Trang chủ Diễn đàn Một số ý kiến về việc tổ chức Đại lễ Phật đản

Một số ý kiến về việc tổ chức Đại lễ Phật đản

112

So sánh

Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày thứ sáu 15-2-2008 có đăng trên trang nhất một tin đáng chú ý với hàng tít: “Gần 200.000 tín đồ Cao Đài tham dự đại lễ Đức Chí Tôn tại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh”.

Con số “gần 200.000” tín đồ tham dự đã khiến người đọc phải giật mình. Cao Đài là một tôn giáo bản địa, có số tín đồ ước tính khoảng 3-4 triệu người. Trong các cuộc lễ hàng năm tổ chức tại Tòa Thánh Tây Ninh, số tín đồ tham dự có thể nói là đạt mức gần 1/20 tổng số tín đồ. Dẫn lại bản tin này, chúng tôi muốn so sánh với quy mô tín đồ tham dự Đại lễ Phật đản hàng năm của chúng ta. Trong nhiều năm, số Tăng Ni Phật tử tham dự Đại lễ Phật đản tổ chức tại các thành phố lớn (như Hà Nội, Huế, TP.HCM) chỉ ở mức vài ngàn. Trong khi đó, Phật giáo là tôn giáo có đông tín đồ nhất tại Việt Nam!

Đưa ra việc so sánh này, chúng tôi muốn nêu ra một số ý kiến bình luận và đề xuất một vài ý tưởng mới trong việc tổ chức Đại lễ Phật đản hàng năm.

Bình luận

Trước hết, số tín đồ tham dự Đại lễ Phật đản chỉ giới hạn ở mức vài ngàn người, điều cần nhận thấy đầu tiên là lãng phí. Vì chi phí tổ chức một cuộc lễ cho 200.000 người tham dự so với 2.000 người không phải gấp 100 lần (đối với đơn vị tổ chức), mà có thể là chênh lệch không đáng kể, và thậm chí, có thể như nhau.

Tổ chức một cuộc lễ cho 2.000 người tham dự với chi phí nhỏ hơn đôi chút so với cho 200.000 người tham dự có thể coi như là tốn kém hơn 100 lần! Số người được hưởng không khí phấn khởi, pháp lạc, đạo vị mà Đại lễ Phật đản mang lại quá ít so với chi phí mà Ban tổ chức đã bỏ ra sẽ là điều bất hợp lý. Lễ đài dựng lên cho 2.000 người tham dự cũng tốn kém chừng ấy so với 200.000 người.

Tính toán thiệt hơn thường được coi là việc của thế gian, nhưng chi phí tổ chức là do bá tánh, đàn-na đóng góp. Nếu việc tổ chức ít hiệu quả, giá thành cao, không san sẻ được tinh thần hỷ lạc của cuộc lễ cho số đông người, thì không thể coi là cuộc lễ được tổ chức “hoàn mãn”.

Con số 200.000 tín đồ Cao Đài dự lễ tại Tòa Thánh Tây Ninh hàng năm khiến người Phật tử không khỏi suy nghĩ, cân nhắc. Phật giáo không thể là không tạo được cơ duyên cho hàng trăm ngàn tín đồ tham dự lễ Phật đản được. Trong khi đó Tây Ninh chỉ là một tỉnh biên giới, huống nữa là ở Hà Nội, Huế hay TP. Hồ Chí Minh. Nếu số tín đồ tham dự không nhiều, ngày lễ Phật đản không thể là ngày hội của tất cả những người con Phật. Số tín đồ tham dự nói lên quy mô tầm vóc và thành công của cuộc lễ.

Nguyên nhân và đề xuất

Chúng tôi tìm hiểu vấn đề theo ba nguyên tắc mà đức Phật đã căn cứ để tổ chức các buổi thuyết pháp ngày xưa, đó là thời, xứ, vị.

1- Thời (thời gian):

Thời gian khóa lễ Phật đản tập trung từ trước đến nay đều được tổ chức theo truyền thống, là vừa lúc bình minh, để đánh dấu thời điểm đức Phật đản sanh. Đây là thời điểm phù hợp với tinh thần ngày Phật đản, nhưng là một thời điểm không phù hợp cho việc tín đồ tham dự. Thứ nhất, đó là thời gian quá sớm.

Để tham dự, những người ở xa phải thức dậy từ 3-4 giờ để kịp hành trình đến nơi, thậm chí phải đến từ đêm trước. Tất nhiên, nó cản trở việc tham dự của những người không có thói quen dậy sớm (nhất là cư dân thành thị) và những người ở xa.

Khóa lễ kéo dài trong khoảng hơn một giờ. Đó là giờ đi làm của nhiều người, đi học của các em thiếu nhi, thanh niên. Tất cả những điều đó cộng lại tất yếu làm hạn chế số người tham dự Đại lễ Phật đản tập trung.

Đề xuất, để giữ gìn truyền thống, khóa lễ Phật đản theo nghi thức vẫn nên được tổ chức vào thời điểm khi vừa bình minh. Nhưng đây có thể xem là khóa lễ “con”, có tính chất tượng trưng. Còn thời điểm khóa lễ chính nên tổ chức vào lúc 19 giờ. Đây là “giờ vàng” để thu hút đông đảo người đến, tạo điều kiện cho số đông tối đa có thể tham dự khóa lễ Phật đản (với phần mở rộng gồm diễn văn, đạo từ, phóng sanh…).

Thời điểm tổ chức vào ban đêm có thể giúp cho những Tăng Ni Phật tử ở xa đến tham dự dễ dàng trong ngày và ra về trong đêm (không phải tìm chỗ trọ, trong khi để tham dự lễ buổi sáng, người từ các tỉnh xa phải về từ hôm trước, trọ nghỉ qua đêm mới có sức khỏe dự lễ sáng hôm sau).

Việc tổ chức vào ban đêm có thể tạo điều kiện gắn kết khóa lễ với hoạt động biểu diễn xe hoa sau đó và bổ sung những hình thức nghi lễ có tính chất tâm linh phù hợp với ban đêm, như thắp nến, rước đèn, hoa đăng, v.v… Thời tiết dịu mát
ban đêm có thể giúp kéo dài thời gian khóa lễ với những hoạt động phụ mà không làm số đông người tham dự mỏi mệt vì nóng bức.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy về sau này, thời gian khai mạc và bế mạc các lễ hội lớn có nhiều người tham dự đều được tổ chức vào ban đêm (mà thường từ 20 giờ). Đó không những là thời điểm thuận lợi để tập trung đông đảo người tham dự, mà còn là thời điểm thuận lợi để tổ chức trực tiếp truyền hình (sau chương trình Thời sự buổi tối), thu hút cao điểm người xem. Đại Lễ Đức Chí Tôn tại Tòa
Thánh Tây Ninh thu hút số người tham dự lên đến 200.000 người, theo chúng tôi, cũng nhờ tổ chức vào 19 giờ. Nếu tổ chức vào buổi sáng, chắc chắn số người tham dự sẽ ít hơn con số nói trên.

Đối với đạo Thiên Chúa, Tin Lành, v.v… việc điều chỉnh thời điểm “Thánh lễ nửa đêm” sớm hơn vào dịp lễ giáng sinh, để phù hợp với đông đảo tín đồ, thu hút tối đa người tham gia, cũng là điều thường thấy.

2- Xứ (địa điểm):

Từ nhiều năm nay, khóa lễ Phật đản tập trung được tổ chức trong các sân chùa. Tại TP. HCM thì tổ chức trong sân chùa Vĩnh Nghiêm. Tại Huế, buổi lễ tổ chức trong sân chùa Từ Đàm… Diện tích sân các chùa thường nhỏ, muốn thu hút đông đảo người tham dự hơn nữa cũng không được.

Để thu hút được đến 200.000 người trong “Đại Lễ Đức Chí Tôn”, phía Cao Đài Tây Ninh đã sử dụng quảng trường trước tòa thánh. Theo báo Sài Gòn Giải Phóng là “tại nội ô Tòa Thánh”. Để thu hút đông đảo hơn số lượng tín đồ tham dự khóa lễ Phật đản tập trung, không thể không nghĩ đến một địa điểm thích hợp hơn về diện tích. Có thể xin phép cử hành khóa lễ Phật đản tập trung ở nhiều địa điểm khác nhau có diện tích rộng lớn hơn, tùy sự nghiên cứu của ban tổ chức.

Nhưng tham khảo ở các tôn giáo bạn trên thế giới, thì các lễ tôn giáo có thể tổ chức ở quảng trường, sân vận động. Chỉ những địa điểm như vậy mới thích hợp cho khóa lễ Phật đản tập trung. Tại Việt Nam, lễ Phật đản tập trung đã được nhiều lần tổ chức ở các quảng trường, như công trường Mê Linh, ngã Bảy… nhưng chưa được tổ chức ở sân vận động.

Theo suy nghĩ riêng của chúng tôi, trong điều kiện mật độ giao thông hiện nay, việc tổ chức ở sân vận động là thích hợp hơn cả, đồng thời có thể thực hiện việc biểu diễn xe hoa nhiều vòng, rước đèn lồng Phật đản…

Tổ chức một cuộc lễ tôn giáo ở sân vận động không phải là điều mới. Giáo hoàng đạo Thiên Chúa vẫn thường cử hành Thánh lễ ở các sân vận động khi thăm viếng các nước, tập trung đông đảo tín đồ. Điều kiện an ninh, trật tự, thuận lợi giao thông, âm thanh, ánh sáng, tiện nghi… ở sân vận động là tốt hơn cả.

3- Vị (địa vị):

Khóa lễ Phật đản tập trung hiện nay được coi là khóa lễ tỉnh, thành, chưa có khóa lễ cấp khu vực hay toàn quốc, nên không có ý nghĩa thu hút tín đồ toàn quốc (trong khi đó, theo báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn trên, Đại lễ ở Tây Ninh tập trung tín đồ Cao Đài cả nước. Như vậy, để thu hút số tín đồ tham dự đông đảo, cần nghĩ đến việc nâng tầm khóa lễ Phật đản tập trung lên vị trí khu vực hay cả nước, tín đồ tham dự có thể đến từ các tỉnh lân cận.

Việc duy trì khóa lễ cấp tỉnh thành, quận huyện, tự viện… vẫn là cần thiết, nhưng tại sao không thể bổ sung những cuộc lễ tập trung cấp trung ương, là một cấp trong tổ chức Phật giáo, hay tổ chức Đại lễ Phật đản theo các khu vực, vùng miền…?

Nếu ba vấn đề “thời, xứ, vị” nêu trên được xem xét lại một cách đồng thời, thì Phật giáo chúng ta có thể nghĩ đến một Đại lễ Phật đản tập trung với hàng trăm ngàn người tham dự, tương xứng với tầm vóc tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam.