Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Mùa xuân miên viễn

Mùa xuân miên viễn

70

Nhưng mùa Xuân theo thời gian dài lắm chỉ tròn ba tháng rồi cũng hết Xuân, tới Hạ, Thu, Đông. Cho nên cái vui con người chỉ hưởng một lúc nào rồi mất, nhường chỗ cho mùa Hạ nóng bức, mùa Thu buồn tẻ, mùa Đông ảm đạm thê lương.


Người tu chúng ta không thể chấp nhận vui xuân giới hạn theo thời tiết, cần phải có cái vui mãi mãi không mất, mãi mãi còn nơi chúng ta. Chúng ta phải tu như thế nào để hưởng được một mùa Xuân miên viễn?


Mùa Xuân miên viễn phát nguồn từ đâu? Chính Đức Phật Thích Ca là vị Giáo chủ đã chỉ cho chúng ta một mùa xuân miên viễn. Gần đây hơn, chính Tổ Bồ Đề Đạt Ma là người đem lại mùa Xuân miên viễn trong Đạo cho tất cả chúng ta. Tổ đã gieo rắc mùa Xuân ấy vào tâm hồn người tu thiền chúng ta như thế nào? Sau đây tôi dẫn câu chuyện Thiền, qua đó chúng ta sẽ nhận thấy mùa Xuân miên viễn thể hiện trong tâm hồn những người đã sáng được lẽ Đạo và sống với Đạo như thế nào?
Một vị Tăng hỏi ngài Động Sơn Lương Giới:
– Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?
Ngài Động Sơn đáp:
– Đợi dòng nước Động Sơn chảy ngược, ta sẽ vì ông nói.


Nước ở Động Sơn là nước trong khe động trên núi chảy xuống, có lúc nào chảy ngược trở lên đâu? Nếu nước ở sông ở biển khả dĩ còn có chảy lên chảy xuống, còn nước suối trên động núi không bao giờ chảy ngược. Tại sao ngài Động Sơn bảo đợi dòng nước Động Sơn chảy ngược sẽ vì ông nói? Câu đó đã nói gì về ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? Tổ sư đây là Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Những vị học và tu thiền thường thắc mắc không biết Tổ Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa có ý gì đem truyền dạy cho chúng ta? Ý đó như thế nào? Ngài Động Sơn trả lời như vậy có dễ hiểu không? Biết ý Tổ sư từ Ấn Độ sang chưa?


Sau này Thiền sư Nghĩa Thanh ở Đầu Tử có làm bài kệ tụng về điều đó:
Cổ nguyên vô thủy nguyệt hà sanh,
Mãn ngạn Tây lưu nhất phái phân.
Thông Lãnh bãi tuần Hùng Nhĩ mộng,
Tuyết đình hưu thoại Thiếu Lâm xuân
.


Dịch:


Nguồn xưa không nước nguyệt đâu sanh,
Một mạch dòng Tây chảy ngập tràn.
Thông Lãnh hỏi rồi Hùng Nhĩ mộng,
Tuyết sân thôi nói Thiếu Lâm xuân
.



Qua bài kệ này, ngài Nghĩa Thanh đã nói gì về câu đáp của ngài Động Sơn?


Cổ nguyên vô thủy nguyệt hà sanh,


Dòng suối xưa nếu khô cạn thì làm sao bóng mặt trăng rọi ở dưới. Dòng suối có nước trong, chúng ta mới thấy được bóng mặt trăng ở dưới đáy suối, nếu dòng suối đã khô thì không thấy bóng mặt trăng.


Mãn ngạn Tây lưu nhất phái phân.


Mãn là đầy, ngạn là bờ. Dòng suối xưa kia vẫn tràn cả bờ từ phương Tây trôi mãi chia ra một mạch. Ở đây dường như có sự mâu thuẫn. Câu trên nói dòng suối khô cạn không có bóng mặt trăng. Câu dưới lại nói dòng suối từ phương Tây chảy lại tràn đầy cả bờ rồi chia ra chảy mãi. Như vậy ý nói gì? Câu đầu nói dòng suối không nước tức là không bóng trăng để chỉ câu đáp của ngài Động Sơn. Đợi dòng suối chảy ngược, tôi sẽ vì ông nói.


Câu hai: Dòng suối đó không có bóng mặt trăng tức là khô cạn. Tuy nói cạn mà không cạn vì nó vẫn chảy tràn cả bờ và trôi mãi cho tới ngày nay.
Đến hai câu sau rất là đẹp:
Thông Lãnh bãi tuần Hùng Nhĩ mộng,
Tuyết đình hưu thoại Thiếu Lâm xuân.


Ở núi Thông Lãnh không còn thưa hỏi nữa, trên núi Hùng Nhĩ chỉ là giấc mộng thôi. Là ý nghĩa gì? Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi tịch tại Thiếu Lâm, nhục thân ngài được nhập tháp trên núi Hùng Nhĩ. “Thông Lãnh bãi tuần” tức là ở Thông Lãnh không còn thưa hỏi nữa, Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã hết duyên giáo hóa ở Trung Hoa. Nhục thân ngài nhập tháp trên núi


Hùng Nhĩ chẳng qua là một giấc mộng.
Tuyết đình hưu thoại Thiếu Lâm xuân.


Tuyết đình là nơi sân tuyết, khi Tổ Huệ Khả đến hỏi đạo với Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Tổ Đạt Ma ngồi xoay mặt vào vách lặng yên, Tổ Huệ Khả đứng ngoài sân, mùa Đông tháng Chạp ở miền Bắc Trung Hoa tuyết xuống ngập đầu gối mà ngài Huệ Khả vẫn đứng trơ nhìn thẳng vào Tổ, mặt không đổi sắc. Tổ thương tình xoay lại hỏi:
– Cầu việc gì mà chịu khổ hạnh vậy?
– Con xin ngài dạy cho pháp môn cam lồ.


Từ đó về sau Tổ mới nhận ngài là đồ đệ. Khi thầy trò còn thưa hỏi qua lại là lúc Tổ còn duyên giáo hóa. Khi Tổ Huệ Khả không còn thưa hỏi nữa tức là ngài đã đạt đạo, thấy được chân tướng mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền dạy, lúc ấy ở Thiếu Lâm hoàn toàn là một mùa Xuân. Nên nói, trước sân đầy tuyết không còn thưa hỏi nữa, núi Thiếu Lâm hoàn toàn là một mùa Xuân; mùa Xuân miên viễn, mùa Xuân không còn bị thời gian chi phối, Xuân mãi mãi, không bao giờ có vẻ ảm đạm của Thu, lạnh lẽo của Đông nữa. Muốn được mùa Xuân miên viễn phát xuất từ Thiếu Lâm, phải qua một cơn tuyết ngập tới gối, chớ không giản dị như những vị hiện giờ mong ước. Vừa được ấm no sung túc vui cười, vừa mong ước được mùa Xuân Thiếu Lâm, chắc chắn là không được.


Nếu ngài Huệ Khả không đứng lạnh ngoài tuyết trước sân Thiếu Lâm thì Tổ Đạt Ma đâu có trao đèn cho Tổ Huệ Khả. Khi đủ khả năng, đủ sức nhận rồi mới trao. Nhưng trao mà không trao. Trao đèn cho người lúc họ đi đêm, nếu sáng ngày thì họ đâu có cần nữa. Vì vậy nơi chúng ta nếu không phát sáng được cái vô sư trí thì dù thầy dù bạn có muốn cho chúng ta sáng, sáng cũng không nổi. Cái học ngôn ngữ lý thuyết nơi thầy nơi bạn không cứu được cái mê của chúng ta. Muốn cứu được cái mê của chúng ta, chính vô sư trí phải phát. Khi nào phát được vô sư trí, lúc đó mới được trao đèn. Trao đèn là trao như vậy, nên gọi là giáo lý tối thượng. Còn nếu vô sư trí chưa phát mà trao cũng vô ích thôi.


Trên đường đạo, chúng ta phải chịu đựng những gian nan khổ sở mới hưởng được một nguồn vui không bao giờ cùng tận. Người tu phải đối diện với sự lạnh lẽo cô đơn, từ bỏ mọi sự ấm áp của thế tình, lúc đó chỉ có nguồn Chánh pháp sưởi ấm lòng chúng ta thôi. Nếu chúng ta tu mà muốn được tình đời sưởi ấm mãi, chắc rằng chúng ta phải chịu lạnh muôn kiếp. Chúng ta phải cam lạnh với tình đời, phải buông xả, chỉ còn trơ trọi một con người, khi ấy chúng ta mới được sưởi ấm bằng một nguồn vui miên viễn của mùa Xuân Thiếu Lâm.


Dòng suối từ Tây chảy sang và chảy mãi đến Việt Nam chúng ta, dòng suối đó đến nay vẫn còn. Chúng ta có hưởng được hay không là do sức chịu đựng và sức nỗ lực của chúng ta, cũng như sau một cơn tuyết lạnh rồi chúng ta mới thấy được một mùa Xuân ở Thiếu Lâm. Đó là ý nghĩa bài kệ của ngài Nghĩa Thanh.


Lời chúc xuân đầu năm của tôi với Tăng Ni và Phật tử, tôi xin nhắc lại lời của người xưa:
Bất đạp kim thời lộ,
Thường du kiếp ngoại xuân
.


Tức là: Không giẫm trên con đường hiện thời, thường dạo một mùa Xuân kiếp ngoại. Kiếp ngoại xuân là gì ? Kiếp là chỉ cho thời gian, như nói một đời, một kiếp. Hoặc trong kinh nói tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp chỉ cho thời gian dài thăm thẳm. Kiếp ngoại xuân là xuân vượt ngoài thời gian, năm, tháng. Nói tới xuân là nói tới thời gian. Nhưng nếu chúng ta không giẫm trên con đường hiện thời là chúng ta hưởng được mùa Xuân ngoài thời gian, còn gọi là mùa Xuân miên viễn. Vì sao không đạp trên con đường hiện thời? Con đường hiện thời chỉ cho con đường mà chúng sanh đang tranh đua chen lấn nhau đi, đó là con đường danh, lợi, tài, sắc v.v… Nếu chúng ta không đạp trên những con đường đó thì chúng ta sẽ hưởng được một mùa Xuân kiếp ngoại, mùa Xuân miên viễn không còn bị lệ thuộc thời gian. Hai câu này chúng tôi tạm dịch theo thể văn lục bát:


Chẳng đi theo bước đương thời,
Mùa Xuân kiếp ngoại thảnh thơi dạo hoài.


Hôm nay ngày đầu năm, chúng tôi mong rằng tất cả Tăng Ni cùng Phật tử sẽ hưởng một mùa Xuân miên viễn. Làm sao một đời này chung ta luôn luôn được an vui, không còn cảm thấy khổ đau vì ngoại cảnh, vì cái đuổi xua của quỷ vô thường, mà chúng ta hằng vui trong một mùa Xuân kiếp ngoại hay nói cách khác là một mùa Xuân miên viễn.