Trang chủ Tin tức Nghệ sĩ trải lòng với thiền sư Thích Nhất Hạnh

Nghệ sĩ trải lòng với thiền sư Thích Nhất Hạnh

120

Mở đầu buổi gặp gỡ, thiền sư Thích Nhất Hạnh trình bày: đạo Phật là đạo của sự an vui và hạnh phúc. Các nghệ sĩ cần nhìn ra những vấn đề khổ đau của con người, xã hội hôm nay và dùng các hình thức nghệ thuật để hóa giải những khổ đau đó trong tinh thần hiểu biết và từ bi của đạo Phật. Dịp này, Thiền sư đã trả lời thấu suốt nhiều câu hỏi trĩu nặng tâm tư của các nghệ sĩ.  


* Nghệ sĩ cải lương Ngân Huệ: Cải lương là một môn nghệ thuật mang đậm chất dân tộc, gần gũi với Phật giáo, bây giờ lại quá thưa vắng khán giả. Phật giáo có thể giúp cho cải lương không?


– Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Nên tìm cách thể hiện mới, đề tài mới, nội dung mới. Cách đây 20 năm tôi có làm việc với nghệ sĩ cải lương Chí Tâm, anh viết bài vọng cổ Hành tinh xanh nói về nạn ô nhiễm Trái đất. Bài này được giới trẻ, giới trí thức lúc đó rất yêu thích. Đừng dùng cách nói “đời là bể khổ, hãy tu đi” nữa, sẽ không ai nghe. Phải dùng những hình ảnh, câu chuyện cụ thể với những khổ đau đang có thật trong đời sống của khán giả để họ hiểu mình đang nói với họ, đang nói về họ.


Những khổ đau ấy trong đạo Phật là “khổ đế”. Đạo Phật có năm giới của người qui y (không nói dối, không uống rượu, không tà dâm, không trộm cắp…), đưa năm giới ấy vào nội dung tác phẩm để nhắc nhở, khuyên nhủ con người tránh xa những cái xấu, thực hành việc giữ giới để có hạnh phúc đó là “đạo đế”. Một vở tuồng nên có đủ “khổ đế” và giải quyết bằng “đạo đế”.








Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, nhạc sĩ Bảo Phúc, ca sĩ Quang Đại tại cuộc gặp gỡ – Ảnh: H.Bình


* Diễn viên Chi Bảo: Diễn viên là người thường xuyên sống với cảm xúc và vai diễn. Có những vai diễn đem lại những cảm xúc, tâm tính như những hạt giống xấu khó loại bỏ dù đã thoát vai. Đó có phải là cái giá phải trả của người nghệ sĩ?


– Trong mỗi con người đều có hạt giống trí tuệ và hạt giống từ bi. Những ai có trí tuệ lớn, hiểu biết về nguyên nhân đau khổ thì rất ít đau khổ. Ai có sự từ bi lớn để thương yêu được cả những người vì không hiểu biết mà tạo ác dù là với mình thì không bao giờ đau khổ.


Khi có thầy tốt, bạn tốt quây quần cùng học hỏi, thực tập việc sống tốt với mình thì sự từ bi và trí tuệ sẽ luôn giữ được. Giới nghệ sĩ nên thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện, dùng cơm chung… với nhau nhiều hơn trong tinh thần sống hiểu biết và từ bi của đạo Phật để hạn chế những cảm xúc như những hạt giống xấu.


*  Một nhạc sĩ: Trong những tác phẩm viết về Phật giáo, có những lời mang nhiều từ ngữ của Phật giáo nhưng lại sai về nội dung, ý nghĩa Phật giáo?


– Mọi tác phẩm nếu hướng con người đến một cuộc sống biết thương yêu và tha thứ dù không có một từ ngữ nào về Phật giáo cũng đều là một tác phẩm Phật giáo. Mọi tác phẩm nào dù có rất nhiều những danh từ Phật giáo nhưng chứa đựng sự sầu khổ, hận thù đều là tác phẩm phi Phật giáo. Người nghệ sĩ có một tự do rất lớn để sáng tạo về đề tài Phật giáo.








Nhà biên kịch Châu Thổ, đạo diễn Việt Linh, nghệ sĩ Thành Lộc tại cuộc gặp gỡ


* Ca sĩ Hồng Vân: Trong quan điểm phong kiến, nghệ sĩ bị xem là “xướng ca vô loài”, với đạo Phật, người nghệ sĩ được nhìn nhận như thế nào?


– Đức Thế Tôn cũng là một nghệ sĩ trong cách thể hiện những bài kinh, bài pháp thoại của mình. Trong chùa lễ nhạc rất quan trọng. Các tu sĩ tụng niệm kinh cũng là một hình thức ca hát nhạc kinh. Khi xưa có nhiều nhạc sĩ, nhạc công trình diễn, hát cúng dường đức Phật. Với đạo Phật, nghệ thuật, âm nhạc là sự nâng đỡ tâm hồn, chuyên chở tư tưởng.