Trang chủ Diễn đàn Nên không ủng hộ việc tiếp tục đốt vàng mã !?

Nên không ủng hộ việc tiếp tục đốt vàng mã !?

2633

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Đầu năm, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các chùa không đốt vàng mã. Đó là một hướng chỉ đạo rất tích cực. Thế nhưng, không thấy Minh Thạnh hưởng ứng, nêu ý kiến nhất trí, tán thành. Hơn nữa, trước đây Minh Thạnh lại có ý kiến duy trì việc đốt vàng mã theo nội dung Thượng tọa Thanh Quyết phát biểu. Vậy, lần này quan điểm của Minh Thạnh ra sao?

MINH THẠNH: Tôi vẫn cho rằng, đối với việc đốt vàng mã, chỉ nên hạn chế, và vẫn duy trì việc đốt vàng mã ở mức độ tượng trưng. Không nên xóa bỏ hẳn một tập tục văn hóa truyền thống đã bắt rễ vào đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Vậy là Minh Thạnh ủng hộ, tán thành tiếp tục đốt vàng mã? Minh Thạnh có đốt vàng mã khi đi chùa không? Tại sao Minh Thạnh lại có quan điểm như vậy?

MINH THẠNH: Đúng. Theo tôi là vẫn nên duy trì việc đốt vàng mã, nhưng chỉ ở mức độ tượng trưng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không nên có chủ trương đi ngược lại với truyền thống tâm linh của dân tộc, mà nếu các chùa không thực hiện, thì không có lợi cho uy tín, cho hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ nên chủ trương tiết kiệm khi đốt vàng mã mà thôi.

Khi đi chùa, tôi không đốt vàng mã. Nhưng khi đi cúng mộ, tôi vẫn mua vàng mã đốt tượng trưng, khoảng 10 ngàn đồng.

Về câu hỏi tại sao, thì có rất nhiều căn cứ để giải thích. Tôi sẽ đi sâu vào từng điểm căn cứ qua những bài đối thoại tiếp sau. Ở đây, chỉ xin trả lời bằng việc trích dẫn một đoạn trong phần “Tháng Bảy, ngày rằm xá tội vong nhân”, trong tập ký nổi tiếng “Thương nhớ Mười hai” tác giả Vũ Bằng viết về việc cúng cô hồn và dĩ nhiên đề cập đến vàng mã. Tôi có cùng suy nghĩ với nhà văn Vũ Bằng. Nhà văn Vũ Bằng đã nói đến vấn đề mà chúng ta đang quan tâm bằng hình tượng văn học sống động thuyết phục, đến mức đọc xong, chúng ta thấy không có lý do gì để “bài trừ” việc đốt vàng mã.

Đoạn trích ngay cuối câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ, dẫn từ “Thương nhớ Mười hai”. Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, 1999, từ trang 86.

“Dựa vào sự tích ấy, cứ đến ngày rằm tháng bảy, các đền chùa miếu mạo đều làm chay chạy đàn, phá ngục cho các tội nhân. Tục gọi là Tết Vu Lan. Mọi nhà cũng đều làm lễ cúng bái rất thành kính vì tin rằng ngày đó là ngày ở dưới âm, vong nhân xá tội cho những người quá cố”.

Ấy, câu chuyện đại khái chỉ có thế thôi. Nghe một, hai lần cũng vui tai, nhưng vợ chồng ăn ở với nhau chốc là hai mươi mốt, hai mươi hai năm trời mà cứ nhắc đi nhắc lại sự tích ấy vào dịp vong nhân xá tội, thét rồi, cũng ngây. Nhưng đến bây giờ, cũng vào tháng bảy ngày rằm, cũng ăn cái lễ xá tội vong nhân dưới một trời nắng cháy, mình có muốn gối đầu vào tay vợ, nghe chính vợ kể lại cho mình sự tích Mục Liên Thanh Đề một lần nữa trong khi ở ngoài mưa sườn sượt, có gió may thổi vi vu thì cũng chẳng còn được nữa… nuối tiếc đến mấy thì cũng chẳng còn được nữa…

Nhưng nuối tiếc không phải chỉ có thế mà thôi. Người ly hương còn nuối tiếc không biết bao nhiêu cái không khí chùa chiền ở Bắc vào dịp Lễ Trung Nguyên, chiêng trống, chũm chọe vang rân cả những vùng chung quanh, các sư lũ lượt ở xa về họp ở mấy ngôi chùa chính, đội mão có múi như múi khế, thêu xanh, đỏ, trắng, vàng, cầm gậy chạy đàn, ra điệu phá cửa những nhà ngục ở dưới âm ty để giải thoát cho những u hồn tội lỗi rên xiết trước những hình phạt gớm ghê mà óc người không thể nào hình dung được trọn vẹn, như leo cầu vồng, rớt xuống sông mê, chó ngao moi ruột, quăng vài vạc dầu cưa đầu, móc mắt, leo cột đồng nung đỏ, rút lưỡi, cà răng…

Có trông thấy người vợ bé nhỏ thắp hết tuần nhang này đến tuần nhang kia; khấn hết bàn thờ này đến bàn thờ khác, xuýt xoa lễ bái hết gốc cây này đến ụ đất kia, mình mới thấy rõ ràng hơn hết cả bao giờ là vợ mình tin tưởng như điên, lễ Trời lễ Phật đã đành, nhưng nếu thấy rằng lễ yêu tinh quỷ sứ, cô hồn các đảng, bà cô ông mãnh mà các tà ma yêu quái đó đỡ ác đi thì cũng chẳng ngại gì mà không lễ.

Lễ như thế, chưa đủ: về nhà còn lễ nữa. Nhưng muốn lễ thế nào thì lễ, vào ngày tết Trung Nguyên nhà nào cũng phải nấu một nồi cháo trắng múc ra từng chén đặt ở trước nhà, và nhang đèn vàng mã, chè đường bỏng bộp bày ra để cho các u hồn phảng phất ở chung quanh đó tìm lại mà phối hưởng. Lễ xong, các phẩm vật ấy người nhà thường không ăn, mà để cho các người nghèo khó đến giành giựt để ăn hoặc cho vào bị đem về nhà.

Tôi còn nhớ lúc nhỏ, vào những đêm cúng cháo chúng sinh như thế xong rồi, lên giường nằm ngủ, tôi thích tưởng tượng ra những cảnh cô hồn ở các nơi kéo nhau về ăn cháo, tranh giành bỏng bộp, chè lam và giành giựt nhau những cái áo cắt bằng giấy tàu xanh đỏ, những thoi vàng bẻ bằng nan nứa ngoài bọc giấy vàng hay những tờ giấy tiền làm những tờ thiếc trắng tượng trưng cho bạc và những tờ thiếc quét “hòe” tượng trưng cho vàng.

Nhớ lại như thế tức là nhớ lại cả một thời bé dại, nhà chưa có gì, tôi còn đi học. “Dương Tiết” ở nhà cụ Tú Tăng đầu Hàng Gai. Học xong, về nhà, bắc chõng ra giữa sân nhìn lên trời xem máy bay rồi ngủ lúc nào không biết. Đến khi thức dậy thì mẹ tôi đã đếm xong những tờ thiếc buộc lại từng bó ngàn tờ một. Nồi lá hòe cũng vừa nấu xong, thầy tôi lấy một cái chổi cọ dúng vào nồi lá hòe, phết lên tờ thiếc thành một màu vàng sẫm. Tôi phụ trách gấp đôi những tờ thiếc lại, phơi lên những cái “vè” nhỏ làm bằng tre, mặt ướt để ra ngoài. Khi nào hòe khô, một người em tôi xuống lấy, xếp lại, đếm từng trăm một, buộc lại thành bó một ngàn, thỉnh thoảng để một miếng giấy để đánh dấu từng trăm một.

Những tờ thiếc trắng và vàng đó bán vào cữ rằm tháng bảy chạy không thể nào tả được. Về sau này, nhà tôi không “bồi thiếc” nữa, mà cũng không quét hòe nữa, nhưng đến rằm tháng bảy thì vẫn cúng cô hồn; tuy nhiên, cùng với tháng năm lì lợm, tôi không còn mấy khi nghĩ đến các cô hồn ở các nơi về cướp cháo lá đa như hồi tôi còn nhỏ; nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn yên trí rằng, nếu ngày rằm tháng bảy mà không lễ các cô hồn thì là một cái tội không thể tha thứ được đối với những người đã khuất, nhất là những u hồn lang thang khe suối gốc cây, vất vưởng nơi cầu sương điếm cỏ.

Ấy là bởi vì mặc dầu đã bị tiêm nhiễm văn minh Hy Lạp, La Tinh, mặc dầu khoa học thét vào tai tôi rằng tin tưởng như thế là hủ bại, tôi vẫn không thể nào tẩy não được mà vẫn cứ “ngoan cố” tin rằng ngoài cái thế giới chúng ta đang sống hiện nay, còn một thế giới u huyền khác mà loài người chưa cứu xét được đến nơi đến chốn, nhưng bởi vì “muốn cho xong chuyện” nên kết luận toạc ngay là “dị đoan”.

Nước khe cơm vắt gian nan

Dãi dầu nghìn dặm, lầm than một đời.

Buổi chiến trận mạng người như rác,

Phận đã đành, đạn lạc tên rơi.

Lập lòe ngọn lửa ma chơi.

Tiếng oan văng vẳng, tối trời càng thương.

Công danh, phú quí, sắc đẹp, ngai vàng, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, bao nhiêu trí tuệ, mưu cơ, rút cục lại cũng chỉ còn là những oan hồn đi vất vưởng đó đây, chờ lúc lặn mặt trời thì kéo ra để ăn xin một nắm cơm, bát cháo, la cà các đền chùa miếu mạo nghe kinh và suy nghĩ về chữ “giai không vạn cảnh”.

Minh Thạnh (giới thiệu)