Trang chủ Đời sống Mùa báo hiếu của những đứa con xa nhà

Mùa báo hiếu của những đứa con xa nhà

54

“Ngày rằm tháng 7 mình sẽ cùng với một số bạn đến trung tâm y tế để hiến máu, coi như góp sức mình làm một việc có ý nghĩa trong mùa Vu lan”, Nguyễn Đức Phương, chàng trai Quảng Ngãi đã 6 năm học hành, làm việc tại TP HCM bộc bạch.

Là một trong những thành viên ban điều hành của nhóm từ thiện “Bước chân yêu thương”, Đức Phương tâm nguyện mình sẽ cố hết sức để giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt, đặc biệt là mùa Vu Lan. Bởi với Phương, khi cậu làm được nhiều việc tốt, mẹ sẽ vui.

Đức Phương (áo trắng sọc ngang) cùng các bạn đi phát cơm từ thiện cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM vào ngày 10/8. Ảnh: Lê Phương
Đức Phương (áo trắng sọc ngang) cùng các bạn phát cơm từ thiện cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM vào ngày 10/8. Ảnh: Lê Phương

Vừa trở về từ chuyến đi đến các huyện vùng sâu vùng xa của Đăk Lăk “Chia sẻ đến trường”, Phương cùng các bạn gấp rút phát hành CD Lỡ mai người khuất núi để gây quỹ từ thiện. Trong tháng 7 này, Phương khá bận rộn vì đang chuẩn bị mọi thứ cho chuyến từ thiện tiếp theo ở Đồng Tháp. Phương và các bạn cũng thành lập quán cơm chay Thiện Đông, phục vụ cơm chay giá rẻ, tổ chức các buổi trà đạo, đọc sách miễn phí, thu hút được nhiều sinh viên xa nhà. Đến ngày rằm tháng 7 này, quán cũng sẽ tổ chức lễ hoa hồng cho những người đến quán.

Vu Lan năm trước, Phương đã đón mẹ vào dự lễ. Năm nay bà cũng định vào nhưng lại bệnh đột xuất nên tâm nguyện không thành. “Ở Sài Gòn mình sẽ đi lễ Phật, cầu nguyện cho bệnh của mẹ được nhanh chóng qua khỏi”, Phương tâm sự.

Tương tự như Đức Phương, hơn 10 năm sau khi đi học đại học, ra trường rồi ở lại TPHCM lập nghiệp, là hơn 10 năm chị Trần Thị Huệ không được ở bên mẹ trong mùa Vu Lan. “Mình lớn rồi, chưa làm được gì nhiều cho mẹ mà toàn để mẹ phải lo lắng từng ly từng tý. Nhớ ngày mình sinh thằng nhóc, mẹ đau yếu không vào được nhưng cũng cắt phơi đủ thứ lá này lá nọ gửi vào. Gần đây biết cháu bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, mẹ cũng lên núi hái lá rồi gửi vào với đủ thứ lời dặn dò”, chị nghẹn ngào.

Bức tranh chữ Hiếu luôn được chị Huệ treo ở vị trí trang trong trong nhà. Ảnh: Lê Phương
Bức tranh chữ Hiếu luôn được chị Huệ treo ở vị trí trang trong trong nhà. Ảnh: Lê Phương

Cha mất từ khi Huệ còn nhỏ, một mình mẹ tảo tần nuôi mấy anh em ăn học, rồi ai cũng lần lượt xa mẹ đi làm ăn, may mà giờ còn có anh cả ở cùng mẹ để chăm sóc mẹ. Từ đầu năm nay, chị đã bàn với chồng tiết kiệm một khoản riêng để nhờ anh cả ở quê đưa mẹ cùng mẹ chồng đi lễ Phật, kết hợp đi chơi xa một chuyến.

Sắc hồng ngày Vu Lan vẫn làm quặn thắt lòng đứa con sớm mất đi tình thương vô bờ của người cha, nhưng bù lại chị vẫn cảm ơn cuộc đời vì mình còn có mẹ. “Chỉ cầu mong mẹ luôn mạnh khỏe để mình có thật nhiều thời gian, cơ hội chăm sóc, phụng dưỡng mẹ”, nỗi lòng của chị Huệ là nỗi lòng của biết bao người con xa quê.

Tháng 7 còn có bao câu chuyện, nỗi niềm riêng của những đứa con xa nhà. Với những du học sinh đi du học ở các nước Phương Tây, nơi không có lễ Vu Lan như quê nhà, thì tình cảm họ hướng về gia đình càng da diết hơn. Một số bạn vừa cố gắng học để có học bổng, vừa tranh thủ làm thêm, tiết kiệm tiền để gửi quà về cho ba mẹ trong dịp Vu Lan. “Không ít bạn thích về nhà vào dịp hè hơn là Tết, do họ sẽ được bên mẹ trong lễ Vu Lan”, Công Danh, du học sinh ngành Điện tử viễn thông tại Nga chia sẻ. Hai năm rồi Danh vẫn chưa được về quê.

Mưa tháng 7 mang nhiều tâm sự nhân thế. Có những giọt nước mắt hạnh phúc nơi ngực áo thắm sắc hoa hồng. Có những tiếng nấc bơ vơ, côi cút của ai nhận về mình màu hoa trắng mỏng manh. Có những tức tưởi, nghẹn ngào của phận làm con đôi lúc vô tâm không tròn đạo hiếu, đến khi hối hận thì đã không còn cơ hội vì ba mẹ đã mãi xa nơi trần thế. Hiếu thuận với cha mẹ không phải là việc ngày một, ngày hai, nhưng Vu Lan vẫn luôn là dịp để bao nỗi niềm được bộc bạch, sẻ chia. Tấm lòng của bao người con, dù đang được ở bên cha mẹ hay phải xa quê, được tri ân đấng sinh thành, dưỡng dục của mình một cách thành kính nhất.