Trang chủ Tết Việt Phong tục Mồng một tết cha Mồng ba tết thầy

Mồng một tết cha Mồng ba tết thầy

62

Ai đi chúc Tết?


Một số gia đình lên chương trình cho cả nhà cùng vui chơi trong suốt thời gian nghỉ Tết, còn chuyện thăm hỏi chúc Tết thì thường do các bậc phụ huynh chịu trách nhiệm là chính và cũng chỉ trong sáng mồng một là chấm hết! Ở thành thị – nơi mà cư dân đa phần đều ít ở quần tụ theo gia tộc thì chuyện chúc Tết nhau gói gọn trong việc thăm hỏi những nhà người thân lân cận. Tục chúc Tết đầu năm tuy vẫn được duy trì nhưng ngày càng có sự thay đổi lớn về hình thức, ngoài chuyện chỉ có người lớn chúc Tết thì ngay cả việc bọn trẻ mừng tuổi các bậc cao niên hay thầy cô cũng không còn được chú ý như trước, nếu có cũng chỉ tập trung nhiều ở các thành phần… cựu học sinh.


tetchatetthay.jpg


Những cô cậu thanh thiếu niên hiện nay xem việc chúc Tết như một cực hình. “Tới đâu cũng nói mấy câu giống nhau, chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, chúc cô dì chú bác mau lên chức, mau phát tài, mau có em bé, mau làm… đám cưới; rồi nghe dặn dò chung chung nào là cố gắng làm vui lòng cha mẹ, học hành thành tài, thậm chí nhanh nhanh cho uống… rượu mừng (?!)trong khi con mới tí tuổi đầu!”.


Đó là nhận định của Tuấn – một học sinh vừa tốt nghiệp trung học – và cũng là tâm trạng chung của bạn bè cùng lứa. Họ chưa nhận ra khía cạnh tốt đẹp mà chỉ nhìn thấy sự phiền hà và quen thuộc đến phát chán của tục lệ này.


Các ông bố bà mẹ lại có dịp than thở, ông Đạt – một cán bộ về hưu ngao ngán “Bảo nó chuẩn bị đến nhà bác nó, dặn dò phải ăn nói thế nào, hỏi han các anh chị ra sao, thúc hối nó thay áo quần mà nó cứ lần khân. Nó là con cả, tôi muốn nó biết việc để sau này còn hướng dẫn em út con cái mà nó cứ…”.


Xem ra việc hướng dẫn con thực hiện những việc thế này không dễ tí nào nhất là khi bọn trẻ nghĩ rằng Tết là dịp để vui chơi giải trí sau những ngày học hành làm việc căng thẳng, vì thế chúng không muốn giam mình vào những việc có tính lễ nghi của gia đình.


Tiên học lễ


Xã hội đang đề cập đến những tục lệ tốt đẹp  đang dần biến mất khỏi sinh hoạt gia đình và cộng đồng cùng sự gia tăng của các hành vi vô văn hoá như là mối đe doạ sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Đã có nhiều cuộc kêu gọi nhằm phục hưng các hoạt động lễ hội và chú trọng đến ý nghĩa cao đẹp của các tục lệ cũ, tìm kiếm lại những phần cốt lõi đã làm nên giá trị của các tục lệ và khuyến khích các gia đình dạy dỗ con cái tích cực hơn trong việc thực thi các tục lệ truyền thống.


tetchatetthay1.jpg


Chữ Lễ ngày nay tuy không phải là quy định pháp luật nhưng đã trở thành định chế xã hội, một con người được xem là có văn hoá khi biết cư xử phải phép, phải đạo tương ứng với từng đối tượng. Một số ứng xử dù là bất thành văn nhưng vẫn có những khuôn mẫu nhất định và được xã hội tôn trọng, trong đó có tục lệ, có cách ứng xử trong giao tiếp, có những lề lối riêng trong dịp trọng đại mà tục chúc Tết, mừng tuổi ngày Xuân đã trở thành điều không thể bỏ qua.


Để duy trì và giúp con trẻ nhận thức đầy đủ ý nghĩa của tục lệ này, cha mẹ cần đề cập đến vai trò của con cái và các mối quan hệ gia đình – thân tộc – làng xóm – xã hội, đồng thời buộc con cái phải thực hiện một nghĩa vụ cần thiết trong dịp Tết. Ví dụ như phân công con dọn dẹp bàn thờ gia tiên, buộc con phải có mặt đầy đủ vào lúc giao thừa, mồng một.


Cũng cần giải thích tục xông đất nhất là với những đứa con chưa thành niên, chưa thành đạt, để con biết mà tôn trọng thời khắc thiêng liêng của gia đình bạn bè, tránh rơi vào cảnh làm khách không được chào đón của gia đình người khác. Nhắc nhở con làm bổn phận với người cao tuổi vì Tết cũng là một dịp chúc thọ, bảo ban con đến chúc Tết nhà thầy cô như một dịp cám ơn về công lao giáo dục thành nhân, thành tài…


Phương – một kỹ sư tin học cho biết: “Bố tôi rất nghiêm, ba ngày Tết, cứ đến sáng là ông bắt anh em tôi chuẩn bị áo quần gọn gàng để ông dắt đi chúc Tết bà con, thầy cô. Sau này, cứ mỗi lần đến nhà ai chúc Tết mà được nghe họ nhắc về bố với sự tôn kính là chúng tôi rất hãnh diện. Riêng giờ giao thừa, ông bảo con cháu thắp nhang trên bàn thờ, đứa nào vắng mặt, ông bảo chừa một chỗ thắp nhang, đứa nào về muộn mà thấy có chỗ trống trên bát nhang là xanh mắt vì biết thế nào cũng bị ông nhắc nhở vào sáng mồng một.


Càng lớn, chúng tôi càng tuân thủ nghiêm ngặt quy định này.Về sau, một đứa em gái tôi lấy chồng nước ngoài, anh tôi mất sớm,  bát nhang trống hai chỗ, cứ nhìn đấy mà nhớ người thân. Ở trời Tây em tôi bảo giao thừa là lúc nó nhớ nhà nhất và biết cả nhà cũng đang nhớ nó. Nhờ bố, chúng tôi luôn nghĩ về nhau”. Quả là một câu chuyện đáng suy nghĩ.


Giới trẻ ngày nay với tư tưởng phóng khoáng, thực tế đã góp phần xoá bỏ một số hủ tục và thay vào đó là các hoạt động vui chơi lành mạnh ngày Tết. Dễ dàng tìm thấy các bạn trẻ tại những tụ điểm vui chơi, giải trí, ca nhạc và cả các chuyến du lịch xa nhà. Cha mẹ cần tôn trọng những sinh hoạt này nhưng vẫn cần thiết phải nhắc nhở con thực hiện bổn phận của mình, để chúng không chỉ là những đứa trẻ biết hưởng thụ mà còn biết nhận thức và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phận làm con trong gia đình. Đó không chỉ là biểu hiện của một nền giáo dục gia đình mà còn là nét đẹp văn hoá và sự bình ổn của xã hội.