Trang chủ Thời đại Xã hội Nâng cao phẩm chất cuộc sống

Nâng cao phẩm chất cuộc sống

157

Những yếu tố làm nên phẩm chất cuộc sống

Tất nhiên, những tiêu chuẩn về phẩm chất của cuộc sống không chỉ thuần vật chất mà còn phải kể đến những yếu tố “vô hình” như sự an toàn, nét thanh nhã trong đời sống văn hóa xã hội, các yếu tố an sinh, phúc lợi, những điều kiện môi trường… Những tiêu chuẩn này có khi mang tính cách chủ quan, như có thể có quốc gia rất giàu mạnh nhưng đời sống đa số người dân lại khó khăn, nghèo khổ, đến nỗi được mệnh danh là “Siêu cường của những người nghèo” (Super power of the poor). Như vậy, khi bàn đến phẩm chất của cuộc sống phải xét đến sự phân bổ thu nhập trong xã hội, mức sống bình quân của từng nhóm người… chứ đừng nghĩ rằng, chẳng hạn, tại một quốc gia có nền kinh tế chỉ huy, ở đó thu nhập bình quân khá đồng đều, nghĩa là mọi người nghèo như nhau, thì sẽ được đánh giá là “hạnh phúc”hơn. Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 của Liên Hiệp Quốc có đưa ra một số chỉ tiêu đánh giá phẩm chất của cuộc sống, lúc đầu chủ yếu dựa theo các tiêu chuẩn sống của công dân Hoa Kỳ và một số nước phát triển, đến nay đã hơn 60 năm. Tuy vậy, chúng ta cũng cần xem xét vận dụng lại một số yếu tố làm nên phẩm chất của cuộc sống theo các tiêu chuẩn ấy, đó là: 1. Không bị nô lệ và đày đọa; 2. Bình đẳng trước pháp luật; 3. Không bị kỳ thị vì màu da, chủng tộc tôn giáo, giới tính, ngôn ngữ…; 4. Được tự do hành động theo pháp luật; 5. Được tự do cư trú trên đất nước mình; 6. Được bảo đảm về quyền được xem là vô tội trước khi bị tuyên án; 7. Được bảo đảm quyền riêng tư; 8. Được tự do về tín ngưỡng, tôn giáo và tư tưởng…

Trở lại với những yếu tố vật chất và các câu hỏi về dân sinh

Nhiều người, kể cả các Phật tử, thường nghĩ rằng đạo Phật chối bỏ mọi tiện nghi và sự hưởng thụ vật chất mà chỉ quan tâm đến việc phát triển tâm thức. Điều này cũng không sai vì mục tiêu tối hậu của đạo Phật là đạt đến Niết- bàn, một trạng thái an lạc tuyệt đối của tâm thức.Tuy nhiên, chính Đức Phật là bậc đã nhận thức rõ ràng về một sự thật, rằng sự ổn định kinh tế là điều kiện thiết yếu cho hạnh phúc và an lạc của đời sống con người. Kinh Tăng Chi Bộ, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức có nêu rõ lời Đức Phật nói với trưởng giả Anathapindika về những yếu tố mang lại một đời sống hạnh phúc. Theo đó, một vị cư sĩ xứng đáng vẫn có những suy nghĩ như mong rằng tài sản khởi lên cho ta đúng pháp… mong rằng tiếng tốt được đồn về ta cùng với bà con và các bậc Thầy… mong rằng ta sống lâu, hộ trì thọ mạng kéo dài… mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, ta lại được sinh lên cõi thiện, cõi trời, cõi đời này… Trong kinh, i sản khởi lên đúng pháp được Đức Phật giải thích là tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp. Tài sản đó làm cho tự mình an lạc hoan hỷ, giúp cha mẹ được an lạc hoan hỷ, giúp vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc hoan hỷ, giúp bạn bè thân hữu được an lạc hoan hỷ… Không những vậy, tài sản ấy còn phải được bảo vệ đúng pháp và tự làm cho mình được an toàn, chống lại những tai họa từ lửa đến, từ nước đến, từ nhà vua đến, từ ăn trộm đến, từ các kẻ thừa tự không xứng đáng đến… Phần sau của bản kinh, Đức Phật nói đến việc hưởng dụng tài sản đúng phương xứ, trong đó có việc nên hiến cúng cho những đối tượng xứng đáng, hưởng dụng mà không kiêu mạn, phóng dật, biết an trú trong nhẫn nhục và nhu hòa; sao cho không mắc nợ và không phạm tội.

Qua đó ta thấy, ngay đối với Phật giáo, một tôn giáo chủ trương mọi sự vô thường, thì điều kiện để có một cuộc sống hạnh phúc cho con người cũng là có tài sản và có sự an toàn của tài sản đã được làm ra và thâu hoạch đúng pháp.

Với những tiêu chuẩn vật chất này, người ta vẫn thấy nặng lòng trước những câu hỏi về dân sinh.

Theo các thông tin về mực sống được các báo đăng tải, các loại thuế và phí tại Việt Nam cao gấp từ 1,4 lần đến 3 lần so với các nước khác. Cụ thể, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết trung bình trong giai đoạn 2007- 2011, tổng thu ngân sách nhà nước của Việt Nam lên tới 29% GDP. Nếu chỉ tính thu từ thuế và phí thì con số này là 26,3% GDP. Trong khi đó, tỉ lệ thu từ thuế và phí trên tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia khoảng 15,5%, Philippines 13%, Indonesia 12,1% và của Ấn Độ chỉ là 7,8%. Báo cáo đánh giá, ngoài việc chịu “thuế lạm phát”hằng năm ở mức hai con số, những chính sách bảo hộ đã khiến thuế chồng lên thuế.

Chưa hết, doanh nghiệp và cả những người dân còn phải trả các chi phí không chính thức khá cao. Dẫn một nghiên cứu gần đây, báo cáo khẳng định có tới 56% doanh nghiệp và người dân cho biết việc chi hoa hồng là phổ biến.

Bên cạnh đó, dịch vụ y tế nhà nước đã không đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc bệnh nhân. Các phòng khám tư mở ra lại không có sự kiểm soát cần thiết, thuốc men không đảm bảo phẩm chất, giá cả thì thả nổi.

Vấn đề về vệ sinh an toàn thự cphẩm cũng luôn khiến người dân lo ngại. Cho đến nay, các cơ quan quản lý ngành thực phẩm chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngă chặn loại bỏ các sản phẩm kém phẩm chất và mất vệ sinh trên thị trường. Mặc dù Việt Nam vừa mới vượt qua mức thu nhập thấp để lên mức trung bình, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo sức mua bằng 3/4 của Philippines, hay Indonesia, khoảng 1/3 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia thế nhưng giá bất động sản Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Người ta ước tính một cán bộ công chức sống trung thực phải mất 40 năm dành dụm mới mua được nhà!

 Yếu tố tinh thần: Tiêu chuẩn quan trọng nhất?

Vậy thì, trong khi chờ đợi tình hình kinh tế khá dần lên hoặc có được những thay đổi về chất của các thể chế thì liệu chúng ta có thể làm được gì để nâng cao phẩm chất cuộc sống? Trong những tiêu chuẩn LHQ đề ra ở trên có những yêu cầu về tự do: hành động, tư tưởng, tín ngưỡng. Trong tác phẩm mới xuất bản Trò chuyện triết học của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, ông cho biết, khi nói đến tự do thì “… người ta nghĩ ngay đến cách phân biệt của Immanuel Kant (1724-1804), hay gần hơn, của Isaiah Berlin ( 1958) trong luận văn nổi tiếng “Hai quan niệm về sự tự do”của ông. Theo đó, con người, một mặt, là tự do khi thoát khỏi điều gì, và mặt khác, tự do để làm một điều gì. Tự do “khỏi” điều gì là phương diện tiêu cực của khái niệm. Đó là sự vắng mặt của những cưỡng chế, ràng buộc quy ước, giới hạn, ngại ngùng đến từ bên ngoài. Theo nghĩa ấy, con người là tự do khi không bị cản trở trong hành động, không bị bỏ tù, không bị đánh đập, không bị bịt miệng, không bị dục vọng làm cho mù quáng…

Làm thế nào để người dân có thể thực hiện tự do tư duy của mình, nghĩa là tự nắm lấy vận mệnh của mình. Người ta hay dùng hình tượng do Platon khắc họa về Socrates khi triết gia Hy Lạp này chọn chén thuốc độc, nghĩa là cái chết, chứ không trốn chạy; vì trốn chạy là phản bội đức trung thực và thú nhận sự hèn kém. Khi đó con người không còn sợ hãi và chỉ hành động theo lý trí của mình. John Locke là người đầu tiên khẳng định “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” những khái niệm mà sau này Jefferson nhắc lại khi soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, và cũng đã  được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa vào Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam để khẳng định đó là những quyền căn bản của công dân một nước độc lập, tự do.

Để giải phóng người dân khỏi sự sợ hãi hay ràng buộc phi lý, để cho sự tự do được thực thi trong khuôn khổ pháp lý thì những nguyên tắc dân chủ phải được đảm bảo. Người dân phải có quyền được thông tin và có quyền nêu ý kiến trước những kế hoạch hay dự án liên quan đến họ. Mọi dự án chưa được sự đồng thuận đều phải xem xét lại. Có như thế, chúng ta không còn phải rơi vào những tình huống khiến cả nhà đầu tư và dân chúng đều hoang mang như một số dự án thủy điện ở Đồng Nai hay mới đây là ở sông Tranh (Quảng Nam), hoặc dự án điện nguyên tử đang được triển khai… và còn rất nhiều dự án khác đang hay đã thực hiện mà thiếu sự đồng thuận nên mới xảy ra hàng loạt vụ khiếu kiện đất đai mà theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội là “rất nghiêm trọng!”. Chúng ta xây dựng nền dân chủ với nguyên tắc đa số nhưng không được quên rằng bản thân nguyên tắc đa số không tự động bảo vệ đươc sự tự do và nó dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ mị dân. Ngày nay việc bảo vệ sự tự do và những quyền chính đáng của thiểu số đang trở thành thước đo đích thực cho phẩm chất của một nền dân chủ.

Còn về hạnh phúc tự thân thì chúng ta phải xây dựng lại một nền giáo dục, phát triển chỉ số thông minh cảm xúc EQ, (chứ không chỉ chăm chắm vào chỉ số thông minh tri thức IQ), phục hoạt một nền văn hóa đức hạnh… Làm thế nào để người dân không phải chỉ biết lao theo những thành tựu cá nhân về mặt vật chất mà còn phải biết huân tập lòng vị tha, ước vọng phục vụ cộng đồng.

Để kết luận bài viết này, xin được trích một vài suy tưởng về hạnh phúc lấy từ bài viết Hạnh phúc, sự u buồn và… sự thật của tác giả Kỳ Duyên đăng trên trang mạng Tuần Việt Nam của Vietnamnet ngày 23-6-2012:

Hạnh phúc là không phải đọc những tin hàng chục bé sơ sinh và bà mẹ tử vong chỉ vì sự tắc trách của thầy thuốc.

Hạnh phúc là hai ba người bệnh không phải nằm chung một giường bệnh

Hạnh phúc là không phải “đạp đổ cổng trường” để xin học cho con.

Hạnh phúc là trẻ lớp Một không phải học thêm, không phải đeo cặp sách nặng oằn vai, tuổi thơ không bị… “đánh cắp”.

Hạnh phúc là ra đường không bị kẹt xe, không gặp phải sự… vô cảm khi cần giúp đỡ.

Hạnh phúc là không phải đọc công ty này thất thoát nghìn tỷ, công ty kia vay nợ nghìn tỷ đều là tiền thuế của dân.

Hạnh phúc là không phải đọc báo chỉ toàn cướp, giết, hiếp, toàn sốc, sex, sến.

và cuối cùng:

Hạnh phúc của nghề báo đơn sơ lắm. Chỉ có một mong ước, là viết… đúng sự thật. Và chỉ sự thật mà thôi!

Phẩm chất cuộc sống vốn rất gần chúng ta nhưng có lúc lại quá xa! Tại sao ?