Trang chủ Văn học Tùy bút Màu xanh – Bây giờ

Màu xanh – Bây giờ

102

Lúc ấy, đường đất mòn nhiều trơn trợt khó đi, vả lại vì sáng sớm nên muôn lá cỏ rõ ướt sương khuya, phần không quen lối mòn dốc hiểm, khi đến nơi thì nắng đã rót vàng trên lưng núi.

Hành lý mang theo không ngoài túi vải nhỏ, biết rằng sẽ lên cao, đường dốc hiểm, nên chỉ từng bước thong thả như những buổi kinh hành thường lệ, thoảng nghe xa từ những phía lưng núi tiếng chuông trì kinh vang ra nơi có những am tranh khép mình dưới rặng cây, gợi lên một cảm giác thanh thoát cho lòng dặm khách đăng sơn, vừa báo thức cho một ngày đang đến giữa khoảng không gian u tịch nầy.

Nhớ những năm tháng trước đây, phong cảnh núi rừng còn dáng vẻ trầm hùng lắm, tuy đường khó đi bởi hoang vu rậm rạp của cỏ và dây leo chằng chịt. Nhưng nhìn chung thì lúc ấy vẫn còn toát ra ít nhiều vẻ hùng khí thâm u tịch lặng giữa đất trời.

Mặc dù nơi đây cũng đã trải qua bao năm tháng chiến tranh tàn phá đốt cháy, nhưng núi rừng trơ gan cùng tuế nguyệt, có những quả bom khổng lồ nổ tung thành những hố sâu hõm, vô tình tạo thêm nét bí hiểm cho cảnh núi rừng, những cổ thụ vững vàng xanh tán rộng nay đã bị những mảnh đạn bom cắt xén, khuấy sâu dị dạng nhưng vẫn trụ hình như thể hiện sự hy sinh, chịu đựng nỗi đau thương đầy bi tráng của loài thực vật đã trải màu xanh ngàn năm cho cuộc sống, còn hơn thế nữa nay đã bị những nhát búa, lưỡi cưa thèm khát ác nghiệt của con người, như cướp đi thêm phần hơi thở, thịt da của núi rừng thuở ấy !

Ngồi nghỉ chân giải mệt bên chòm đá to gần nhóm cây tỏa rộng, thoảng nghe hương cỏ hương rừng man mác theo gió luồn xa, mây trắng nổi trên cây, chim hót vọng lưng đèo, cảnh trí hữu tình, giây phút thân tâm như chìm vào tĩnh lặng, rồi nhớ đến lời kinh của Phật :

Với tâm điều phục tâm

Một mình vui thích rừng”

Phật Tự Thuyết 191 – (Ud.41).

Tự ngàn xưa, chư Tôn giả thánh đệ tử của Phật đã tìm được “lõi cây” rồi mang từ rừng về dâng lên Phật, Phật hoan hỷ im lặng khi thấy biết vị đệ tử nay có được “lõi cây…”.

Đã có biết bao cuộc tìm kiếm của những người con Phật từ trước và bây giờ, vẫn phải dong ruổi về mọi phía phương trời, lao xao khắp miền trú ẩn, trang bị cho tự thân không biết bao nhiêu phương tiện ra khơi, cuộc mưu cầu của hướng tâm vô định, đuổi theo những áng mây kỳ cùng ảo hóa, thế nhưng ai có biết đâu rằng :

Rừng dục được sanh lên

Chính do sự cộng trú

Rừng dục được chặt đứt

Chính nhờ không cộng trú

Phật Tự Thuyết 391.Tik III.9.

Sự cộng trú của ta đối với các pháp, ta có mặt, ta chấp nhận các pháp, ta lang thang và hoang phí triền miên cùng với các pháp, thì biết bao giờ và cho đến bao giờ mới có “lõi cây” được mang về trên tay !

Thiết nghĩ: Chư Tôn giả xưa và nay một khi đã vào rừng thì đâu chỉ để lắng nghe hay cảm thức đơn thuần giữa cảnh trí thiên nhiên với đá với cây với muôn hoa lá cỏ với gió rừng xa với tiếng chim thanh thoát theo những sớm chiều…

Mà còn phải biết lắng nghe từng sát na dòng chảy của tâm tư, phải quán chiếu như thật để thấy những vết trầm luân đã khắc mòn vào ký ức đã từ bao kiếp xa mờ hoen gió bụi.

Đâu một hình ảnh của Tôn giả USABHA khi ngồi lặng nhìn từng giọt mưa rửa bụi sáng cây rừng, đâu một Ngài EKUDDANIYA đã trầm mặc vô động giữa rừng sâu tĩnh mịch. Và còn nhiều Tôn giả Thánh đệ tử khác nữa của Phật đã thật sự chói sáng với “Tăng thượng tâm ẩn sĩ”.

Nếu với thân và tâm gầy guộc, không đủ nguồn sinh lực Bi Trí thì dù có bươn bả, biết bao giờ mới tới, nhưng nếu dừng lại mọi duyên thì mọi việc tất sẽ xong.

Một thoáng dừng chân, một thoáng suy tư, chợt thấy nắng đã vàng lên xuyên qua từng tán lá, rẽ hướng về Hang Mai, đường càng quanh co và hẹp hơn lại chia thêm nhiều lối rẽ nhỏ khác nữa, dọc lưng đèo có nhiều hoa cỏ và hoa dây leo ánh lên những sắc màu hương lồng theo gió mới, điểm vào không gian có những cánh bướm vờn quanh về bên những đóa hoa vàng lung linh trong sắc nắng mỏng manh.

Thỉnh thoảng có người từ phía trên đi xuống, trông họ khỏe lắm, nhưng cũng không kém phần vội vã lo toan bởi một công việc gì đó trong cuộc đời thường cơm áo.

Còn tôi đi lên dốc nên thấy mệt người hơn, cố giữ thanh thản tâm tư để thưởng thức cảnh núi rừng và để quên đi phần mệt mỏi, đó cũng là phương pháp điều thân, điều tâm trong mọi sinh hoạt theo lời Phật dạy:

“Bước những bước thăng bằng

Trên đường không thăng bằng

Tương Ưng 24S.17.

Thật ra, đường lên núi thì có bao giờ thăng bằng bao giờ đâu, khi lên, khi xuống, khi trơn trợt lúc quanh co nhiều truông hiểm, ngay cả những con đường bằng phẳng rộng rãi dễ đi, thế mà cũng không ít người vẫn phải bước không thăng bằng kia nữa !

Như đã từ xa xưa cho đến nay, đã có rất nhiều con đường vào đời cho mình một cuộc sống, có những con đường rẽ về muôn ngả, thênh thang thoáng đản, có khi cũng lắm khúc nẻo quanh co, hiểm nguy và hơn thế nữa!.

Biết bao người bị thất bại khổ đau để tìm cho mình một con đường, một cuộc sống phải trả giá bằng máu và nước mắt, công sức và đấu tranh buồn vui và gay gắt…

Để tìm cho một lẽ sống, một con đường mà từng kiếp người, từng đoàn người đã và đang đi qua mong đem lại sự an bình, hạnh phúc, phồn vinh về cả mặt ý thức và siêu hóa tâm linh. Những dấu chân đi qua ấy, những con người ấy đã thật sự đúc kết một quá trình bằng một trí năng kỳ tuyệt, bằng trái tim quảng đại bao dung, không có biên cương giới tuyến của trái tim.

Vì ở đấy đã thật sự thành tựu vô lượng hào quang kỳ diệu, luôn bình thản, hiểu biết và yêu thương trên mọi bước đi trong cuộc sống.

Nên trước đây và ngay bây giờ, những người ấy vẫn từng bước thăng bằng trên con đường không thăng bằng. Am tranh đã hiện rõ dần từ xa, thêm một lần hội ngộ an lạc trong chánh niệm, bữa cơm trưa nay với nước tương kho tiêu, tô canh cải trời trông đơn sơ đạm bạc, nhưng không kém phần thi vị hòa vào không gian tịch lặng như thêm chút gì của cảm thọ thiền tư, thiền duyệt.

Đêm nay, ánh trăng rót vàng ngoài hiên am, đối bóng cùng trăng nghe thoảng chút hương đêm và gió ngàn bạt đỉnh, một cảm giác an tịnh lạc khởi lên làm thanh thản tâm tư đủ làm quên xa những điều ước vọng mơ hồ, như sau cơn mưa làm lắng đi bao lớp bụi mờ lãng đãng.

Nếu như có sự “cộng trú” thì sẽ thêm bao vết trầm luân trong cõi tử sinh, còn ý thức chấm dứt với mọi ” cộng trú” thì sẽ được ung dung tiêu sái và thênh thang trong cõi vô cùng.

Giờ đã nửa đêm rồi, mỗi người về yên giấc nơi am vắng, nghe bốn bề im ắng như hút tâm hồn vào cả rừng sâu. Đường lên núi bây giờ được mở rộng hơn xưa, đá xây từng bậc thẳng tắp, có thành lan can để nghĩ chân, có thêm nhiều cốc am và nhà dân cư, lại được xây dựng một Nhà Truyền Thống của Tỉnh, một Bia Tưởng Niệm của Thành Đoàn, nên cảnh sinh hoạt bây giờ có phần nhộn nhịp hơn.

Thế nhưng, vẫn cảm nghe trong tôi trống vắng đi chút gì đó sâu xa nơi tâm tưởng.

Từng đoàn, từng lượt người hành hương về núi rừng, phải đâu chỉ để lễ bái, cấm trại ca hát vui chơi dã ngoại.v.v… Theo tôi thấy rằng : núi rừng vẫn kiên trụ với thời gian như sức mạnh hùng tráng cao thượng, những cổ thụ vững vàng xanh mình che tán rộng như yêu thương và bao dung của sự tỏa mát đã có từ bao thế kỷ, như những lớp người đi qua và đã làm nên những dấu son kỳ tích cho con người, cho cuộc đời, cho đất nước quê hương và cho cả ngàn sau.

Sự thâm u bí hiểm của một thời, bây giờ trông đã nhạt nhòa bởi cảnh sắc đơn sơ với những cây chồi còn yếu kém, dòng suối đã bị vẩn dục và cạn dần đi, những danh mộc xưa, nay đã nhường lại chổ đứng cho những loại như : Xà Cừ, Tràm, Gáo Bạch Đàn và các loại cây tạp khác…

Nghĩ mà chạnh lòng cho cái cảnh “Cây tạp thay rừng quí, cổ thụ khuất trời sương, rót một dòng kim cổ, ngàn năm nghiêng lối buồn!”

Sau hơn mười (10) năm chia tay, người ở lại một phương, còn ta thì áo vá trời mây, đối bóng với ngọn dầu khuya, rót tâm tư vào đời viễn mộng, nay gặp lại nhau, trông mái đầu đã mấy lượt chở bóng thời gian, nhưng vẫn như hôm nào với :

” Tâm tăng thượng ẩn sĩ

Thường nắm giữ chánh niệm

Trưởng Lão Tăng Kệ (68-80).

Xuống và ra khỏi chân núi, ngồi bên quán cốc dưới hiên mây nghe tách trà thoảng chút hương sen cùng hoài niệm chút hương rừng năm cũ, trông lên thấy cảnh núi rừng vẫn xanh tỏa một góc trời, nhưng màu xanh bây giờ không phải là màu xanh của những danh mộc của ngày xưa xa, mà là thay vào đấy là những loài tạp mộc đó thôi !.

Núi Dinh, Bà Rịa – Vũng Tàu, 09.2012.