Trang chủ PGVN Cửa thiền Ngày xuân trong chùa Diệu Pháp

Ngày xuân trong chùa Diệu Pháp

430

Những tấm lòng nhân ái đã khiến các cụ bớt hiu quạnh khi Tết đến, xuân về…

Ngày xuân trong chùa Diệu Pháp 1

Sư thầy luôn gần gũi, động viên mỗi khi các cụ ưu phiền hay đau yếu…Ảnh: N.D

Mái ấm của những mảnh đời

Chùa Diệu Pháp tọa lạc ở 188 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh (TP HCM), nằm cạnh dòng sông Sài Gòn lịch sử và được bao bọc bởi những hàng cây, khóm trúc. Chùa được trụ trì Thích Tâm Khai sáng lập từ năm 1964, nơi đây được xem là địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam thời bấy giờ. Chùa là nơi hội họp của nhiều tầng lớp học sinh, sinh viên yêu nước tham gia cách mạng góp phần vào việc giải phóng dân tộc. Ngày nước nhà độc lập, chùa bắt đầu nhận những cụ ông, cụ bà có hoàn cảnh neo đơn vào chăm sóc. Hiện “mái ấm tình thương” của chùa có 4 cụ ông và 47 cụ bà sinh sống, người cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Tuyết Thìn, năm nay 98 tuổi.

Dù tuổi cao nhưng cụ Thìn vẫn còn tỉnh táo, minh mẫn lắm. Cụ nhớ như in về quá khứ gian truân của mình. Dõi mắt xa xăm về phía chân trời, cụ Thìn rưng rưng nước mắt trải lòng: “Tôi vào mái ấm được 7 năm, đây cũng là nơi cuối cùng mà tôi chọn ở lại đến hết quãng đời còn lại. Tôi có một người con gái nhưng nó không lập gia đình, đã mất năm 73 tuổi. Ngày chưa vào đây thì tôi đi bán dạo dưa cà, bắp cải khắp đầu đường ngõ hẻm, tối đến ngủ nhờ dưới các hiên nhà của những người tốt bụng. Giờ được chùa cưu mang và sinh hoạt ở “mái ấm tình thương”, điều kiện rất tốt nên tôi cũng như các cụ khác xem các thầy như đã tái sinh một cuộc đời nữa”.

Cụ Thìn nói vậy, nhưng ánh mắt chợt xa xăm. Có lẽ con người ta, vật chất rất cần thiết nhưng không phải là tất cả. Vào những ngày Tết đến, xuân về, ai không có gia đình mới cảm thấy gia đình quan trọng thế nào…

 

Ngày xuân trong chùa Diệu Pháp 2

Cụ Thìn (bên phải) bảo, khi vào sống trong chùa, mình và nhiều cụ khác như được tái sinh thêm một lần nữa…

Cửa chùa là “cửa không”

“Những ngày Tết, không khí xuân ngập tràn làm lòng tôi trỗi dậy ước mơ có một gia đình nhỏ, tự tay tôi lau chùi rồi thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, được ngồi cùng con cháu bên mâm bánh chưng dù chỉ một lần, nhưng không có được chú à”, cụ Năm (72 tuổi) nói.

Những ngày qua hàng triệu người tấp nập đón xe về quê sum họp cùng người thân thì cụ Năm ngồi một mình trên chiếc ghế đá, hướng mắt về phía bờ sông. Cụ Năm bảo, lúc đó đôi chân cứ thôi thúc cụ phải lên xe đi về quê ăn Tết. Vậy là cụ ra khỏi chùa, lên xe buýt, nhưng đi được một đoạn rồi lại chẳng biết mình phải đi đâu…“Thấy họ về quê sum họp cùng gia đình mà tôi nhói cả lòng, nhưng thật sự tôi không biết đi về đâu. Nơi đây không phải là thiên đường, nhưng sống ở đây cảm giác bi quan cũng đã dần bị xua tan. Vậy là tôi quay lại chùa. Niềm an ủi và hạnh phúc lớn nhất của những người như tôi là được các thầy, được khách thập phương, các cháu học sinh, sinh viên hằng ngày ghé thăm trò chuyện”, cụ Năm tâm sự.

Nghe những lời bộc bạch của cụ Năm, cụ Phạm Kim Đan (80 tuổi, quê Đồng Tháp) ngồi gần đó cũng dốc bầu chia sẻ. Cụ Đan cho biết, năm cụ lên 10 tuổi thì mẹ mất, để lại 3 chị em. Cha của cụ làm ở hãng đóng tàu Ba Son nhưng sau đó cũng mất do bệnh tật. Người chị cả tham gia kháng chiến rồi hi sinh, còn người em út qua đời trong một cơn bạo bệnh. Những ngày chiến tranh ác liệt, cụ Đan làm dược sĩ ở Bệnh viện K71 (Tây Ninh), sau đó cụ chuyển về Bệnh viện 175. “Giờ tuổi già sức yếu, hoàn cảnh neo đơn được mái ấm chùa Diệu Pháp che chở là lòng đã mãn nguyện. Ước muốn cùng người thân sum họp gia đình trong những ngày Tết đã không còn, mình nghĩ và buồn nhiều lắm rồi, giờ chỉ biết niệm phật để cho lòng thanh thản, an lành”, cụ Đan nói. 

Đại đức Thích Nhuận Quang tâm sự: “Cửa chùa là cửa không, những cụ nào không nhà cửa gia đình, không tài sản tuổi từ 60 trở lên sẽ được nhận vào để bảo trợ và nuôi dưỡng cho đến hết quãng đời còn lại. Cụ nào cũng được nhà chùa mua bảo hiểm để khám bệnh định kì, lúc mất các cụ được lưu cốt thờ tại chùa. Các cụ phần lớn neo đơn nên nhiều năm qua, cứ vào dịp Tết là chùa cùng các phật tử, các cháu sinh viên lại tổ chức các chương trình vui xuân nấu bánh chưng, dọn dẹp vệ sinh phòng ốc cho các cụ. Năm nào nghệ sĩ Kim Cương cũng gởi tặng các cụ 50 đòn bánh tét và 10 kí thịt, các tiểu thương chợ Lớn thì thường gửi tặng các vật dụng sinh hoạt…”.

Trước khi chia tay, Đại đức Thích Nhuận Quang nhắn chúng tôi rằng, khi viết nhớ cho Đại đức gửi lời cảm ơn đến chính quyền địa phương, các tăng ni phật tử gần xa đã giúp đỡ chùa trong thời gian qua. Nhờ có sự giúp đỡ của mọi người mà những cụ già ở đây đã được chăm sóc tốt hơn, đặc biệt bớt đi sự hiu quạnh mỗi dịp Tết đến, xuân về…

Theo Giadinh.net