời. Trên cái nền cảnh vật động mà như tĩnh tại ấy, xuất hiện hình ảnh con người không nói gì, chỉ tựa lan can ngắm màu xanh mờ mịt nơi chân trời. Cái vô ngôn của con người cùng dáng đứng tựa lan can phóng tầm mắt ra phía chân trời xa hút như khiến thời gian cô cứng lại, như một khoảnh khắc dừng hình vĩnh viễn. Trong cái khoảnh khắc ấy, con người hòa làm một với trời đất, với cái mênh mông vĩnh hằng của màu xanh mờ mịt kia. Cái tiểu ngã đã hòa vào với trời đất trở thành một cái đại ngã duy nhất. Khi đã đạt tới vô ngã thì cũng là lúc con người hòa làm một với cái thế giới mênh mông vô giới hạn này, thế là lúc con người đạt đến sự tự do không cùng. Hình ảnh vị thiền sư vô ngôn, vô ngã, vô niệm ấy xuất hiện nhiều lần trong thơ Trần Nhân Tông. Đó vẫn thường là con người lặng im không nói gì, vô ngôn trong cái vô ngôn của trời đất, hòa mình vào vũ trụ vô cùng vô tận.

Ỷ lan hoành ngọc địch

Minh nguyệt mãn hung khâm

(Tựa lan can nâng ngang chiếc sáo ngọc

Ánh trăng sáng chan hòa trước ngực)

(Đăng Bảo Đài sơn)

Tuy vậy, con người Trần Nhân Tông còn có một phương diện khác, là con người thế tục gánh vác trách nhiệm xã hội. Thơ văn của ông khắc họa hình tượng một vị vua luôn đặt trách nhiệm với đất nước lên hàng đầu. Ông ý thức về trách nhiệm của kẻ trượng phu với đời và kẻ làm vua với thiên hạ:

Nhất thị đồng nhân thiên tử đức

Sinh vô bổ thế trượng phu tâm

(Thương yêu mọi người như nhau là ân đức của thiên tử

Sống mà không giúp gì cho đời là điều đáng thẹn của kẻ trượng phu)

(Họa Kiều Nguyên Lãng vận)

Ở hai câu thơ này, Trần Nhân Tông nói về thiên tử Trung Hoa, nhưng cũng là quan niệm của ông về đấng bậc làm chủ thiên hạ nói chung. Bên cạnh đó, ông cũng nói về trách nhiệm của kẻ trượng phu phải giúp ích cho đời. Cách quan niệm về trách nhiệm và bổn phận trong cuộc sống xã hội không phải là của riêng Nho giáo, nhưng Nho giáo nhấn mạnh đến điều ấy hơn cả, coi đó là điểm cốt yếu trong tư tưởng của mình. Ở chỗ này, rõ ràng, gần với trách nhiệm của con người xã hội hơn thì Trần Nhân Tông cũng đi gần đến với Nho giáo hơn. Có điều, ông mới chỉ dừng ở tầng bậc sơ giản nhất, chưa đi sâu vào những chỗ phức tạp của Nho giáo. Nhưng dù Trần Nhân Tông hiện lên như một người luôn mang trong lòng trách nhiệm của bản thân đối với đất nước thì trên hết người đọc vẫn luôn thấy được sự an nhiên tự tại của ông trước mọi biến động của thời cuộc, như trong khoảnh khắc đất nước lâm nguy, ông vẫn có thể nhắc đến câu chuyện Cối Kê của Việt vương Câu Tiễn khi xưa, hay khi nước nhà vừa qua những thắng lợi oai hùng, ông lại chỉ ước mong về một nền thái bình dài lâu. Chính vì vậy mà theo quan niệm của chúng tôi, con người trần thế của Trần Nhân Tông chính là một phương diện khác của vị thiền sư tự do tự tại mà chúng ta đã nói đến ở trên.

Khảo sát văn chương Trần Nhân Tông, chúng tôi nhận thấy, một trong những biểu hiện của sự đan xen ảnh hưởng của Phật và Nho chính là sự hình thành của hình tượng vị bồ tát trang nghiêm – trượng phu trung hiếu. Ở phương diện này, yếu tố thiền là chủ đạo, nhưng yếu tố Nho giáo đã xuất hiện, chiếm một phần quan trọng trong tác phẩm của ông. Sáng tác của Trần Nhân Tông là một minh chứng cho hiện tượng văn chương nhà nho nảy nở từ trong lòng văn học Phật giáo ở thời Lý – Trần.

Đỗ Thu Hiền

_______________

1, 5, 7. Lao Tử, Thịnh Lê (chủ biên), Từ điển Bách khoa Nho – Phật – Đạo, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr.121, 1660, 504.

2. Đạo Uyển, Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu (biên dịch), Từ điển Phật học, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2006, tr.93.

3. Buswell Robert E, Encyclopedia of Buddism, Vol 1, A-L, Macmillan Refference USA, New York, tr.58.

4. Suzuki D.T, Thiền luận, quyển hạ, Nxb TP.HCM, 2001, tr.69-70.

6, 8. Yao Xinzhong (edited), RoutledgeCurzon Encyclopedia of Confucianism O-Z, vol. 2, RoutledgeCurzon, London, 2003, tr.825, 680.