Trang chủ Blog chùa Ngày tu tập thứ hai của khóa tu Vu Lan Báo Hiếu...

Ngày tu tập thứ hai của khóa tu Vu Lan Báo Hiếu tại chùa Bằng

Ngày 10 tháng 08 năm 2019, nhằm ngày 10 tháng 07 năm Kỷ Hợi, gần 1000 thiện nam tín nữ ở mọi lứa tuổi tham dự khóa tu vu lan báo hiếu lần thứ IX tại chùa Bằng (Linh Tiên Tự) đã bước sang ngày tu tập thứ hai, cũng là ngày tu cuối cùng vô cùng ý nghĩa.

304

Ngay từ 5h00 sáng, dưới sự chủ lễ của Đại đức Thích Quảng Kiên, đại chúng đã vân tập về lễ đường cùng tụng thời Kinh Vu Lan bằng cả tấm lòng thành kính, hướng nguyện những điều tốt đẹp bình an nhất đến với Tổ tiên ông bà cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp.

Đúng 7h30’, trước khi bắt đầu vào chương trình nghe pháp thoại, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã có đôi lời giới thiệu với hàng Phật tử về Đại đức Thích Quảng Nghĩa – vị giảng sư ngày hôm nay, cũng là một trong những đệ tử của Hòa thượng. Qua đó, Hòa thượng muốn sách tấn đại chúng về tinh thần tu học trong ngày tu đặc biệt này. Hòa thượng chia sẻ “Hôm nay là ngày thứ 2 tu tập trong mùa tu báo hiếu, sau  đây các vị sẽ được nghe bài pháp thoại của vị giáo thọ đầu tiên tham gia vào Ban giáo thọ của chùa Bằng là Đại đức Thích Quảng Nghĩa. Trong ngày hôm qua thầy rất tán dương các Phật tử vì tinh thần nhất tâm tu tập, đặc biệt buổi lễ bông hồng cài áo tối qua các vị đã tham gia đầy đủ, chúng ta còn đón mừng các vị khách cũng như các Phật tử và nhân dân thập phương phương cùng tham dự rất đầy đủ, rất trang nghiêm. 

Hôm nay là ngày tu thứ 2, thầy rất mong các Phật tử hòa hợp với nhau vì khóa tu này là khóa tu mở nên có đủ mọi lứa tuổi tham dự, các con các cháu được gần gũi cha mẹ ông bà ở tại ngôi chùa, tuy không phải là con cháu ruội thịt nhưng trong đạo mạch cũng là bồ đề quyến thuộc của nhau, do đó tình cảm và sự sum họp của khóa tu tạo nên sự ấm cúng trong ngôi chùa Bằng. Điều tâm niệm nhất là tất cả chúng ta đều hướng tâm của mình về hai đấng sinh thành và Tổ tiên dòng tộc“.

Sau khi Hòa thượng trụ trì sách tấn hàng Phật tử, toàn thể đại chúng chắp tay búp sen trang nghiêm, niệm hồng danh Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật để cung đón Đại đức Thích Quảng Nghĩa – Ủy viên Ban hướng dẫn Phật tử TƯ, Trưởng Ban hướng dẫn Phật tử GHPGVN thành phố Hải Phòng, Trưởng BTS GHPGVN quận Dương Kinh quang lâm thuyết giảng với chủ đề “Nhân lễ Vu Lan nhắc chuyện tu tập”.
Mở đầu bài giảng, Đại đức giảng sư đã nhắc lại ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan. Tất cả người dân, không chỉ những người theo Phật giáo mà ai sinh ra, dù theo tôn giáo nào hay không theo tôn giáo cũng đều có cha, có mẹ. Cho nên ý nghĩa của ngày Vu Lan đã mở rộng ra toàn xã hội mà các dịp lễ khác của Phật giáo hiện nay chưa thể phổ cập đến rộng rãi mọi tầng lớp của xã hội như lễ Vu Lan. Trong những ngày tháng 7, chúng ta đến chùa, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng thêm phúc thọ. Nếu cha mẹ quá vãng thì cầu cho cha mẹ được siêu sinh tịnh độ và chúng ta cũng cầu cho bản thân được an vui trong hiện tại, phúc tuệ tăng trưởng để tinh tiến tu tập đến được bến bờ giải thoát.
Phần sau của buổi giảng, Đại đức chia sẻ về những cảnh giới mà chúng ta có thể đầu thai sau khi chết và cách tu tập để thoát khỏi những cảnh giới ác mà đi về những cảnh giới an lành.
Đức Phật đã từng nói: Điều lạ nhất trên đời này là cái chết, ai ai cũng phải chết mà mọi người cứ tưởng mình không bao giờ chết. Mỗi ngày trôi qua, các hình ảnh về sự sinh, già, bệnh, chết ta được thấy hàng ngày, thân thể càng ngày tóc càng bạc, mắt càng mờ, lưng càng còng xuống, còn lúc ốm đau thì nhức mỏi, rã rời chân tay. Đó chính là những dấu hiệu của vô thường mà Diêm Vương cho sứ giả báo hiệu trước cái chết cho ta. Nhìn được những tín hiệu đó, chúng ta phải biết tập trung tu, tinh tấn tập để chuẩn bị cho cái chết của mình. Vậy sau khi chết ta đi về đâu?
Trong kinh điển, Đức Phật có chia làm hai cái chết, một là chết rồi vẫn còn trong luân hồi sinh tử và hai là những người đã tu tập đến quả rốt ráo thì chết đi được về cảnh giới Niết Bàn. Nếu một người làm những việc cực ác thì chết đi sẽ về ngay cõi ác. Còn hầu hết những người bình thường sẽ trải qua một giai đoạn gọi là thân trung ấm, đợi chờ đủ nhân duyên sẽ được đầu thai vào cảnh giới phù hợp với nghiệp lành, nghiệp dữ mà chúng ta đã gây tạo trong đời. Cũng như cái cây khi sống ngả về hướng nào thì khi bị đốn hạ cũng gãy đổ về hướng đó, những ai đã tu tập lâu ngày, có niềm tin chân chính vào Tam Bảo thì dù người đó có cái chết bất đắc kỳ tử, hay vì nghiệp mà phải chết đau đớn vì bệnh tật mà khi lâm chung, thần thức sợ hãi, rối loạn, không giữ được chính niệm thì người đó dù có kéo dài trong thời gian trung ấm nhưng vẫn thiên hướng đi về những cõi giới an lành.
Nếu người mất là cha mẹ, thầy tổ của mình thì ta phải nhớ và làm theo những lời di huấn sau khi người thân mất, tránh sát sinh cúng tế mà phải làm những việc phúc thiện để hồi hướng cho người mất. Chúng ta không được vì tiếc thương mà khóc lóc thảm thê để làm rối loạn thần thức của người mất mà ảnh hưởng đến quá trình đầu thai của vong linh.
Người Phật tử được dạy rằng: Quy y Phật – không đọa địa ngục, quy y Pháp – không đọa ngạ quỷ, quy y Pháp – không đọa súc sinh. Nhưng để không đọa địa ngục, không đọa ngạ quỷ, không đọa súc sinh thì người Phật tử đó trọn đời phải thực hành tu trì ngũ giới thì mới thoát khỏi ba đường ác. Còn có những người đã quy y Tam Bảo mà không biết giữ gìn ngũ giới, dù quy y Phật, quy y Pháp, quy Y tăng thì cũng không thể tránh được ba cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh nếu hằng ngày vẫn sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, say xưa tối ngày.
Cảnh giới địa ngục khi dịch ra là chúng ta đang ở nơi không như ý mình. Bởi vậy nên địa ngục không ở đâu xa mà địa ngục chính ngay ở cuộc sống hằng ngày. Khi mà chúng ta cảm thấy không như ý là chúng ta đang ở cảnh giới địa ngục và có thiên hướng chết đi về cảnh giới địa ngục rồi. Tâm sân hận là khởi nguồn của địa ngục. Bởi vậy muốn sau khi hết chúng ta không muốn vào địa ngục, hàng ngày ta  phải chuyển đổi tâm ý của mình, những lúc nghịch cảnh, chúng ta nổi tâm bực bội, bứt rứt, sân si thì phải chuyển đổi tâm mình thành sự an yên, bình tĩnh đón nhận nghịch cảnh. 
Tâm tham lam là khởi nguồn của ngạ quỷ. Khi sinh ra với hai bàn tay trắng, chết đi ta cũng trắng hai tay. Trong cuộc sống chúng ta phải vay mượn cái này, cái khác của mọi người để học tập, làm việc, sinh sống. Bởi vậy phải nhớ ơn và biết ơn 4 ơn lớn trong cuộc đời này là ơn Tam bảo, ơn bố mẹ, thầy cô, ơn quốc gia xã hội và ơn của vạn loại chúng sinh. Những thứ gì là của mình thì có đi đâu nó cũng về với mình, đó chính là nghiệp lành, nghiệp dữ mà ta đã tạo. Còn những thứ gì không phải của mình thì chỉ là vật ngoài thân. Tiền tài, danh vọng cho đến quần áo, mũ giày… khi chúng mất đi thì, chúng ta không nên vì tâm tham lam mà buồn rầu, mất ăn mất ngủ hoặc vì tâm tham lam mà vơ vét vào túi riêng thì khi chết đi chắn chắn sẽ về cảnh giới ngạ quỷ.
Tâm ích kỷ là khởi nguồn cho cảnh giới súc sinh. Các con vật khi có đồ ăn ngon thì chỉ nghĩ đến bản thân mình. Còn con người hay những con vật có nhân tính thì khi có những sự vui ích, hỷ lạc thì đều nghĩ đến người thân, gia đình và thậm chí là cho cộng đồng xung quanh mình nữa. Các cụ có câu “Thứ nhất là tu tại gia” là chúng ta đầu tiên phải bỏ các tâm ích kỷ của bản thân mà nghĩ đến những người trong gia đình, thân thích, “Thứ nhì tu chợ” là chúng ta phải biết nghĩ đến những người xung quanh như hàng xóm láng giềng, những người trong thôn làng, huyện xã… “Thứ ba tu chùa” nghĩa là khi từ bỏ được tâm ích kỷ mà nghĩ đến được pháp giới thập loại chúng sinh. Khi ta thoát được sự ích kỷ thì chắc chắn sẽ không phải đọa vào cảnh giới súc sinh.
Qua đó, Đại đức giảng sư mong rằng hàng Phật tử sẽ tinh tiến tu tập, luôn sống trong tinh thần tri ân và báo ân, học những giáo lý nhiệm màu của Đức Phật để diệt trừ tận gốc tham sân si, từ đó đạt được một cuộc sống thư thái, bình an trong hiện tại và mãi mãi mai sau.
Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Đại đức truyền trao, toàn thể đại chúng tiếp tục trang nghiêm bước vào khóa lễ tụng kinh Mục Liên Sám Pháp quyển 2 dưới sự chủ lễ của Đại đức Thích Thanh Hải – Giáo thọ sư chùa Bằng.
Buổi trưa, đại chúng thực hiện nghi thức Cúng Quá Đường, dùng cơm trong chính niệm, tỉnh thức và an lạc.
Đầu giờ chiều, đại chúng đã vân tập về lễ đường, nhất tâm tụng thời kinh Mục Liên Sám Pháp quyển 3 dưới sự chủ lễ của Đại đức Thích Quảng Kiên – Giáo thọ sư chùa Bằng. Tiếp đó, Hòa thượng trụ trì đã thực hiện nghi thức cúng thí thực.
Buổi tối cùng ngày, đáp ứng nguyện vọng thỉnh cầu của các thiện nam tín nữ địa phương cũng như vùng lân cận muốn trở thành người đệ tử chân chính của Tam Bảo, học hỏi giáo pháp Như Lai, trở thành con người chân – thiện – mỹ, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, Hòa thượng trụ trì đã đăng đàn truyền thụ Tam quy Ngũ giới cho 353 Phật tử. 
Trong buổi lễ, Đại đức Thích Thanh Tâm – Ủy viên Ban Hoằng pháp TƯ đã giảng cho đại chúng hiểu về ý nghĩa của việc quy y Tam Bảo, nghĩa là trở về nương tựa ba ngôi báu Phật – Pháp – Tăng, thực tập sống thánh thiện, tôn trọng mọi người, thương yêu hết thảy chúng sinh trên tinh thần thực hành, giữ gìn 5 điều giới.
Sau đó, Hòa thượng trụ trì đã quang lâm lễ đường truyền thụ tam quy ngũ giới cho 353 thiện nam tín nữ. Toàn thể đại chúng ai ai cũng thành kính trang nghiêm lắng nghe lời Phật dạy, phát nguyện thực hiện giữ gìn 5 điều giới và 3 phép quy.  
Diệu Tường